Điều không bình thường ở Trường Mầm non Doi Lầu

28/06/2014 - 08:21

PNO - PN - Một nhân viên kế toán bị hiệu trưởng ra quyết định kỷ luật rồi lại hủy quyết định kỷ luật. Sau đó cô lại bị ông trưởng phòng giáo dục kỷ luật... Điều gì đang diễn ra ở Trường mầm non Doi Lầu và...

edf40wrjww2tblPage:Content

Trường Mầm non (MN) Doi Lầu đi vào hoạt động từ tháng 8/2011. Ngay từ đầu, hiệu trưởng trường là bà Đỗ Thị Nõn và kế toán là cô Bùi Thị Diễm Nga đã không có sự thống nhất trong công việc, vì hiệu trưởng không tuân thủ các nguyên tắc trong quản lý tài chính. Theo tường trình của cô Nga gửi Trưởng phòng GD-ĐT huyện Cần Giờ, năm học 2011-2012, Trường MN Doi Lầu được Trường MN Hoa Hồng (Q.7) - là trường kết nghĩa - tặng 48 triệu đồng, sau đó lại được Trường MN tư thục Bình Minh (Cần Giờ) tặng 10 triệu đồng nữa, nhưng bà Nõn không cho mở sổ thu-chi nên cô Nga không hề biết số tiền trên được chi vào việc gì.

Khi thanh tra Phòng GD-ĐT huyện về làm việc, để hợp thức hóa số tiền trên, bà Nõn yêu cầu cô Nga mở sổ thu chi, “chẻ” nhỏ khoản tiền trên thành 10 khoản chi gồm mua loa - micro, quà 8/3, lễ tết, tham quan và chi mua đồ về nấu nướng tiếp khách... Vì những khoản chi vừa nêu đều “khống” - lập danh sách và bắt giáo viên - nhân viên ký tên nhưng không được nhận tiền, vả lại khoản tiền trên là các trường bạn tặng cho các cháu chứ không phải tặng các cô, nên cô Nga không chấp nhận việc làm này. Cuối cùng, bà Nõn phải trả lại 58 triệu đồng cho trường.

Dieu khong binh thuong o Truong Mam non Doi Lau

Trường MN Doi Lầu. Nguồn ảnh: Internet.

Tháng 2/2012, Trường MN Doi Lầu mở bán trú, tất cả các khâu từ đi chợ, tiếp phẩm, thu chi… phục vụ bán trú đều thực hiện theo chỉ đạo của hiệu trưởng và đều sai nguyên tắc tài chính. Đúng nguyên tắc, kế toán và nhân viên phụ trách y tế học đường phải được tham gia vào quá trình tiếp phẩm, nhưng bà Nõn đã loại bỏ hai người này, chỉ để hai nhân viên là bà con của mình phụ trách. Việc chi tiền chợ cũng theo kiểu vừa lên thực đơn, vừa đi chợ, vừa kê đơn giá, vừa ký hóa đơn bán hàng…

Cách làm này khiến kế toán không thể kiểm soát được giá cả, chất lượng cũng như số lượng hàng hóa mua về, khẩu phần ăn bán trú của trẻ bị đội giá, trong khi các cháu đều là con em lao động nghèo. Chưa hết, bà Nõn còn thực hiện hầu hết các giao dịch “mua hàng hóa” từ sách vở, văn phòng phẩm, đồ chơi, nước tẩy rửa, nước xịt phòng, bột giặt, các loại thiết bị điện, keo dán, ống nước, gas… từ những người thân của mình là bà Nguyễn Thị Trắng (chị ruột), ông Nguyễn Văn Sáng (chồng) và bà Võ Thị Pha (má chồng). Việc chuyển khoản cho những người này lại thường không đúng nguyên tắc khi cố tình “chẻ” nhỏ các hóa đơn dưới năm triệu đồng để tránh làm hợp đồng và bảng báo giá theo quy định.

Kết quả thanh tra số 1580/KLTTr-GDĐT ngày 12/8/2013 của Phòng GD-ĐT huyện Cần Giờ cho thấy những sai phạm của bà Nõn trong công tác quản lý tài chính là rất rõ ràng. Cụ thể, từ lúc thành lập trường đến thời điểm thanh tra (tháng 8/2013), việc mua hàng hóa từ văn phòng phẩm, đồ dùng dạy học… phần lớn đều từ người thân của bà Nõn; chưa thực hiện việc nộp 40% học phí về kho bạc; việc phân công công tác phục vụ bán trú chưa hợp lý, các hóa đơn mua thực phẩm đều dùng hóa đơn bán lẻ. Về 58 triệu đồng tiền hỗ trợ từ các trường bạn, chứng từ thu chi chưa đúng nguyên tắc tài chính, đều sử dụng hóa đơn bán lẻ và chủ yếu mua hàng từ người thân.

Kết luận thanh tra khẳng định: “Việc giao dịch, mua bán hàng hóa đối với người thân của hiệu trưởng là sai quy định tại khoản 3, điều 37 của Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Cán bộ, công chức. Việc chuyển khoản cho các đơn vị cung cấp hàng hóa, vật tư thực hiện chưa đúng theo hướng dẫn của kho bạc nhà nước huyện. Công tác quản lý tài chính từ các nguồn hỗ trợ từ các đơn vị khác chưa đúng các quy định hiện hành”.

Điều lạ là sau khi có kết quả thanh tra nói trên, ngày 1/10/2013, bà Đỗ Thị Nõn - người mắc sai phạm, lại ra quyết định kỷ luật khiển trách cô Bùi Thị Diễm Nga - người đang làm việc theo hợp đồng lao động ký với Phòng GD-ĐT huyện Cần Giờ - vì “không chấp hành sự phân công, chỉ đạo của cấp trên”(!?). Sau đó, bà Nõn phải ra quyết định hủy bỏ quyết định nói trên. Tiếp theo, ngày 18/10/2013, Phòng GD-ĐT Cần Giờ ra quyết định 2124/QĐ-GDĐT kỷ luật “khiển trách” cô Bùi Thị Diễm Nga vì “thiếu trách nhiệm trong công tác tham mưu để xảy ra những sai phạm của hiệu trưởng” (dù trong kết luận thanh tra không thể hiện điều này), đồng thời cô Nga cũng bị điều động sang một trường học khác, xa nơi ở khoảng 30km.

Ngày 5/6, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Cần Giờ là ông Dương Văn Thư mời cô Nga đến để đưa quyết định hủy kỷ luật “khiển trách”. Phòng GD-ĐT Cần Giờ còn có văn bản số 918/GDĐT ngày 3/6/2014 điều chỉnh nội dung kết luận thanh tra, hủy bỏ phần nội dung: “Việc giao dịch, mua bán hàng hóa đối với người thân của hiệu trưởng là sai quy định tại khoản 3, điều 37 của Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Cán bộ, công chức”.

Tại sao phải hủy bỏ một nội dung quan trọng trong kết luận thanh tra? Bà hiệu trưởng Đỗ Thị Nõn có bị kỷ luật và bị kỷ luật ở mức nào? Quyết định kỷ luật đối với cô Bùi Thị Diễm Nga có gì chưa hợp tình hợp lý?… là những vấn đề cần phải được làm rõ trong vụ việc tiêu cực tại trường MN Doi Lầu, huyện Cần Giờ. Trước những câu hỏi trên, ông Dương Văn Thư - Trưởng phòng GD-ĐT Cần Giờ đã trả lời chúng tôi: “Sẽ báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của UBND huyện về những nội dung trên. Nếu UBND huyện cho phép, Phòng GD-ĐT sẽ cung cấp thông tin”.

 Minh Nhật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI