Có một liên hoan phim âm thầm…

04/11/2020 - 06:49

PNO - Ngoài chiếu phim còn nhiều hoạt động đi kèm thu hút khán giả. Đó là những gì đang diễn ra tại Liên hoan phim Khoa học lần thứ 10 ở Việt Nam.

Giáo dục thông qua giải trí

Buổi khai mạc Liên hoan phim (LHP) Khoa học lần thứ 10 tại Việt Nam khu vực TP.HCM đã diễn ra ngày 1/11 tại Thư viện Khoa học tổng hợp trong không gian náo nhiệt. Gần trăm em nhỏ được chia thành từng nhóm hào hứng tham gia thực hành tại chỗ, để tạo ra một thiết bị thông minh giúp bóng đèn tự sáng khi trời tối và tự tắt khi trời sáng, dưới sự hướng dẫn của các tình nguyện viên.

Nhiều em tỏ ra thích thú khi chạm đến những linh kiện điện ít thấy như quang trở, transistor. Xung quanh, nhiều phụ huynh cũng không giấu được tò mò, ghé mắt vào xem. Sau 15 phút, tất cả đều không giấu được niềm tự hào khi đã cùng nhau hoàn thành một chiếc đèn cảm ứng ánh sáng thông minh. 

Không diễn ra cố định trong một khán phòng, mà di động khắp nơi như mô hình xe chiếu phim lưu động; không chỉ chiếu phim mà còn có nhiều trò “dụ” khán giả như làm thí nghiệm, tham gia trò chơi tìm hiểu các kiến thức khoa học đã được xem trong phim. Những điều đặc biệt ở LHP Khoa học kể trên, có lẽ, rất khó thấy được ở những LHP khác. 

Các khán giả nhí hào hứng tham gia thí nghiệm chế tạo đèn cảm ứng ánh sáng trong hôm khai mạc Liên hoan phim Khoa học tại Việt Nam ở khu vực TP.HCM
Các khán giả nhí hào hứng tham gia thí nghiệm chế tạo đèn cảm ứng ánh sáng trong hôm khai mạc Liên hoan phim Khoa học tại Việt Nam ở khu vực TP.HCM

Điều cốt yếu ở một LHP vẫn là chất lượng phim, và ở LHP năm nay, 16 phim được chọn chiếu tập trung hướng đến đối tượng người xem từ 9-17 tuổi, nhưng nội dung cũng đủ sức gây tò mò cả khán giả trưởng thành. Từ những vấn đề gần gũi trong cuộc sống như người ta đã sử dụng bao nhiêu nước - đất - năng lượng để làm ra những bữa ăn hằng ngày, thực phẩm bị hao hụt thế nào từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, trồng rau theo tầng dùng năng lượng đèn led để tiết kiệm 98% lượng nước so với trồng ngoài trời; cho đến những chuyện ít ai biết về thế giới loài vật, về đại dương như cách cá tạo ra tiếng ồn dưới nước để giao tiếp với nhau, Biển Chết đang được cứu bằng dự án xây một nhà máy khử mặn khổng lồ.

Vấn đề thời sự cũng được nhắc đến ở LHP, chẳng hạn như tìm hiểu vi rút Corona 2019-nCoV có thể lan xa bằng cách nào, và làm sao để bảo vệ bản thân trước đại dịch Covid-19? Tất nhiên, không thể thiếu những câu chuyện ở thì tương lai, như nếu mặt trời không còn chiếu sáng và trời lặng gió, làm thế nào để vẫn có nguồn năng lượng thắp sáng, hoặc chuyện nhà cửa trong tương lai sẽ có hình dáng, kết cấu ra sao để phù hợp với tình trạng đất chật người đông? 

Đáng tiếc ở Việt Nam

Bền bỉ diễn ra suốt mười năm qua tại Việt Nam, nhưng đến thời điểm hiện tại, LHP Khoa học - một trong những LHP mang tính giáo dục lớn nhất thế giới, do Viện Goethe (Đức) tổ chức - ở ta lại không được nhiều người biết đến, một phần do tính chất của dòng phim khoa học khá khô khan, nên hạn chế trong việc tiếp cận đại chúng.

Tuy vậy, mô hình của LHP lại có sức lan tỏa âm thầm và thực tiễn. Anh Hoàng Dương - thành viên ban tổ chức kiêm giám khảo chọn phim tại Việt Nam - cho biết: “Mỗi năm, LHP tiếp cận 30.000-40.000 học sinh của 8-10 tỉnh, thành qua hình thức chiếu phim lưu động. Năm nay có 12 tỉnh, thành đăng ký đưa LHP đến khán giả. Trong mỗi xe chiếu phim, ngoài các bản phim còn có 3.000 tựa sách, dụng cụ thí nghiệm khoa học lưu động, phục vụ trong các ngày hội văn hóa đọc tại địa phương hoặc trường học. Không chỉ đối tượng học sinh được hưởng lợi từ LHP phim, mà các giáo viên, cán bộ thư viện liên quan đến môn STEM cũng được lợi, vì LHP có kho tài nguyên là nền tảng STEM kỹ thuật số Đông Nam Á (SEADSTEM) cung cấp các nguồn tư liệu giảng dạy khác nhau về bộ môn này ở chuẩn quốc tế”.

Nhìn lại hoạt động âm thầm của LHP Khoa học tại Việt Nam suốt mười năm qua, lý do có lẽ không chỉ nằm ở khán giả; mà còn do chính sự thờ ơ của những người trong nghề - những người làm phim khoa học nước nhà.

Mỗi năm, LHP Khoa học này thu hút vài trăm phim của các tổ chức, cá nhân trên thế giới; rồi chỉ có 100 phim được Viện Goethe chọn trình chiếu. Sau đó, khi đến từng quốc gia, chẳng hạn Việt Nam, lại có một ban tổ chức lọc ra từ 10-20 phim phù hợp với tiêu chí nước đó để giới thiệu đến người xem. Được biết mười năm qua, chưa có một tác phẩm nào đến từ Việt Nam xuất hiện tại LHP này. Trong khi đó, các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Philippines đều có phim góp mặt. 

LHP năm nay nhận được 161 phim của 34 quốc gia, trong đó Việt Nam chọn chiếu 16 phim. Chủ đề năm nay hướng đến sự phát triển bền vững. Thông qua các bộ phim về các chủ đề sinh thái và nghiên cứu, LHP Khoa học chứng minh khoa học là một đề tài thú vị; đồng thời nâng cao và thúc đẩy nhận thức của mỗi cá nhân về các vấn đề sinh thái, đặc biệt năm nay nhấn mạnh sự đa dạng sinh thái học.

Theo dõi LHP qua các năm, có thể thấy phim khoa học các nước gặp nhau ở việc tự do biểu đạt, khả năng kể chuyện tốt, hiểu rõ độ tuổi khán giả mà phim hướng đến. Tất cả đều thể hiện tình yêu và lòng đam mê khoa học của người làm phim. Đáng tiếc, những điều này lại chưa được nhìn thấy ở những nhà làm phim Việt. 

Hương Nhu 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI