Cuộc chiến giành sinh kế trên đầm Thị Nại

10/09/2017 - 09:39

PNO - Ít nhất 1.500 hộ dân (khoảng 2.700 người) vùng đầm Thị Nại đang “giành sinh kế” với một nhóm khoảng 100 người khai thác nguồn lợi thủy sản vùng đầm bằng cách tận diệt.

Người đói theo rừng chết

Ông Ngô Văn Tiền (52 tuổi, xóm 20, thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn, H. Tuy Phước, Bình Định) bỏ nghề lưới cá mà gia đình ông mưu sinh hơn 26 năm qua, chuyển qua mô hình nuôi tôm sinh học an toàn ven đầm. “Nuôi tôm nhàn hơn, thu nhập cũng ổn nhưng không “khoái” bằng những đêm trên đầm giăng lưới, trời rạng trở về cùng ghe đầy ắp tôm, cá. Nhớ đầm, nhớ nghề, nhưng không sống nổi với nghề, đành bỏ”, ông Tiền ngậm ngùi.

16 tuổi ông đã ra đầm Thị Nại mưu sinh. Cái thuở ông mới lớn lên, vùng đầm này biết bao tôm cá. “Gỡ cá, tôm nhiều đến chảy máu tay. Hai ba hôm phải nghỉ một bữa mới lại ra đầm”, ông Tiền nhớ lại. Ông kể, dưới luồng lạch được phủ màu xanh của rừng ngập mặn (RNM) dài 3 - 4km, tôm cá rất nhiều.

Cuoc chien gianh sinh ke tren dam Thi Nai
Đầm Thị Nại đang bị tận diệt bởi hàng loạt nghề cấm lộng hành. Trong ảnh: Ghe hút phễnh vòi rồng, đào xới tầng đáy đầm.

“Đánh lưới thủ công thôi. Lưới thưa 8cm -10cm, một đêm sáng ra đã đây cá, tôm, cua. Người nào cũng đánh như vậy, con to mới mắc lưới, con nhỏ lọt lưới ở lại đầm tiếp tục sinh nguồn lợi. Đánh đủ, chúng tôi về cho kịp chợ sáng. Chợ họp tầm 3 giờ sáng, mớ tôm, mớ cá tươi nhảy đành đạch theo các hàng buôn đi phố, đi phường. Thu nhập tầm 500.000đ/đêm, đủ nuôi sống gia đình, 3 đứa con ăn học tới nơi tới chốn”, ông Tiền kể.

Cái cảnh tôm, cá đầy ghe, tiếng mái chèo gõ nước trên đầm nhộn nhịp mỗi đêm ở đầm Thị Nại như lời kể của ông Tiền đã là cảnh của 15 năm về trước. Khi đó, rừng chưa mất. Khi đó, nghề cấm tận diệt nguồn lợi thủy sản chưa có.

Khoảng năm 2000, hơn 300 hecta RNM trên đầm Thị Nại “biến mất” thay thế vào đó là 300 hecta hồ tôm. Rừng trên mặt đầm không còn, hơn 5.000 giống, loài thủy, hải sản, nhuyễn thể, tảo, cỏ… không còn nơi trú ngụ, vơi dần. Hồ tôm ồ ạt mọc lên, môi trường ô nhiễm, dịch bệnh, tôm chết, nợ nần bủa vây cư dân vùng đầm.

Họ quanh trở lại bám đầm. Hối hả trồng lại những cây ngập mặn, nỗ lực cứu lấy nguồn sống. Năm 2004, Dự án phục hồi RNM Cồn Chim – Đầm Thị Nại ra đời.

Anh Trần Thanh Đệ - Cán bộ BQL khu sinh thái Cồn Chim – Đầm Thị Nại nói: “30 hecta RNM tập trung tại các bãi triều ở xã Phước Sơn đã lên xanh, 100 hecta RNM ở các bờ đìa, ao tôm được trồng mới. Những cây đước, cây bần, mắm bén rễ, cho hoa, những bãi triều đã được bồi ra một ít, tôm các dần có nơi để về lại. Có thể 10 năm và nhiều năm sau, có thể con cháu sẽ thấy lại RNM trên  mặt đầm như trước".

Cuoc chien gianh sinh ke tren dam Thi Nai
Ông Tiền phải từ bỏ nghề đánh cá truyền thống vì không còn sống được bằng nghề. Chừng nào nghề cấm chưa bị loại bỏ, chừng đó cư dân vùng đầm còn thấp thỏm tìm nguồn mưu sinh.

Nỗ lực cứu rừng chưa được bao lâu, người dân ven đầm một lần nữa chứng kiến nguồn lợi thủy sản trong đầm bị hủy diệt bởi hàng loạt phương tiện, công cụ đánh bắt tận diệt.  Lưới lồng với mắt lưới 1,5cm -2cm, con nào cũng dính lưới, đã vào chẳng thể ra. Từ con lớn, đến con bé đều chết rệp trong những lưới lồng.

“Chưa hết, dụng cụ đánh bắt tận diệt ngày càng cải tiến, xung điện – xiết máy, giã cào lưới bay, hút phễnh vòi rồng… hiện diện đủ đầy trên đầm Thị Nại cả ngày lẫn đêm. Cái làm cho tôm, cá tê liệt, cái thì cào xới mặt đáy đầm, thủy sinh cũng chết. Người làm nghề truyền thống đi ra không làm được, đói, bỏ nghề”, ông Tiền nói.

Giữa mặt đầm mênh mông sóng nước, vợ chồng anh Hai - chị Út buông 4 mẻ lưới đã kéo, trong cái xô nhỏ được tận dụng lại từ hộp sơn cũ có 1 con cua, 5 con cá úc, 1 con cá nâu. Nhẩm tính, chị Út nói: “Cá úc bán 80.000đ/kg, 1 con cua gạch bán tầm 25.000đ, con cá nâu này tầm 15.000đ đổ lại. Nếu đắt hàng được 100.000đ”. Một ngày đánh lưới của hai vợ chồng thu nhập 100.000-150.000đ, số tiền đó bao trọn chi phí sinh hoạt gia đình, tiền ăn học của con cái.

“Làm nghề truyền thống ngày càng khó, thu không bù chi. Sớm muốn gì vợ chồng tui phải tính đường khác. Thu nhập bấp bênh kiểu này nuôi không nuổi hai đứa con tuổi ăn, tuổi học. Trước đây, mỗi ngày ra đầm, vợ chồng anh chị thu nhập tầm 300.000đ/ngày, nay thời gian làm lâu hơn nhưng thu nhập chỉ còn phân nửa. “Họ đánh tận diệt quá nên nghề truyền thống đói”, anh Hai rầu rĩ phân tích.

Cuoc chien gianh sinh ke tren dam Thi Nai
Anh Hai và ngày dài mưu sinh trên đầm với mẻ lưới vài con cá úc.

Ngồi trên chiếc thuyền của vợ chồng anh Hai, nhìn vào giỏ cá lèo tèo vài ba con so với con số hơn 5.000 loài sinh sống trong đầm trước đây, tôi thấy một sự chênh lệch đến xót xa.

Cuộc chiến giành sinh kế trên đầm Thị Nại

Gần 27.000 con người sống nhờ đầm đang phải đối mặt với 100 con người khác cũng ở đầm để “giành sinh kế”. Thống kê của Tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ (Tổ ĐQL NCVB) xã Phước Sơn, hiện toàn đầm có khoảng 100 ghe máy xung điện – xiết máy (trong đó có 80 ghe của người dân ở xã Phước Thuận, H. Tuy Phước), 12 ghe hút phễnh và hàng chục ghe giã cào lưới bay “quần đảo” trên đầm suốt ngày đêm.

“Một đêm hành nghề cấm thu được 1,5 triệu đến 3 triệu đồng, gấp 3 đến 5 lần so với nghề truyền thống. Nhiều người vì lợi nhuận trước mắt nên tận diệt, hủy hoại sinh kế của những người khác. Mai sau, người dân ven đầm không biết sống bằng gì”, Phó phòng Nông nghiệp huyện Tuy Phước - Phạm Quang Ân, cho hay.

Đội phòng chống xung điện –xiết máy huyện Tuy Phước thành lập, Tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ các xã ven đầm gồm Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng ra đời… với nỗ lực cứu lấy thủy sản đầm Thị Nại. 

Cuoc chien gianh sinh ke tren dam Thi Nai
Rừng ngập mặn ở Cồn Chim 3 năm tuổi.

“Chỉ có xã Phước Sơn hoạt động hiệu quả, ngăn chặn được nghề cấm, 3 xã còn lại đều không làm được. Họ không làm vì thiếu nhiệt tình, có thể việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” nên không ai mặn mà.

Phước Sơn đã hoàn toàn chặn được nghề cấm, tuy nhiên đầm nước là của chung, các ghe của nơi khác đổ về khu trung tâm đầm ở Phước Sơn hoành hành.10 vụ xung điện – xiết máy, 1 ghe giã cào đã được Tổ ĐQL NCVB xã Phước Sơn tru y bắt được tính từ đầu năm đến nay”, ông Huỳnh Minh Cẩn, Cán bộ khuyến ngư kiêm Tổ trưởng Tổ ĐQL NCVB xã Phước Sơn cho biết.

“Hàng chục lá đơn, nhiều lần kiến nghị lên cấp trên chờ giải quyết. Những người dân sống bằng nghề truyền thống ở Bình Thái (xã Phước Thuận, H.Tuy Phước) chúng tôi đang làm đơn gởi thẳng ra Bộ TN&MT kêu cứu”, một người dân xin được giấu tên ở thôn Bình Thái bức xúc.

Đầm Thị Nại là một đầm nước mặn nằm trên địa phận thành phố Quy Nhơn, huyện Tuy Phước, huyện Phù Cát thuộc tỉnh Bình Định, có diện tích hơn 5.000 ha. Một phần nhỏ của đầm Thị Nại được sử dụng làm cảng biển (Cảng Quy Nhơn). 

Tháng 12 năm 2006, tỉnh Bình Định khánh thành cầu vượt đầm Thị Nại có tổng chiều dài 2.475 m, chiều rộng cả lan can 15,5 m, với tổng cộng 54 nhịp, đảm bảo cho xe có trọng trải 80 tấn qua lại.


Thu Dịu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI