Văn hóa nghệ thuật 2022: Trỗi dậy mạnh mẽ nhưng chưa đủ sức chuyển mình

Điện ảnh Việt: Thảm cảnh vì “thảm họa”

27/12/2022 - 07:08

PNO - Điện ảnh Việt đã khép lại năm 2022 trong nghịch lý. Phim đầu tư lớn thua từ góc độ thương mại lẫn nghệ thuật, trong khi phim độc lập, kinh phí thấp lại được khen và đạt doanh thu ngoài mong đợi. 2 năm “đóng băng” vì dịch, những tưởng là dịp để phim Việt được hoàn thiện chỉn chu hơn khi ra rạp. Nhưng trái lại, năm nay là năm “xả kho” phim dở.

Nhanh chóng thích nghi với nhịp sống mới, uyển chuyển ứng dụng lợi thế của thời đại 4.0, văn hóa nghệ thuật đã bắt nhịp trở lại nhưng chưa có những bước chuyển mình đầy lạc quan.

Phim trên màn ảnh nhỏ và cuộc đổi ngôi ngoạn mục

Lượng tăng, chất giảm 

2 phim Thanh Sói: Cúc dại trong đêm Đảo độc đắc: Tử mẫu thiên linh cái cùng ra rạp vào ngày 23/12 vừa qua đã chốt sổ danh sách phim Việt năm 2022. Với 38 tác phẩm - vượt trội so với 14 phim của năm trước - cho thấy năng suất phim Việt hồi phục khá nhanh sau đại dịch. Thế nhưng, trong khi số lượng phim tăng thì chất lượng phim đi xuống, ít nhất ở khía cạnh doanh thu phòng vé.

Đêm tối rực rỡ là phim Việt hiếm hoi thắp sáng bức tranh điện ảnh năm 2022
Đêm tối rực rỡ là phim Việt hiếm hoi thắp sáng bức tranh điện ảnh năm 2022

Từ đầu năm đến nay, chỉ vài phim có doanh thu khả quan như Nhà không bán, Chìa khóa trăm tỷ, Chuyện ma gần nhà, Bẫy ngọt ngào, Đêm tối rực rỡ, Nghề siêu dễ, Em và Trịnh, Dân chơi không sợ con rơi, Cô gái từ quá khứ. Cột mốc trăm tỉ mà thời điểm trước dịch khá nhiều phim đạt được, giờ trở thành niềm khát khao đến… tuyệt vọng. Cả năm chỉ duy nhất có Em và Trịnh thu 100 tỉ đồng. Nếu như trước đây, một phim Việt ra rạp hiếm khi doanh thu dưới 1 tỉ, thì năm nay có đến 10 phim chưa qua nổi mốc này, trong đó phim Huyền sử vua Đinh thu chưa đến 43 triệu đồng - thấp nhất lịch sử phim Việt.

Trong khi phim Việt chật vật bán vé, thì phim ngoại liên tục lập kỷ lục phòng vé. Ngay cả những tác phẩm nước ngoài không mấy đình đám như Bỗng dưng trúng số (Hàn Quốc, 181 tỉ đồng), Ngược dòng thời gian để yêu anh (Thái Lan, 84 tỉ đồng) cũng đủ sức khuynh đảo phòng vé. Kể cả Avatar khi chiếu lại cũng dễ dàng thu thêm gần 20 tỉ đồng. Con số 20 tỉ đồng này cũng là niềm mơ ước của nhiều phim Việt hiện nay, bởi từ đầu năm đến nay, có 23 phim thu dưới mức này. 

Có một sự tréo ngoe là phim càng tốn kém càng ế khách như Kẻ thứ ba tốn 33 tỉ nhưng thu dưới 1 tỉ, 578: Phát đạn của kẻ điên ngân sách 60 tỉ nhưng thu 3,5 tỉ, Maika: Cô bé đến từ hành tinh khác đầu tư 30 tỉ thu lại 6,4 tỉ. Phim Thanh Sói: Cúc dại trong đêm vừa ra rạp cũng được đầu tư “khủng”, nhưng doanh thu mở màn không bứt phá như kỳ vọng. Trong khi đó phim có kinh phí khiêm tốn hoặc không cần truyền thông lại chiếm được cảm tình người xem. Chính chất lượng của phim tạo ra hiệu ứng truyền miệng mạnh mẽ, nhờ vậy các phim như Bẫy ngọt ngào, Nhà không bán, Đêm tối rực rỡ mới lội ngược dòng ngoạn mục ở phòng vé. 

Thanh Sói - một trong 2 phim chốt số năm 2022
Thanh Sói - một trong 2 phim chốt sổ năm 2022

Phim dở không đáng sợ bằng phim làm cẩu thả

Phim Việt năm nay tạo cảm giác đang “xả kho” phim dở. Điều này xuất phát từ tâm lý nôn nóng muốn đưa phim ra rạp để bù cho 2 năm đại dịch, thị trường “đóng băng”. Nhưng sự nóng ruột này đôi khi biến thành sự tham lam, thể hiện qua việc nhiều phim được “hô biến” từ phim chiếu mạng, phim tốt nghiệp thành chiếu rạp. Mưu kế thượng lưu, Cù lao xác sống vốn dĩ ban đầu chỉ định làm để chiếu trực tuyến, hay Huyền sử vua Đinh chỉ là tác phẩm tốt nghiệp.

Phim dở, lỗi thuộc về người làm ra nó, nhưng suy cho cùng, thủ phạm khiến các “thảm họa” điện ảnh dồn dập ra rạp nằm ở sự dễ dãi của các đơn vị phát hành. Tuy vậy, phim dở không đáng sợ bằng phim ẩu, chính sự cẩu thả mới là thứ biến phim thành “thảm họa”. Nhiều phim ẩu từ khâu bối cảnh, phục trang, hóa trang đến kỹ xảo, âm thanh. Chưa cần ra rạp, người xem cũng mường tượng được sự yếu kém của phim chỉ qua các trailer, poster. Hình ảnh “phèn”, kỹ xảo lạc hậu, chữ nghĩa sai chính tả, lồng tiếng không khớp khẩu hình… là những thứ mà nhiều phim “thảm họa” mắc phải.

Không biết lượng sức cũng là lý do khiến điện ảnh Việt chịu 1 năm thất bát. Ê kíp làm Mến gái miền Tây, Những cô vợ hành động mới làm web drama thành công đã vội vàng làm phim điện ảnh. Những đạo diễn chưa có kinh nghiệm làm phim chiếu rạp đã chọn ngay đề tài khó, mới lạ cho phim đầu tay như trường hợp Virus cuồng loạn, Cù lao xác sống, Huyền sử vua Đinh. Thế nhưng, đáng sợ nhất chính là tư duy của người làm phim.

Trailer phim Đêm tối rực rỡ :

 

Nhiều phim thua lỗ nặng, đạo diễn liền tìm cách đổ thừa. Bị “chơi bẩn”, thời điểm chiếu trùng với World Cup, SEA Games, khâu truyền thông yếu kém là những lý do được nêu ra, tuyệt nhiên không ai dũng cảm thừa nhận nguyên nhân nằm ở bộ phim. Có đạo diễn còn đăng đàn móc mỉa người xem khi phim bị chê. Cách ứng xử này càng khiến người xem ngán ngẩm và ác cảm với phim Việt. 

Nói về chuyện phim ra rạp thất bại, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng cho rằng: “Những người làm phim nên coi lại bản thân để điều chỉnh, chứ đừng trách móc khán giả. Người xem không đến rạp là do bộ phim không đủ hay. Nếu đổ thừa các lý do bên ngoài thì không thể khắc phục được lý do gốc. Phim Việt hiện đang thiếu nhân sự giỏi, biên kịch đắt sô nhận cùng lúc 3-4 kịch bản rồi chia nhóm ra viết, mọi thứ cứ vội vàng. Diễn viên cũng khó tìm người vừa trẻ, vừa đẹp, vừa bán được vé”. 

Năm 2022 đã khép lại, hy vọng thành công và thất bại của những phim Việt trong năm sẽ giúp người trong cuộc dũng cảm nhìn nhận và sửa chữa. 

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI