Công an quận 2: Mời trẻ bị xâm hại “đối chất” với kẻ thủ ác!

24/08/2020 - 06:41

PNO - Liên quan đến vụ án thương tâm này, đây là lần thứ ba trong một tháng rưỡi, chị B.T.B., mẹ cháu T. phải nhờ cậy báo Phụ Nữ TP.HCM.

Theo thư mời của cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Q.2, TP.HCM, vào 9g sáng 25/8, cháu B.L.T. (nạn nhân trong bài Bé chóng mặt, mẹ đưa đi khám phát hiện thai 7 tuần đăng trên báo Phụ Nữ TP.HCM ngày 6/7/2020) sẽ phải có mặt tại cơ quan này để “đối chất” với ông Lê Duy H. 

Liên quan đến vụ án thương tâm này, đây là lần thứ ba trong một tháng rưỡi, chị B.T.B., mẹ cháu T. phải nhờ cậy báo Phụ Nữ TP.HCM. 

Chị B. cho biết: “Lý do cơ quan điều tra đưa ra để mời cháu T. và tôi lên đối chất với ông Lê Duy H. là vì lời khai của bé và kẻ gây ra tội ác với bé không trùng nhau. Theo lời bé kể với tôi và khai tại cơ quan điều tra (4 lần) thì bé đã bị ông H. dụ dỗ xâm hại nhiều lần từ tết Nguyên đán 2020 đến nay. Mỗi lần thực hiện xong hành vi, ông H. còn cho cháu tiền. Vào dịp tết Nguyên đán, cháu còn khoe với mẹ là được ông H. lì xì. Còn phía ông Lê Duy H. thì khăng khăng chỉ xâm hại bé một lần duy nhất và bé đã mang thai”. 

Giấy mời của cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Q.2 buộc cháu B.L.T. phải đối chất với kẻ thủ ác
Giấy mời của cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Q.2 buộc cháu B.L.T. phải đối chất với kẻ thủ ác

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, người bảo vệ cháu T. trong vụ án này - khẳng định, bà không đồng tình với yêu cầu phi lý này của cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Q.2. “Bé đã khai nhiều lần, trọn vẹn và đầy đủ với sự chứng kiến của người giám hộ là mẹ ruột và tôi là luật sư bảo vệ. Như vậy là đã đủ. Nếu cần, hãy mời tôi đến đối chất” - luật sư Nữ nói.

Đồng tình với nhận định này, luật sư Bùi Minh Nghĩa, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết: vụ án này có quá nhiều điều băn khoăn. Đầu tiên là việc công an Q.2 cho phép bị can tại ngoại sau khi đã có quyết định khởi tố bị can, trong khi gia đình cháu bé không được bảo vệ an toàn, bị gia đình bị can ép đưa tiền bồi thường với hợp đồng soạn sẵn là phải ký tên bãi nại cho Lê Duy H. Mặc dù ông Lê Duy H., trên 70 tuổi, là người già (theo Điều 4, Nghị quyết 01/2007/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán tối cao), nhưng với hành vi dùng tiền, dụ dỗ gia đình bị hại ký hợp đồng, ký đơn bãi nại thì đối tượng này cần phải tạm giam để đảm bảo sự an toàn cho nạn nhân và gia đình, theo quy định tại điểm c, khoản 4 Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Thứ hai, việc mời nạn nhân lên đối chất với kẻ thủ ác là vi phạm Luật Trẻ em. Bởi một đứa trẻ 13 tuổi, bị xâm hại đến mức mang thai, phải làm thủ thuật bỏ bào thai đã khủng hoảng tinh thần đến mức độ nào; việc phải khai đi khai lại, miêu tả về hành vi tội ác đã gây áp lực tâm lý không nhỏ cho cháu. Liệu cơ quan điều tra có đảm bảo lần đối chất này không gây tổn thương cho cháu T. và những thương tổn này ai sẽ là người chịu trách nhiệm? 

Chị B. nghẹn ngào: “Từ khi sự việc được phát hiện đến nay, mẹ con tôi chưa một ngày bình yên. Tôi mù chữ, nhưng những gì cần làm trong quá trình tố cáo tội phạm, tôi đã làm đầy đủ theo hướng dẫn của luật sư và các chuyên gia tư vấn bảo vệ trẻ em. Con tôi đã khai tường tận các sự việc với sự chứng kiến của tôi cùng luật sư Trần Thị Ngọc Nữ. Lẽ nào cơ quan công an không còn cách thức điều tra nào khác hay sao?”.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM - cho rằng, việc cơ quan điều tra khẩn trương lấy lời khai bị hại, đối tượng, nhân chứng, làm rõ người bị xâm hại tình dục một lần hay nhiều lần trong vụ án này là vô cùng cần thiết. Để xác định tội phạm không đơn giản chỉ là lời khai từ hai phía mà cần cả những chứng cứ xác minh. Đây là quy trình tố tụng phải tuân thủ. Tuy nhiên, quy trình này luôn phải bảo đảm để bị hại được thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm của mình; bảo đảm lợi ích tốt nhất của người bị hại, đặc biệt là trẻ em; tôn trọng, lắng nghe, xem xét, phản hồi ý kiến, nguyện vọng của trẻ em... Tránh tối đa các biện pháp nghiệp vụ có thể gây tổn thương cho trẻ. Bởi như vậy, vô hình trung là xâm hại trẻ thêm lần nữa. 

Còn nhớ, cách đây hơn một năm, khi hay tin Công an Q.Tân Bình tổ chức cho một nạn nhân là trẻ em (trong vụ dâm ô với trẻ) đối chất với kẻ thủ ác, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - đã đề nghị cơ quan điều tra dừng ngay việc làm này, vì nó vi phạm nghiêm trọng Luật Trẻ em. Ông Nam khẳng định: “Thực chất việc đối chất này chỉ là thêm một lần lấy lời khai của trẻ. Bé đã làm hết phần việc của mình, không cần phải có thêm lần đối chất này. Việc còn lại là trách nhiệm của cơ quan điều tra”. 

Nghi Anh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI