Đã yêu là phải ghen?

10/09/2020 - 11:51

PNO - Bọn cháu lúc nào cũng cảm thấy căng thẳng khi không thể biết người kia đang ở đâu, với ai, làm gì…

Gửi chú Ti Vi,

Cháu năm nay 18 tuổi, đang yêu một người. Anh ấy là mối tình đầu của cháu. Hai đứa cùng tuổi, lại học cùng trường. Giai đoạn đầu, mọi thứ bao giờ cũng đẹp đẽ. Bọn cháu đều đặn nhắn tin cho nhau hàng giờ, gặp nhau hằng ngày. Việc đi học trở thành một niềm vui, với tất cả háo hức, hồi hộp, chờ mong. Lúc mới yêu, điều gì của đối phương cũng khiến mình thấy dễ thương. Cả những giận hờn, ghen tuông cũng có phần đáng yêu.

Mọi thứ chỉ đáng ghét cho đến khi một trong hai, hoặc cả hai bắt đầu có ý muốn sở hữu nhau. Lúc xa nhau, bọn cháu lúc nào cũng cảm thấy căng thẳng khi không thể biết người kia đang ở đâu, với ai, làm gì… Chỉ khi được ở bên cạnh nhau, tức là cả hai đều đang nằm trong tầm ngắm của nhau, có thể “kiểm soát” được nhau trong chừng mực nào đó, (còn nếu xa nhau thì phải nhìn thấy nhau qua video call), thì mới tạm yên tâm.

Cháu biết kiểu quản thúc này là rất kém văn minh, nhưng không hiểu sao vẫn cứ phạm phải. Chuyện này kéo dài làm cháu mệt mỏi quá. Dường như cả hai chúng cháu đều không có niềm tin dành cho nhau, cháu không tin anh ấy, và ngược lại, anh ấy cũng chẳng có niềm tin nào với cháu. Mà trên lý thuyết, tình yêu không có niềm tin thì trước sau gì cũng “ngủm củ tỏi” thôi.

Tất nhiên, cháu không bao giờ muốn điều đó xảy ra, nên chú đừng khuyên “cháu dừng lại đi chứ yêu làm chi cho mệt mỏi”, nha chú. Cháu mới yêu lần đầu nên không có kinh nghiệm tình trường. Mong được chú chỉ bảo thêm. Cháu cảm ơn chú nhiều.

Cháu Mệt Mỏi

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mệt Mỏi thân mến,

Dĩ nhiên chú không bao giờ khuyên:“Đừng yêu nữa, yêu làm gì cho mệt!”. Nói một người đang yêu đừng yêu nữa cũng vô ích ngang với bảo một người ăn no đừng ợ nữa. Đó là việc không kìm được.

Rồi trong việc yêu, ta lại cũng không thể khuyên ai đó “đừng có ghen!”. Ghen vừa là phản ứng “giữ 
của” vừa là sự đa nghi, không thích người khác “qua mặt” mình. Mức độ xử sự vì thế thay đổi tùy tính người và cũng rất phức tạp, do nó đến từ một hỗn hợp các nguyên nhân.

Có người ghen với quá khứ của người yêu nhưng dửng dưng với những đe dọa trong tương lai. Có người tưởng tượng ra các đối tượng tương lai mà ghen nhưng lại hoàn toàn dửng dưng với quá khứ. Có người không ghen vặt nhưng ghen “ra tấm ra món”, bắt được là bỏ ngay không tha thứ. Có người chỉ cần “khai báo”cụ thể là làm gì cũng không ghen. Có người ghen đến mức chấp nhận người kia làm sao cũng được miễn đừng để mình biết sự thật.

Có yêu thì mới có ghen. Cũng một đối tượng đó, cách đây ba năm khi mới chia tay thì ghen lồng ghen lộn, ngày đêm vào rình mò Facebook nhau dò la từng status, bình luận; thế rồi ai cũng có tình yêu mới thì quên bẵng mất Facebook của nhau, mấy tháng sau vô tình xem qua lòng dửng dưng đến nỗi bản thân cũng thấy buồn vì mọi việc sao trôi qua nhanh thế. Hết yêu thì cũng hết ghen. Cho nên chú thường không tin khi nghe người nào đó khoe: “Anh ấy/cô ấy tin tôi tới mức không thèm ghen, tôi muốn làm gì thì làm”.

***
Ghen cũng như gia vị, ớt, gừng… đã nấu thì phải có nhưng nhiều quá thì thành khó chịu. Lại có những lúc không nên cho tí gia vị nào. Tuy vậy như đã nói, ghen là tính tình rồi nên khó có thể như học nấu ăn theo công thức mà gia giảm. “Món ăn” mà cháu với người yêu cháu nấu có vẻ hơi nhiều gia vị, khiến cả hai đều cảm thấy kém ngon. Theo chú, hai người cứ bàn thẳng với nhau rằng mình cần điều chỉnh sao đó, không phải là“bớt ghen”mà làm sao để “bớt phải ghen”.

Cháu có viết: “Bọn cháu lúc nào cũng cảm thấy căng thẳng khi không thể biết người kia đang ở đâu, với ai, làm gì…”, thì để giảm căng thẳng cho nhau, tốt nhất từ nay bọn cháu thông tin cho nhau về tọa độ, lịch trình. Cháu có thể báo rằng tối nay cháu sẽ đi uống trà sữa với đám bạn gồm A, B, C; khi đến quán cháu có thể nhắn tin cho người yêu biết đó là quán nào. Ngược lại, bạn trai cũng sẽ cho cháu biết mới kết bạn với cô gái nào trên Facebook, lý do kết bạn… để tránh màn “tra khảo” đó là ai.

Nghe thì có vẻ máy móc và bó buộc nhưng thực ra lại rất nhẹ nhàng, tránh được nhiều “hậu họa ”. Ngược lại, cả hai cũng cần phải “độ lượng” và cho phép người kia làm một số việc, dự một số hoạt động mà mình không thích cho lắm; đừng có kiểu mặt sa sầm chiến tranh lạnh là thứ mệt mỏi nhất, ăn mòn tình yêu nhanh nhất, sau này nhận ra rồi có sửa cũng không được nữa.
Cuối cùng, chúc mừng cháu đang hưởng niềm vui của tuổi trẻ. Rồi sẽ có nhiều sai lầm, nhiều thất thố, cho “gia vị” quá đà nhưng mặc kệ hết cháu nhé. Yêu bằng hết sự chân thành, rồi được hay không, đằng nào ta cũng sẽ quên hết thôi cháu ạ.

Chú TI VI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI