Đi tìm nguyên nhân vụ chiếm dụng trường học làm chỗ ở suốt 10 năm

31/08/2021 - 06:07

PNO - Gần đây, bà Ngô Thị Anh Thư, 61 tuổi, bị Hội đồng quản trị Trường THPT dân lập Phương Nam (P.Định Công, Q.Hoàng Mai, TP.Hà Nội) kiện ra tòa về việc chiếm dụng ba phòng học của trường để làm chỗ ở. Bản chất của vụ việc ra sao?

Đại gia gặp chúa lừa

Ngồi trong căng-tin của trường, bà Ngô Thị Anh Thư buồn rầu nhìn về dãy phòng học ở tầng một, trong đó có ba phòng bà đang chiếm giữ làm chỗ ăn ở, sinh hoạt của gia đình gần chục năm qua. 

Câu chuyện xảy ra từ mười năm trước. Lúc ấy, bà Thư là một đại gia giàu có. Vì có mối quan hệ thân tình, nên từ tháng 8/2008 đến cuối năm 2012, bà Thư cho bà Trương Thị Hải Yến (sinh năm 1958, trú tại P.Phương Liệt, Q.Thanh Xuân) - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Phó hiệu trưởng điều hành Trường THPT dân lập Phương Nam (lô 18 khu đô thị mới Định Công, Q.Hoàng Mai) - vay nhiều lần với tổng cộng 140 tỷ đồng để đầu tư xây dựng trường.

Để có số tiền trên cho bà Yến vay, bà Ngô Thị Anh Thư đã phải bán nhà và gom góp rất nhiều tài sản. Theo các hợp đồng cho vay và biên bản xác nhận công nợ, bà Yến hẹn đến ngày 18/8/2012 và ngày 30/12/2012 sẽ thanh toán hết nợ cho bà Thư. Tuy nhiên, bà Yến đã không trả nợ như cam kết. Do không còn nhà để ở nên vào năm 2013, bà Thư buộc lòng phải dọn đến trường để ở đồng thời cũng là để gây áp lực buộc bà Yến phải trả lại tiền cho mình. 

Từ năm 2013, gia đình bà Ngô Thị Anh Thư buộc lòng phải “chiếm dụng” ba phòng học trong Trường THPT dân lập Phương Nam để làm nơi ăn ở, sinh hoạt nhằm gây áp lực để đòi lại tiền
Từ năm 2013, gia đình bà Ngô Thị Anh Thư buộc lòng phải “chiếm dụng” ba phòng học trong Trường THPT dân lập Phương Nam để làm nơi ăn ở, sinh hoạt nhằm gây áp lực để đòi lại tiền

Đến tháng 3/2018, Trường THPT dân lập Phương Nam đã được chuyển nhượng cho một đơn vị khác. Chủ mới yêu cầu bà Thư ra khỏi trường, vì việc tranh chấp khoản vay 140 tỷ đồng của bà Thư liên quan tới chủ cũ chứ không liên quan đến họ. Bà Thư không dời đi nên đã bị kiện ra tòa.  

Hàng loạt nạn nhân

Nhưng không chỉ có bà Ngô Thị Anh Thư mà còn rất nhiều nạn nhân khác rơi vào bẫy lừa của bà Trương Thị Hải Yến.

Bà Yến nộp hồ sơ xin xây Trường THPT dân lập Phương Nam tại lô 18 khu đô thị mới Định Công, Q.Hoàng Mai và được UBND TP.Hà Nội cấp phép vào năm 2011.

Để thuận lợi cho việc “kêu gọi góp vốn”, từ năm 2008 đến 2010, bà Yến lập ra ba công ty là Công ty TNHH Tư vấn đầu tư phát triển giáo dục đào tạo Phương Nam do bà và con trai là Mai Huy Thành là cổ đông sáng lập, vốn điều lệ tự khai là 1,5 tỷ đồng; Công ty TNHH Tư vấn đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo Việt Anh, vốn điều lệ tự khai 62 tỷ đồng do em gái bà Yến là Trương Thị Kim Dung và con trai là Mai Huy Thành là cổ đông sáng lập; Công ty cổ phần Đầu tư phát triển giáo dục đào tạo Thành Sơn, vốn điều lệ tự khai là 268 tỷ đồng. Thực chất cả ba công ty nói trên chỉ có tư cách pháp nhân, không có các phòng, ban và hoạt động kinh doanh. 

Sau khi thành lập Công ty Thành Sơn, bà Yến cùng Mai Huy Thành đã ký hợp đồng liên kết với nội dung sáp nhập toàn bộ cơ sở vật chất, bộ máy tổ chức, tài sản của Trường THPT dân lập Phương Nam vào Công ty Thành Sơn nhưng không làm thủ tục để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận. Cơ quan chức năng xác định, Công ty Thành Sơn chỉ tồn tại trên giấy tờ, không có tài sản và không có hoạt động kinh doanh gì.

Bà Yến đã sử dụng danh nghĩa của Trường THPT dân lập Phương Nam để huy động vốn, vay nợ của hàng chục cá nhân để xây dựng trường quốc tế, trả tiền lãi theo ngày (lãi từ 2.000 - 6.000 đồng/1 triệu đồng/ngày ở thời điểm năm 2008. Vì ham lời, nhiều người đã trở thành nạn nhân của kẻ lừa đảo và phải chịu cảnh tan cửa nát nhà.

Anh Bùi Thanh Sơn, trú tại Q.Đống Đa, Hà Nội đã cho bà Yến vay hơn 20 tỷ đồng với lãi suất từ 10% đến 15%/tháng. Chỉ tính từ năm 2008 - 2010, số nợ gốc và lãi là gần 129 tỷ đồng. Không có tiền trả nợ, bà Yến gạ bán lại cho anh Sơn số cổ phần tại ba công ty mà bà đang nắm giữ. Anh Sơn giới thiệu anh Bùi Hoàng Linh (em họ) đến tìm hiểu. Bà Yến, con trai và em gái đều khẳng định, Công ty Thành Sơn và Trường THPT dân lập Phương Nam là một, Công ty Việt Anh và Trường mầm non tư thục Bình Minh cũng là một, nên muốn mua hai trường học thì phải mua hai công ty.

Tin tưởng vào các tài liệu do bà Yến đưa, gia đình anh Linh đồng ý mua cổ phần của hai công ty nêu trên, mỗi công ty 51%, với tổng giá trị là 229,5 tỷ đồng. Nhận được tiền của anh Linh, bà Yến chỉ đạo con trai chuyển tiền trả nợ và rút ra tiêu hết nhưng không hoàn tất thủ tục pháp lý cho anh Linh.

Anh Phạm Văn Hùng  (Q.Cầu Giấy) - người thuê mặt bằng trong trường để mở căng-tin và sân bóng - cũng huy động 10 tỷ đồng từ anh em, bạn bè cho bà Yến vay. 
Một nạn nhân khác là chị Trần Nam Dung (Q.Hoàng Mai) cũng cho bà Yến vay 80 tỷ đồng. Chị Nam Dung kể: “Bà Yến giới thiệu con trai vừa đi du học và nói cần số tiền lớn để xây dựng Đại học Quốc tế Phương Nam ở Bắc Ninh. Quá tin tưởng và u mê, tôi đã huy động 80 tỷ đồng để giao cho bà ta với hy vọng nhận được lãi suất gần 220%/năm, cao gấp chục lần ngân hàng. Tiền lãi chẳng thấy, vốn không thu hồi được”.

Lừa 270 tỷ đồng và 16 sổ đỏ

Ngày 23/8/2013, bà Trương Thị Hải Yến bị Cơ quan Điều tra Công an TP.Hà Nội khởi tố để điều tra hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản.

Tiếp theo, đến ngày 29/6/2015, bà Yến cùng con trai là Mai Huy Thành và em gái là Trương Thị Kim Dung lại bị truy tố tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” bằng việc sử dụng danh nghĩa Trường THPT dân lập Nam Phương để huy động vốn, lừa đảo, vay nợ với số tiền lên đến 229 tỷ đồng.

Tháng 12/2018, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đưa vụ án ra xét xử và tuyên phạt bị cáo Trương Thị Hải Yến năm năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. 

Theo cơ quan điều tra, hàng chục nạn nhân tố cáo đã cho bà Yến vay tổng cộng gần 270 tỷ đồng và 16 sổ đỏ. 

Gần mười năm đã trôi qua, bà Yến đã được ra tù từ lâu, nhưng nạn nhân của bà, người thì đang còng lưng trả nợ, kẻ vẫn sống trong cảnh bần hàn, gia đình nát tan bởi nợ nần. Bà Ngô Thị Anh Thư là một ví dụ, từng giàu có, từng sở hữu bảy căn nhà ở quận nội đô, nhưng hiện không còn nơi nào để ở, phải sống tạm bợ ở trường học để tiếp tục đi đòi nợ. 

Luật sư Trần Đình Triển (Văn phòng luật sư Vì Dân) cho biết: “Khoản vay mà trường Phương Nam vay từ bà Thư nhằm mục đích đầu tư vào nhà trường với “biện pháp đảm bảo cho khoản vay đến hạn không trả là đưa bà Thư vào cổ phần của trường Phương Nam” (một nội dung thỏa thuận trong biên bản xác nhận công nợ kiêm phương án thanh toán, ngày 10/12/2012 giữa hai bên). Vậy thì Hội đồng quản trị Trường THPT dân lập Phương Nam phải thực hiện đúng như cam kết. 

Ngoài ra, hợp đồng chuyển nhượng nhà trường thực hiện vào ngày 16/3/2018 nhưng ủy quyền của bà Trương Thị Hải Yến cho em gái là bà Trương Thị Kim Dung để bán lại cổ phần lại ký vào ngày 8/9/2018. Như vậy, hợp đồng mua bán này được giao dịch trước sáu tháng nhằm tẩu tán tài sản với mục đích để xù nợ, không trả tiền cho bà Thư và chạy tội để giảm nhẹ hình phạt tù cho bà Yến tại Bản án hình sự số 70 ngày 12/12/2018 của Tòa án nhân dân Tối cao tại Hà Nội.

Chi Mai

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI