Cuốn sách giúp giảm tác hại của chấn thương tâm lý

19/09/2021 - 11:54

PNO - Cuốn sách "Sơ cứu tâm lý: Hướng dẫn dành cho nhân viên cứu hộ tại hiện trường" ra đời nhằm hỗ trợ giảm thiểu cảm giác đau đớn do các sự kiện không mong muốn gây ra đồng thời thúc đẩy khả năng thích ứng và đối phó với các vấn đề trong tương lai.

Theo một số báo cáo tại Trung Quốc, trong đại dịch COVID-19, tỷ lệ người mắc chứng lo lắng ở quốc gia này tăng tới 30%, trầm cảm tăng 17% và rối loạn căng thẳng sau sang chấn tăng 35%. Những số liệu tương tự cũng được ghi nhận tại Ý, Ấn Độ, Bangladesh và Nhật Bản, nhất là ở những người phải cách ly. Số ca tự tử do nhiều nguyên nhân cũng đã tăng lên. 

Theo một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí Phòng ngừa bệnh mạn tính, các rối loạn tâm lý như lo âu hoặc sợ hãi và các tình trạng liên quan khiến tỷ lệ tử vong tăng hơn 28%, là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai chỉ sau béo phì (30%). Trước diễn biến căng thẳng của dịch bệnh và đối sách chống dịch tại Việt Nam, nhiều chuyên gia dự đoán rằng số người bị rối loạn tâm lý sẽ tăng cao. Ngoài ra, các rối loạn căng thẳng sau sang chấn không xuất hiện ngay mà có thể đến sau khi dịch bệnh kết thúc.

 

Bên cạnh các hoạt động chữa trị y tế thường gặp, “sơ cứu tâm lý” cũng được cho là phương pháp cần thiết giúp những cá nhân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa, dịch bệnh hay những sự cố đau thương khác cải thiện tâm trạng và tái thiết lập lại cuộc sống. 

Cuốn sách Sơ cứu tâm lý: Hướng dẫn dành cho nhân viên cứu hộ tại hiện trường ra đời nhằm hỗ trợ giảm thiểu cảm giác đau đớn do các sự kiện không mong muốn gây ra đồng thời thúc đẩy khả năng thích ứng và đối phó với các vấn đề trong tương lai.

Sách này được các tổ chức chuyên môn cấp quốc gia và quốc tế xây dựng, khuyến cáo. Năm 2009, Nhóm phát triển hướng dẫn mhGAP của Tổ chức Y tế Thế giới đã kết luận rằng việc “sơ cứu tâm lý” nên được cung cấp cho những người gặp khủng hoảng nghiêm trọng sau khi trải qua đau thương thay cho phương pháp “phỏng vấn tâm lý”.

Trong một kết quả nghiên cứu do Joel Salinas - giáo sư thần kinh học tại Trường y Grossman thuộc Đại học New York (NYU, Mỹ) - thực hiện, nhà nghiên cứu này chỉ ra rằng việc biết lắng nghe sẽ giúp bảo vệ sức khỏe tinh thần người bạn thương yêu.

Sơ cứu tâm lý: Hướng dẫn dành cho nhân viên cứu hộ tại hiện trường do Nhóm y học cộng đồng chuyển ngữ, hiệu đính. Tài liệu này được xây dựng để hướng dẫn nhân viên hỗ trợ cách giúp đỡ nạn nhân vượt qua thảm họa. Việc tập hợp và hướng dẫn cho nhiều tình nguyện viên tự phát trong cộng đồng biết cách hỗ trợ tâm lý thích hợp cho người khó khăn là giải pháp quan trọng. Các giải pháp gồm: quan tâm, lắng nghe và an ủi; giúp bình tĩnh và kết nối; giúp ngăn ngừa những tổn hại tiếp theo. Đây là những việc đơn giản nhưng thiết thực để nạn nhân được chăm sóc cơ bản với sự tôn trọng phẩm giá và năng lực của họ.

Bản Việt hóa được chuyển ngữ cẩn thận, chắt lọc nhằm cung cấp các kiến thức thực tế hữu ích và định hướng bài bản cho những người có mong muốn hỗ trợ tâm lý cộng đồng. Bản điện tử của sách cho phép tải miễn phí.

Bên cạnh đó, Nhóm y học cộng đồng đang triển khai Quỹ Sài Gòn trị thương để san sẻ gánh nặng với nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch. Mỗi người góp quỹ 60.000 đồng sẽ được tặng hai bản in của quyển sách. 

Minh Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI