Đạo diễn Trần Lực, dắt con vào sách

13/09/2016 - 15:30

PNO - “Thời gian cứ thế trôi. Tuổi thơ của các con cũng sẽ qua đi cùng năm tháng. Cuốn sách này là cách để tôi giữ lại những khoảnh khắc vui buồn, ghi lại quãng thời gian đẹp, hồn nhiên, vô tư của các con” - Trần Lực chia sẻ.

Sau khi “ghi điểm” với hình ảnh ông bố hài hước và cực kỳ yêu con trong chương trình “bố ơi, mình đi đâu thế?”, đạo diễn (ĐD ) trần lực lại một lần nữa khiến công chúng bất ngờ khi cho ra mắt cuốn sách Chuyện nhà Bông Bờm Bách (Thái Hà books và nhà xuất bản lao động ấn hành) - một cuốn sách đầy ắp tình cảm gia đình, tình cha con và vô cùng dí dỏm, đáng yêu.

Chiều 10/9, ĐD Trần Lực cùng con trai Trần Bờm cũng đã có buổi giao lưu tại TP.HCM, với sự tham dự của nhiều độc giả là những ông bố, bà mẹ. Nội dung cuốn sách đã toát lên từ cái tựa: Chuyện nhà Bông Bờm Bách. Trần Lực nói, anh có thói quen ghi chép lại những mẩu chuyện vụn vặt của các con.

Dao dien Tran Luc, dat con vao sach

“Thời gian cứ thế trôi. Tuổi thơ của các con cũng sẽ qua đi cùng năm tháng. Cuốn sách này là cách để tôi giữ lại những khoảnh khắc vui buồn, ghi lại quãng thời gian đẹp, hồn nhiên, vô tư của các con” - Trần Lực chia sẻ. Ông bố gọi ba đứa con là “lũ 3B nhiều chiện”, cách anh thể hiện tình yêu thương trong những con chữ cũng thật lạ. Rất ít khi thể hiện cảm xúc, mà mọi yêu thương được thể hiện qua cách anh trò chuyện với các con, luôn hài hước hóa mọi nhắng nhít, nghịch phá của trẻ.

Chuyện nhà Bông Bờm Bách như một thế giới trẻ thơ trong suốt dù có vô số “rắc rối, xung đột” chẳng biết đâu mà lần - theo cách ĐD Trần Lực nói vui. Ở đó, chỉ có những trò nghịch phá mà cái gì cũng đáng yêu, cũng đáng được khuyến khích và tha thứ.

Trần Lực có lối vào chuyện rất ấn tượng. Kiểu như giới thiệu “3B” (ba nhân vật Bông, Bờm, Bách) mỗi đứa một cá tính. Rồi cách gọi vợ - chị Mỹ Trang là cô Thủy. Lý do: “Ở nhà, bố con cháu hay đùa gọi mẹ cháu là phù thủy cưỡi chổi, bị mẹ mắng mấy lần nên bố con cháu gọi là cô Thủy cho nó nhẹ nhàng”.

 “Cô Thủy” vài lúc sượt qua trang sách theo kiểu quát ba đứa con vì tội lấy quần áo bẩn của bố mẹ mặc làm ma đi khắp nhà, lúc đập cửa toilet ầm ầm đòi ông bố “giao” đứa con trai út ngỗ nghịch, lúc ngủ nướng mà bị con làm phiền thì đứng chống nạnh trên giường quát, lúc “rượt” Bách chạy khắp nhà bắt phải xin lỗi mẹ vì tội bày trò… “Cô Thủy” cứ “hung dữ” thế, nhưng mà cũng luôn tiềm ẩn một ngọn lửa ấm áp.

Những “xung đột” nếu có xảy ra trong mái nhà ấy cũng đều biến thành niềm vui, tràn ngập tiếng cười từ sáng cho đến tối. Đó cũng là quan điểm mà ĐD Trần Lực đã chia sẻ: cứ tạo không gian thoải mái trong gia đình, chuyện lớn hay bé cũng cứ hãy nhìn đơn giản, hài hước đi, để mọi thứ đều được nhẹ nhàng.

Dao dien Tran Luc, dat con vao sach

Chuyện nhà Bông Bờm Bách là những chuyện không theo trật tự nào, nhưng lại có sức hấp dẫn kỳ lạ, cứ thế mà người đọc có thể đọc một lèo hết cuốn sách tràn đầy những điều đáng yêu ấy. Chuyện Bách - nhỏ tuổi nhất nhà - đòi mặc áo khoác xanh mà mẹ không đáp ứng, “gọi pố pố không thưa!” thì trách “cả nhà chẳng ai yêu coon cả”, chuyện bố muốn “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” mà dạy mãi cậu cũng không nói được từ “nước”, chuyện ba đứa con soạn quy tắc phòng ngủ để… cấm bố mẹ vào phòng; rồi chuyện ăn uống “nhồi như nhồi vịt”, đi học lắm trò, về nhà là nhắng nhít gây sự…

Cách gì bố Trần Lực cũng giải quyết, “chịu đựng” hết. Ba đứa trẻ được yêu thương và không phải lúc nào cũng được chiều chuộng, được bảo bọc nhưng lúc nào cũng có một khoảng trời tự do để hồn nhiên trưởng thành. Có lẽ, đọc những mẩu chuyện tưởng chừng vụn vặt, hẳn nhiều ông bố bà mẹ cũng sẽ giật mình. Thông điệp lớn nhất của cuốn sách là bố mẹ hãy làm bạn cùng con, dành thời gian chơi đùa và hiểu những đứa trẻ của mình.

Trẻ nhỏ có hạnh phúc trọn vẹn hay không là chính cách yêu thương gần gũi, đầy quan tâm của bố mẹ. Những lời răn dạy nghiêm túc nhưng ấm áp luôn khiến trẻ lắng nghe, ghi nhớ và biết ơn hơn là “cho roi cho vọt”. Và quan trọng hơn hết, trẻ con cũng cần được trao niềm tin, sự khích lệ trong bất cứ nỗ lực nào, dù rất nhỏ.

Dắt các con vào trang sách, ĐD Trần Lực để những đứa trẻ trao cho người đọc sự hồn nhiên trong vắt. Đôi lúc, anh cũng truyền đi cảm giác hạnh phúc của một ông bố mà mỗi khi về nhà là 3B nhào ra đón, hoặc lúc ốm sốt có bàn tay nhỏ bé sờ lên trán hỏi “pố mệt hả pố?” rồi khẽ khàng đắp chăn; có khi là câu nói hồn nhiên: “Con ước gì thời gian ngừng trôi để nhà mình cứ mãi như thế này”, “Con không muốn bố già giống ông nội đâu”…

Hình ảnh ông bố được vẽ minh họa trong cuốn sách luôn là một ông bố khổng lồ, bao bọc những đứa con bằng sự gần gũi, hài hước; còn ba đứa trẻ thì có đủ trò nghịch. Cứ như thế, nhà “Bông Bờm Bách” đi đâu là tiếng cười ở đó.

Đọc Chuyện nhà Bông Bờm Bách để thấy những điều giản đơn nhưng cũng chính là những điều kỳ diệu nhất để làm nên hai chữ “gia đình”. Cuốn sách khép lại bằng những mẩu chuyện vui và “không thể hiểu nổi” từ Bông, Bờm, Bách, nhưng cũng là cách để nối dài thêm những câu chuyện từ triệu triệu ông bố bà mẹ trên đời. Mỗi gia đình cũng đều có những “Bông Bờm Bách” đáng yêu, xứng đáng làm nên những trang sách ngọt ngào và nâng niu như vậy.

Tiểu Quyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI