Cô sinh viên khiếm thị khát khao hỗ trợ, tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật

22/05/2024 - 13:06

PNO - Hải Anh không chỉ trở thành “Đại sứ văn hóa đọc”, nhận được nhiều bằng khen và học bổng mà còn truyền cảm hứng, nghị lực sống cho nhiều người đồng cảnh.

Vũ Thị Hải Anh, sinh năm 2000, quê Nam Định, cô bị khiếm thị bẩm sinh do ảnh hưởng chất độc da cam. Không đầu hàng số phận, cô đã vượt qua bóng tối bằng nghị lực và niềm đam mê học hỏi.

13 tuổi đi học, 23 tuổi trở thành sinh viên

Khi mới 1 tháng tuổi, gia đình phát hiện Hải Anh mắc căn bệnh đục thủy tinh thể. Cha mẹ nuôi hy vọng tìm lại ánh sáng cho con với các cuộc phẫu thuật mắt, nhưng may mắn đã không mỉm cười với cô con gái bé bỏng của họ.

Mọi việc nghiêm trọng hơn khi bác sĩ tiếp tục phát hiện ra căn bệnh teo nhãn cầu, đồng nghĩa với việc Hải Anh mất hoàn toàn chức năng thị giác.

Hải Anh và mẹ - người vừa làm mẹ, vừa làm cô giáo dạy Hải Anh từ kỹ năng sống đến chữ viết
Hải Anh và mẹ - người vừa làm mẹ, vừa làm cô giáo dạy Hải Anh từ kỹ năng sống đến chữ viết - Ảnh: Nhân vật cung cấp

“Tôi hoàn toàn sống trong bóng tối và theo lời chỉ dẫn của mẹ. Mẹ là đôi mắt, là người thầy dạy tôi từ kỹ năng sống đến chữ viết. Ngày bé, sau buổi học đầu tiên trong lớp mẫu giáo ở quê, cô giáo đã từ chối nhận tôi vào học.Từ đó, mẹ là người đồng hành và dạy chữ cho tôi. Đặc biệt, mẹ còn cùng tôi đi học chữ nổi để tôi có thể hòa nhập với cộng đồng”, Hải Anh chia sẻ.

13 tuổi, khi bạn bè đồng trang lứa đã học lớp Bảy, Hải Anh được mẹ cho tới trường, cô được xếp vào lớp Ba. 3 năm sau, Hải Anh một mình lên Hà Nội học hòa nhập cùng các bạn cả khiếm thị và không khiếm thị tại Trường phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu. Ở đây, Hải Anh được thi vượt cấp, không phải học lớp tiền hòa nhập.

Rời khỏi sự bao bọc của gia đình lên Hà Nội, Hải Anh học cách sống tự lập, đối mặt với những khó khăn. Không để để bóng tối dần dần cuốn đi sự tự tin, Hải Anh học cách tự tìm niềm vui từ trong bóng tối. Thay vì đợi người khác đến giúp đỡ, cô gái trẻ cố gắng chủ động kết nối để hòa nhập với mọi người.

“Tôi không sợ bóng tối. Bởi vì nhờ có bóng tối, mình mới nhận ra ánh sáng. Tôi chưa bao giờ cảm thấy tiếc nuối, tự ti hay đau khổ khi là một người khiếm thị. Ai cũng là một con người trọn vẹn, chỉ là mình khác so với số đông”, Hải Anh nói.

Có lẽ bởi quan điểm đó mà Hải Anh cũng dần bắt nhịp với guồng quay và tham gia các câu lạc bộ vẽ, hát, đàn… Tất cả mọi biến cố, mọi khó khăn càng làm cô có thêm quyết tâm, cố gắng hơn trong cuộc sống.

Hải Anh trên giảng đường đại học
Hải Anh trên giảng đường đại học

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, Hải Anh đã giành giải Đặc biệt trong “Cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 48 năm 2019”. Cùng năm, giành giải Nhì cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc Thủ đô năm 2019”. Năm 2020, cô được tuyên dương là học sinh tiêu biểu Thủ đô. Năm 2022, cô nhận bằng khen Thanh niên tiêu biểu toàn quốc của của Trung ương Đoàn. Năm 2023, Hải Anh vinh dự được Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lựa chọn tuyên dương trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt”.

23 tuổi, Hải Anh quyết định nộp hồ sơ vào đại học. Hiện nay, cô đang là sinh viên ngành Quan hệ Công chúng, Viện Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Lo cho mình và lo cho cộng đồng

Tuổi thơ của Hải Anh làm bạn với chiếc đài nhỏ và lắng nghe âm thanh cuộc sống bằng tất cả các giác quan của mình. Cô chia sẻ: “Ngày bé, nghe được tiếng phát thanh viên trên sóng radio, tiếng nói truyền cảm như dẫn dắt, thôi thúc tôi phải tìm hiểu, học tập và trở thành một phát thanh viên. Tôi muốn kết nối mọi người, lan tỏa đến cộng đồng những điều tích cực, xóa đi những định kiến về cộng đồng người khiếm thị”.

Để hiện thực hóa ước mơ, cô đã thực hành nhiều công việc yêu thích như thường xuyên nhận dẫn chương trình tại các tổ chức phi chính phủ, câu lạc bộ, sự kiện…

Hải Anh bảo mỗi lần lên sân khấu, cô đều làm chỉn chu như lần đầu tiên và hết mình như lần cuối cùng, bởi với một MC khiếm thị, việc được tin tưởng và trao cơ hội không nhiều. Vì thế cô luôn trân trọng từng khoảnh khắc được tỏa sáng dưới ánh đèn sân khấu.

Hiện nay, Hải Anh vẫn hằng ngày đến trường với chiếc gậy trắng dò đường. Ngoài giờ học, cô lại đi làm thêm - đó cũng là nhịp sống tự lập quen thuộc trong gần chục năm qua của cô.

Hải Anh tự đi lại với chiếc gậy dò dường
Hải Anh tự đi lại với chiếc gậy dò dường

Trong suy nghĩ của Hải Anh, cuộc sống vốn là chuỗi những khó khăn, với người khuyết tật, chỉ khác là khó khăn đến sớm hơn. Thế nên, thay vì để bóng tối của nỗi buồn cuốn lấy, mỗi ngày, Hải Anh luôn tiến bước sống cùng với những khả năng và sức mạnh tiềm ẩn để vượt qua những rào cản, từng bước lật mở các trang mới trong cuộc đời với niềm hạnh phúc và tích cực.

Hành trình của Hải Anh đang đi cũng là chặng đường những người khiếm thị như cô sẽ bước tiếp để khẳng định năng lực bản thân và chứng minh người khuyết tật có thể làm tốt nếu được trao cơ hội.

Cô tâm sự: “Có những lúc mẹ tôi không muốn con gái vất vả, nhưng tôi vẫn quyết tâm theo đuổi đam mê, ước mơ, dù biết sẽ nhiều khó khăn. Tôi cũng có tự ti, nhưng tự tin là nhiều hơn. Tôi luôn nói với bản thân rằng mình chưa làm được chứ không phải là mình không làm được. Rồi mình sẽ làm được và nhất định phải tìm cách để làm cho được”.

Nói về kế hoạch sau khi tốt nghiệp, Hải Anh cho biết ước mơ sẽ thành lập một doanh nghiệp xã hội để hỗ trợ, tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật, giúp họ học các kỹ năng để có thể tự lập.

Ước mơ của Hải Anh là hỗ trợ, tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật
Ước mơ của Hải Anh là hỗ trợ, tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật

Hải Anh tự “gánh” sứ mệnh giúp những người xung quanh sống cuộc đời mà họ muốn. “Ai cũng sẽ có những nỗi đau và khó khăn riêng, bằng chuyên môn, hay đơn giản là nguồn năng lượng tích cực, tôi muốn giúp mọi người tự tin, mạnh mẽ vượt qua những rào cản để sống cuộc đời hạnh phúc.

Cần phải tạo ra một môi trường - nơi người ta có thể nhìn thấy thành công của người khuyết tật. Từ thành quả của người thuộc cộng đồng mình, những người khuyết tật khác mới thay đổi cách nhìn. Xã hội cũng cần nhìn nhận người khuyết tật một cách công bằng hơn, ít định kiến hơn. Không nên nghĩ người khuyết tật thì không làm được điều này, điều kia mà hãy tạo điều kiện và mở lòng, cho họ cơ hội để chứng minh rằng họ có thể” - cô nói.

Tường Vi

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtuyensinhvi /strCate=tuyensinh

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEsukienvandevi /strCate=sukienvande
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgiaoducvi /strCate=giaoduc