Nghiêng mình nhớ quê

10/11/2020 - 07:47

PNO - Phải là những ai đã mỏi gót đường đời mới thấm thía hai chữ hoài hương.

Xuôi theo con nước tháng 11, nội về Vũng Thơm. Năm nào cũng vậy, dẫu đôi lần ba can ngăn, nội đâu còn trẻ, chỗ đông người, lại ngay mùa lễ hội, rồi lỡ có gì biết tính sao. Mấy bận ba nói vậy, nội chỉ thở dài, nội đâu còn trẻ, nên mới da diết mà tìm về, chừng được mấy năm nữa đâu. Nội bảy mươi, chân yếu hẳn, lại thêm bệnh cao huyết áp, đi đâu xa, con cháu ở nhà thấp thỏm lo. Nhưng nội cứ đi.

Mỗi năm nội đi một lần, mỗi năm cũng chỉ có một mùa Ok Om Bok mà bây! Bỏ lửng câu nói của nội, ba kêu má gói đồ đi cùng để tiện bề chăm sóc. Phía sau nhà, mấy đứa cháu nhao nhao đòi bánh pía. Nội gật gù, nụ cười hom hem như chừng chuyến xe về quê đã tới đón ngay đầu cổng nhà. 
1.

Ông nội người gốc Hoa, ở miệt Tân Châu. Năm đó, theo đoàn ghe ngo huyện sang thi đấu giao lưu mùa lễ hội Ok Om Bok, ông phải lòng ngay cô gái bán bánh pía Vũng Thơm nước da trắng ngần, mái tóc đen dài chấm lưng thon. 

Để có được chiếc bánh pía thơm ngon, hấp dẫn phải qua rất nhiều công đoạn
Để có được chiếc bánh pía thơm ngon, hấp dẫn phải qua rất nhiều công đoạn

Rồi một đôi tháng, ông lặn lội từ Tân Châu qua Vũng Thơm thăm bà, chuyện trò dăm ba câu, lại tất tả đón chuyến xe đò muộn mà về lại. Đâu chừng một năm sau, cũng ngay ngày hội đua ghe ngo, ông ngỏ lời với bà bằng đôi bông tai mù u. Chiều đó ven bờ kênh sông Đinh, bà lặng yên để ông đeo đôi bông tai cho mình. Ven bờ nước lên, điên điển trổ vàng hươm. 

Đám cưới ông bà đâu có gì, chỉ xấp lãnh Mỹ A trứ danh của xứ lãnh Tân Châu, cùng chục mâm heo gà đãi họ hàng. Bà theo ông về, bắt đầu những chuyến rong ruổi tha hương. Dòng đời đưa đẩy ông bà gá phận mình ở đất Sài Gòn cũng bốn mươi năm. Khi đã an ổn nhiều thứ, ông với bà bắt đầu nhớ quê mà tìm về những mùa ghe ngo trẩy hội sóng nước. 

Nhưng rồi ông đi sớm, bà lẩn thẩn một mình. Mỗi bận giỗ ông, nhất định mâm cúng chẳng thể thiếu mấy cái bánh pía từng se duyên chồng vợ. Trong ký ức cũ càng của bà luôn là mối tình đẹp gắn liền với món bánh quê hương.

2.

Con gái Sơn Đốc phải biết cán bánh phồng, con gái Mỹ Lồng phải biết tráng bánh tráng. Bà người Vũng Thơm, nên bánh pía như máu mủ ruột rà nuôi bà lớn khôn. Đôi lần khi vui, cắn miếng bánh pía, nhấp ngụm trà, ngồi nhìn trăng treo nghiêng qua những mái nhà phố, bà hay kể chuyện xưa. 

Bánh pía vốn là một trong những đặc sản có nguồn gốc từ Sóc Trăng. Bánh được làm bằng bột mì, đậu xanh, sầu riêng và lòng đỏ trứng muối. Pía thật ra là “bính”, có nghĩa là bánh, âm đọc của người Triều Châu mà miệt Nam Bộ thường gọi là người Tiều. Bởi Sóc Trăng có sự giao thoa văn hóa của ba dân tộc Hoa, Khmer và Kinh, nên đọc trại thành pía. Cứ vậy mà cái bánh của người Hoa len lỏi thành món trứ danh của cả vùng châu thổ Cửu Long hồi nào không hay. 

Đôi khi bánh pía còn được gọi là bánh lột da bởi các lớp bánh được cán chồng lên nhau khéo léo, bên ngoài bao phủ bởi lớp vỏ lụa mỏng, dễ lột ra từng lớp khi ăn. Cái bánh pía bên ngoài có màu vàng cam, đôi khi được đóng triện đỏ để phân biệt bánh của nơi nào làm. Bẻ đôi ra, chiếc bánh như vành trăng bán nguyệt, ẩn vào trong là màu đỏ rực của lòng đỏ trứng muối, mùi sầu riêng dậy lên như mời gọi. 

Nội bảo, hồi xưa làm bánh kiểu thủ công cực thấu trời nhưng nhìn chiếc bánh nóng hổi ra lò, mùi bánh thơm dậy lại hả hê lòng, quên hết nhọc nhằn. Để bánh pía có được mùi vị, màu sắc hấp dẫn phải qua rất nhiều công đoạn. Trước tiên, bột mì được trộn nhuyễn với đường cát trắng, nhào nặn nhịp nhàng. Tay xoay đều liên tục để đường thấm vào bột một cách mịn màng. Rồi chia làm hai phần. Phần bột dai được cán mỏng như bánh tráng, cuốn tròn lại, kéo dài ra làm vỏ ngoài cùng. Phần bột xốp được xắt thành khối vuông, kích cỡ vừa lòng bàn tay, được dùng làm vỏ bánh bên trong. 

Nhân bánh có nhiều loại, được chuộng nhất là nhân đậu xanh, nhân khoai môn. Đậu xanh và khoai môn sau khi hấp chín được trộn đường, xay nhuyễn, thêm ít mỡ heo đã thắng lấy nước, tạo mùi vị bùi bùi, beo béo hấp dẫn. Phần mỡ làm nhân được xắt sợi ướp đường cho săn, nhằm giữ được lâu. Lòng đỏ trứng muối để ngay chính giữa phần bột xốp. Nhưng để tạo phong vị khác lạ khiến bánh pía vang danh như hôm nay, phải kể đến công của xứ Vũng Thơm.

Biết người dân Nam bộ mê sầu riêng, vài lò bánh thử cho thêm sầu riêng xay mịn vào nhân bánh, đâu dè nó bắt mùi, ngon không thể tả. Chính sầu riêng mới làm rạng danh bánh pía, khiến không biết bao nhiêu người thèm thuồng. Lâu không ăn là nhớ. Mấy người bôn ba xa xứ tuốt bên Tây bên Mỹ, mấy bận về Việt Nam lễ tết, cũng ráng kiếm cho được năm ba cây bánh pía đem theo làm quà. 
Công đoạn nướng bánh cũng nhiêu khê lắm. Độ lửa phải thật cao, cứ năm bảy phút phải lấy bánh ra, lật ngược mặt bánh rồi thoa lên một lớp lòng đỏ trứng và đưa vào lò trở lại. Tầm mười lăm hay hai chục phút sau, bánh chuyển sang màu vàng ươm, quyện mùi sầu riêng thơm lựng thì mới coi là bánh chín.

Bánh này không thể ăn nhiều một lúc nhưng có thể lai rai hoài không ngán. Điều này thì đám cháu của nội rành sáu câu. Mấy lần nhà có bánh pía, chỉ cần nội cắt bánh, để ngay bàn ăn, đám cháu lượn qua lượn lại, mỗi lần chỉ bốc một góc tư vậy mà hết cả cây bánh hồi nào không hay. 

3

Chiều thứ Sáu, má gọi điện cho ba nói bánh pía được công nhận là Di sản phi vật thể cấp quốc gia, tỉnh tổ chức lễ hội đón nhận xôm tụ rần rần. Với hơn năm chục năm làng nghề bánh pía định danh một món ngon nức tiếng thiên hạ, Vũng Thơm vui như tết, sáng đèn suốt đêm. Nội cứ ra vào mấy lò bánh mà cười tíu tít. Mấy đứa con nhốn nháo: “Hay mình về quê một chuyến đi ba”. Vậy là ngay trong đêm, chiếc xe mười sáu chỗ từ Sài Gòn nhắm hướng Sóc Trăng thẳng tiến.

Có lần nội nói, dân Sóc Trăng hễ nhớ quê mà về không được, cứ ghé đại mấy tiệm bánh pía đầy rẫy ở Sài Gòn mà mua bịch bánh. Mấy người Việt mình bên nước ngoài cứ phải gói ghém bánh pía đem đi là bởi nhớ quê thì tìm vị, cho bõ nỗi thèm. Cắn miếng bánh thôi, là nước mắt lưng tròng, là bời bời ký ức. Phải là những ai đã mỏi gót đường đời mới thấm thía hai chữ hoài hương.

Nội mừng như khóc khi sớm tinh mơ mấy đứa cháu nhí nhố khắp miệt đồng bưng. Sóng nước Sóc Trăng rộn ràng ghe ngo tấp nập cho cuộc vui lớn. Dễ chừng chục năm rồi, mấy đứa trẻ thị thành mới về tắm mát hồn mình trên khúc sông quê. Tay cầm miếng bánh pía, miệng la í ới cổ vũ đội ghe ngo huyện nhà thi thố. Hai bên ven bờ Maspero chật kín người hò reo nói cười rộn rã. 

Chiều sẫm tím, ai ca dù kê(*) để nỗi thương quê cứ thắt thẻo nghiêng mình theo dáng nội. 

Dọc theo trục đường chính từ Cần Thơ đi Cà Mau, ngang qua địa phận Sóc Trăng, du khách dễ dàng bắt gặp những dãy hàng quán, biển hiệu san sát nhau như một lời chào mừng bạn đã đến với quê hương của món bánh pía nổi danh. Bánh pía có ở khắp các tỉnh miền Tây Nam bộ nhưng không đâu bằng bánh pía được làm tại Vũng Thơm - Sóc Trăng. 

Hiện tại, Sóc Trăng có khoảng 50 lò bánh lớn nhỏ. Dù cùng một tên gọi bánh pía nhưng mỗi lò lại có bí quyết riêng, tạo nên hương vị đặc trưng của từng thương hiệu. Làng Vũng Thơm, xã Mỹ Tâm, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng được xem là cái nôi của nghề bánh pía. Ngày nay, bánh pía được lưu truyền, phát triển lớn mạnh và xuất khẩu ra thị trường thế giới. Ngày 30/10, nghề làm bánh pía của người Hoa vừa được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trao bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

(*) Dù kê: là kịch hát truyền thống thuộc nghệ thuật sân khấu hát và múa của người dân tộc Khmer tại tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau, An Giang, Trà Vinh; được sắp xếp như tuồng dài, kết cấu giống cải lương; nội dung diễn tả tình yêu quê hương đất nước. Đây được xem là món ăn tinh thần của người miền Tây.

Tống Phước Bảo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI