Diễn viên Nhã Uyên: Tình yêu nói với tôi rằng tôi phải sống

15/05/2022 - 06:20

PNO - Từ những buồn đau trong quá khứ đến thực tại khắc nghiệt, Nhã Uyên có nhiều hơn một lần muốn nói lời từ giã cuộc đời. Thế nhưng sau cùng, cô chọn cách đối đầu thay vì trốn chạy. Bởi giống như hai mặt của một đồng xu, có lý do để con người chối bỏ sự sống thì cũng có chừng đó điều tươi đẹp khác níu giữ họ ở lại.

 Năm 18 tuổi, lần đầu bước chân vào Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, Nhã Uyên nhận ra khác biệt giữa mình với bạn bè trang lứa. Cô không mang vẻ đẹp kiều nữ như đại đa số, bản tính lại không hay nói lời ngon ngọt, chiều lòng người khác nên sớm dự cảm rằng hành trình làm nghề sẽ lắm chông gai. Thế rồi chông gai, trở ngại thật, hệt như chuyện đời mà cô đã trải qua.

Trước truyền thông, Nhã Uyên không ngại kể về quá khứ của bản thân, căn bệnh trầm cảm và lật giở những nhơ nhớp, rẻ mạt lẫn vinh quang của nghề. Cô kể ra không phải để minh chứng hành trình khốc liệt của bản thân mà muốn tìm kiếm sự chia sẻ, thấu hiểu. Giống như phim điện ảnh Đêm tối rực rỡ mà cô cùng chồng - đạo diễn Aaron Toronto - và toàn bộ ê-kíp đã thực hiện, ngày phim ra rạp cũng là ngày Nhã Uyên cởi bỏ được những nặng nề trong tâm hồn. Với cô, giãi bày cũng là cách cứu rỗi.

Tại Liên hoan phim Santa Fe 2022
Tại Liên hoan phim Santa Fe 2022

Lời thề danh dự với nghề

Phóng viên: Đêm tối rực rỡ là bộ phim độc lập hiếm hoi của Việt Nam có sức sống ngoài rạp bền đến vậy. Hành trình phim đang đi có đúng như kỳ vọng của chị? 

Diễn viên Nhã Uyên: Trong phim Đêm tối rực rỡ, tôi kiêm nhiều vai trò, từ diễn viên đảm vai Xuân Thanh, đồng biên kịch cùng chồng (anh cũng chính là đạo diễn của phim) đến vai trò nhà sản xuất. Giống như bao nhà làm phim khác, tôi mong phim thắng để có cơ hội làm tiếp dự án mới vì nếu thua, các nhà đầu tư sẽ không còn muốn đồng hành.

Với tín hiệu của phim, tôi rất mừng khi khán giả hiện tại đã khác trước. Họ chọn xem phim phản ánh hiện thực xã hội, nặng tâm lý thay vì chỉ xem hài - tình cảm. Họ sẵn sàng thể hiện sự yêu/ghét trên mạng xã hội để những nhà sản xuất như tôi biết phim của mình như thế nào. Có nhiều khán giả lạ dành lời khen, góp ý với ê-kíp và tôi đọc được, thấy biết ơn họ vô cùng. Lời khen hay chê tôi đều ghi nhận vì tác phẩm như đứa con đã sinh ra, mà sinh ra rồi thì nó tự khắc lớn lên, cha mẹ không thể can thiệp. 

* Bộ phim giúp chị nhận được giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Santa Fe 2022 - một trong những liên hoan phim độc lập hàng đầu tại Mỹ. Chị nghĩ mình xứng đáng hay do may mắn?

- Khi người trao giải xướng tên tôi, vì họ đánh vần không rõ nên tôi ngồi bên dưới cứ ngơ ngác, còn trách sao ai đó không lên nhận giải. Vài giây sau, một người trong ban tổ chức gọi rõ hơn và tôi biết họ đang gọi mình. Tôi bất ngờ vô cùng, bước lên sân khấu nói lời cảm ơn và đi xuống nhanh chóng như bị sốc. 

Lúc sau, tôi hơi tiếc nuối một chút. Tôi ước giá như chồng mình là người nhận giải sẽ tốt hơn vì không có anh thì không có Đêm tối rực rỡ. Anh là người đốt lửa, động viên tôi vì nhiều lúc tôi nản, không muốn tiếp tục làm. Tôi nói anh đừng làm phim nữa mà tìm việc gì ổn định hơn để đủ sống vì làm phim cực quá. Mỗi tháng, tiền nhà, tiền điện nước, tiền học phí cho con khiến chúng tôi gặp áp lực rất nhiều. 

Tối đó, tôi khóc với chồng. Tôi nói bản thân không muốn nhận giải này vì giải thưởng như thể số phận bắt tôi làm việc tiếp trong khi tôi quá mệt mỏi. Chồng bảo tôi: “Em đừng nghĩ thế. Mười mấy năm qua em hy sinh nhiều thứ mới được giải này. Nếu cuộc đời không bất công, không đặt ra nhiều thử thách thì em không viết được kịch bản và đóng được phim. Đây là lúc cuộc đời trả lại cho em”.

Thật sự, tôi không sẵn sàng làm phim vì tôi có nhiều trải nghiệm trong nghề không tốt. Tôi cũng không dám làm, sống và mộng mơ như chồng tôi.  

Thời gian đóng phim, Nhã Uyên đang ở tháng thứ tám của thai kỳ
Thời gian đóng phim, Nhã Uyên đang ở tháng thứ tám của thai kỳ

* Trải nghiệm trong nghề của chị u tối, nhiều chướng ngại thế nào?

- Khi mới bước chân vào Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, tôi hơi buồn. Tôi được dạy theo kiểu mình phải bắt chước người khác, họ diễn thế nào, mình lặp theo như vậy. Sau này, có nhiều anh chị trong nghề nói tôi diễn hài đi, chỉ cần lặp lại cách các anh chị chỉ là được nhưng tôi không thể làm. Mọi người bảo do tôi “mắc bệnh” có lý, nghĩa là thấy sự việc không logic, không hiểu là tôi không làm. 

Tôi thấy mình không xấu nhưng không sở hữu cái đẹp mà đại đa số người Việt Nam thích. Khi đó, trên thị trường, mọi người chuộng dòng phim hài tình cảm, tôi lại không thể đảm nhận nên xuống tinh thần. Cả thị trường đang cùng đi một hướng, tôi chọn hướng ngược lại thì rất khó để tôi có cơ hội làm nghề.

* Khó khăn này, tôi e nhiều diễn viên khác cũng gặp phải nhưng như chị thấy, có nhiều diễn viên không đẹp vẫn định danh được trên thị trường đó thôi. Áp lực này chưa phải quá sốc...

- Đúng, không phải ai cũng có trải nghiệm giống tôi, mỗi người một trường năng lượng. Phụ nữ yếu đuối khiến đàn ông muốn bảo vệ còn tôi không muốn thuần phục người khác, đúng sai rõ ràng và tôi rất muốn chứng minh thực lực, không thỏa hiệp. 

Trong nghề này, khi mới đi làm, tôi bị lừa gạt. Họ kêu tôi đóng phim nhưng đóng xong họ không trả tiền hoặc có trả nhưng gian lận, cố gắng tính thiệt cho diễn viên. Giai đoạn đó mới vô trường, đi đóng phim tự lo toàn bộ chi phí nên rất cực khổ. 

Trong giới này, việc lạm dụng, quấy rối nhiều vô cùng. Đợt đó, có anh trong đoàn rủ tôi ra nhậu, chưa biết điều gì chờ đợi mình nên tôi đi. Rồi người đó giả say, vờ nắm tay, hôn tôi. Tôi không chấp nhận, hất tay rồi nói: “Em không phải loại người vậy. Em không bán thân”. Người đó điên lên, chửi bới tôi. Tôi đứng lên đi về. Lần khác, người đàn ông đó gọi đến cho tôi, báo: “Anh và đạo diễn chọn em. Em có thành ý gì không?”. Tôi hiểu hai chữ thành ý đó và rất bực. Rồi lần kia, người anh đồng nghiệp mà tôi quý trọng ngay trong ngày tôi được nhận vai đã nhắn tin: “Tối nay qua phòng anh”…

Trong phim Đêm tối rực rỡ, Nhã Uyên đảm nhận vai diễn nặng tâm lý, dằn vặt nỗi đau quá khứ
Trong phim Đêm tối rực rỡ, Nhã Uyên đảm nhận vai diễn nặng tâm lý, dằn vặt nỗi đau quá khứ

* Hơn 10 năm qua, chị chật vật trong nghề nhưng không phải là không có thành tựu với Trái tim bé bỏng, Huyền thoại 1C, Lục lạc huyền bí và hàng ngàn giờ trên sân khấu kịch. Hành trình làm nghề vất vả nhưng đáng nhớ đấy chứ?

- Tình yêu đầu tiên của tôi không với người đàn ông nào mà với nghề. Có những người đến khi chết đi, họ cũng không biết mình muốn làm gì trên đời, còn tôi ngược lại, tôi biết mình muốn làm gì cho cuộc đời ngay từ nhỏ. Nghệ thuật là thánh đường, không có gì thay đổi được dù nhiều lúc áp lực khiến tôi nản chí.

Tôi biết ưu, khuyết điểm của bản thân nên chủ động tìm kiếm vai diễn phù hợp. Khi thử vai phim Lục lạc huyền bí của đạo diễn Mỹ Khanh, cô hỏi tôi muốn đóng vai thế nào, tôi nói muốn đóng vai quái tính. Tôi nhận vai Dương Huyền Lam - cô nàng mê bói toán, tóc dài thắt bím, ngoại hình nhỏ xinh. 

Đến phim của đạo diễn - NSND Nguyễn Thanh Vân, tôi được nhận vai vì vẻ mặt mang nỗi đau chiến tranh. Tôi nhớ ngày thử vai, tôi bị sốt tưởng chừng ngất xỉu. Vậy nhưng biết đây là cơ hội lớn nên bằng mọi giá, tôi quyết tham dự. Không ngờ bệnh tật giúp tôi có được dung mạo đạo diễn cần bởi xung quanh tôi ngày đó toàn là diễn viên đẹp.  
Hành trình đã qua của tôi có trải nghiệm tệ hại nhưng cũng có những khoảnh khắc vô cùng ý nghĩa. Tôi nhớ có thời gian từ khoảng ba đến năm năm, tôi gắn bó với sân khấu kịch, diễn ít nhất năm suất mỗi tuần. Tính sơ, tôi có khoảng 10.000 giờ rèn nghề trên sân khấu. Tôi cứ chăm chỉ làm việc, cố gắng từng ngày, tìm mọi cách sống thật với cảm xúc của mình để dù phải hóa thân, tôi không thấy mình quá gượng gạo.

Sau này, khi làm công việc sản xuất, casting diễn viên cho phim, tôi luôn nói với diễn viên trẻ rằng các bạn đừng ngại thử thách, làm những ý tưởng táo bạo vì biết đâu, lúc sống thật lại là khi ghi điểm.

* Dù có nhiều chuyện không hay, chị vẫn bền gan với nghề đến mức lì lợm, vì sao?

- Vì tôi biết nếu bỏ nghề, tôi sẽ đau khổ hơn. Quê tôi ở Châu Đốc, An Giang, vùng đất không phải quá nghèo nhưng thời điểm đó, quyết định vào Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM của tôi không khác ý tưởng của một người trẻ mơ mộng. Khi biết trường tôi định thi, mọi người “trao” cho tôi giải “vượt qua mặc cảm”.

Nền tảng gia đình không thuận lợi cho ước mơ nghệ thuật nhưng bản thân biết mình muốn gì nên tôi cố gắng. “Nghề này mà nghèo thì khó làm lắm!”, “Làm nghề này không đẹp thì khó thành công lắm!”... Đó là thế gian nói, còn mình chưa thử thì sao biết không làm được. 

Bao năm qua, tôi giữ một niềm tin kỳ lạ là mọi nỗ lực đều sẽ được đền đáp. Lên Sài Gòn, cuộc sống rất khó khăn, đối diện nhiều buồn bực nhưng hôm nào diễn được, người tôi lâng lâng. Đó là cảm xúc hạnh phúc không thể nào đánh đổi được. Làm nghề nào cũng khó khăn nhưng khó khăn với công việc mà mình thích mang lại cảm giác dễ chịu hơn. 

Chiếc ôm hồi sinh từ chồng 

* Kịch bản Đêm tối rực rỡ được viết từ trải nghiệm thực tế của chị và hành trình sống tại Việt Nam trong 20 năm qua của đạo diễn Aaron Toronto. Anh chị đã có một phần đời nhiều trở ngại đến thế sao?

- Kịch bản gai góc một phần đến từ tâm hồn của tôi, anh Aaron Toronto giúp tôi hoàn thiện. Thời điểm viết kịch bản là những ngày tôi căng thẳng nhiều vì chuyện cơm áo, làm mẹ, cảm xúc rối loạn, trong lòng bao giờ cũng như lửa đốt không thể kìm lại sự tức giận. Mỗi lần không kiểm soát được, tôi la mắng con. Người bình thường nghĩ một cách đơn giản là vì con lì nên mình la còn tôi biết mình mắc bệnh tâm lý, trầm cảm nên mỗi lần la con xong, tôi cảm thấy có lỗi, thấy mình không phải là người mẹ tốt, là nguyên nhân gây ra nỗi đau trong gia đình. 

Bạo lực gia đình là vòng luẩn quẩn. Ba mẹ đã dạy tôi thế nào, tôi dạy con tôi như vậy. Tôi không biết sống sao cho đúng nên thậm chí đã nghĩ đến cái chết. Tôi nói với anh Aaron rằng: “Chúng ta ly hôn, anh mang con đi tìm người mới đi vì em không biết cách làm người mẹ tốt, không biết cư xử đúng đối với con”.

Tôi không như nhân vật Xuân Thanh nhiều lần cắt tay tự tử, tự cào cấu chính mình. Gia đình tôi cũng không nợ nần chồng chất như gia đình trên phim. Những tình tiết đó là hư cấu để tăng cao trào cho phim. Còn lại nhân vật và câu chuyện trên phim nhiều phần là trải nghiệm quá khứ của tôi cộng với những gì tôi quan sát được. Nhiều người nói tôi làm phim như vậy chắc yêu thương và tâm lý với con lắm nhưng… những người bạo hành lại có xu hướng bạo hành người khác. Tôi vẫn đang trong hành trình học làm mẹ.

“Trong nghề này, cạm bẫy khắp nơi. Nếu yếu lòng, nhẹ dạ, bạn sẽ bị lợi dụng. Cô bạn tôi từng không có cơ hội trong nghề, chấp nhận đánh đổi và bị lừa gạt. Nỗi đau đó theo bạn suốt cuộc đời, đến giờ bạn không còn làm nghề nữa. Thứ quan trọng nhất đối với tôi khi bước vào nghề là tác phẩm, tôi không muốn chơi trò chơi tình ái để rồi sau đó có được vai diễn”. 

Diễn viên Nhã Uyên

* Chồng chị đồng hành cùng chị ra sao trong những ngày khó khăn tìm niềm vui sống giúp quên đi ý nghĩ giải thoát kia?

- Tôi phát hiện mình mắc bệnh tâm lý kể từ khi lấy chồng. Anh Aaron Toronto lớn lên trong gia đình đầy đủ tình thương, lại sống ở phương Tây nên khi thấy cách cư xử của tôi, anh biết ngay tôi bất thường. Rõ nhất là những lúc anh hỏi: “Em đang giận anh à?”, tôi hét lớn: “Em không hề giận”. Cứ mỗi lần như thế, anh ôm tôi vào lòng, anh đau nỗi đau mà tôi mang, chứ không thấy sợ một người vợ đang lên cơn. Chúng tôi có cãi nhau nhưng tôi nghĩ chúng không xuất phát từ cuộc sống thực tại mà do những tổn thương trong quá khứ của tôi. Tôi mất rất nhiều năm để cảm nhận cảm xúc thật sự của bản thân.

Anh Aaron hiểu tôi nên có một quy luật duy nhất, là tôi muốn gì cũng được ngoại trừ chuyện ly hôn. “Anh đã cưới em thì anh và em sẽ cùng nhau đi suốt cuộc đời. Em nóng giận thì khi bình tĩnh mình nói chuyện, đừng buông tay nhau”, anh nói. Khi thấy người đàn ông đó yêu thương đủ nhiều, muốn chở che cho mình, tôi cũng tự nỗ lực để cuộc hôn nhân tiếp tục cho dù chuyện gì xảy ra. Chúng tôi tha thứ cho nhau. Tôi biết ơn vì chồng vừa là người yêu vừa là bạn thân, là bác sĩ, là thầy. Anh là người cho tôi biết tình yêu không điều kiện là gì, người yêu người thật sự là thế nào. Tôi như người trúng độc đắc đấy (cười).

Đặt bản thân trong tâm thế của một người có ưu, khuyết điểm 

* Bệnh tâm lý của chị hiện như thế nào, vì tôi thấy Xuân Thanh trên phim vẫn còn đó những ẩn ức chưa thể giãi bày?

- Tôi mắc bệnh tâm lý suốt một thời gian dài nên đâu dễ một sớm một chiều mà chữa được. Hành trình chữa bệnh là hành trình đi tìm hiểu chính mình. Chuyên gia tâm lý chỉ dẫn dắt để bản thân tự hóa giải. Họ không bảo mình phải làm gì, tự tôi tháo gỡ những khúc mắc của mình.

Trong quá khứ, làm gì tôi cũng bị chỉnh sửa, không ít thì nhiều, nên tôi không biết điều đó đúng hay sai. Đôi lúc, tôi không biết khi trả lời tin nhắn, mình cười “hihi” hay “haha” mới phải. Tôi luôn mang tâm lý lo sợ bị người khác phán xét. 

Để vượt qua, tôi chấp nhận bản thân không hoàn hảo. Tôi là người biết sửa sai, hối cải. Lỡ làm gì tổn thương chồng con, tôi biết xin lỗi. Đặt bản thân trong tâm thế của một người có ưu, khuyết điểm, tôi thấy nhẹ lòng. Khi nóng giận, la mắng con, tôi biết mình cần xoa dịu, bù đắp ngược lại cho con. Tôi nói với con: “Mẹ có vấn đề, mẹ hay nóng tính, hay giận nhưng mẹ yêu con nhất trên đời. Đâu phải lúc nào mẹ cũng quạu quọ, có lúc mẹ vui vẻ, dành tình thương cho con đó thôi”. Mọi người đòi hỏi bản thân phải hoàn hảo, đó là gánh nặng quá lớn mà mình không thể gánh nổi, đặc biệt đối với người mắc tâm lý. 

Trailer Đêm tối rực rỡ

 

* Cái kết trong Đêm tối rực rỡ là cảnh Xuân Thanh đặt tay lên chân của cha, ẩn ý về sự tha thứ của con với lầm lỗi của bậc sinh thành. Trong gia đình Việt vẫn thường có tư tưởng vì chung dòng máu nên mọi lỗi lầm đều có thể hóa giải, chị có ủng hộ quan niệm này?

- Xuân Thanh tha thứ khi cha cô nói ra lời xin lỗi trước đó. Khi viết câu xin lỗi, tôi thấy có phần sai vì với cha mẹ châu Á, khi hối lỗi, cùng lắm họ nói chuyện nhẹ giọng, gọi con xuống ăn cơm hoặc gọi điện thoại nói chuyện như không có gì xảy ra... Tuy nhiên, khi làm nghệ thuật, tôi nghĩ phim vừa phải chân thật vừa phải hướng đến điều mà tôi muốn xã hội này thực hiện: có lỗi phải biết hối cãi. Nếu muốn chứng tỏ mình là người trưởng thành thật sự thì khi phạm sai lầm phải biết ăn năn và nói lời xin lỗi. 

Tôi không khuyến khích việc là gia đình thì dù có chuyện gì xảy ra cũng tha thứ cho nhau. Xuân Thanh tha thứ vì chính cha cô cũng là nạn nhân của bạo lực gia đình. Ai cũng có lỗi trong câu chuyện này nhưng cuộc đời sẽ dễ thở hơn nếu tất cả biết tha thứ cho chính mình và bao dung với sự hối cải của người khác.

* Chị và chồng đã phơi bày trong Đêm tối rực rỡ quá khứ ám ảnh từ trải nghiệm cá nhân. Dự án sắp tới hẳn sẽ tươi sáng hơn chứ? 

- Chồng tôi làm phim từ lúc 12 tuổi, chúng tôi hiểu và cùng định hướng nên mới đi với nhau. Tôi chưa thể nói trước nhưng có lẽ dự án sau sẽ tươi sáng hơn so với Đêm tối rực rỡ - bộ phim phơi bày nhiều góc tối trong gia đình Việt. Tôi có thể sẽ không xuất hiện trong dự án mới vì với Xuân Thanh, tôi có sự đồng cảm cùng nỗi đau của nhân vật do chính mình viết ra nên tham gia diễn xuất, còn với dự án khác, tôi cân nhắc hơn. 

Trước đây, tôi từng tham gia viết kịch bản cho Tấm Cám: Chuyện chưa kể, Ngày nảy ngày nay, Thanh Sói... Tôi đã viết mười mấy kịch bản, không quá nhiều nhưng kịch bản nào hoàn thiện cũng đều được bán. Với phim của hai vợ chồng, chúng tôi sẽ cân nhắc kỹ hơn về nội dung vì làm phim khó lắm, không phải dễ để có phim trăm tỷ đồng. Tôi thấy người làm phim phải dũng cảm, có chút mơ mộng và tin vào khán giả thì mới có thể tiếp tục. Tôi không quyết liệt như anh Aaron nhưng sau phim đầu tay của hai vợ chồng, tôi biết mình có lý do để tiếp tục.

* Cảm ơn chị đã chia sẻ. 

Diễm Mi (thực hiện)

Ảnh: Nhân vật cung cấp

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI