Cửa hàng tiện lợi cạnh tranh bằng sự khác biệt

13/02/2017 - 11:06

PNO - Trong khi cửa hàng của doanh nghiệp ngoại chú trọng cách bày biện hàng tiện lợi, trang trí quầy kệ đẹp mắt thì cửa hàng của doanh nghiệp trong nước tập trung đầu tư sản phẩm thiết yếu.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2016, doanh thu bán lẻ cả nước đạt tương đương 118 tỷ đôla Mỹ, tăng 20% so với năm trước, đồng thời dự báo sẽ còn tăng mạnh trong năm 2017. Chính vì thế, các doanh nghiệp đã tập trung tối đa vào lĩnh vực này, trong đó, các chuỗi cửa hàng tiện lợi (CHTL) trong nước và cả những CHTL có vốn nước ngoài đang ráo riết tạo sự khác biệt để thu hút khách hàng.

Đẩy mạnh mô hình cửa hàng tạp hóa 

Cuối năm 2016 vừa qua, Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) đã chính thức đưa vào hoạt động cửa hàng tạp hóa hiện đại Co.op Smile. Co.op Smile có diện tích kinh doanh linh hoạt, từ 20m2 đến 200m2, đặt tại những khu dân cư nội, ngoại thành, cả trong hẻm lớn với số lượng từ 1.500 đến 2.000 sản phẩm tùy theo diện tích điểm bán, bao gồm các ngành hàng: thực phẩm công nghệ, hóa mỹ phẩm, đồ dùng, may mặc, hàng nhãn riêng Co.opmart, hàng bình ổn thị trường.

Một số cửa hàng Co.op Smile trên địa bàn huyện Củ Chi có kinh doanh thực phẩm tươi sống đóng gói, trong đó có thịt heo truy xuất được nguồn gốc.

Công ty cổ phần Thế giới Di động (TGDĐ) cũng tung ra 50 cửa hàng Bách Hóa Xanh thí điểm đầu tiên tại khu dân cư, các khu chợ ở quận Bình Tân. Tại các cửa hàng này, chủ yếu là các mặt hàng rau, củ, quả, thịt, mì gói, đồ khô.

Cua hang tien loi canh tranh bang su khac biet
Nếu doanh nghiệp ngoại chú trọng đầu tư cửa hàng đẹp mắt thì doanh nghiệp ngoại tập trung vào các loại sản phẩm thiết yếu.

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị của TGDĐ cho hay, mô hình này đang đi đúng với nhu cầu của người dân. Dự tính, trong năm 2017, công ty này sẽ đầu tư mạnh vào chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh để nâng lên tới 350 điểm bán tại hai quận Bình Tân và Tân Phú, đồng thời xây dựng một trung tâm phân phối và tăng cường kinh doanh mặt hàng tươi sống.

Phủ sóng khắp mọi nơi

Tại khu vực quận 3, trên một số tuyến đường, mật độ các CHTL dày đặc. Bà Hồng, nhà ở cạnh giao lộ Võ Thị Sáu - Pasteur, cho biết chỉ cần đi bộ trong bán kính không quá 1km, đã có tới hàng chục CHTL, trong đó nhiều nhất là VinMart+, kế đến là những CHTL khác như: Ministop, FamilyMart, B’Mart, Foodcosa…

Sự khác biệt lớn nhất giữa các CHTL theo cảm nhận riêng của bà Hồng là các cửa hàng của nước ngoài có cách trang trí quầy kệ, bày biện hàng hóa đẹp mắt hơn, có nhiều sản phẩm nhập khẩu, thái độ nhân viên cũng dễ chịu hơn. Trong khi các chuỗi cửa hàng của doanh nghiệp trong nước thường chú trọng vào các loại thực phẩm thiết yếu như rau, củ, quả, gạo, gia vị.

Hiện ở TP.HCM, các CHTL của nước ngoài gồm Shop & Go, Circle K, Ministop, FamilyMart, còn các chuỗi cửa hàng trong nước phổ biến là Co.opFood, Satra Food, Vissan, Vinmart+, Citimart, B&B, Bách Hóa xanh… Phong cách của từng chuỗi cửa hàng này đã thành hình khá rõ, đồng thời cũng có đối tượng khách hàng riêng của mình.

Những CHTL có vốn nước ngoài tập trung khá nhiều ở những tuyến đường trung tâm, khách hàng chủ lực là dân văn phòng, học sinh, sinh viên và khách du lịch.

Tại các CHTL như FamilyMart, B’Mart, lượng khách thường xuyên trong ngày khá đông, họ không chỉ ghé mua những đồ dùng cá nhân, thực phẩm ăn liền, thực phẩm thiết yếu mà còn rất đông khách học sinh, sinh viên chọn những bộ bàn ghế được cửa hàng bày biện sẵn để làm nơi học tập, trao đổi và mua bánh ngọt, kem, nước uống của cửa hàng để dùng tại chỗ.

Rất nhiều bạn trẻ khi được hỏi về lý do lựa chọn CHTL, đã cho rằng họ đến đây để mua được nhiều mặt hàng, thưởng thức các món ăn nhẹ của Thái Lan, Nhật Bản với mức giá rẻ, lại thoải mái khi có bàn ngồi.

“Với mức phí tương tự, sẽ không thể ngồi ở các quán giải khát có chất lượng”, một học sinh ghé CHTL FamilyMart đường Lý Chính Thắng chia sẻ.

Ngoại xôm tụ, nội đìu hiu

Trong khi đó, nhiều CHTL của các nhà đầu tư trong nước như Co.opFood, Satrafood, Foodcosa, Vinmart+ lại chú trọng vào đối tượng tiêu dùng là các bà nội trợ, hộ gia đình bằng các thực phẩm thiết yếu.

Tại những chuỗi cửa hàng này, ngoài Co.opfood, Vissan có lượng khách ra vào thường xuyên, hầu hết các cửa hàng khác khá lèo tèo.

Như chuỗi cửa hàng Foodcosa của Công ty cổ phần Lương thực Thực phẩm TP.HCM (một doanh nghiệp nhà nước mới được cổ phần hóa) dù ra đời khá sớm, được nhiều ưu đãi về mặt bằng tại các tuyến đường nhưng lại đang đang hoạt động yếu ớt.

Cách đây chưa lâu, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tiến hành điều tra, đánh giá các chỉ tiêu về chất lượng dịch vụ, độ đa dạng sản phẩm, các sản phẩm cộng thêm, cơ sở vật chất và các giá trị cộng thêm… đã cho kết luận: Các chuỗi CHTL có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đều lấn át trong hầu hết các chỉ tiêu.

Còn theo số liệu mới nhất của Bộ Công Thương, trong năm 2016, các doanh nghiệp FDI chiếm tới 70% thị phần bán lẻ qua CHTL, trong khi thị phần qua các trung tâm thương mại, siêu thị chỉ chiếm 15%.

Báo cáo của Bộ Công Thương nhận định sự gia tăng cạnh tranh của doanh nghiệp FDI đối với doanh nghiệp trong nước là do sự gia tăng nhanh chóng các nguồn hàng nhập khẩu với giá rẻ, chất lượng, mẫu mã đa dạng, cũng như sự gia tăng của các nhà cung cấp nước ngoài.

Thư – Nam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI