Điểm đến xanh - chìa khóa để nâng tầm du lịch Việt

05/05/2025 - 06:24

PNO - Ở Việt Nam, các điểm đến thân thiện với môi trường, hài hòa giữa du lịch với văn hóa và cộng đồng địa phương đang ngày một nhiều thêm. Nếu được đầu tư đúng mức và có tính hệ thống, các điểm đến xanh này sẽ là chìa khóa thu hút đông du khách quốc tế, giúp du lịch Việt Nam vươn tầm trên bản đồ du lịch thế giới.

Những điểm đến yên bình, sạch sẽ

Dịp nghỉ lễ 30/4, bên cạnh số du khách đông đảo đổ về trung tâm TPHCM xem các hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, một số du khách chọn đến ấp đảo Thiềng Liềng (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ) để trải nghiệm bầu không khí trong lành của hệ sinh thái rừng ngập mặn và trực tiếp làm muối, đánh bắt cá, trồng rau, chế biến món ăn từ nông sản địa phương.

Bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp, Thương mại và Dịch vụ du lịch cộng đồng Thiềng Liềng - cho biết, trong 3 năm qua, hợp tác xã đón hơn 5.000 lượt khách trong nước và quốc tế.

H’mong Village Resort (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) là một trong những đơn vị làm du lịch theo hướng “lấy văn hóa để phát triển du lịch, lấy du lịch để bảo tồn và phát triển văn hóa”.

Du khách cùng nông dân thu hoạch khoai lang trong tour du lịch cộng đồng Cồn Ông (tỉnh Trà Vinh) - ẢNH: QUỐC THÁI
Du khách cùng nông dân thu hoạch khoai lang trong tour du lịch cộng đồng Cồn Ông (tỉnh Trà Vinh) - ẢNH: QUỐC THÁI

Các khu lưu trú được thiết kế theo hướng nhà truyền thống hoặc nhà có hình chiếc quẩy tấu (gùi) của người H’mông; vật liệu để làm nhà là đá, gỗ, lá cọ… được lấy từ nguồn bản địa. Đơn vị này tổ chức trồng nhiều cây xanh, phục vụ các món ăn bản địa, tổ chức các tour trải nghiệm nghề truyền thống và hướng dẫn du khách ứng xử thân thiện với môi trường. Năm 2022, H’mong Village Resort được trao giải thưởng Khách sạn xanh ASEAN.

Là di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, danh thắng Tràng An (tỉnh Ninh Bình) là điểm sáng về du lịch thân thiện với môi trường.

Trên 80% tổng số lượt khách đến Ninh Bình lựa chọn tham quan quần thể danh thắng Tràng An. Cách duy nhất để khám phá địa điểm du lịch này là ngồi thuyền chèo tay qua các dòng suối, xuyên qua những hang động được hình thành từ hàng triệu năm trước. Nơi đây còn là mái nhà chung của nhiều loài động, thực vật hoang dã như dê núi, khỉ, vịt trời.

Dù lượng khách lớn, Tràng An vẫn rất sạch sẽ, du khách được khuyến khích không mang theo chai nhựa dùng 1 lần, các điểm dừng chân đều có thùng rác phân loại.

Gần Tràng An là khu du lịch sinh thái Thung Nham - nơi có rừng nguyên sinh, hang động tự nhiên và đặc biệt là vườn chim hoang dã quý hiếm. Các tuyến tham quan được tổ chức khoa học để không làm xáo trộn đời sống của các loài chim. Các hoạt động trải nghiệm ở khu này là đạp xe qua rừng, chèo thuyền trong rừng ngập nước. Các khu lưu trú được xây dựng hài hòa với cảnh quan, phục vụ các món ăn bản địa.

Blue Diamond Retreat (tỉnh Quảng Bình) nổi tiếng nhờ mô hình lưu trú xanh, gồm các khu cắm trại, những căn bungalow được lắp ghép bằng vật liệu nhẹ, không xây kiên cố nhằm giảm tác động đến môi trường; sử dụng năng lượng mặt trời cho mọi hoạt động, có hệ thống làm mát tự nhiên từ các đường ngầm dưới đất để thay thế máy điều hòa nhiệt độ.

Các hoạt động trải nghiệm ở đây đều không phát thải khí nhà kính, gồm đạp xe, chèo thuyền kayak, tắm suối. Năm 2023, Blue Diamond Retreat đạt được mức phát thải bằng 0 về tiêu thụ điện năng.

Ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, làng hoa Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp), các địa điểm du lịch cộng đồng như Cồn Chim, Cồn Hô, Cồn Ông (tỉnh Trà Vinh) cũng thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm cuộc sống thôn quê bình dị, tự làm nông dân và thưởng thức các món ăn dân dã nhưng đặc sắc.

Du khách quốc tế khám phá tỉnh Ninh Bình bằng xe đạp - ẢNH: U.N.
Du khách quốc tế khám phá tỉnh Ninh Bình bằng xe đạp - ẢNH: U.N.

Không dễ để “xanh hóa” toàn diện

Khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (tỉnh Thanh Hóa) là một điển hình về phát triển du lịch xanh với khoảng 90% cơ sở kinh doanh dịch vụ áp dụng các biện pháp thân thiện môi trường như tiết kiệm giấy tờ, nhân lực, hạn chế sử dụng thiết bị điện, dùng chai dầu gội, sữa tắm có dung tích lớn nhằm giảm rác thải nhựa.

Tuy nhiên, việc “xanh hóa” toàn diện gặp không ít thách thức. Các vật liệu thân thiện môi trường thường dễ bị thời tiết tác động, phải cải tạo hoặc thay mới thường xuyên. Trong khi đó, với gần 4.000 lượt du khách/ngày đêm, hạ tầng và môi trường ở Phù Luông đang ngày càng bị quá tải.

Theo tiến sĩ Phạm Hà - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Lux Travel DMC - các điểm du lịch xanh chỉ phát triển bền vững nếu thu hút được khách lưu trú dài ngày, chi tiêu cao và có trải nghiệm sâu. Quá trình xanh hóa đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, trong khi thời gian hoàn vốn lại kéo dài.

Thuyết phục các đối tác ở vùng sâu, vùng xa cùng cam kết theo đuổi tiêu chuẩn xanh cũng là thách thức không nhỏ, đòi hỏi có những chương trình đối thoại, đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật chuyên sâu. Nếu không có chiến lược định vị rõ ràng và truyền thông hiệu quả, sản phẩm du lịch xanh sẽ khó cạnh tranh do giá cao, khó tiếp cận thị trường đại chúng. Thế nhưng, các doanh nghiệp đầu tư du lịch theo hướng xanh vẫn chưa được hưởng ưu đãi về thuế, tín dụng hay cơ chế đấu thầu.

Giáo sư Nguyễn Văn Đính - Viện trưởng Viện Kinh tế du lịch thuộc Hiệp hội Du lịch Việt Nam - khẳng định, chuyển đổi xanh không còn là lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc nếu Việt Nam muốn phát triển du lịch bền vững. Theo ông, cần hướng đến giảm phát thải các bon, khuyến khích phương tiện giao thông thân thiện môi trường và giao thông công cộng, hạn chế nhựa dùng 1 lần, tiết kiệm tài nguyên và ứng dụng năng lượng tái tạo trong các cơ sở lưu trú là những xu hướng tất yếu.

“Ngành du lịch cần chủ động thích ứng sớm nếu không muốn bị bỏ lại phía sau trong dòng chảy phát triển bền vững của thế giới” - ông nói.

Tiến sĩ Dương Đức Minh - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch - cho biết, các điểm đến xanh thường giới hạn lượng khách, tập trung vào nhóm du khách có khả năng chi tiêu cao và mong muốn trải nghiệm sâu sắc. Điểm chung của các mô hình du lịch xanh là tôn trọng tự nhiên, dựa vào tự nhiên để khai thác và mang lại giá trị gia tăng cho kinh tế địa phương.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là thay đổi nhận thức của người dân. Nhiều người chưa xem du lịch là sinh kế bền vững nên tham gia kiểu phong trào, thiếu cam kết về chất lượng. Do đó, khi triển khai các dự án du lịch xanh, du lịch cộng đồng, các đơn vị tư vấn không chỉ làm chuyên môn mà còn phải vận động, tập huấn cho người dân về sản phẩm và dịch vụ, về các kỹ năng cần có khi làm du lịch.

Ngành du lịch quyết tâm giảm rác thải nhựa

Trong 2 năm 2023-2024, Chương trình Phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP) đã tài trợ kinh phí để triển khai dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam”. Trong 3 tháng thí điểm tại 60 khu, điểm du lịch ở tỉnh Ninh Bình và Quảng Nam, lượng rác thải nhựa đã giảm 35%.

Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, trong năm 2025, sẽ có 75% đơn vị thành viên của hiệp hội được nâng cao nhận thức về tác hại của rác thải nhựa, 50% đơn vị thành viên ban hành kế hoạch giảm thiểu rác thải nhựa hoặc lồng ghép nội dung giảm thiểu rác thải nhựa trong các kế hoạch hoạt động; đến năm 2030, có 100% thành viên của hiệp hội không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng 1 lần, đồng thời ban hành kế hoạch giảm thiểu rác thải nhựa hoặc lồng ghép nội dung giảm thiểu rác thải nhựa trong các quy chế, kế hoạch hoạt động.

Điện Thái Hòa được công nhận là công trình xanh

Ngày 19/4, tại Quảng trường Ngọ môn thuộc Đại Nội Huế (TP Huế), đã diễn ra sự kiện “Huế - Tiên phong phát triển du lịch di sản xanh và thành phố xe đạp”, do Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC) và VietPM (đại diện thương hiệu xe đạp trợ lực điện GCOO tại Việt Nam) phối hợp tổ chức.

Trong sự kiện này, điện Thái Hòa ở Đại Nội Huế chính thức được VGBC trao chứng nhận công trình xanh LOTUS. Đây là lần đầu tiên một công trình di sản văn hóa thế giới UNESCO đạt tiêu chuẩn công trình xanh tại Việt Nam. VGBC cũng trao chứng nhận và vinh danh GCOO là nhà cung cấp dịch vụ xanh LOTUS.

Côn Đảo hướng đến du lịch xanh

Những năm gần đây, huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) trở thành điểm du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, địa phương đang phải đối mặt với những thách thức lớn trong công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt trong quản lý chất thải rắn và rác thải nhựa.

Nhận thức được tính cấp bách của vấn đề này, năm 2022, UBND huyện Côn Đảo đã ban hành Kế hoạch hành động về quản lý rác thải nhựa trên địa bàn huyện đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Kế hoạch hướng đến mục tiêu giảm 15 - 20% nhựa dùng 1 lần thông qua việc xây dựng các quy định và hoạt động truyền thông, khuyến khích hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần.

Ngoài ra, Côn Đảo cũng đặt mục tiêu đến cuối năm 2025, 100% khách sạn, khu nghỉ dưỡng tại Côn Đảo không sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần.

Ý kiến:

Muốn phát triển bền vững, phải chuyển đổi xanh

Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tập trung xây dựng và ban hành bộ tiêu chí du lịch xanh (VITA GREEN) nhằm tạo ra công cụ thực tiễn, rõ ràng, áp dụng cho các điểm đến và doanh nghiệp du lịch hội viên trên cả nước. Chỉ khi có bộ tiêu chí cụ thể, các điểm đến và doanh nghiệp mới từng bước tự đánh giá, cải tiến và nâng cao năng lực thực hành xanh một cách có hệ thống và bền vững.

Để khởi động các hoạt động chuyển đổi xanh, cần 5 yếu tố: tham gia xây dựng cơ chế, chính sách về chuyển đổi xanh trong du lịch; phát triển các điểm đến xanh trên cơ sở bộ tiêu chí du lịch xanh; xúc tiến, quảng bá xanh; đào tạo xanh và ứng dụng công nghệ xanh, chuyển đổi số.

Chuyển đổi xanh trong du lịch không là yêu cầu bắt buộc nếu chúng ta muốn phát triển lâu dài, có trách nhiệm. Đã đến lúc các đối tác trong ngành du lịch cần hợp tác với nhau để tích cực tham gia vào chương trình phát triển các điểm đến xanh của du lịch Việt Nam và xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan

Ông VŨ THẾ BÌNH - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam

UNDP cam kết sát cánh cùng Việt Nam

Nâng tầm du lịch Việt Nam thông qua phát triển các điểm đến xanh không chỉ là một khát vọng mà còn là một đòi hỏi tất yếu, một cơ hội chiến lược. Tầm nhìn của chúng tôi về các điểm đến xanh không giới hạn ở các nỗ lực bảo tồn của cộng đồng tại các khu vực bảo tồn. Chúng tôi cũng nhận thấy vai trò quan trọng của giao thông xanh.


Việc khuyến khích du khách ưu tiên lựa chọn cách thức di chuyển thân thiện với môi trường không chỉ làm sâu sắc trải nghiệm của họ mà còn trực tiếp góp phần làm bầu không khí trong lành hơn, hướng tới các mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam.

Việc ra mắt các trạm “Check-in và chia sẻ giao thông xanh” ở Tuy Hòa và Hòn Yến (tỉnh Phú Yên) là một bước đi cụ thể nhằm hiện thực hóa định hướng này. Thông qua việc thúc đẩy mô hình chia sẻ giao thông xanh và nâng cao nhận thức trong cộng đồng địa phương, chúng tôi đang từng bước kiến tạo nền tảng cho một hệ sinh thái du lịch xanh thực sự bền vững.

Việt Nam đã tiến thêm một bước quan trọng khi tập trung vào việc hiện thực hóa các điểm đến xanh trên khắp đất nước. Chương trình Phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam cam kết sát cánh cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và tất cả đối tác trên hành trình chuyển đổi mang tính bước ngoặt này.

Ông PATRICK HAVERMAN - Phó trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam

Không thể “xanh” một mình hay bền vững một mình

Xu thế toàn cầu hóa đòi hỏi những điểm đến phải thân thiện hơn với môi trường, văn hóa và cộng đồng địa phương. Chúng ta không thể “xanh” một mình, cũng không thể bền vững một mình. Chúng tôi làm du lịch không rác thải nhựa nhưng nếu tàu du lịch trôi trên dòng sông đầy rác thì trải nghiệm đó cũng bị phá vỡ.

Xanh là hành trình của tất cả, tất cả cùng xanh. Đã đến lúc các địa phương cần có bộ tiêu chí xanh rõ ràng, cụ thể. Nhìn Quảng Nam, Ninh Bình đang làm rất tốt mô hình du lịch bền vững, tôi cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể nhân rộng các mô hình này, thậm chí tiến xa hơn nếu có chiến lược và tư duy hệ thống.

Để du lịch là ngành kinh tế thực thụ, cần thể chế, chính sách, nhân lực chất lượng, sản phẩm đặc trưng và chiến lược xúc tiến hiệu quả. Chúng ta còn một chặng đường rất dài để phát triển du lịch một cách bền vững và hiệu quả.

Đây là ngành kinh tế tổng hợp, liên ngành, nên ngành du lịch không thể tự mình làm được mà cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ban, ngành và đặc biệt là phải coi du lịch là ngành kinh tế đúng nghĩa. Chỉ khi có tư duy đó, chúng ta mới có thể xây dựng được chiến lược phát triển bài bản.

Tiến sĩ PHẠM HÀ - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Lux Travel DMC

Minh Tuệ - Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI