Dấu ấn lịch sử trên từng con đường, góc phố

01/04/2024 - 07:30

PNO - Ở Sài Gòn 28 năm nhưng mãi tới ngày 8/3/2024, tôi mới lần đầu tiên đi tour du lịch tham quan Sài Gòn, chính xác là đi theo tour “Biệt động Sài Gòn”.

Theo dấu chân chiến sĩ biệt động

Chúng tôi lên xe lúc 8g, ngồi chưa ấm chỗ đã đến điểm dừng chân đầu tiên là hầm chứa vũ khí của lực lượng biệt động Sài Gòn tấn công dinh Độc Lập tết Mậu Thân 1968. Tôi xuống xe và nhận ra con hẻm 287 Nguyễn Đình Chiểu, phường 5, quận 3 quen thuộc. Hướng dẫn viên dẫn chúng tôi vào căn nhà 287/70. Tới lúc này, tôi được nhìn thấy tấm biển bằng đồng ghi “Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia” và phía trên cổng nhà là bức phù điêu 3 chiến sĩ biệt động.

Bên trong nhà, 2 bên lối đi là những hình ảnh, tư liệu quý về hầm vũ khí, những chiếc xe bò, cần xé đựng rau củ dùng giấu vũ khí để tập kết về đây. Cùng với đó là hình ảnh của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai (Năm Lai) - chủ nhân căn nhà này, xưa hoạt động trong vỏ bọc một nhà thầu khoán xây dinh Độc Lập - và hình ảnh những chiến sĩ biệt động đội 5 tham gia trận đánh dinh Độc Lập năm 1968.

Quán cà phê Đỗ Phủ (113A Đặng Dung,  quận 1) - nơi để nhận và truyền tin ngay giữa lòng địch của lực lượng biệt động  Sài Gòn - Ảnh chụp tác giả và đồng nghiệp tại buổi tham quan - ảnh: Phùng Huy
Quán cà phê Đỗ Phủ (113A Đặng Dung, quận 1) - nơi để nhận và truyền tin ngay giữa lòng địch của lực lượng biệt động Sài Gòn - Ảnh chụp tác giả và đồng nghiệp tại buổi tham quan - Ảnh: Phùng Huy

Bất ngờ nhất là tầng hầm rộng 2m, dài 8m được xây thông thoáng (cao 2,5m), rất kiên cố nằm dưới phòng khách của căn nhà chật hẹp mà khi giở 6 ô gạch là lộ ra. Căn hầm này đã chứa hơn 2 tấn vũ khí để chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công và nổi dậy tết Mậu Thân. Đã xem rất nhiều căn hầm, kho đạn, những di tích lịch sử trải dài khắp Việt Nam, nhưng khi đứng giữa căn hầm này, tôi như bị đóng băng và bất chợt nín thở, bởi tôi sợ hơi thở của mình cũng có thể làm lộ bí mật quân sự. Đó cũng là khoảnh khắc mà tôi thấy biết ơn và cả có lỗi khi bao năm qua, ngồi lê la kề bên một di tích lịch sử oai hùng mà tôi không hay biết.

Dạo bước trên những con đường quen thuộc, tôi như được trở về với những năm tháng chiến tranh khốc liệt nhưng hào hùng của thành phố, của dân tộc. Điểm đến thứ hai của chúng tôi cũng là nơi quen thuộc không ngờ. Đó là bia tưởng niệm chiến sĩ biệt động Sài Gòn, số 108 Nguyễn Du, quận 1, nằm ở cổng sau của dinh Độc Lập. Qua lại con đường này mỗi ngày, thấy tấm bia này nhưng tôi đều lướt qua trong dòng người vội vã. Nay, tôi mới biết chính ở nơi này, 15 chiến sĩ đội 5 biệt động Sài Gòn - Gia Định đã quả cảm tấn công dinh Độc Lập vào đêm mùng Một tết Mậu Thân 1968 mà tôi đã được nghe ba kể từ nhỏ.

Tôi từng đọc nhiều bài viết về bà Chín Nghĩa - chiến sĩ nữ duy nhất tham gia trận đánh oanh liệt này. Ngày ấy, trước ngày ra trận, cô gái Vũ Minh Nghĩa (Chín Nghĩa) - khi đó mới 19 tuổi - đã ra tiệm ảnh chụp bức chân dung đẹp nhất để “nếu hy sinh thì gia đình có ảnh thờ”. Chính kho đạn mà tôi vừa xem, 15 chiến sĩ biệt động đã chuyên chở vũ khí để tấn công vào cổng sau dinh Độc Lập. 8 chiến sĩ đã hy sinh tại chỗ, 7 chiến sĩ bị bắt, đày ra Côn Đảo.

Đối diện bia tưởng niệm, bên kia đường là ngôi miếu 2 tầng. Người dân lập ngôi miếu độc nhất vô nhị này để thờ những chiến sĩ cách mạng đã hy sinh và cả những người lính bên kia chiến tuyến tử trận. Mấy ai ngờ, cái góc phố yên bình, thơ mộng lại là chứng nhân của cuộc tấn công hào hùng và bi tráng ấy.

Sài Gòn - nơi lưu dấu lịch sử
Điểm tham quan thứ ba của chúng tôi là quán cà phê Đỗ Phủ (113A Đặng Dung, quận 1). Bước vào không gian này, tôi ngỡ mình đang ở vào thập niên 1960, với nền nhà lát gạch bông trắng đỏ, bàn ghế gỗ, những chiếc radio, báo dán tường cũ kỹ. Quán có món cà phê bơ pha phin hảo hạng, ăn cùng bánh quẩy nho nhỏ chấm với sữa đặc. Tôi vừa thưởng thức những món này, vừa hình dung ngày xưa, những người lính Việt Nam Cộng hòa, lính Đại Hàn thường xuyên vào đây nhâm nhi cà phê, nói chuyện thời cuộc. Nơi đây, hộp thư bí mật - một mạng lưới tình báo của cách mạng - ra đời, được ông Năm Lai đặt trong khu vực bếp để nhận tin và truyền tin ngay giữa lòng địch.

Cách quán cà phê Đỗ Phủ vài trăm bước là Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (145 Trần Quang Khải, quận 1). Trong thời chiến, địa điểm này do ông Năm Lai quản lý, là nơi thực hiện các nhiệm vụ bí mật của biệt động Sài Gòn như hội họp, trao đổi thư từ, tài liệu, cung cấp tiền vàng cho chiến khu. Căn nhà 61 tuổi vẫn giữ nguyên kiến trúc. Bước qua cánh cửa gỗ được chạm trổ tinh xảo để vào thang máy cổ và khi cửa sắt đóng lại, tôi có cảm giác như vừa bước qua cánh cửa thời gian.

Tầng 2 mở ra với không gian đặc trưng của Sài Gòn thập niên 1960. Có hàng trăm hình ảnh, tư liệu, hiện vật quý giá, chân thực về chiến sĩ biệt động Sài Gòn và cuộc tổng tấn công năm Mậu Thân. Tôi đặc biệt ấn tượng với những bức ảnh về đường phố Sài Gòn, cảnh lính Mỹ, lính “quốc gia” nháo nhác, hỗn loạn sau những trận đánh của lực lượng biệt động. Điểm đặc biệt nữa là toàn bộ tư liệu của bảo tàng đã được số hóa, được dựng thành hình ảnh 3D, VR (thực tế ảo) và AR (tăng cường thực tế).

Đúng 12g trưa, lịch trình của chúng tôi kết thúc bằng bữa cơm tấm Đại Hàn thơm ngon ngay tại điểm tham quan. Một tour du lịch chỉ vài giờ nhưng đọng lại trong tôi quá nhiều cảm xúc. Chuyến đi đã cho chúng tôi được khám phá, hiểu thêm về lịch sử của TPHCM. Chúng tôi cùng hẹn sẽ quay lại nơi này với bạn bè, gia đình của mình.

Sài Gòn của tôi không chỉ là một thành phố hiện đại, năng động mà còn là một địa danh lịch sử, nơi mỗi con đường, góc phố đều ẩn chứa những câu chuyện lịch sử. Dấu ấn lịch sử của thành phố không chỉ nằm trong những di tích mà còn hiện diện trong mỗi câu chuyện kể về lòng yêu nước được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, là cách sống hồn hậu, phóng khoáng, trượng nghĩa, trọng tình của đất và người Sài Gòn.

Thuỳ Dương

Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”.

Cơ cấu giải thưởng:
- 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng.
- 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng.
- 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải.
- 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải.
- 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải.
- 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng.
- 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng.
- Giải tháng: 10 triệu đồng/giải.
Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý.
Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây: https://www.phunuonline.com.vn/cong-bo-cuoc-thi-viet-thanh-pho-cua-toi-a1503685.html

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI