Công khai tài chính: Vì sao các trường vẫn né?

20/03/2018 - 06:36

PNO - Khi giáo viên thắc mắc thì nhận được phản hồi: tài chính không phải cái gì cũng công khai được!

Công khai tài chính là điều bắt buộc nhưng ở TP.HCM, rất nhiều trường, lãnh đạo vẫn mập mờ các khoản thu - chi, phúc lợi khiến giáo viên, nhân viên nghi ngại, bất bình, dẫn đến thưa kiện kéo dài, ảnh hưởng trầm trọng đến môi trường sư phạm. 

Cong khai tai chinh: Vi sao cac truong van ne?
Học sinh Trường THPT Trần Quang Khải, ngôi trường đang bị lùm xùm với các khoản thu, chi không minh bạch

Bỏ lơ quy định

Mới đây, giáo viên của Trường THPT Trần Hữu Trang có đơn “tố” hiệu trưởng với những nội dung liên quan đến tài chính, đặc biệt là sự không công khai, minh bạch. Trong đơn phản ánh, giáo viên cho biết, năm 2017 đã qua, nhưng trường vẫn chưa chịu công khai các khoản thu, chi, tồn, bảng lương của lãnh đạo năm 2017.

Khi giáo viên thắc mắc thì nhận được phản hồi: tài chính không phải cái gì cũng công khai được! Một giáo viên trường này than vãn: sau 2 tháng phản ánh, câu trả lời đúng - sai chưa nhận được thì vị hiệu trưởng cũ đã kịp nghỉ hưu, thu - chi tài chính vẫn là “bí mật” với giáo viên.

Ai cũng biết, công khai tài chính là nhiệm vụ bắt buộc phải thực hiện ở các cơ sở giáo dục. Quy định đó được ghi rõ trong Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT về việc thực hiện công khai đối với cơ sở GD-ĐT thuộc hệ thống giáo dục quốc dân: các trường học không chỉ phải thực hiện công khai về cam kết chất lượng GD-ĐT, điều kiện đảm bảo chất lượng, mà phải công khai thu chi tài chính để người lao động, người học được rõ. Thế nhưng, lãnh đạo nhiều trường vẫn bất chấp quy định này.

Trong số 20 điều bức xúc mà giáo viên Trường mầm non Sơn Ca 4 (Q. Phú Nhuận) gửi đến lãnh đạo các cấp thì có đến 12 điều thắc mắc về tài chính. Đó là sự nghi ngờ về các khoản tiền mua sữa cho học trò, quỹ cha mẹ học sinh, tiền học hè, thu nhập tăng thêm của giáo viên…

Ngoài ra, từ tháng 3/2017, tập thể sư phạm nhà trường cũng không thấy có sự công khai bảng lương, thù lao hằng tháng và các khoản thu chi tài chính khác. 

Còn tại Trường THPT Trần Quang Khải, suốt cả năm học, giáo viên đòi phải công khai tài chính nhưng hiệu trưởng và kế toán vẫn kiên quyết “nói không”. Tại hội nghị cán bộ công chức, tập thể giáo viên, nhân viên phản ứng dữ dội thì sự gian lận về tài chính như kê khai trùng lắp và không đầy đủ mới lộ diện.

Đây chính là nguyên nhân khiến tập thể sư phạm nhà trường mất lòng tin vào kế toán và hiệu trưởng. Sự việc căng thẳng đến mức lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM phải về trường lắng nghe, dàn xếp và hứa hẹn trong 10 ngày sẽ làm rõ, đồng thời công khai với tập thể giáo viên. Nhưng đã hai tháng trôi qua, lời hứa ấy vẫn chưa thấy sở thực hiện. Tập thể giáo viên vẫn đang tiếp tục chờ… sự minh bạch, điều vốn dĩ bắt buộc, đã bị bỏ lơ.

Lợi lộc quá lớn 

Xâu chuỗi các vụ lùm xùm ở những trường THPT như Nguyễn Du, Gò Vấp, Trần Quang Khải, Ngô Gia Tự… dễ thấy một điểm chung là đều dính dáng đến chuyện khuất tất tiền nong. Tại sao chỉ “bộ ba” hiệu trưởng - kế toán - thủ quỹ được biết chuyện thu chi tài chính?

Vì sự vô lý ấy mà suốt nhiều năm liền, giáo viên các trường cứ phải “vác đơn đi kiện” để đòi sự minh bạch. Và thường, chỉ cho đến khi thay hiệu trưởng thì mọi thứ mới được công khai. 

Ông Đặng Đức Hoàng - Trưởng phòng GD-ĐT Q.11 - lý giải: công khai tài chính là nhiệm vụ bắt buộc với lãnh đạo các trường, điều này đã được quy định trong quy chế dân chủ cơ sở. Tuy nhiên, nhiều trường vẫn có thói quen giấu hoặc công khai không đầy đủ, công khai nhưng không đúng quy định.

Nhiều khi ban giám hiệu nhà trường ấn định luôn các khoản dự toán chi tiêu mà không thông qua bàn thảo, hoặc không phổ biến công khai… nên đã  dẫn đến nghi ngại, bức xúc cho tập thể. Thêm nữa, việc phân chia tỷ lệ các loại phúc lợi giữa lãnh đạo, giáo viên và nhân viên có sự chênh lệch quá lớn cũng là nguyên nhân khiến người lao động bức xúc. 

Cũng có ý kiến cho rằng, hiệu trưởng được đào tạo làm nhà sư phạm nhưng giờ lại được quản quá nhiều tiền, thiếu kinh nghiệm nên không thể tránh khỏi “chuyện này chuyện khác”. Nhưng phải thẳng thắn rằng, đã phát sinh thưa kiện thì chắc hẳn những sai phạm không phải do “thiếu kinh nghiệm”, mà là cố ý làm sai để thủ lợi cho bản thân, cho nhóm lợi ích.

Tại TP.HCM, người ta vẫn kháo nhau về chuyện: làm hiệu trưởng mà một năm không “kiếm” được một tỷ là dở (!?). Và đây mới chính là lý do khiến người ta phải “bí mật” mọi hoạt động lẽ ra phải công khai. Ở Trường THPT Trần Quang Khải, hiệu trưởng và kế toán từng “bí mật” chi gần 300 triệu đồng để sửa chữa nhà vệ sinh cho học sinh nhưng thực tế không làm gì.

Ở Trường THPT Thủ Thiêm (Q.2), hiệu trưởng từng “bí mật” mang cơ sở vật chất của trường cho tư nhân thuê suốt 25 năm, cho tư nhân độc quyền cung cấp đồng phục học sinh trong 10 năm… Nếu đem công khai trước bàn dân thiên hạ thì những “miếng mồi” to như thế sao có thể “nuốt” trôi. 

Sao phải giấu nếu làm đúng

Ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10) - nhấn mạnh: “Làm gì cũng phải đúng văn bản hướng dẫn, đúng pháp luật trước đã. Chuyện tiền nong nhạy cảm lại càng phải rõ ràng để mọi người hiểu và tin. Riêng tôi, tôi công khai hết, từ thu nhập trong trường cho đến thu nhập cá nhân bên ngoài.

Còn tài chính chung của trường, tôi để mọi người cùng góp ý theo cách: xây dựng dự toán xong sẽ phát cho từng giáo viên, nhân viên đọc và góp ý ở các tổ bộ môn; sau đó góp ý công khai tại hội nghị, đồng thuận cao mới thành dự thảo.

Đến khi ra được bản chính thức sẽ nộp về công đoàn ngành để báo cáo, đồng thời công khai ở bảng thông báo của trường. Giáo viên, nhân viên có quyền hiểu về nguồn tiền chung và cách sử dụng bởi liên quan trực tiếp đến quyền lợi của họ. Sao lại phải giấu nếu mình làm đúng!”.

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI