Học sinh “chạy nước rút” luyện thi vào lớp 10

07/06/2022 - 11:42

PNO - Nhiều học sinh đang cố “chạy đua” nạp kiến thức cho kỳ tuyển sinh vào lớp 10 đang cận kề.

Ngủ 4-5 tiếng/ngày 

Tại TPHCM, học sinh (HS) chỉ còn chưa đầy một tuần để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 (diễn ra trong hai ngày 11 và 12/6). Năm nay, số lượng đăng ký thi là gần 93.000 thí sinh, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh tại các trường THPT công lập là 72.800. Như vậy, hơn 20.000 HS không có cơ hội vào lớp 10 công lập. Tỷ lệ chọi tại các trường chuyên vẫn căng thẳng như các năm trước, cao nhất là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong xấp xỉ “1 chọi 6”. Ngoài ra, có đến 15 trường có tỷ lệ “1 chọi 2” trở lên, đây được đánh giá là mức cạnh tranh khá cao. Tỷ lệ chọi tại một số trường còn lại cũng xấp xỉ mức “1 chọi 2” khiến áp lực học tập, luyện thi của nhiều HS rất căng thẳng. 

Có con đăng ký vào Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (Q.Tân Bình), nơi tỷ lệ đến gần “1 chọi 3” nên chị Nguyễn Thanh Mai (ngụ Q.Gò Vấp) hết sức lo lắng. Chị cho biết con chị ngoài việc học suốt tuần ở trường thì buổi tối và hai ngày cuối tuần đều học thêm tại trung tâm luyện thi. Do đã sát ngày thi, một số trung tâm cho học tăng cường đến tận 21g. Sau khi đón con về nhà ăn cơm, tắm rửa, dù đã hơn 22g, chị vẫn tiếp tục cho con ôn luyện đề thi. Chưa yên tâm, chị Mai còn mua các chương trình học trực tuyến trên mạng với giá từ 1,5 - 2 triệu đồng/3 - 4 môn để con luyện thêm.

Học sinh Trường THCS Hồng Bàng (Q.5, TP.HCM) ráo riết ôn thi chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10  năm 2022 - ẢNH: TRẦN HUY
Học sinh Trường THCS Hồng Bàng (Q.5, TPHCM) ráo riết ôn thi chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2022 - Ảnh: Trần Huy

Ở Hà Nội, có khoảng 129.000 HS xét tốt nghiệp THCS, tăng 19.000 so với năm ngoái. Trong đó, 104.000 em có cơ hội tiếp tục bậc học THPT (77.000 chỉ tiêu công lập và 27.000 tư thục). Khoảng 25.000 em còn lại sẽ vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

Thời gian thi lớp 10 diễn ra trong hai ngày 18 - 19/6, tức chỉ còn chưa đầy hai tuần nữa. Nguyễn Lan Chi - thí sinh dự thi vào lớp 10 năm nay - cho hay: “Nguyện vọng em vào Trường THPT Yên Hòa (Q.Cầu Giấy). Đây là trường tỷ lệ chọi cao nhất trong số các trường top 1 ở Hà Nội, vì vậy em rất áp lực. Thời gian nước rút này, có ngày em chỉ ngủ khoảng 4 - 5 tiếng. Ngoài tham gia các lớp ôn thi cấp tốc ở trung tâm, có những hôm em thức đến 2 - 3g sáng để luyện đề”.

Luyện thi: 500.000 đồng/buổi

Dù chỉ còn vài ngày để ôn luyện nhưng nhiều trung tâm tại TPHCM vẫn tích cực quảng cáo, lôi kéo thí sinh luyện thi cấp tốc với lời hứa hẹn “đảm bảo thi đậu”, “một tuần lấy lại kiến thức căn bản”. Một trung tâm trên đường Quang Trung, Q.Gò Vấp nhận luyện thi toán, văn, Anh và có nhiều “gói” cho HS lựa chọn với mục tiêu đạt điểm 7, 8 hoặc 9 trở lên. Bình thường học phí khoảng 220.000 - 250.000 đồng/buổi/môn, nhưng ở thời điểm này, nhiều phụ huynh sẵn sàng trả 500.000 đồng/buổi/môn cho lớp đặc biệt “một kèm một”.

Một gia sư luyện thi toán ở Q.10 cũng nhận kèm HS vào thời điểm “nước rút” với cam kết sẽ “hệ thống nhanh các kiến thức”, “trang bị chiến thuật luyện đề, kỹ năng vào phòng thi”… Giá luyện thi lúc này được đẩy từ 300.000 đồng lên 500.000 đồng/buổi.

Cũng có con dự kỳ thi vào lớp 10, vợ chồng chị Nguyễn Hà Trang (ngụ H.Hoài Đức, Hà Nội) ngày nào cũng dành thời gian đưa con vào trung tâm thành phố để học luyện thi với hy vọng con đậu vào lớp chuyên Anh. “Năm nay, học trực tuyến thời gian dài vì dịch bệnh, kiến thức không nắm chắc nên thực sự tôi rất lo. Hơn nữa, các bạn trong lớp con tôi đứa nào cũng đi luyện thi ở trung tâm nên tôi cũng tìm một trung tâm có tiếng rồi cho con theo học. Thi vào lớp chuyên mà không đi luyện thi, không học thêm thì khó mà đỗ được, thế nên dù đường xa, vất vả cỡ mấy vợ chồng tôi cũng động viên con tham gia. Học phí cho mỗi buổi luyện thi tiếng Anh là 250.000 đồng”, chị Hà Trang nói.

Lý giải về tình trạng HS đua nhau tham gia luyện thi, thậm chí những lớp cấp tốc với học phí cao, cô Nguyễn Mai Phương - giáo viên Trường THCS Newton (Hà Nội) - cho biết đa phần do tâm lý của phụ huynh lo lắng vì thí sinh tham gia thi đông còn chỉ tiêu có hạn. Chưa kể, thời gian HS học trực tuyến kéo dài nên kiến thức “rơi rụng”.

“Tôi cho rằng đây là thời gian các em lắng lại để thẩm thấu kiến thức, biến hóa kiến thức từ thầy cô thành kiến thức của mình. Ôn tập phải biết nhớ những lỗi sai, rút kinh nghiệm chứ không phải cứ lao vào luyện đề, học xuyên ngày đêm”, cô Phương khuyên. 

Phương Thanh - Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI