Đình làng nổi tiếng xứ Huế chờ sập

28/03/2023 - 06:12

PNO - Trước sức ép của đô thị hóa và sự tàn phá của thiên nhiên, nhiều di tích đình làng ở TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đang bị xuống cấp trầm trọng, đứng trước nguy cơ trở thành phế tích.

Di tích cấp tỉnh kêu cứu
Cũng như nhiều ngôi làng khác ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, An Cựu là ngôi làng cổ có tuổi đời trên 500 năm. Gắn với lịch sử phát triển của ngôi làng này là di tích đình An Cựu - ở kiệt 33 An Dương Vương, TP Huế, được tiền nhân xây dựng để làm nơi tổ chức các hoạt động cộng đồng quan trọng của làng. 

Đình làng An Cựu có kiến trúc nhà rường truyền thống với không gian sân vườn, nhà cửa hài hòa, đầm ấm nhưng rất uy nghiêm. Ngôi đình có kết cấu 3 gian chính nằm ở giữa, bên trái và bên phải có thêm 1 gian phụ đối diện nhau. Năm 2008, đình làng An Cựu được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh. 

Một phần mái đình làng An Cựu đã đổ sập xuống đất
Một phần mái đình làng An Cựu đã đổ sập xuống đất

Điều xót xa là hiện tại, người dân phải dùng những thanh tre khô cột chặt ở cửa để giữ các cánh cửa gỗ không bị rớt xuống. Phía trên mái ngói, xuất hiện nhiều điểm vụn vỡ, thanh gỗ trơ trọi, mục nát, vách tường bị bong tróc từng mảng lớn, 2 dãy nhà tả, hữu hư hỏng đã lâu, nay trở nên hoang tàn. Bên trong ngôi đình làng, các cấu kiện bằng gỗ trên các án thờ thành hoàng làng, các họ tộc khai canh đã bị rỗng nát, nhiều chiếc kèo bị gãy được chống sập bằng ống sắt, trông rất nhếch nhác, kiệu thờ, bài vị bằng gỗ cũng bị xiêu vẹo, mục nát. 

Anh Châu Văn L. - sống gần đình làng An Cựu - nói: “Mỗi tháng 2 lần, tôi cùng bà con xung quanh đều đặn đến đình để thực hiện nghi lễ thờ cúng. Là một người con của làng, tôi rất lo lắng trước tình trạng xuống cấp của đình làng vì đó là giá trị văn hóa, tinh thần của tất cả chúng tôi. Mong sao ngôi đình được nhà nước quan tâm, tu bổ kịp thời trước khi nó sập xuống”.

Là người được hội đồng tộc trưởng làng An Cựu giao phó trách nhiệm bảo vệ đình làng, ông Trương Sáu không khỏi chạnh lòng về hiện trạng đình làng, nhưng đành “lực bất tòng tâm”, bởi việc trùng tu đình làng hơn 500 tuổi này vượt ngoài khả năng của ông cũng như toàn bộ hội đồng tộc trưởng: “Chúng tôi cũng như toàn bộ con dân làng An Cựu luôn mong các cấp quan tâm để sớm tu bổ, giữ gìn di sản quý báu mà ông cha để lại”. 

Năm 2023, trùng tu, tôn tạo 4 đình làng 

Không chỉ đình làng An Cựu, nhiều di tích đình làng khác ở TP Huế cũng trong tình trạng tương tự, như đình làng Dương Xuân Hạ, đình làng Phú Xuân, đình làng Xuân Hòa… 

Người dân sống cạnh đình làng An Cựu phải dùng những thanh tre khô cột chặt để các cánh cửa gỗ không bị rớt xuống
Người dân sống cạnh đình làng An Cựu phải dùng những thanh tre khô cột chặt để các cánh cửa gỗ không bị rớt xuống

Đình làng Dương Xuân Hạ ở tổ dân phố 12, phường Thủy Xuân. Mái đình làng này đã hư hại hoàn toàn, các cấu kiện bằng gỗ mục ruỗng gần hết, vách tường bị thấm dột, rêu mốc, mục nát và bong tróc từng mảng lớn. Riêng am miếu thờ cổ ở bên trái sân đình đã biến dạng.

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Bí thư chi bộ tổ dân phố 12, phường Thủy Xuân - kể, đình làng Dương Xuân Hạ gắn liền với quá trình đô thị hóa ở Huế từ những năm cuối thế kỷ XIX cho đến nay. Đây là nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa cộng đồng, trung tâm đoàn kết dân làng. 

Đình được dựng trên ngọn đồi có miếu Vũ Sư thuộc ấp Dương Hòa với diện tích 7.160m2, gồm các công trình kiến trúc như bậc cấp, miếu âm linh, trụ biểu, bình phong, miếu thờ thành hoàng, tả vu, hữu vu, tiền đường, chánh điện, miếu cổ để làm nơi thờ phụng thần linh và các bậc tiền hiền, hậu hiền các dòng họ đã có công khai canh, khai khẩn lập làng. Đình làng Dương Xuân Hạ còn là di tích có giá trị nổi bật về mặt lịch sử, liên quan đến các cuộc đấu tranh yêu nước và cách mạng của nhân dân Thủy Xuân anh hùng.  

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phân công cho UBND TP Huế quản lý trực tiếp 33 di tích, gồm 12 di tích cấp quốc gia và 21 di tích cấp tỉnh, trong đó có 16 đình làng. Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích đã được xếp hạng, đồng thời đảm bảo tính pháp lý và khoa học của hồ sơ di tích, UBND TP Huế vừa phối hợp với Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế và UBND các phường, xã khảo sát, nhất trí phương án điều chỉnh hồ sơ một số di tích đã được xếp hạng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Lê Nhật - Chủ tịch UBND TP Huế - cho biết, trong những năm qua, lãnh đạo UBND TP Huế rất trăn trở tìm nguồn vốn để lập dự án trùng tu các đình làng cổ nổi tiếng đang xuống cấp trầm trọng. Đó là di sản quý, cần được xử lý khẩn cấp. Lãnh đạo thành phố đã nhiều lần nhận đơn kiến nghị, cầu cứu của bà con. Qua nhiều kỳ họp HĐND TP Huế, qua làm việc với các nhà nghiên cứu Huế, đại diện các phường cùng các ban ngành, đến cuối năm 2022, lãnh đạo UBND TP Huế đã quyết định: trong năm 2023, sẽ đầu tư hơn 26 tỉ đồng để trùng tu, tôn tạo 4 đình làng. 

Nhiều năm nay ông Trương Sáu - Ban Đại diện làng An Cựu - đã nhiều lần làm đơn phản ánh sự xuống cấp trầm trọng của đình làng An Cựu
Nhiều năm nay ông Trương Sáu - Ban Đại diện làng An Cựu - đã nhiều lần làm đơn phản ánh sự xuống cấp trầm trọng của đình làng An Cựu

Các đình làng nằm trong danh mục đầu tư kinh phí để tôn tạo, sửa chữa gồm Dương Xuân Hạ (phường Thủy Xuân), Kim Long (phường Kim Long), Xuân Hòa (phường Hương Long) và An Cựu (phường An Cựu). Đây là những đình làng đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Các hạng mục chính được ưu tiên trùng tu, sửa chữa gồm: tu bổ, tôn tạo, phục dựng lại toàn bộ đình, trụ biểu, bình phong, tả vu, hữu vu, miếu thành hoàng, chống mối mọt toàn bộ khu vực đình rồi lát sân trước đình, vệ sinh, phục hồi cổng. 

“Hiện, đình Kim Long đã hạ giải toàn bộ, hội đồng đánh giá di tích để hỗ trợ theo dõi, giám sát và đánh giá hiện trạng các cấu kiện, giải pháp tháo dỡ và trùng tu di tích trong quá trình thi công dự án. Ngoài ra, UBND phường An Cựu đã ban hành quyết định về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 5 để triển khai dự án trùng tu di tích đình làng An Cựu” - ông Võ Lê Nhật thông tin. 

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI