“Có tiếng hát xao xuyến ánh trăng vàng"

20/03/2020 - 14:38

PNO - Nét độc đáo của Thái Thanh, chỉ riêng Thái Thanh, chính là lối nhấn nhá tinh tế, đầy tính tình tự dân tộc.

Nếu tìm một giọng hát Việt để ca lượn trên cung Quảng Hằng thì còn ai xứng đáng hơn Thái Thanh. Và giờ tiếng hát vượt thời gian ấy đã đi xa, từ bên kia bờ Thái Bình Dương bà được thả hồn mình về lại quê nhà, mang theo trọn vẹn những thương yêu. 

Tân nhạc Việt Nam từ khởi đầu cho đến nay, ngót 100 năm, tìm đâu ra một người có khả năng thay thế vị trí của Thái Thanh. Hai chữ “danh ca” trao cho ai cũng có sự tranh cãi nhưng khi trao mỹ từ đó cho Thái Thanh thì có lẽ mọi người đều vỗ tay hân hoan không chút gợn. 

Danh ca không trường lớp
Ca sĩ Thái Thanh tên thật là Phạm Thị Băng Thanh, sinh năm 1934 tại Hà Nội trong một gia đình có truyền thống văn nghệ nổi tiếng của Việt Nam, cha chơi cổ nhạc rồi các anh chị lần lượt trở thành nhạc sĩ, ca sĩ, kịch sĩ danh tiếng. Không bị áp lực trước những cái bóng quá lớn của gia đình, Thái Thanh đã khoe giọng hát trời phú của mình từ năm 14 tuổi, tạo nên sự khác biệt với Dòng sông xanh.

Vốn nhạc lý của bà chủ yếu qua sách báo đặt từ Pháp mang về và sự hướng dẫn của anh trai, nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Bước sang thập niên 50 của thế kỷ trước, cái tên Thái Thanh đã sáng chói trên bầu trời âm nhạc Việt Nam. Bà cùng với các thành viên gia đình làm nên ban hợp ca Thăng Long danh tiếng. Rồi Thái Thanh trở thành người chuyên chở nhạc Phạm Duy xuất sắc nhất. Sự kết hợp này ăn ý đến nỗi khi nhắc đến Phạm Duy mà không nói đến Thái Thanh là một thiếu sót lớn.

Trước năm 1975, Thái Thanh chính là tượng đài lớn nhất trong dòng nhạc thính phòng. Thậm chí, lối hát của bà còn tạo ra cả một trường phái mang chính tên mình với nhiều ca sĩ như Mai Hương, Quỳnh Dao, Ánh Tuyết… Tiếng hát của bà là kết hợp giữa lối hát Tây phương và cách luyến láy, ngân nga của cổ nhạc Việt Nam. Giọng bà cao vút nhưng độc đáo, càng lên cao càng sáng và rõ chứ không bị mất chữ hay quá thé khiến người nghe khó chịu. Bà là người có khả năng điều khiển tiếng hát mình bay lượn, chao nghiêng hay vút lên trong từng nốt nhạc.

Chính vì thế khi nhà thơ Hoàng Trúc Ly sáng tác câu thơ về kiếp cầm ca: “Vì em tiếng hát lên trời/ Tay xao dòng tóc, tay mời âm thanh" mọi người liền mường tượng ra tiếng hát ấy phải là Thái Thanh, không còn ai xứng đáng hơn. Rồi từ đó Thái Thanh có thêm mỹ danh “tiếng hát từ trời”. 

Bà cũng là trường hợp gần như duy nhất được nhắc tên trong bản nhạc Nỗi buồn không tên: “... Phòng trà nghỉ chân nghe Thái Thanh ca Biệt ly”. Trong một cuộc phỏng vấn tại hải ngoại, Thái Thanh đã chia sẻ: “Trời cho tôi giọng, trời còn cho tôi hai lá phổi rất rộng. Đó cũng là một điều thiên phú. Nhưng có điều tôi vẫn tâm niệm rằng trời cho mình cái gì thì mình phải ôm lấy nó, trân trọng cái đó, nghĩa là phải tập luyện để giữ được nó, để làm lớn, làm mạnh nó lên. Chứ không thể cứ nghĩ đến thiên phú là không cần tập dượt và còn phải yêu nó nữa thì mới có thành tựu”.

“Tôi thấy được hết những hạch tuyến nơi cổ họng, những tế bào, những bộ phận lớn nhỏ đã phụ họa với nhau để phát ra những âm thanh trong, ấm, thanh tao và diệu kỳ kia. Tôi chưa gặp Thái Thanh lần nào cả, Steve ạ. Hãy nghĩ rằng cô trẻ, đẹp và đằm thắm như giọng hát của cô, và chỉ giữ lại từng đó thôi. Nếu ta nghiêng mình lệch đi một tý, bình diện với thời gian thay đổi, thì cô Thái Thanh đã ở bên kia tự bao giờ rồi, ví dụ năm ngàn năm về trước hoặc năm ngàn năm về sau”.

Thích Nhất Hạnh (trích Nẻo về của ý)

Tiếng hát của tình tự dân tộc

Nét độc đáo của Thái Thanh, chỉ riêng Thái Thanh, chính là lối nhấn nhá tinh tế, đầy tính tình tự dân tộc. Thấm nhuần chất liệu dân tộc ngay từ gia đình nên bà đã vận dụng điều đó một cách vô cùng thông minh trong phần trình bày của mình. Bà luôn hát chuẩn chữ Việt, dấu hỏi ngã chưa bao giờ làm phiền Thái Thanh. Chính phần này làm nên chất trữ tình của Thái Thanh. Nghe Thái Thanh dù hùng ca, bi ca... thì mọi người đều cảm nhận được chất tình trong cách hát của bà.

Giọng ca bà thật sự biến hóa. Khi đầy chất hùng hồn dân tộc trong Tình ca, Tình hoài hương (Phạm Duy), Hội trùng dương (Phạm Đình Chương)... Khi lại là người vợ, người mẹ đầy phẩm chất quý giá của Buồn tàn thu (Văn Cao), Bà mẹ Gio Linh, Áo anh sứt chỉ đường tà (Phạm Duy)... Khi lại là cô gái trẻ nũng nịu, phơi phới với Tuổi 13, Paris có gì lạ không em (Ngô Thụy Miên), Ngày xưa Hoàng thị (Phạm Duy)...

Bài hát Ngày xưa Hoàng Thị: 

 

 

 Nhiều chữ được bà nhấn nhá độc đáo đến nỗi đã bị “Thái Thanh hóa” trở về sau như chữ “lướt” trong “Ai lướt đi ngoài sương gió...” của Buồn tàn thu hay chữ “nhoẻn cười” trong Ru con “ngoan ngoan con nhoẻn miệng cười...”. Phạm Duy từng reo vui vì tìm được giọng hát tri kỷ Thái Thanh: “Lúc nào tôi cũng có một giọng ca đặc biệt Việt Nam, từ cách nhấn chữ, cho đến luyến láy đều hoàn toàn Việt Nam, hết sức dân tộc, vì vậy dễ đi vào lòng người. Cả đời tôi, tôi chỉ muốn đi theo con đường dân ca phát triển và cả đời tôi, tôi chỉ muốn là một chứng nhân của thời đại. Và nếu không có Thái Thanh thì không có Phạm Duy!". Thật vậy, mỗi lần Tình ca của Phạm Duy vang lên: “Tôi yêu tiếng nước tôi...” thì tâm tưởng mọi người chỉ hướng về Thái Thanh - đó là tiếng của nước tôi.

Bí quyết của Thái Thanh đó chính là tình yêu quê hương, đất nước: “Là người ca sĩ phải biết yêu tiếng nói của nước mình, phải yêu tiếng Việt của mình. Người ca sĩ còn phải yêu đất nước mình nữa. Khi trong bài hát có nói đến những xứ sở, những vùng nào đó trên đất nước mình, thì mình cũng phải cảm thấy yêu cả những địa danh đó, miền Trung, miền Nam, miền Bắc. Nếu mình không yêu chữ của nước mình thì giống như mình hát một bài hát ngoại quốc vậy. Thí dụ đọc đến chữ “em bé quê” là mình cảm thấy dào dạt tình thương yêu các em nhỏ sống ở những vùng quê nghèo nàn, tôi nói yêu chữ nước mình là vậy. Còn một chuyện nữa là tôi yêu người nghe, luôn luôn tôn trọng khán thính giả. Tôi rất thận trọng khi hát”.

Rũ ánh hào quang làm người mẹ tận tụy

Thái Thanh lập gia đình với tài tử Lê Quỳnh. Thế nhưng cặp đôi vàng của nền nghệ thuật Việt Nam thuở ấy cũng sớm chia tay. Bà vừa hoạt động nghệ thuật vừa chăm sóc đàn con thơ. Dù nhận được nhiều lời ngỏ ý nhưng bà quyết ở vậy.
 Điều khá đặc biệt là Thái Thanh không hướng dẫn con mình tiếp bước bố mẹ. Chính vì thế, mãi đến sau 30 tuổi, Ý Lan - con gái lớn của bà - mới quyết định cầm mic trở thành ca sĩ giống mẹ. Đây là một sự kế thừa khá xuất sắc. Chính nhờ quyết định “cãi mẹ” mà chúng ta mới có một Ý Lan đầy thú vị như ngày nay. Trên sân khấu, Thái Thanh là một danh ca đầy uy lực, nhưng rũ hết phấn son, bà lại trở thành người mẹ tận tụy vì đàn con nhỏ. 

Con trai út Lê Đại của bà chẳng may gặp bạo bệnh. Bà dồn sức chăm sóc, yêu thương để cho con có thể sinh hoạt gần giống người bình thường. Sau khi đoàn tụ gia đình tại Mỹ, bà ngưng ca hát, học lại lái xe, hằng ngày sang nhà để giúp con trai mình học hành. Dần dà, con trai bà đã có thể tự lập hơn. 

Lần cuối cùng trình diễn ghi hình của bà đã diễn ra hơn 15 năm trước cùng con gái Ý Lan với liên khúc Bài ca sao. Khán giả vui mừng gặp lại Thái Thanh giờ hiền dịu, đầy viên mãn như bà tiên tóc bạc phơ bên cạnh con gái đang thành danh của mình. Đây cũng là lần đầu tiên khán giả được thấy Thái Thanh lui về vị trí hát bè, âu cũng là ý tre già măng mọc. Nhưng ở vị trí nào khán giả vẫn thấy một Thái Thanh đầy mê hoặc trong giọng hát, khuôn miệng phát âm tuyệt đẹp và kỹ thuật trình diễn bản lĩnh.

Sau đó vì các cú sốc qua đời của người thân, Thái Thanh nhiều lần bị đột quỵ và chứng bệnh mất trí nhớ bắt đầu tấn công bà. Và kỳ lạ thay, dù phải sống cùng căn bệnh Alzheimer, có những lúc bà không nhớ được gương mặt của những người thân thương nhất nhưng lời bài hát thì bà lại hiếm khi quên.  Ngày 17/3/2020, Thái Thanh trút hơi thở cuối cùng tại California, Hoa Kỳ, mang theo tiếng hát lên trời, mang theo trọn vẹn những thương yêu. 
(*) Lời bài hát Về miền Trung (Phạm Duy) 

 

Phạm Ngọ

 

 

 

 


 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI