Đắp ốc bươu trị trĩ, nào ngờ viêm màng não

12/10/2020 - 06:27

PNO - Bị bệnh trĩ nhiều năm, ông Q. được điều trị bằng thuốc tây. Gần đây, nghe lời hàng xóm, mỗi lần đi tiêu ra máu, ông đều lấy thịt ốc bươu vàng sống đắp lên nên bị nhiễm ký sinh trùng gây viêm màng não.

 

Khoa Nhiễm B Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM tiếp nhận một vài trường hợp bị nhiễm bệnh do đắp ốc ma, ốc bươu vàng điều trị vết thương hay đắp mắt
Khoa Nhiễm B Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM tiếp nhận một vài trường hợp bị nhiễm bệnh do đắp ốc ma, ốc bươu vàng điều trị vết thương hay đắp mắt

Ông D.V.Q. (62 tuổi, ở tỉnh An Giang) bị trĩ nhiều năm nay nhưng chỉ uống thuốc tây điều trị, không phẫu thuật cắt búi trĩ. Gần đây, nghe người hàng xóm nói thịt ốc bươu vàng có thể trị bệnh trĩ nên ông Q. rất mừng. Theo người hàng xóm, mỗi lần đi tiêu ra máu, ông Q. chỉ cần bắt ốc bươu vàng, lấy phần thịt giã nhuyễn và đắp vào búi trĩ vừa cầm máu, vừa trị bệnh.

Từ lúc được hàng xóm bày cách, ông Q. đã đắp ốc bươu vàng năm lần. Ông kể, đúng là khi đắp thịt ốc này lên búi trĩ, máu chảy ít hơn nên ông nghĩ có tác dụng và ngưng uống thuốc tây. Tuy nhiên, sau đó, ông có dấu hiệu sốt mỗi ngày hai đợt, sốt tái đi tái lại hai tuần.

Đến khi ăn uống kém, sụt khoảng 4-5kg, nhức đầu, nhức mỏi chân, đi lại khó khăn nên ông mới vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM khám bệnh. Tại đây, ông Q. tỉnh táo, còn sốt, nhức đầu nhiều, kèm đau cơ mặt sau đùi trái, đau nhiều đi lại khó khăn nên được nhập viện theo dõi, điều trị. 

Tiến sĩ - bác sĩ Lê Bửu Châu, Trưởng khoa Nhiễm B Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho biết qua khai thác bệnh sử, làm các xét nghiệm, các bác sĩ nghi ngờ ông Q. bị nhiễm ký sinh trùng từ việc đắp ốc bươu vàng chữa bệnh trĩ.

Bác sĩ Châu cho biết: “Do ông Q. không ăn ốc tái sống, nên rất có thể thịt ốc sống ông dùng để đắp lên các búi trĩ có chứa ấu trùng của một loại giun tròn thường hay gây viêm màng não. Các ấu trùng này thông qua các vết thương chảy máu tại búi trĩ đi vào máu đến hệ thần kinh trung ương. Tùy vào vị trí tổn thương, ông sẽ bị các biểu hiện khác nhau. Nguy hiểm nhất là rối loạn tri giác ở nhiều mức độ, có thể hôn mê sâu và tử vong. Kết quả khảo sát dịch não tủy của ông Q. cho thấy ông bị viêm màng não nghi do ký sinh trùng”.

May mắn, ông Q. được phát hiện và vào bệnh viện sớm nên kịp thời chữa trị. Sau ba ngày điều trị, ông bớt đau đầu, đau cơ, đi lại bình thường, kiểm tra dịch não tủy những ngày sau đó cho thấy bệnh ổn định dần. Hiện tại, ông Q. đã được ra viện về nhà và tái khám theo lịch hẹn. Kết quả tái khám cho thấy bệnh hồi phục tốt.

Bác sĩ Châu cho biết, Khoa Nhiễm B thường tiếp nhận các trường hợp bệnh nhân bị viêm màng não do ký sinh trùng sau khi ăn ốc tái, sống. Trong đó, một vài người bị nhiễm bệnh do đắp ốc ma, ốc bươu vàng điều trị vết thương hay đắp vào mắt. Những loại ấu trùng có trong các loại ốc này, ngoài xâm nhập vào cơ thể người qua đường tiêu hóa, còn có thể xâm nhập qua da, niêm mạc, nhất là da có vết thương hở.

Triệu chứng của bệnh viêm màng não do ký sinh trùng khá đa dạng như sốt kéo dài, nhức đầu, buồn nôn, nôn. Một số bệnh nhân có biểu hiện rối loạn cảm giác, liệt các dây thần kinh sọ, co giật, thậm chí tử vong. Vì vậy, người bệnh không nên tự ý điều trị bằng các phương pháp dân gian như đắp lá cây có dính chất nhớt của những động vật thân mềm chưa được rửa sạch, đắp các loại ốc sống vào vết thương, nguy cơ bị biến chứng, nhiễm ấu trùng giun rất cao.

Bác sĩ Châu khuyến cáo, người dân không nên nghe theo lời truyền miệng, sử dụng ốc bươu, ốc ma, ốc sên hay các loại ốc sống để chữa bệnh. Bên cạnh đó, tự ý đắp lá, cây cỏ, hay chữa bệnh theo kinh nghiệm của người khác cũng dễ bị nhiễm trùng, biến chứng. Khi có vấn đề về sức khỏe, hãy đi đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị đúng cách theo chỉ định của bác sĩ, tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc. 

Bệnh trĩ do các đám rối tĩnh mạch vùng trực tràng, hậu môn bị giãn quá mức. Người lớn tuổi và những người có các tình trạng như tiêu chảy, táo bón, u xương chậu, phụ nữ trong và sau khi mang thai, những người ngồi trong thời gian dài có nguy cơ mắc bệnh trĩ rất cao.

Ban đầu, bệnh không có triệu chứng rõ ràng, cho đến khi người mắc bệnh trĩ bị chảy máu khi đi tiêu nhưng không gây đau, ngứa hoặc đau hậu môn, phình mô quanh hậu môn, rò phân hoặc khó vệ sinh sạch sau khi đi tiêu… 

Tùy vào mức độ bệnh, người mắc bệnh trĩ sẽ được điều trị theo nhiều phương pháp khác nhau như ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước, tránh rặn kéo dài khi đi tiêu, ngâm hậu môn trong nước ấm ngày 2-3 lần, mỗi lần 10 phút… nếu trĩ gây tổn thương ở mức độ nặng hơn, bác sĩ sẽ thực hiện các phương pháp để xử lý như thắt dây chun đối với trĩ nội độ I, II, tiêm xơ, đốt laser, phẫu thuật cắt búi trĩ…

Biến chứng bệnh trĩ cấp tính có thể là đau, nhiễm trùng, chảy máu và bí tiểu. Bệnh trĩ càng lâu không can thiệp điều trị thì biến chứng muộn càng khó kiểm soát.

Phạm An

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI