COVID-19: “Đề kháng” từ bên trong

03/08/2020 - 07:04

PNO - Sức mạnh tinh thần được lan tỏa tích cực, những “thử thách” cho bản thân và mời gọi mọi người cùng tham gia, chia sẻ những câu chuyện ý nghĩa, bày tỏ tình cảm và niềm tin… Có thể gọi tất cả những điều ấy là những “đề kháng tinh thần” từ bên trong để cộng đồng cùng nhau vượt qua dịch bệnh lần này.

Không đợi đến khi có chỉ đạo của UBND TP.HCM về việc tạm dừng các sự kiện tập trung đông người, nhiều đơn vị đã chủ động hoãn các chương trình, hoạt động ngay sau khi Đà Nẵng xuất hiện các ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Sớm nhất là nhà phát hành phim Ròm, ra quyết định tạm dừng lịch chiếu từ chiều 27/7. Nhà xuất bản Trẻ cũng hoãn ngay chương trình kỷ niệm 20 năm ấn bản tiếng Việt Harry Potter đến Việt Nam; tổ chức cho bạn đọc cuộc thi viết tưởng tượng về Harry Potter trên fanpage nhà xuất bản. 

Ròm hoãn chiếu chỉ ngay khi dịch bệnh có dấu hiệu quay trở lại
Ròm quyết định tạm dừng lịch chiếu từ chiều 27/7

 

Nghệ sĩ Trịnh Kim Chi: “Không than vãn, suy nghĩ lạc quan”

Sân khấu Trịnh Kim Chi đã đóng cửa cuối tuần qua, dù chỉ mới mở lại được một tháng. Tôi cũng tiếc khi ý định tổ chức ba suất diễn chiêu đãi vở Ai ngoại phạm - tác phẩm vừa dự Liên hoan sân khấu hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân - không thể thực hiện được. Thế nhưng, trong thời điểm này, sức khỏe cộng đồng là điều quan trọng nhất.

Dịch bệnh khiến mọi ngành nghề đều gặp khó, chứ không chỉ sân khấu; do đó, tốt nhất không nên than vãn, thậm chí còn phải suy nghĩ theo chiều hướng lạc quan để cổ vũ tinh thần những người xung quanh, bởi nghệ sĩ là người có sức ảnh hưởng đến công chúng.

Vì vậy tôi rất cẩn thận khi chia sẻ những thông tin liên quan đến dịch bệnh, kể cả đọc thông tin cũng lựa chọn các nguồn có uy tín. Bởi cứ thử đặt mình vào vị trí người tiếp nhận, nếu đọc những thông tin được chia sẻ không chính xác sẽ bị hoang mang, điều đó rất nguy hiểm. 

Hương Nhu (ghi)

Đến ngày 31/7, hàng loạt sự kiện tiếp tục được tạm hoãn. NSND Hồng Vân đóng cửa sân khấu và lớp đào tạo diễn xuất, Hội Nhà văn TPHCM dừng chương trình Đại hội hội viên đảng viên lần thứ VIII, Tổng công ty du lịch Sài Gòn - Saigontourist hoãn lễ khai mạc chương trình Dấu ấn 45 năm tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. Chiều 1/8, Trung tâm Festival Huế chính thức thông tin về việc tạm dừng tổ chức Festival Huế 2020 (dự kiến diễn ra cuối tháng 8/2020). Ở lĩnh vực thể thao, VFF và VPF cũng vừa quyết hoãn tất cả giải đấu ở V-League 2020, Cúp quốc gia 2020...

Mọi thứ đều phải tạm dừng/chậm lại một lần nữa trước tình hình dịch bệnh phức tạp, khó lường. Nhiều gia đình hoãn tổ chức đám cưới; hàng loạt kế hoạch du lịch bị hủy bỏ, hàng quán tuân thủ nhanh chóng yêu cầu mới…

An ủi lớn trong trận dịch tái  phát lần này có lẽ chính là những câu chuyện ý nghĩa, những bày tỏ tình cảm và niềm tin tích cực. 

Vài ngày trước, cộng đồng truyền nhau đoạn clip bác sĩ Lê Văn Đương (khoa cấp cứu, bệnh viện C Đà Nẵng) hát ca khúc Năm anh em trên một chiếc xe tăng để động viên bệnh nhân đang cách ly.

Hình ảnh truyền cảm hứng từ Khoa ngoại thần kinh cũng vừa được chia sẻ mới đây: các y bác sĩ hít đất, tập thể dục, khuyến khích mọi người cùng nhau thực hiện tăng sức mạnh, góp phần giải tỏa tâm lý căng thẳng. Thử thách này từng được lan tỏa trên mạng xã hội với mục đích “nâng cao nhận thức về PTSD (rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý), lo lắng và trầm cảm”. Nhưng trong đại dịch, đó cũng là một đề kháng cần thiết cho tinh thần.

Những người ở tuyến đầu đang phải đối diện với bao vất vả, nguy hiểm vẫn giữ tinh thần lạc quan, truyền cảm hứng; thì cộng đồng, có lý do gì không thể cố gắng cùng nhau?

“Thật quý giá khi những con người chưa bao giờ biết nhau lại hy sinh chính tính mạng mình để đấu tranh giành lại sự sống cho người khác” - dòng chia sẻ của ca sĩ Hồ Ngọc Hà trên MV âm nhạc cộng đồng Thank You - Những chiến binh thầm lặng, như thay lời biết ơn và yêu thương gửi đến toàn thể các y bác sĩ Việt Nam. 

Bác sĩ  Nguyễn Quý Thiện, khoa Nội tiêu hóa bệnh viện C  Đà Nẵng hát  Đà Nẵng ngày  bão giông Ảnh: cắt từ clip
Bác sĩ Nguyễn Quý Thiện, khoa Nội tiêu hóa bệnh viện C Đà Nẵng hát Đà Nẵng ngày bão giông Ảnh: cắt từ clip

Đạo diễn Trần Thanh Huy: “Mong dịch qua nhanh để ngành điện ảnh hồi phục”

Thật sự đoàn phim đã rất háo hức chờ đợi ngày ra mắt Ròm. Theo bên phát hành báo, có nhiều khán giả đã ra rạp ngày 31/7 hỏi mua vé xem phim, tôi biết, các bạn cũng có tâm trạng như vậy. Nhưng trước khi phải dời lịch phát hành, không ra rạp ngày 31/7 như kế hoạch, ê-kíp làm phim đã trải qua nhiều “cửa ải” khó khăn, nên có gặp thêm khó khăn lần này nữa cũng không phải là vấn đề lớn. Quan trọng nhất trong lúc này vẫn là chống dịch. 

Việc phim hoãn chiếu vì dịch bệnh là điều không ai mong muốn, và ê-kíp cũng chưa biết khi nào phim mới ra rạp, vì không thể biết dịch COVID-19 kéo dài đến bao giờ. Không chỉ Ròm mà nhiều phim Việt khác cũng lùi lịch phát hành.

Phim nội chỉ mới trở lại rạp sau đợt dịch bệnh trước không bao lâu, nếu mọi hoạt động tiếp tục bị đình trệ, những người trong nghề sẽ gặp nhiều khó khăn. Chỉ mong dịch qua nhanh, để ngành điện ảnh Việt Nam có thể hồi phục trở lại. 

Hương Nhu (ghi)

Đà Nẵng ngày bão giông - một bài hát xúc động khác vừa được bác sĩ Nguyễn Quý Thiện - Khoa nội tiêu hóa, bệnh viện C Đà Nẵng đệm đàn thể hiện ngay trong phòng trực: “Có một chiều anh nói phải xa em/ Mà chưa hẹn thời gian ngày trở lại/ Cuộc chiến của đồng đội anh vẫn còn xa mãi/ Em mỉm cười cất nước mắt vào tim…”. Bài hát với ca từ giản dị mà rưng rưng này được phổ từ bài thơ cùng tên, do cô Ngọc Uyển (giáo viên trường THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng) sáng tác. Bài thơ này cô viết cho chồng-bác sĩ Trịnh Minh Thế (trưởng khoa gây mê hồi sức, bệnh viện C Đà Nẵng). Một lần nữa, thông điệp “bạn hãy ở yên trong nhà để nhiều người sớm được về nhà” được nhắc lại”.

Không ai đứng ngoài cuộc chiến lần này. Chỉ cần một người nghi nhiễm, cả khu phố/tòa nhà đều bị cách ly. Cần nhất ý thức tự bảo vệ bản thân, cũng là cách tốt nhất để bảo vệ cộng đồng. Trên tất cả, những động thái tinh thần tích cực cũng là liều thuốc quý cho sức khỏe. Mừng là đã vắng đi những giễu cợt/giễu nhại nặng nề, mệt mỏi như trong đợt dịch trước.

Trên mạng xã hội, nhiều người đã lan tỏa những “thử thách” nho nhỏ nhưng ý nghĩa. Nhà văn trẻ Minh Moon (tác giả Hạt hòa bình, Giải ba cuộc vận động sáng tác văn học tuổi 20 lần V) vừa chia sẻ thử thách “30 ngày viết xong một cuốn sách” trên trang cá nhân. Ngay sau đó, nhiều người trẻ đã hưởng ứng bằng các thử thách khác cho bản thân: vẽ tranh, tập thể thao, học một ngoại ngữ mới…

“Bất kỳ điều gì bạn thích mà chưa có cơ hội làm, tại sao không thử trong thời gian này? Tôi nghĩ đó là những điều tuy nhỏ bé nhưng thiết thực, những liều “vắc-xin vui vẻ” giúp mọi người cùng nhau vượt qua tình hình hiện nay” - nhà văn Minh Moon chia sẻ.

Đợt giãn cách xã hội lần trước, cô cũng thử thách mình với công việc hoàn thành khu vườn trong 14 ngày cách ly. Cây bút trẻ Tống Phước Bảo chọn cách tích cực: viết nhật ký facebook chia sẻ cảm nghĩ về cuộc sống, tình người, những giá trị nhân văn trong đại dịch. Những bài viết như liều thuốc mát xoa dịu tinh thần của nhiều người vừa được chọn in trong tuyển tập “Cô-vy" tự sự: Gió và tình yêu vẫn thổi (DucaBooks và Nhà xuất bản Hà Nội). “Cuốn sách có sự tham gia của nhiều tác giả trong và ngoài nước, chia nhau nỗi niềm trong những ngày dịch bệnh. Có cả “đại dịch” của bất an, lo lắng, hoang mang sợ hãi.

Không chỉ là nỗi lo về cái chết, bao hàm trong đó còn có nỗi lo về cơm áo gạo tiền… Nhưng cũng từ đó, niềm tin, tình yêu, lòng nhân ái, sự sẻ chia lại hiện hữu như một phép mầu trấn an tất cả” - Tống Phước Bảo cho biết thêm, khi anh vừa cầm trên tay tập tản văn vừa ra mắt. 

Lục Diệp

 

 

 

 


 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI