Đa dạng phương thức xét tuyển đại học 2023

27/12/2022 - 06:41

PNO - Mùa tuyển sinh đại học 2023, các trường đưa ra nhiều phương án tuyển sinh nhằm thu hút thí sinh có chất lượng và phù hợp nhất. Thí sinh có thêm nhiều cơ hội trúng tuyển với các phương thức xét tuyển này.

Nhiều khối ngành dùng kết quả thi đánh giá tư duy

Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội ngày 23/12 cho biết nhà trường vừa tiến hành điều chỉnh về cấu trúc, nội dung của bài thi, áp dụng từ năm 2023 để phù hợp với dự báo mở rộng khả năng áp dụng kết quả bài thi đánh giá tư duy cho các trường ĐH, học viện khối ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng, công nghiệp, nông nghiệp, y dược… Đặc biệt, bài thi sẽ phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông hiện hành cũng như chương trình giáo dục phổ thông mới.

Theo đó, từ năm 2023, cấu trúc và nội dung bài thi được điều chỉnh theo hướng gọn nhẹ hơn, từ 270 phút xuống còn 150 phút. Nhà trường xóa bỏ tư duy theo tổ hợp môn học (từ toán + đọc hiểu + khoa học tự nhiên + tiếng Anh thành nội dung đánh giá tư duy toán học, tư duy đọc hiểu và tư duy giải quyết vấn đề) để phù hợp với chương trình giáo dục THPT mới áp dụng. Bài thi gồm 3 phần: tư duy toán học (60 phút), tư duy đọc hiểu (30 phút) và tư duy giải quyết vấn đề (60 phút). 

Theo lãnh đạo nhà trường, với bài thi này, ĐH Bách khoa Hà Nội hướng đến mở rộng các ngành tuyển sinh gồm khoa học công nghệ, kinh tế, kỹ thuật, công nghiệp, nông nghiệp, tài chính, ngân hàng, y dược. Thí sinh được dự thi không giới hạn số lần cũng như đăng ký xét tuyển vào bất cứ trường ĐH nào sử dụng kết quả của kỳ thi. Nhà trường sẽ tổ chức thi nhiều đợt, nhiều địa điểm thi và cấp giấy chứng nhận kết quả thi có thời hạn trong 2 năm cho thí sinh. 

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2022
Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2022

Trong khi đó, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân sẽ tuyển sinh 60 mã ngành/chương trình với 6.200 chỉ tiêu. Trường năm nay sử dụng 4 phương thức xét tuyển và phân bổ chỉ tiêu cụ thể: xét tuyển thẳng 2%, xét tuyển theo điểm thi đánh giá tư duy năm 2023 của ĐH Bách khoa Hà Nội 3%, xét tuyển theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 - 25% và 70% còn lại xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường. Phương thức xét tuyển kết hợp áp dụng cho tất cả 60 mã ngành/chương trình tuyển sinh năm 2023 với 5 nhóm đối tượng gồm: thí sinh có chứng chỉ quốc tế SAT và ACT, thí sinh có điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia, thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp với điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia, thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp với điểm 2 môn thi tốt nghiệp THPT, thí sinh là học sinh hệ chuyên của các trường THPT chuyên toàn quốc/trường THPT trọng điểm quốc gia kết hợp với điểm 2 môn thi tốt nghiệp THPT.

Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải cho biết, năm 2023 Trung tâm Khảo thí tiếp tục triển khai 12 đợt thi đánh giá năng lực từ tháng Ba đến tháng Sáu với quy mô dự kiến 100.000 lượt thi tại 8 tỉnh, thành. Thời gian đăng ký giữa 2 đợt cách nhau 4-6 tuần, thí sinh đăng ký dự thi từ tháng 2/2023. Để tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo sử dụng kết quả thi này phục vụ việc tuyển sinh năm 2023, ĐH Quốc gia Hà Nội cam kết tiếp tục đồng hành trong việc hỗ trợ về kỹ thuật cho các cơ sở.

Khối sư phạm muốn sử dụng chung kết quả 

Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết sẽ tổ chức kỳ thi độc lập để tuyển sinh vào ĐH năm 2023, dự kiến sẽ có 1 hoặc 2 đợt vào cuối tháng 4 và 5/2023. Nhiều trường sư phạm dự kiến sẽ sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội để xét tuyển trong kỳ thi tuyển sinh năm tới. 

Giáo sư Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - cho biết các trường này gồm Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, Trường ĐH Sư phạm Huế, Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên, Khoa Sư phạm thuộc ĐH Vinh, Trường ĐH Sư phạm TPHCM và Khoa Sư phạm thuộc Trường ĐH Quy Nhơn. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng thống nhất với Trường ĐH Sư phạm TPHCM về việc công nhận kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của nhau. Theo ông Minh, đề thi gồm 2 phần tự luận và trắc nghiệm, trong đó 70% là thi trắc nghiệm, 30% thi tự luận. Riêng môn ngữ văn sẽ có cấu trúc ngược lại với 30% thi trắc nghiệm và 70% thi tự luận. Thí sinh không cần đi học thêm, chỉ cần nắm chắc kiến thức trong chương trình là có thể làm tốt bài thi đánh giá năng lực của trường.

Với cách tổ chức thi như trên, giáo sư Nguyễn Văn Minh nói thêm, không chỉ khối trường sư phạm mà các trường ngoài sư phạm cũng hoàn toàn có thể sử dụng điểm kỳ thi này để tuyển sinh. Các trường tuyển khối B có thể sử dụng điểm thi các môn toán, lý, hóa để xét tuyển. Nhà trường dự định kỳ thi sẽ được tổ chức thành nhiều đợt và có thể tổ chức ở cả các tỉnh, thành khác ngoài Hà Nội, nhằm giảm bớt việc phải di chuyển của thí sinh. Đồng thời, thí sinh cũng có thể đăng ký thi nhiều đợt để cải thiện điểm số. Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng cho biết nhà trường sắp xếp thời gian thi rất gọn. Nếu thí sinh thi 3 môn thì có thể thi trong 1 ngày. 

Đề thi được xây dựng trên chương trình bậc THPT, thí sinh cần nắm chắc kiến thức cơ bản để có thể làm tốt bài thi, không học lệch, học tủ. Chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển theo bài thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như số lượng thí sinh đăng ký dự thi, tuy nhiên, trường dự kiến khoảng 15%, tối đa không quá 30% chỉ tiêu cho phương thức này. “Trường vẫn sử dụng phương thức xét tuyển theo điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT là phương thức tuyển sinh chính, với tỉ lệ chỉ tiêu cao nhất, tiếp đó là phương thức xét tuyển thẳng với thí sinh có giải các kỳ thi quốc gia, quốc tế, thí sinh các trường chuyên” - ông Nguyễn Văn Minh nói. 

Dung Nhi

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI