Xuân Quý Mão - kỳ vọng mùa lễ hội tưng bừng, văn minh

Cơ hội phục hồi ngành du lịch

11/01/2023 - 06:11

PNO - Lễ hội cùng những sắc màu bản địa là một trong những yếu tố quan trọng để kích cầu du lịch, thu hút du khách quốc tế đến với Việt Nam khi dịch COVID-19 đã lắng xuống.

Vẫn còn thiếu sản phẩm du lịch

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam xấp xỉ 3,5 triệu người, gấp 21 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm gần 82% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch COVID-19. Doanh thu du lịch năm 2022 chỉ khoảng 4,5 tỉ USD, chiếm trên 1% GDP, trong khi doanh thu từ du lịch năm 2019 chiếm 10% GDP. 

Hội hoa xuân tại bến Bình Đông TPHCM - ảnh: Hoàng Hùng
Hội hoa xuân tại bến Bình Đông TPHCM - Ảnh: Hoàng Hùng

Không chỉ Việt Nam, nhiều nước cũng đang chật vật với bài toán vực dậy ngành công nghiệp không khói sau các đợt dịch bệnh. Là nước sớm mở cửa trở lại sau đợt bùng phát dịch COVID-19 năm 2021 nhưng Việt Nam lại thua Thái Lan, Indonesia và Singapore về lượng khách du lịch quốc tế. 

Trong những lý do khiến ngành du lịch Việt Nam chưa thể phục hồi, có nguyên nhân thiếu sản phẩm du lịch hấp dẫn, dù Việt Nam có nền văn hóa phong phú, đa dạng. Nhiều địa phương thiếu sản phẩm du lịch 
đặc trưng.

Chấn chỉnh toàn diện hoạt động lễ hội

So với các nước trong khu vực, Việt Nam là quốc gia có nhiều lễ hội (khoảng 8.274 lễ hội truyền thống, 297 lễ hội văn hóa, 18 lễ hội ngành nghề và 9 lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài). 

Các lễ hội truyền thống ở Việt Nam diễn ra quanh năm, mang nhiều nét văn hóa đặc trưng của quốc gia và từng địa phương. Đặc biệt, vào mùa xuân, lễ hội được xem là “mỏ vàng” của ngành du lịch. Nếu tận dụng tốt các lễ hội, ngành du lịch sẽ có một khởi đầu đẹp đẽ cho cả năm.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, lễ hội đóng vai trò vô cùng quan trọng trong kinh tế du lịch. Lễ hội thường chứa đựng những bản sắc văn hóa cộng đồng, là điều mà du khách trong nước và quốc tế rất quan tâm. Theo ông, lễ hội truyền thống nên được quan niệm như là “những tài nguyên văn hóa tinh thần để bảo tồn và phát triển”.

Tuy nhiên, hoạt động khai thác và quảng bá lễ hội thời gian qua đang “có vấn đề”. Nhiều lễ hội dân gian đang bị khai thác tràn lan, không mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội như mong muốn. Có tình trạng một số lễ hội mượn các yếu tố ngoại lai nhằm hút du khách, làm biến chất lễ hội, khiến du khách ngán ngẩm.

Giáo sư, tiến sĩ Lê Hồng Lý - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian - nhận định: “Rất khó để trả lễ hội về đúng nguyên gốc. Thời đại nào thì văn hóa đó. Vấn đề ở đây là chúng ta giữ những nét đẹp truyền thống ấy được đến đâu, làm thế nào để phát huy được những thế mạnh, vẻ đẹp truyền thống mới, làm sao để vận dụng những cái mới cho phù hợp”.  

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ khẳng định: “Không có khái niệm “nguyên bản” trong lễ hội truyền thống. Sự phát triển và biến đổi là tất yếu. Sân khấu hóa cũng là một phương thức để phát triển lễ hội”. Theo ông, với di sản, 4 yêu cầu cơ bản là thấu hiểu, bảo tồn, phát huy, quảng bá.

Cũng theo ông, “lai căng” cũng tùy cảm nhận của từng người, với người này là “lai căng”, với người kia là “tiếp biến”. Có những thứ từng bị một số người cho là lai căng nhưng nay lại đang trở thành giá trị văn hóa của dân tộc. “Vấn đề là tạo nên giá trị cho lễ hội. Chúng ta hãy sáng tạo để phát huy, phát triển và để quảng bá” - ông nói. Theo ông, mỗi lễ hội có đặc trưng riêng nhưng trong quá trình tổ chức, nhiều nơi bê nguyên xi cách làm của những nơi khác, tạo ra tình trạng “đồng phục hóa” lễ hội.

Nhiều năm gắn bó với lễ hội truyền thống, nhiếp ảnh gia Lê Bích lưu ý, hiện có một số địa phương khai thác lễ hội để phục vụ khách du lịch mà bỏ quên chủ thể của lễ hội là cộng đồng cư dân địa phương. Du khách chỉ là khách vãng lai, đến vui cùng người bản địa. Do đó, việc quản lý, khai thác và quảng bá lễ hội phải bám sát yêu cầu này. 

Cần có cơ quan lập kế hoạch, đứng ra tập hợp, tổ chức 

Muốn tổ chức lễ hội thành công, trước tiên, phải thấu hiểu lễ hội, phải định ra được giá trị của từng lễ hội. 
Trong Đại hội Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu những giải pháp cho công tác văn hóa nói chung, có thể ứng dụng cho văn hóa lễ hội. Đó là nâng cao nhận thức và năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa;  xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới; quan tâm đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc...

Chiếu vào đó, ta thấy quan trọng nhất là sự chỉ đạo và kế hoạch của thiết chế chính trị về văn hóa, thứ hai là cần có con người thấu hiểu, thực hành và sáng tạo văn hóa.

Nhu cầu trình diễn lễ hội trong đời sống nhân dân là mênh mông. Khi lễ hội phát triển thì kinh tế du lịch cũng sẽ phát triển theo, văn hóa du lịch sẽ được nâng cao cả chất lượng và môi trường du lịch.

Chúng ta có nhân lực, có trình độ và có khát vọng vì văn hóa truyền thống, văn hóa lễ hội. Vấn đề là ai sẽ tập hợp, tổ chức họ trong một chương trình, một kế hoạch thực tiễn rộng lớn, huy động nguồn lực quốc dân để thực hiện. Đó là điều cơ bản nhất.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ

Sớm dẹp bỏ những lễ hội không cần thiết

Việt Nam được xem là quốc gia có nhiều lễ hội. Những năm qua, lễ hội có sự biến tướng. Để lễ hội thật sự thu hút người dân và du khách, cần phải lập lại trật tự, kỷ cương văn hóa mà việc đầu tiên là định danh chuẩn “lễ hội” và “những ngày hội”. Cuộc sống luôn vận động theo quy luật. Không thể nhân danh bảo tồn văn hóa mà duy trì những lễ hội phi nhân tính, xa lạ với truyền thống nhân văn của người Việt như chém lợn, đâm trâu…

Trong những ngày hội chọi trâu, cần loại bỏ phần xẻ thịt trâu sau khi chọi vì đây là một dạng biến tướng kinh doanh, nhẫn tâm với gia súc. Cứ tổ chức như đua bò (tỉnh An Giang), đua ngựa (TPHCM), đua chó, chọi gà… Trong bối cảnh đang đề cao công cuộc chống tham nhũng, cần mở rộng mô hình lễ hội Minh thề (TP Hải Phòng).

Lễ cần ra lễ, hội cần ra hội và phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của cuộc sống, trước là phục vụ người dân bản địa, sau là mời du khách trải nghiệm. Cần sớm thay đổi tư duy, định danh chuẩn và sàng lọc, dẹp bỏ những lễ hội nhố nhăng, nguy hại.

Ông Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt

Cốc Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI