Đau lưng sau khi ăn là dấu hiệu của bệnh gì?

24/03/2018 - 19:30

PNO - Đau lưng sau khi ăn thường khiến bệnh nhân cảm nhận cơn đau ở lưng thay vì vị trí tổn thương thực sự. Có nhiều nguyên nhân gây nên cơn đau, chẳng hạn như ngồi sai tư thế, sỏi thận hay loét dạ dày.

Nguyên nhân gây ra cơn đau

Những vấn đề sức khỏe sau đây có thể dẫn đến chứng đau lưng sau khi ăn:

- Dị ứng và không dung nạp: những người bị dị ứng hoặc không dung nạp một số thực phẩm nhất định có thể rơi vào tình trạng viêm sau khi ăn. Những thực phẩm thường gây phản ứng viêm và đau lưng bao gồm: rượu, sữa, gluten, đậu phộng, đường. 

Dau lung sau khi an la dau hieu cua benh gi?
Cơn đau lưng sau khi ăn có thể xuất phát từ nhiều loại bệnh lý chứ không chỉ do vận động

- Viêm túi mật và sỏi mật: túi mật là cơ quan hình quả lê nằm dưới gan, giúp lưu trữ và giải phóng dịch mật tiêu hóa chất béo. Túi mật dễ viêm, đau nếu bệnh nhân từng mắc sỏi mật hoặc sau khi ăn thực phẩm giàu chất béo. Các triệu chứng điển hình của viêm túi mật bao gồm buồn nôn và đau dữ dội ở vùng bụng trên, kéo dài về phía lưng.

- Nhồi máu cơ tim: đau lưng có thể báo hiệu cơn đau tim, đặc biệt nếu kèm theo các triệu chứng như: tức ngực, cảm giác lâng lâng, buồn nôn, đau ở cánh tay, hàm hoặc cổ, đổ nhiều mồ hôi. Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, phụ nữ còn có nhiều khả năng phát triển những triệu chứng ít gặp khác như: đau lưng và phần trên lưng, chóng mặt, đau bụng, khó thở. Đồng thời, cần lưu ý rằng, phụ nữ không phải lúc nào cũng đau ở ngực nếu gặp vấn đề về tim.

- Ợ nóng: các triệu chứng phổ biến nhất bao gồm vị chua trong miệng, đau ở bụng, đau họng và ho. Một số loại thực phẩm dễ kích hoạt chứng ợ nóng, bao gồm: rượu, caffeine, sô-cô-la, thức ăn cay, cà chua. Triệu chứng ợ nóng xuất hiện hơn hai lần một tuần có thể cho thấy bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD).

- Nhiễm trùng thận: nhiễm trùng thận có thể gây đau lưng, kèm theo triệu chứng đau bụng, máu lẫn trong nước tiểu, cảm giác rát khi đi tiểu, ớn lạnh, sốt, đi tiểu thường xuyên, buồn nôn, nôn. Các triệu chứng xuất hiện trong suốt cả ngày, đặc biệt sau khi ăn.

-  Viêm tụy: tụy tham gia vào quá trình tiêu hóa và điều chỉnh lượng đường trong máu. Viêm tụy có thể gây ra những triệu chứng như: đau bụng nhiều sau khi ăn, đau lưng, sốt, buồn nôn và nôn.

Dau lung sau khi an la dau hieu cua benh gi?

- Tư thế xấu: ngồi gác chân trong bữa ăn có thể khiến bạn cảm thấy đau lưng sau khi ăn. Đồng thời, tư thế xấu khi đang ngồi, đứng hoặc làm việc tại bàn cũng có thể dẫn đến đau lưng vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày.

- Loét dạ dày: vết loét ở dạ dày hoặc thực quản có thể dẫn đến cơn đau lan rộng về lưng. Các triệu chứng loét dạ dày bao gồm: đầy hơi, đau rát trong dạ dày, cảm giác no căng sau khi ăn, ợ nóng, buồn nôn. Loét dạ dày thường hình thành do nhiễm Helicobacter pylori (H. pylori). Bệnh cũng có thể xuất hiện do sử dụng lâu dài các thuốc chống viêm không steroid, như ibuprofen (Advil, Motrin) hoặc naproxen sodium (Aleve). Thức ăn cay hoặc chua có thể làm cho các triệu chứng loét tồi tệ hơn.

Điều trị đau lưng sau khi ăn

Bệnh nhân nên đến khám tại cơ sở y tế khi cơn đau lưng không rõ nguyên nhân kéo dài nhiều ngày. Mặt khác, mọi người có thể áp dụng những biện pháp sau để giảm bớt cơn đau:

- Thay đổi chế độ ăn uống: nếu đau lưng xảy ra do chứng ợ nóng, loét hoặc không dung nạp thức ăn, hãy loại bỏ các món ăn gây khó chịu khỏi chế độ ăn uống. Để xác định thực phẩm kích hoạt, bạn cần giữ nhật ký thực phẩm hoặc làm việc với chuyên gia dinh dưỡng.

- Vật lý trị liệu và tập thể dục: chuyên gia vật lý trị liệu có thể giúp bệnh nhân điều chỉnh tư thế, thông qua các bài tập kéo dãn, tăng cường hệ cơ bắp cốt lõi trợ lực cho lưng và cột sống. Yoga, Pilates và thái cực quyền cũng phát huy hiệu quả tốt trong việc chống đau lưng.

Dau lung sau khi an la dau hieu cua benh gi?

Phòng ngừa đau lưng sau khi ăn

Dưới đây là một số lời khuyên để ngăn ngừa đau lưng sau khi ăn:

- Tập thể dục đều đặn, giữ cho cơ bắp khỏe mạnh và ngăn ngừa tư thế xấu.

- Ngồi thẳng khi ăn hoặc làm việc và sử dụng đai bó lưng nếu cần.

- Tránh các loại thực phẩm gây ợ nóng và không dung nạp.

- Giảm stress để tránh loét dạ dày hay căng cơ.

- Hạn chế tiêu thụ rượu, bia.

- Tránh thức ăn béo, nhiều gia vị 

hoặc đường.

- Giải quyết các tình trạng bệnh lý cơ bản và nhiễm trùng.

Ngọc Hạ 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI