Cúc vẫn trổ bông

25/08/2019 - 18:40

PNO - Tôi mê hoa cúc. Không phải vì nó đẹp như hồng, thơm như huệ, mà vì nét mộc mạc của riêng cúc - thứ không tìm thấy được ở những loài kiêu sa khác.

1. Trường ngồi xuống bồn cúc đương độ trổ hoa. Căn nhà cũ bám bụi sau lưng, mảng sân đã mọc đầy bìm bìm, riêng địa phận của cúc dại trong bồn, thì không cách gì bìm bìm mon men tới được. Ở đó, cúc vẫn nở hoa sáng một góc trời. Ở đó, có những gì anh đã bỏ lỡ, như căn nhà sau lưng anh, nơi anh từng sinh ra và lớn lên nhưng hơn hai năm nay mới quay trở lại. Chỉ có những người ở lại lúc nào cũng giữ cho riêng mình những khoảng trống, đủ xa, đủ gần, đủ làm lòng người ta heo hút. 

Anh bỏ giày, nằm dài trên thảm hoa cúc. Mùi cúc mới nở nhẹ nhàng, len lỏi trong cánh mũi khiến anh ứa nước mắt... Cái gối hoa cúc mẹ gửi lên hai năm rồi, anh vẫn còn giữ yên trong tủ. Vật còn đó nhưng người thì đã xanh cỏ từ lâu lắm rồi.

Trường tháo kính, nhìn lên trời, mặc kệ nước mắt chảy, hệt như hồi còn là một cậu bé. Cũng ở vị trí này, cậu nằm dài trên sân, ngước mặt lên trời tự hỏi cha mình là ai. 

Cậu nhỏ đó siêng học, ban ngày vừa phụ mẹ may vá, vừa đan lát kiếm thêm tiền đóng học phí, luôn là đứa đứng đầu lớp. Cậu nhỏ đó thấy những ngôi sao trên trời hệt như hoa cúc, sáng một thứ ánh sáng khiêm nhường nhưng không lẫn trong bóng tối. Cậu nhỏ đó nhìn những ngôi sao qua kẽ mắt kèm nhèm, để nó tự vẽ lên một giấc mơ cho mình, về một tương lai đẹp đẽ. Rồi cậu rời quê, xa xứ sở mù sương ngược về Sài Gòn tìm cho mình cơ hội mới. Rồi cậu say mê công việc tới mức gần như quên rằng mình có một người mẹ...

Trường ước gì anh có thể ngây ngô như thời còn nhỏ, cứ nghĩ nhìn lên trời, nước mắt sẽ chảy ngược vào trong. Lâu lắm rồi từ hồi mới đến Sài Gòn học tới giờ, Trường đã quên mất mùi của hoa cúc, thứ mùi đặc trưng chỉ xuất hiện khi hoa vừa nở, sau đó dần tan mất. Với Trường, đó chính là mùi của những điều khó quên trong đời.

2. Đà Lạt năm 1983, người đàn bà ôm bụng bầu vượt mặt băng qua rừng. Cô nghĩ hồi nãy mình chỉ nhìn lầm khi thấy người đàn ông giống hệt anh ngồi trên chiếc xe jeep chạy qua trước mặt. Người đàn ông ấy quay lại nhìn cô, không cảm xúc. Khi tới căn nhà trong rừng - nơi cô đã đồng ý cùng anh sống hạnh phúc suốt quãng đời còn lại, cô đẩy cửa. Căn nhà trống không, anh không có ở đó. Vậy là cô không nhìn sai. Anh đã đi. Tự nhiên, cô linh cảm anh sẽ không quay về. Có thể cái nhìn lần cuối vừa nãy đã cho cô cảm giác như vậy. Nó vô hồn, lạnh lùng đến tàn nhẫn.

Cô ngồi sụp xuống ghế, nước mắt lăn dài trên má, trôi ngược dòng thời gian. Những chuyến công tác đêm xa nhà xảy ra thường xuyên hơn. Những người đàn bà trẻ đẹp ăn vận sành điệu, môi đỏ, má hồng, móng tay sơn màu thiên thanh lởn vởn quanh anh mà mấy lần cô bắt gặp ngoài chợ Đà Lạt, hình như đã cho cô một dự cảm chẳng lành. Có điều, cô không hề nghĩ mọi thứ lại đến nhanh như vậy.

Tối đó, chồng cô không về. Chiêu ngụm trà nhìn sương giăng ngoài cửa sổ, cô hiểu mình còn lại những gì. Cô đặt tên cho con là Trường, nghĩa là trường kỳ, lâu bền, hệt như thứ tình cảm cô mong chờ, khao khát nơi con. Một tháng sau, Trường chào đời. Nhìn đứa con bụ bẫm nằm trên bụng, nước mắt cô rơi lã chã. Đám cúc ngoài đồng cũng vừa bung nụ. 

Cuc van tro bong

3. Trường lớn dần trên những con dốc thoai thoải. Căn nhà trong rừng cũng là nơi anh có những năm tháng tuổi thơ thật đẹp. Mỗi ngày Trường theo mẹ xuống rẫy, cắt hoa cúc, mang ra chợ bán. Những cánh hoa cúc luôn gắn liền với trí nhớ của anh. Từ lúc anh còn là một cậu bé tới khi anh học hết phổ thông, xa rời vòng tay mẹ, chưa có năm nào mẹ không hái cúc trắng phơi khô, may thành gối nhỏ để anh nằm. Mùi hoa cúc và sương mù bảng lảng luôn theo anh vào tận giấc ngủ, vỗ về những giấc mơ vuông tròn trong anh. 

Lần đầu tiên Trường đối mặt với cảm giác bị bỏ rơi là lần đầu đi học. Để tới được lớp học, Trường phải theo đường mòn đi qua hai cánh rừng thông, một sườn đồi nhỏ. Khi bóng mẹ khuất dần sau cánh rừng, anh đã phải đối diện cảm giác chỉ còn lại một mình trên con đường phía trước. Lần thứ hai cảm giác chỉ còn lại một mình là lần Trường đi học về quá trưa, nhà khóa cửa, mẹ không có ngoài rẫy. Chân mỏi, bụng đói, buồn ngủ, anh ngồi trước hiên nhà và bật khóc. Cho tới khi mẹ xuất hiện với một người đàn ông lạ, anh quệt vội giọt nước mắt trên khóe mi. Mẹ biểu anh thưa cha, anh im lặng, không nói gì mà quay lưng vô nhà.

Lần đầu tiên biết mặt cha, Trường cảm thấy hệt như một cái tát, đau, mệt, tủi hổ. Bữa cơm trưa đó, ngồi cùng cha mà Trường thấy xa lạ như người dưng nước lã. Chưa kịp quen thì sáng hôm sau, cha đã đi mất. Người đàn ông ấy ghé qua nhà chỉ một lần, anh chưa từng gọi là cha. Anh cũng không hiểu sao mẹ có thể bỏ qua mọi chuyện, vờ như không có gì xảy ra. 

Lớn dần, anh biết cha đã có gia đình khác trong thành phố. Nơi đó có một căn nhà sung túc, đầy đủ, chứ không thiếu thốn quanh năm như hai mẹ con anh. Năm anh thi đậu đại học, mẹ chắt mót hết số tiền dành dụm, bỏ trong cuốn sổ tiết kiệm. Đêm trước ngày Trường đi, mẹ đặt cuốn sổ ấy vào tay Trường. Đó là tài sản cả đời mẹ chắt chiu cho anh. Trường đã ôm chặt mẹ và hứa sẽ quay về với mẹ sau khi học.

Rồi thời gian trôi xuôi, người trẻ ra đi, người già ở lại, anh ít về quê hơn. Từ khi Trường ở lại Sài Gòn làm việc, những cuộc điện thoại, những lá thư thưa thớt dần. Quê nhà chỉ còn mẹ và đồi hoa cúc. Cho tới ngày, anh nhận được tin nhắn từ một số máy lạ: về đi, mẹ mày đang hấp hối. Nước mắt anh nhòe màn hình. 

Sau đám tang mẹ, anh dọn dẹp đồ đạc, cuốn sổ tiết kiệm vẫn nằm chơ vơ giữa cái chum nhỏ đặt trong khạp gạo. Mẹ không tiêu xài một đồng nào từ lúc anh trả lại sổ cho mẹ. Nhìn khoản tiền còn trong sổ, tim Trường hẫng một nhịp. Anh ngồi thụp xuống nền nhà. Trên bàn thờ, tấm hình mẹ như nhòe đi sau làn khói nhang quyện với mùi hoa cúc. 

4. Hai năm không dài, cũng không phải là ngắn nhưng đủ để lòng người nguôi ngoai. Trường quay lại căn nhà giữa rừng thông. Căn nhà vách gỗ vẫn nằm đó, khạp gạo vẫn chỗ cũ, cái giường vẫn vẹn nguyên như hồi anh còn nhỏ nhưng cỏ dại đã bao vây, đám cúc dại trong bồn hoa cũng bò tràn ra sân. Mấy luống hoa mẹ trồng đã bị cỏ dại tấn công, còn sót lại vài cây cúc trắng giữa đám cỏ vươn cao.

Chuyến này Trường không muốn đi nữa. Anh muốn nối nghiệp mẹ, phát triển nghề trồng hoa. Đứng giữa núi rừng một mình còn đỡ hơn cảm giác sống giữa nhiều người nhưng lúc nào cũng cảm thấy đơn độc. Ở Sài Gòn, loại người gì cũng có. Trường không thuộc về chốn đông người. Anh sống lặng lẽ trong một căn chung cư cũ. Hằng ngày đi làm về, anh chỉ quanh quẩn trong phòng với mớ cây cảnh tù túng trong chậu và một con chó anh lượm ngoài đường. 

Lủi thủi một mình trong căn nhà trên núi, anh sống chậm rãi, làm việc chậm rãi và mặc kệ thời gian trôi qua. Thanh xuân cứ vậy trôi tuột xuống chân núi, hệt như người con gái anh yêu thương, cô gái chỉ yêu những bông cúc anh tặng. Giống cúc cổ điển của mẹ anh trở nên lỗi thời. Cô gái xuôi về thành phố lấy chồng, không một lời từ biệt. Từ đó, lòng anh khép lại. 

Tự làm nhà kính, tự trồng hoa cúc, nhập giống mới, lai tạo với cây địa phương, 10 năm là chặng đường đủ dài để anh có hẳn cho mình một trang trại hoa tươi. Đời người được bao nhiêu cái 10 năm? Quay qua, quay lại, tóc anh đã lấm tấm muối tiêu. Trường chợt nhận ra đời người thật ngắn ngủi. Chợt hiểu những gì ngày xưa mẹ từng nhắn nhủ: “Sống làm người thì phải hạnh phúc với những gì mình đã chọn, hạnh phúc khi người mình yêu thương được hạnh phúc”. Hai câu này ghi phía sau bức ảnh hai mẹ con anh chụp chung hồi tết năm đầu tiên anh ra trường.

Anh nhắm mắt, rà lại trí nhớ. Đôi tay Quân mỗi lần cầm vĩ khảy đàn, những ngón tay thon dài, mảnh khảnh hệt như tay mẹ lúc đón những đóa cúc đầu ngày. Lúc cô hỏi anh rằng có muốn giữ cô lại không, anh đã im lặng. Thực ra, anh biết rõ mình có di chứng sang chấn tâm lý, anh luôn sợ bị bỏ rơi và luôn đẩy những người yêu thương mình ra xa. Rồi Quân đồng ý theo chồng về đất nắng, còn anh không ngừng trách móc bản thân suốt quãng thời gian từ khi Quân ra đi. 

Người ta sống một đời, tài sản để lại chính là những đứa con, còn anh, anh chưa kịp để lại gì cho chính mình, cho mẹ. Ngoài một cơ thể ngày càng xuống dốc, anh chẳng còn gì. Mỗi đêm, cây đàn guitar của anh vẫn vang lên những âm thanh lẻ loi, buồn bã từ căn nhà gỗ trong rừng, căn nhà tách biệt anh với thế giới bên ngoài, căn nhà anh đã lớn lên cùng mẹ. Vậy mà bây giờ mỗi ngày anh phải đối diện với những điều đã trở thành nỗi đau. Tối nay Đà Lạt mưa, những ngón tay anh lại nhảy múa trên dây đàn, rắc trong màn đêm từng thanh âm trầm mặc. 

5.  Trường nheo nheo, dụi mắt.

Bị đánh thức vì tiếng gõ cửa, anh bước xuống giường, nhìn ra cửa. Là Quân, có già hơn nhưng hầu như không thay đổi. Bên cạnh Quân là một đứa trẻ độ tuổi tiểu học. 

Quân biểu đứa nhỏ: “Thưa cha đi con”. Đứa con trai nhỏ ngước nhìn anh bằng cặp mắt tròn to lồ lộ. Anh chợt nhớ ra đêm trước ngày về Sài Gòn, Quân đã trao cho anh tất cả. Hình ảnh đứa nhỏ đập vào mắt, hệt như hình ảnh hồi anh còn nhỏ, cũng đứng từ xa nhìn cha mình. Trường tự hỏi không rõ hồi đó cha có cảm giác giống mình bây giờ không.  

Anh im lặng, tiến tới gần đứa nhỏ, đưa bàn tay ra trước mặt nó. Đứa nhỏ vẫn nhìn anh với đôi mắt to tròn. Chân cẳng nó dính đầy đất đỏ. Anh tưởng chừng như tim mình ngừng đập khi bàn tay nhỏ xíu ấy đặt lên lòng bàn tay anh. 

Hạnh phúc đời người nhiều khi chỉ đơn giản vậy thôi. Anh đã thấy mặt con, đã soạn sẵn thư chuyển quyền thừa kế, đã bỏ hết những thứ cần thiết vào hồ sơ và giao cho luật sư. Anh muốn ở bên cạnh con mình, nhìn nó lớn lên mỗi ngày; muốn bên cạnh Quân để mang hạnh phúc đến cho cô suốt chặng đường còn lại. 

Và rồi…

Mở mắt tỉnh dậy, Trường thấy thân xác mình vẫn nằm trên giường. Thì ra anh đã là người cõi khác. Quân tra chìa khóa dự phòng vào ổ khóa, đẩy cửa. Anh nghe tiếng cô khóc, tiếng đứa con trai ri rỉ khóc theo mẹ, tiếng luật sư nói về quyền thừa kế... Anh không còn thấy gì nữa. Chỉ còn hoa cúc ở khắp nơi. Anh nằm giữa những bông hoa, cứ vậy trôi bềnh bồng, không nhớ nổi những gì đã qua. Làm người cũng giống như một kiếp hoa, nở rồi cũng sẽ có lúc lụi tàn, nên khi tồn tại, phải sống cho thật ý nghĩa. Dù có chuyện gì thì hoa vẫn nở, ngày vẫn xoay vòng và ngày mai trời vẫn sáng. 

Quân đặt gùi xuống đất, cầm tay con trai. Cô đã thôi tự trách mình sau cái chết của Trường. Thay vì giận hờn và oán hận, cô chọn sống bình tĩnh cùng con, ở nơi anh để lại. 

Hoa cúc trắng vừa nở bung cánh sớm nay, mùi thơm thanh mát. Cô dắt con đi cắt hoa để lên bàn thờ cha. Đà Lạt sớm nay sương nhiều. Tối qua, bài hòa âm của cô và con trai chơi trong giỗ đầu của anh được khá nhiều người thích. Sớm nay, clip quay lại lúc hai mẹ con trình diễn đạt đỉnh điểm số lượt xem. Cô hiểu mình đã làm được điều anh mong muốn: có một đứa con biết chơi nhạc và có khả năng cảm thụ âm nhạc, bởi theo anh, đó là tiền đề cho những điều đứa nhỏ sẽ cảm nhận sau này. Tỉ như yêu thương hoa cúc, theo cách mà anh đã yêu thương. 

Đứa con trai hít hà những bông hoa đầu buổi sớm. Quân mỉm cười. Cô nghĩ anh sẽ hài lòng vì con của họ đã bắt đầu yêu hoa cúc sau ba tháng ở lại đây. 

Dù sao thì cúc vẫn trổ bông. Dù không còn anh, cô vẫn phải sống một đời hạnh phúc, như cúc, rực rỡ cho tới cuối cùng. 

Nguyễn Duy Quyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI