Cuộc đua vào lớp Mười bắt đầu “nóng”

23/02/2023 - 06:32

PNO - Dù còn gần 4 tháng nữa mới tới kỳ thi nhưng nhiều học sinh tại TPHCM và Hà Nội đang phải căng mình chạy “sô” học thêm ngày đêm để chuẩn bị cho cuộc đua tuyển sinh vào lớp Mười công lập.

Lịch học kín tuần

Tại TPHCM, năm học này có khoảng 109.000 học sinh lớp Chín tốt nghiệp THCS. Trong khi đó, chỉ tiêu các trường THPT công lập chỉ có thể đáp ứng khoảng 70% số lượng này vào lớp Mười. Vậy nên, ngay từ thời điểm bước vào học kỳ II, nhiều phụ huynh, học sinh đã đặt mục tiêu ráo riết ôn luyện để giành bằng được suất học ở trường công lập.

Học sinh dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp Mười năm học 2022-2023 tại TPHCM - ẢNH: P.T
Học sinh dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp Mười năm học 2022-2023 tại TPHCM - ẢNH: P.T

Chị Thiên Trang (ngụ TP Thủ Đức) - có con học lớp Chín Trường THCS Cát Lái - cho hay, con chị có học lực tốt nên dự định đặt nguyện vọng vào lớp Mười Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, dự phòng thêm một số trường như Gia Định, Phú Nhuận. Năm trước, đây là các trường có điểm chuẩn thuộc hàng tốp, độ cạnh tranh gay gắt, học sinh phải đạt gần 8 điểm/môn mới có thể chắc suất vào. Do đó, ngay từ đầu năm học, chị đã yêu cầu con học nghiêm túc, đặc biệt chú ý 3 môn thi là toán, văn, Anh. Hiện nay, ngoài học trên lớp, con chị đang học thêm kín các buổi tối đối với 3 môn thi, cuối tuần còn học thêm ở trung tâm tiếng Anh để nâng cao khả năng ngoại ngữ đồng thời thi lấy chứng chỉ IELTS.

Tại Hà Nội, cuộc đua vào lớp Mười còn khốc liệt hơn vì hằng năm chỉ tiêu tuyển sinh của các trường THPT công lập chỉ đáp ứng được khoảng 60% số học sinh tốt nghiệp THCS. Như năm học 2022-2023, Hà Nội có hơn 106.000 học sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào các trường THPT nhưng chỉ có 69.000 suất vào lớp Mười công lập. Chưa kể, hiện nay cả nhà trường, phụ huynh và học sinh đều đang “nín thở” chờ chốt phương án kỳ thi tuyển sinh vào lớp Mười tới đây sẽ thi 3 hay 4 môn. Vừa qua, UBND TP Hà Nội đã khảo sát trực tuyến ý kiến giáo viên và phần lớn thầy cô chọn phương án thi 3 môn. Ông Nguyễn Quang Tuấn - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP Hà Nội - cho hay, sau khi có kết quả khảo sát, hiện sở đang chờ chỉ đạo của UBND thành phố, dự kiến vài ngày nữa mới có thể chốt phương án thi 3 hay 4 môn. 

Chị Phạm Thị Hải - phụ huynh có con học Trường THCS Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội) - chia sẻ: “Hiện nay, cả phụ huynh lẫn học sinh đều trong tâm trạng hồi hộp chờ đợi. Thành phố cần sớm chốt số lượng, thi môn gì, để học sinh, phụ huynh còn lên phương án ôn thi phù hợp. Với 3 môn hiện nay, con tôi đang phải học kín lịch cả tuần. Nếu sắp tới phải thi 4 môn thì chưa biết phải bố trí học thêm kiểu gì”.

Tìm cách giảm áp lực 

Thầy Đinh Đức Hiền - giáo viên môn sinh học tại TP Hà Nội - nhận xét, thực tế chưa cần môn thứ tư thì lịch học của học sinh lớp Chín hiện nay đã kín không còn… chỗ thở. Có em đang học thêm 18 buổi/tuần với cả 3 môn, nhiều học sinh còn luyện mỗi môn ở 2-3 nơi cho chắc ăn. Rất nhiều em phải học đến 12g đêm.

Thầy Hiền cho rằng: “Kỳ thi này đang áp lực hơn vào đại học rất nhiều. Ở các thành phố lớn như Hà Nội chỉ tiêu cho công lập khoảng 60%/năm, TPHCM là 70%/năm cho nên áp lực càng lớn. Áp lực còn đến từ kỳ vọng của chính phụ huynh. Nhiều người cứ có thời gian trống là sẵn sàng cho con học thêm đủ các lớp. Dẫu biết phụ huynh ai cũng muốn làm tất cả vì tương lai con mình, tuy nhiên phải phù hợp với năng lực, sở trường của con chứ không nên chỉ áp đặt lên con kỳ vọng của bản thân”.

Năm học 2023-2024, TPHCM tiếp tục thực hiện phân luồng sau THCS theo hướng 70% học sinh theo học lớp Mười THPT công lập, 30% học sinh sẽ theo các hướng khác như trường THPT ngoài công lập, học nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên.

Ông Võ Thiện Cang - Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng Sở GD-ĐT TPHCM - cho biết, để giảm áp lực kỳ thi vào lớp Mười, năm nay sở có một số đổi mới như tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho giáo viên chủ nhiệm lớp Chín để các thầy cô thực hiện hiệu quả việc tư vấn cho học sinh. Hiện học sinh không chỉ lựa chọn nguyện vọng theo khả năng học tập, điểm chuẩn các trường, mà phải chú trọng đến việc lựa chọn tổ hợp môn học tự chọn lớp Mười. Đồng thời, năm nay sở đưa ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào hỗ trợ phụ huynh, học sinh trong quá trình đăng ký nguyện vọng lớp Mười. Theo đó, trang web có tích hợp đầy đủ thông tin của các trường THPT, dự báo khả năng trúng tuyển ở từng nguyện vọng của thí sinh, trắc nghiệm để xác định tính cách, nghề nghiệp phù hợp… 

Theo ông Võ Thiện Cang, áp lực thành tích của trường THCS cũng như tư duy muốn con học trường công, trường điểm của phụ huynh cũng là nguyên nhân khiến áp lực của kỳ thi vào lớp Mười thêm căng thẳng. Những năm gần đây, tình hình này đã có cải thiện do bắt đầu có những trường THPT ngoài công lập khẳng định được uy tín, đồng thời hệ thống trung tâm giáo dục thường xuyên cũng ngày càng chất lượng. Do đó, điều quan trọng là nhà trường, giáo viên làm tốt hơn nữa công tác tư vấn, phân luồng để học sinh lựa chọn các hướng học tập phù hợp năng lực. 

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục nghề nghiệp (Bộ GD-ĐT): 
Áp đặt chỉ tiêu một cách máy móc làm tăng áp lực cho học sinh

Để những đứa trẻ 15 tuổi phải gánh trên vai áp lực nặng nề trước một kỳ thi tuyển sinh đầu cấp, trách nhiệm trước hết là của địa phương. Với nền cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay thì giáo dục phổ thông được coi là “xương sống”, là nền tảng tất yếu phải trang bị cho các em. Với đòi hỏi của thị trường lao động trong tương lai, nếu học sinh chỉ học hết lớp Chín sẽ rất khó có cơ hội việc làm trong một xã hội mà công nghệ thay đổi nhanh chóng. 

Cách áp đặt chỉ tiêu phân luồng sau THCS hiện nay là máy móc, hành chính. Vì thiếu trường công, thiếu chỗ học nên cứ áp đặt 60 - 70% vào công lập, ép các em còn lại phải chọn trường tư, trường nghề chứ không thực sự dựa trên năng lực. Do đó, các đô thị lớn như TPHCM, Hà Nội phải có chính sách mở rộng trường công để phục vụ nhu cầu học tập của người dân. Đồng thời, tăng cường xã hội hóa, giao đất để trường tư phát triển, nâng cao chất lượng, “chia lửa” với hệ thống trường công.

Minh Linh 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI