Di sản Huế ra sao trước bão, lụt?

17/10/2020 - 11:53

PNO - Mưa bão quăng quật không ngớt, liệu những nguyên tắc quốc tế trong việc bảo vệ, bảo tồn Quần thể di tích Cố đô Huế - di sản thế giới đầu tiên của Việt Nam - có trở nên “bất khả” trong biển nước?

Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới năm 1993 bao gồm 15 di tích và cụm di tích nằm trên địa bàn bốn huyện, thị xã, thành phố: thành phố Huế, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy và huyện Phú Vang tỉnh Thừa Thiên - Huế. 

Nhằm giữ gìn, bảo vệ giá trị nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn và xác thực của di sản, trong suốt hơn 20 năm qua, với sự hỗ trợ của UNESCO, các tổ chức quốc tế, các cơ quan ở trung ương và tỉnh Thừa Thiên - Huế, cùng người dân địa phương, di sản đã bước qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp để chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của điều kiện khí hậu, thời tiết hết sức cực đoan; các di tích ở Huế lại chủ yếu nằm dọc theo triền sông Hương nên chịu sự chi phối mạnh mẽ của mực nước sông trong các mùa lũ, lụt. Vì vậy, công tác gìn giữ, bảo vệ di sản Huế đứng trước nhiều thách thức lớn. Báo Phụ Nữ TP.HCM đã trao đổi với ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế về vấn đề này.

Lối dẫn vào điện Thái Hòa mênh mông trong nước lũ
Lối dẫn vào điện Thái Hòa mênh mông trong nước lũ

Phóng viên: Thách thức lớn nhất trong việc bảo tồn, trùng tu tại Quần thể di tích Cố đô Huế vào mùa mưa bão này là gì, thưa ông?

Ông Võ Lê Nhật: Quần thể di tích Huế với phần lớn các công trình được xây dựng bằng gỗ lợp ngói chính là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Hầu hết các công trình kiến trúc cung điện, đền miếu thời Nguyễn (1802-1945) đều được xây dựng theo kiểu “trùng lương trùng thiềm” (còn gọi là “trùng thiềm điệp ốc”) với kết cấu hai mái trên một mặt nền; tuy tạo được không gian rộng rãi ở phần nội thất, thoáng mát vào mùa nắng, nhưng lại rất ẩm thấp vào mùa mưa.

Lượng mưa lớn và kéo dài làm tăng tải trọng mái, dẫn đến tình trạng thấm dột ở hầu hết các di tích, tạo môi trường thuận lợi cho các loại nấm mốc phát triển, đồng thời cũng là tác nhân gây mối mọt, tiêu tâm các cột gỗ hoặc cản trở việc bảo tồn di sản, bảo quản hiện vật và làm mất mỹ quan di tích, ảnh hưởng tới các di tích khảo cổ trong khu di sản.

Vào mùa mưa, tải trọng mái trên di tích ở Huế có thể tăng thêm 15-20%, các cấu kiện gỗ trong kiến trúc truyền thống cung đình Huế cũng bị tác động của môi trường có độ ẩm cao, gây ra hiện tượng nứt gãy, tụt ngói, dịch chuyển vị trí, long mộng, tăng khả năng bị nấm mốc, mối mọt, tiêu tâm… Cũng do đặc điểm của vật liệu gỗ là dễ bị suy thoái dưới các tác động của thời tiết, khí hậu (quá trình phong hóa do tác động của nắng, gió, mưa bão… gây ra hiện tượng bào mòn từ ngoài vào trong tâm cấu kiện hoặc gỗ bị mục từ bên trong, tích ẩm và lan truyền vùng chết từ trong ra ngoài, hoặc bị ăn mòn sinh học dưới các tác động của mối, nấm, mọt, cây ký sinh trên gỗ…).

Phía bên ngoài Hoàng thành Huế.
Phía bên ngoài Hoàng thành Huế.

* Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO từng khuyến nghị về việc quản lý và phát triển đô thị tác động tới di sản văn hóa Cố đô Huế. Có nhiều lý do dẫn đến trận lụt hôm nay, trong đó có việc quản lý và phát triển đô thị. Ông nhìn nhận thế nào về điều này?

- Do các điểm di tích và cụm di tích thuộc Quần thể di tích Huế nằm rải rác cách xa nhau, việc khoanh vùng bảo vệ để xếp hạng ở cấp quốc gia và quốc tế trên thực tế còn chưa đưa được các giá trị cảnh quan phong thủy địa lý của các điểm di tích đó vào khu vực khoanh vùng bảo vệ. Ngoài ra với tình trạng dân số tăng lên hằng ngày, di tích Huế đang đương đầu với những khó khăn về cảnh quan bị thu hẹp, di sản bị xâm hại và bị biến dạng, mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển ngày càng trở nên gay gắt.

Các quy định của pháp luật, các công ước của quốc tế ngày càng trở nên “mong manh” trước nhu cầu xây dựng nhà ở bức bách của người dân. Công tác quản lý, bảo vệ di tích, ngăn chặn các hành vi lấn chiếm, xây dựng trái phép trong khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích ngày càng gặp nhiều khó khăn và trở nên nan giải.

Sau năm 1995, khi giá đất thị trường tăng cao, việc lấn chiếm, cơi nới, xây dựng mới phát triển mạnh. Bên cạnh đó, do chưa có những quy chế quản lý chặt chẽ, nên tình trạng định cư vi phạm khu vực khoanh vùng bảo vệ I & II tại các khu di sản diễn ra rất phức tạp.

Đặc biệt từ sau tháng 11/1999, tình trạng xây dựng nhà cao tầng để tránh lũ lụt diễn ra rầm rộ. Chính quyền thành phố Huế gần như không quản lý được tình trạng xây dựng và nâng tầng của hàng trăm hộ dân sống bên trong kinh thành. Rất nhiều di tích bị ô nhiễm bởi rác thải như các hồ và Ngự Hà ở kinh thành (đặc biệt là hồ Học Hải, hồ Tịnh Tâm, hồ Sấu, hồ Thanh Ninh, hồ Tiên Y…). Một số hộ dân sống trong khu vực di tích vẫn thường xuyên xả rác thải sinh hoạt vào di tích làm ô nhiễm nguồn nước và môi trường như ở lăng Tự Đức, lăng Dục Đức, đàn Xã Tắc, Lục Bộ… 

Phía trước cổng Ngọ Môn nước lũ ngập sâu gần 1m
Phía trước cổng Ngọ Môn nước lũ ngập sâu gần 1m

* Để các công trình ở di tích Huế chống chọi trong mưa bão, lũ lụt, thời gian qua, Trung Tâm BTDTCĐ Huế đã có giải pháp nào để đối phó tình hình khí hậu thiên tai đang diễn biến hết sức phức tạp?

- Hằng năm, trung tâm xây dựng các phương án phòng ngừa, lấy việc phòng ngừa làm nội dung cơ bản trong việc quản lý các nhân tố về thảm họa thiên nhiên. Phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời các hiện tượng bão, lũ lụt có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng trực tiếp và gián tiếp đến di sản. Thường xuyên tổ chức tập huấn, nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng ứng phó với thảm họa thiên nhiên cho các lực lượng phòng, chống lụt, bão thuộc Trung tâm BTDTCĐ Huế và các cơ quan ở địa phương có liên quan. 

Đặc biệt hiện nay, Trung tâm đã nghiên cứu định ra các giải pháp chống ẩm, mốc do thời tiết và sinh vật gây hại trên cấu kiện gỗ, cây cỏ xâm thực công trình, có thể gây thiệt hại nghiêm trọng đến các công trình di tích, hiện vật và hồ sơ lưu trữ.

Do thời tiết ở Huế vào mùa mưa từ tháng 9-11 thường gây ngập úng lâu dài, để đáp ứng nhu cầu ngói thay thế ở những điểm trong di tích do hư hỏng trong bão lũ; đến nay, Công ty cổ phần Tu bổ Di tích Huế trực thuộc Trung tâm BTDTCĐ Huế đã đầu tư nghiên cứu phục hồi các vật liệu truyền thống để phục vụ cho công tác trùng tu như gạch Bát Tràng, gạch vồ, gạch hoa trang trí, ngói thanh lưu ly và hoàng lưu ly; các ngành nghề khác như sơn thếp, nề ngoã, hội họa, lắp ghép sành sứ, mộc, sản xuất pháp lam, đúc đồng truyền thống và các nghệ nhân nghề thủ công của địa phương cũng đã được hỗ trợ, tạo điều kiện để phục hồi và phát triển theo định hướng bảo tồn, mang lại hiệu quả thiết thực.

Nhờ vậy, đợt lũ này không gây ảnh hưởng gì đáng kể đến các điểm di tích. Sau khi nước lũ bắt đầu rút, Trung tâm BTDTCĐ Huế sẽ tiến hành dọn dẹp vệ sinh ở các điểm bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Phương châm của chúng tôi là: “Nước rút tới đâu, dọn dẹp tới đó”.

Cảm ơn ông. 

Thuận Hóa (thực hiện)

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • thang 19-10-2020 12:02:34

    Phải bảo quản lâu dài chứ không được phục chế lại khi bị hư hỏng vì như thế sẽ ko còn hấp dẫn khách du lịch nữa. Bức tranh mà sao chép lại thì ko còn giá trị nữa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI