Những hậu phương lặng thầm, bền bỉ - Bài 1:

Từ “Bếp nhỏ nhà Hội” đến chuỗi tiếp tế suất ăn cho tuyến đầu

10/08/2021 - 06:07

PNO - Gần ba tháng qua, TPHCM phải gồng mình chống dịch COVID-19. Cán bộ, hội viên phụ nữ thành phố cũng không nằm ngoài cuộc chiến ấy.

LTS: Gần ba tháng qua, TPHCM phải gồng mình chống dịch COVID-19. Cán bộ, hội viên phụ nữ thành phố cũng không nằm ngoài cuộc chiến ấy. Dù có người nhiễm bệnh nhưng các chị vẫn không ngại nguy hiểm, khó khăn, luôn làm việc với tinh thần khẩn trương và đầy trách nhiệm.

Những ngày đầu tuần tháng Tám, Hội LHPN TPHCM đã kết nối trên 70 tấn thực phẩm, rau củ quả từ các đơn vị, các tỉnh thành như Quảng Nam, Thanh Hóa, Tây Ninh, Kon Tum… hỗ trợ cho các bếp ăn của Hội, lực lượng tham gia phòng, chống dịch, và người dân khó khăn tại các khu vực phong tỏa trên toàn địa bàn TPHCM. 

Dịch bệnh khiến nhiều người lâm vào hoàn cảnh khó khăn, nhưng ai cũng sẵn lòng san sẻ với đồng bào mình trong khả năng có thể. Chị em hội viên phụ nữ cũng tạm gác lại việc mưu sinh và gia đình riêng để chung tay góp sức chống dịch.

Cán bộ hội đổi vai thành đầu bếp

Trong đợt bùng phát dịch bệnh lần này, Q.Gò Vấp là nơi chịu nhiều “tổn thương” và cũng là quận đầu tiên thực hiện giãn cách. Đến nay đã hơn 60 ngày, cán bộ quận Hội LHPN Q.Gò Vấp gác lại công việc chuyên môn để đảm nhận nhiệm vụ làm hậu phương cho tuyến đầu. Hội huy động hơn 200 cán bộ hội viên phụ nữ tại các cơ sở, chi tổ Hội tham gia. Chị em liên tục đổi vai từ người bốc vác hàng hóa, phân chia thực phẩm, giao hàng miễn phí, hỗ trợ hậu cần đợt tiêm chủng mở rộng, cho đến làm đầu bếp. 

Hội LHPN Q.Gò Vấp hơn 60 ngày duy trì “Bếp nhỏ nhà Hội” hỗ trợ lực lượng tham gia chống dịch
Hội LHPN Q.Gò Vấp hơn 60 ngày duy trì “Bếp nhỏ nhà Hội” hỗ trợ lực lượng tham gia chống dịch

Bắt đầu lập bếp từ cuối tháng Năm, Hội LHPN Q.Gò Vấp trưng dụng khu bếp dành cho các lớp dạy nấu ăn thành “Bếp nhỏ nhà Hội”. Mỗi ngày, các chị có mặt ở bếp từ 7 giờ sáng và trở về nhà lúc trời tối mịt, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật. Đến nay, 10 thành viên Hội LHPN Q.Gò Vấp đã thổi lửa nấu hơn 72.000 suất cơm phục vụ các lực lượng tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch. 

Thực đơn hằng ngày của bếp được tất cả thành viên góp ý dựa trên hàng hóa Mạnh Thường Quân góp sức, nhưng vẫn đảm bảo đủ dinh dưỡng, ngon như cơm nhà. Có cà rốt, khoai tây… sẽ nấu canh xúp, có rau cải thì nấu canh rau thịt bằm, được tặng thịt heo, trứng vịt thì nấu thịt kho trứng. Cũng có ngày, bếp thay đổi bằng các món ăn như nui xào, cà ri gà, bò kho… nấu thêm nước chanh sả gừng, trà bí đao hay ép thêm chai nước cam.

Loay hoay trong bếp, chị Nguyễn Thị Lan - Chủ tịch Hội LHPN Q.Gò Vấp - chia sẻ: “Công việc tiếp diễn đều đặn mỗi ngày, có những ngày mệt rã rời, cũng lo sợ nguy cơ mắc bệnh, nhưng là người đầu tàu, tôi không cho phép mình ngã gục, luôn cố gắng lạc quan để truyền động lực cho “cả nhà”. Chín thành viên còn lại của bếp cũng vậy, ai cũng tự tiếp thêm năng lượng cho chính mình, vì cuộc chiến chống COVID-19 vẫn còn phía trước…”. 

Hơn hai tháng duy trì gian bếp nhỏ, cũng đôi khi các chị có ý định tạm ngưng việc nấu nướng vì hết kinh phí. Mạnh Thường Quân biết tin, gửi tặng hơn 20 triệu đồng để bếp tiếp tục thắp lửa. Những ngày sau, bếp nhận được rất nhiều hàng hóa, thực phẩm, lại có thêm động lực để duy trì cho đến hết những ngày giãn cách sắp tới. Đến nay, mỗi ngày “Bếp nhỏ nhà Hội” luôn “đỏ lửa” nấu 130 phần cơm, đóng hộp kỹ càng, chuyển đến lực lượng đang làm nhiệm vụ khi còn nóng hổi. 

Chuỗi bếp ăn đỏ lửa vì tuyến đầu

Góp sức duy trì các bếp cơm hỗ trợ lực lượng làm nhiệm vụ trong cuộc chiến chống COVID-19, Hội LHPN các quận, huyện và TP.Thủ Đức đã vận động nhiều nguồn lực, cán bộ hội viên phụ nữ cùng tham gia. Tại Q.Tân Phú, Hội LHPN quận hiện duy trì bốn bếp cơm từ câu lạc bộ nữ doanh nhân quận và tại các phường Sơn Kỳ, Tây Thạnh và Phú Thạnh. Các bếp chủ động về nguồn lực, kinh phí, cung cấp ổn định khoảng 700 suất/ngày. Trong thời gian bếp “đỏ lửa”, đã nhận được nhiều sự góp sức từ các đơn vị, Mạnh Thường Quân. 

Còn tại Q.4, Hội LHPN quận duy trì một bếp ăn của Quận Hội với 700 suất/ngày, và hai bếp ở cấp phường với tần suất khoảng 500 suất/ngày. 

Bếp cơm Hội LHPN P.14, Q.4 nấu khoảng 400 suất/ngày hỗ trợ các điểm phong tỏa
Bếp cơm Hội LHPN P.14, Q.4 nấu khoảng 400 suất/ngày hỗ trợ các điểm phong tỏa

Từ sáng sớm, chị Lê Hồng Ngọc - Phó chủ tịch Hội LHPN P.14, Q.4 - đã vận chuyển hàng hóa, thực phẩm đến bếp ăn của Hội, được đặt tại quán chay Diệu Vy trên đường Tôn Đản. Mỗi ngày, bếp thổi lửa nấu từ 400 - 450 suất cơm. Chị Lê Hồng Ngọc cho biết: “Quý tấm lòng của các chị em, dù quán đang tạm đóng cửa và gặp nhiều khó khăn từ việc trang trải tiền thuê mặt bằng, nhân viên nhưng chị Hồng Phúc - chủ quán cơm chay - đã cho mượn bếp, hỗ trợ đầu bếp nấu những bữa cơm ngon cho các lực lượng chống dịch và người dân các khu phong tỏa”. 

Sau khi các suất ăn được đóng hộp cẩn thận, chị Lê Hồng Ngọc cùng các bạn Nga, Vy… sẽ chở đến từng điểm phong tỏa, lực lượng làm nhiệm vụ, người già neo đơn, các bạn sinh viên và các gia đình ở trọ… Để bếp ăn liên tục đỏ lửa, Hội LHPN P.14 đã nhận được nhiều tấm lòng thơm thảo của các đơn vị. “Có gia đình nhiều thành viên là F0, nhưng vẫn gửi đến Hội 1 triệu đồng nhờ tiếp sức các hộ trong khu phong tỏa. Một người khác gửi đến các bạn tình nguyện viên mảnh giấy với dòng chữ được viết nắn nót: “Hãy liên hệ với tôi”. Sau khi trao đổi, Hội LHPN phường nhận được 8 triệu đồng hỗ trợ cho bếp ăn. Rồi hàng tấn rau củ, gạo, thực phẩm được tiếp sức từ quận và thành phố”, chị Lê Hồng Ngọc nói. 

Ngoài việc duy trì bếp ăn, Hội LHPN P.14 liên tục phân chia thực phẩm chuyển đến các khu vực phong tỏa, những gia đình khó khăn trong đại dịch. Cụ thể như gia đình cô Bê ngoài 60 tuổi, ngày ngày vẫn đi bán vé số nuôi người con trai mắc hội chứng Down. Trong giai đoạn giãn cách, cô không còn thu nhập, Hội tạm thời tiếp sức gia đình cô bằng các suất cơm, và sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ cô ổn định cuộc sống trong những ngày tới. 

Tại Q.Gò Vấp, từ ngày 23/7, Hội tổ chức thêm sáu bếp tại cơ sở hỗ trợ lực lượng ở các điểm tiêm vắc-xin. Mỗi ngày, các bếp nấu 425 suất cơm. Chị Nguyễn Thị Sương - Chủ tịch Hội LHPN P.8, Q.Gò Vấp - cho hay: “Bếp cơm của Hội LHPN phường nhận được sự giúp sức từ gia đình chị Loan và các chị Thương, chị Hiền. Bếp được đặt tại nhà chị Loan, nấu 75 suất/ngày”. 

Chị Loan là giáo viên. Chị Thương buôn bán nhỏ và ở trọ gần đó. Các chị đều tự nguyện góp sức chống dịch trong điều kiện của mình. Chị Loan chia sẻ: “Lần đầu tôi tham gia nấu bếp, không có kinh nghiệm nên khá vất vả. Ngày nào tôi cũng dậy từ 4 - 5 giờ sáng để chuẩn bị. Có chồng và người thân cùng hỗ trợ, tôi chỉ lo phần nấu các món xào, món canh. Còn món mặn có chị Thương lo. Cực vì là bếp gia đình, không có nồi đủ lớn nên cơm phải chia ra nấu từng nồi nhỏ rồi bỏ vào thùng giữ nóng”.

Mọi không gian trong nhà từ nhà bếp đến phòng khách đều được sắp xếp lại, dành khoảng trống phục vụ cho bếp ăn đặc biệt của Hội. Đúng 10g30 mỗi ngày, các chị lại sắp xếp và chở các suất cơm đến điểm tiêm vắc xin. 

Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, cán bộ và hội viên phụ nữ toàn thành phố đã rất nỗ lực và trách nhiệm.
Nhiều tháng liên tục, chị em cán bộ Hội đã không có nổi ngày thứ Bảy, Chủ nhật, không dám tiếp xúc gần với thành viên trong gia đình mình. Các chị chủ động, sáng tạo trong các hoạt động tuyên truyền, tích cực tham gia công tác hậu phương, hỗ trợ tuyến đầu chống dịch, tiếp sức chăm lo phụ nữ, trẻ em, gia đình khó khăn. Đã có chị bị nhiễm bệnh khi làm nhiệm vụ, Hội LHPN TP.HCM cũng đã kịp thời thăm hỏi, động viên đến các cấp Hội, đến các chị và gia đình. 

Chủ động trong công tác phòng, chống dịch, Hội LHPN TP.HCM đã kết nối và phân bổ về các bếp ăn của Hội, Hội cơ sở hàng trăm tấn hàng hóa, lương thực hỗ trợ đến người dân các khu phong tỏa. “Gian hàng 0 đồng” hay “Bếp yêu thương”, “Bếp nhỏ nhà Hội”, “Bếp ăn nghĩa tình”, “Tủ bánh mì nghĩa tình”, “Góc bếp nghĩa tình”… kịp thời chia sẻ khó khăn với phụ nữ và người lao động, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Các chị đã nấu gần 2 triệu suất ăn và các loại nước uống dinh dưỡng hỗ trợ lực lượng tham gia phòng, chống dịch, người dân khu phong tỏa, người già yếu neo đơn, bệnh tật, phụ nữ mang thai… 

“Bếp ăn nghĩa tình” ngày càng được lan tỏa, nhân rộng ở các cấp Hội. Đến nay đã có 183 bếp nhà Hội đỏ lửa nấu trên 36.000 suất ăn, nước uống mỗi ngày. Trong đó, nhiều bếp được duy trì liên tục hơn hai tháng liền với những “đầu bếp không chuyên” là cán bộ, hội viên phụ nữ. 

Hội LHPN TP.HCM trân trọng và ghi nhận tất cả. Mong chị em tiếp tục giữ vững tinh thần, sức khỏe, là nòng cốt trong các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19, lan tỏa những việc làm tích cực, ý nghĩa đến cộng đồng.

Nguyễn Trần Phượng Trân - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM

Song An
(Còn nữa)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI