Có dẹp được nạn quấy rối tình dục trên xe buýt?

01/04/2022 - 06:22

PNO - Nạn quấy rối tình dục trên xe buýt đã tồn tại trong nhiều năm qua. Thậm chí, có nữ hành khách không dám đi xe buýt vì bị vấn nạn này ám ảnh. Theo các chuyên gia, để chấm dứt vấn nạn này, cần chế tài mạnh thay vì chỉ hô hào suông.

 

Nạn quấy rối tình dục trên xe buýt dã tồn tại trong nhiều năm qua. Theo các chuyên gia, dể chấm dứt vấn nạn này, cần chế tài mạnh thay vì chỉ hô hào suông. ẢNH: SƠN VINH
Nạn quấy rối tình dục trên xe buýt đã tồn tại trong nhiều năm qua. Theo các chuyên gia, để chấm dứt vấn nạn này, cần chế tài mạnh thay vì chỉ hô hào suông - Ảnh: Sơn Vinh

Nỗi ám ảnh trên xe buýt

Ông Nguyễn Thanh - kinh doanh xe buýt lâu năm ở TPHCM - nhìn nhận, quấy rối tình dục (QRTD) trên xe buýt là một vấn nạn đã có từ lâu, thường xuất hiện trên những xe buýt có lộ trình dài, đông người, đặc biệt là có đông sinh viên. Ngay cả tài xế, chủ xe cũng gặp khó khăn trong việc ngăn chặn nạn này. 

“Thời tôi còn xe chạy tuyến 53, thỉnh thoảng, vẫn nghe sinh viên phản ánh rằng họ bị những kẻ biến thái sờ mó, quấy rối. Nhưng do các em phản ánh khi kẻ biến thái đã xuống xe rồi nên chúng tôi đành chịu. Hơn nữa, tài xế cũng rất khó phản ứng trực tiếp với kẻ QRTD vì sợ bị trả thù. Khi phát hiện hành vi QRTD, chúng tôi thường cho nhân viên soát vé đứng gần để đối tượng thấy ngại và rút lui” - ông Nguyễn Thanh nói.

Mới đây, nữ sinh viên M.P. đã chia sẻ lên mạng xã hội Facebook chuyện bị QRTD trên xe buýt. Theo đó, ngày 28/2, nữ sinh M.P. vừa lên xe buýt số 53 thì có một người đàn ông đến ngồi ghế bên cạnh. Một lúc sau, đối tượng này đặt ba-lô trên đùi để che tay rồi giở trò sờ mó. Do xe buýt khá đông người nên M.P. không dám la lên mà âm thầm chuyển sang chỗ ngồi khác. Lúc này, gã đàn ông biến thái cũng lặng lẽ rời khỏi xe buýt.

Kim Chi - sinh viên năm thứ ba đại học, quê tỉnh Quảng Ngãi - kể, hồi còn học năm thứ nhất, trong một lần đi trên xe buýt số 8 lúc gần 17g, cô bị một thanh niên ngồi cạnh sờ vào bộ phận nhạy cảm: “Lúc đầu, em nghĩ do xe buýt đông, người này vô tình đụng chạm thôi. Một lúc sau, hắn đặt tay sờ phía dưới, em mới hoảng hốt la lên. Lúc này, anh nhân viên trên xe buýt chạy đến, hỏi sự việc thì kẻ biến thái nói là mệt quá, ngủ quên nên lỡ đụng trúng. Một lát sau, gã này lặng lẽ xuống xe”.

Theo Kim Chi, nhiều ngày sau đó, cô thường thấy thanh niên này xuất hiện trên xe buýt số 8 vào giờ cao điểm. Đối tượng này cao, ốm, đeo khẩu trang và mang ba-lô nên trông khá giống sinh viên. Sau đó, Kim Chi không dám đi xe buýt nữa mà nhờ cha mẹ gửi cho mình một chiếc xe máy cũ để đến trường.

Một bài viết tố cáo nạn quấy rối tình dục trên xe buýt số 8
Một bài viết tố cáo nạn quấy rối tình dục trên xe buýt số 8

Không chỉ trên xe buýt, các trạm xe buýt cũng là địa điểm mà các đối tượng QRTD nhắm đến. Mới đây, chị B.T. đã gửi cho chúng tôi một đoạn clip ghi lại cảnh một kẻ biến thái “giở trò bệnh hoạn” ngay tại trạm xe buýt. Theo chị, người ghi lại đoạn clip này là cháu ruột của chị - một học sinh THPT. Khoảng 11g, cháu đứng đợi xe buýt trên đường Hoàng Quốc Việt, Q.7 thì có một người đàn ông tấp xe máy vào, đứng gần đó, nhìn chằm chằm vào cháu rồi thực hiện hành vi thủ dâm. Cô nữ sinh rất sợ hãi nhưng vẫn cố gắng dùng điện thoại quay lại để cảnh báo cho mọi người.

Chỉ kêu gọi nạn nhân lên tiếng là chưa đủ 

Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, thời gian gần đây, sở đã nhận được phản ánh của hành khách, cơ quan báo chí và mạng xã hội về tình trạng QRTD trên xe buýt. Trước thực trạng trên, sở đã xây dựng quy chế phối hợp với Công an TPHCM nhằm đảm bảo an ninh trật tự trên xe buýt, phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM thiết lập đường dây nóng tiếp nhận các tin báo về tội phạm hoặc hành vi QRTD trên xe buýt và ở các trạm dừng.

Nạn nhân bị quấy rối không có đủ thời gian để gọi điện đến cơ quan chức năng nên mong cầu những biện pháp nhanh chóng hơn - Ảnh: Trang Thư
Nạn nhân bị quấy rối không có đủ thời gian để gọi điện đến cơ quan chức năng nên mong cầu những biện pháp nhanh chóng hơn - Ảnh: Trang Thư

Trên mỗi xe buýt đều có gắn các camera, giúp giám sát các hành vi nguy hiểm và ngăn ngừa các hành vi phạm tội trên xe buýt. Trong trường hợp bị quấy rối, hành khách có thể phản ánh ngay với Tổng đài 1022, gọi đến số điện thoại 0981.960.202 hoặc phản ánh ngay với tài xế, nhân viên phục vụ trên xe buýt.

Ông Đặng Lê Anh - chuyên gia tâm lý trị liệu và chữa lành - cho rằng, việc khuyến khích nạn nhân của QRTD lên tiếng là điều nên làm, nhưng chỉ bấy nhiêu là chưa đủ. Theo ông, phần đông nạn nhân bị sàm sỡ, xâm hại là người yếu thế. Họ thường lặng im, cam chịu bởi lúc đó, họ đang bị tổn thương tâm lý. Tuy nhiên, cũng có nhiều nạn nhân dũng cảm lên tiếng tố cáo hành vi đồi bại của những kẻ biến thái. Nhưng khi họ lên tiếng thì có nhiều người cười cợt, chế giễu, thậm chí chất vấn khiến họ bị khủng hoảng tâm lý nghiêm trọng hơn.

“Tôi từng ngồi đọc kỹ các bình luận dưới bài viết của một nữ sinh tố cáo bị sàm sỡ trên xe buýt. Tôi thấy lạ là có quá nhiều lời bình luận cười cợt, chế giễu, thậm chí săm soi đời tư nạn nhân. Tôi không hiểu sao lại có nhiều người ngang nhiên xát muối vào tổn thương của người khác như vậy. Do đó, chúng ta cần phải có cách thay đổi nhận thức, bảo vệ nạn nhân khi họ lên tiếng” - ông Đặng Lê Anh nói.

Một cán bộ cảnh sát hình sự ở TPHCM cho rằng, rất khó để nạn nhân quay clip kẻ QRTD rồi tố cáo bởi đa phần nạn nhân là nữ. Khi bị quấy rối, họ sẽ bị hoảng loạn, lo tìm cách thoát thân. Do đó, rất ít nạn nhân quay lại clip và nếu có thì chỉ là hình ảnh đối tượng sau khi thực hiện hành vi. Trên xe buýt có lắp camera nhưng khi xe đông người, camera cũng khó bắt được hình ảnh QRTD để làm chứng cứ.

Vị này góp ý: “Nhưng không phải là không có giải pháp. Theo tôi, nạn QRTD chỉ xảy ra trên một số tuyến xe buýt nhất định, không phải đại trà. Cùng với việc công an vào cuộc, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM và các hợp tác xã xe buýt có thể cử người giám sát trên các tuyến xe buýt trọng điểm để nắm bắt các đối tượng và ghi hình lại hành vi. Chỉ cần xử lý một số đối tượng để răn đe, vấn nạn này sẽ giảm hẳn, thậm chí chấm dứt”.

Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người có hành vi sàm sỡ, QRTD có thể bị phạt tiền từ 5 - 8 triệu đồng. Mức phạt này đã cao hơn trước đây rất nhiều. Ngoài ra, người có hành vi vi phạm phải xin lỗi công khai, trừ trường hợp nạn nhân có đơn không yêu cầu. Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, người có hành vi sàm sỡ, QRTD có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác quy định tại điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

“Hành vi sàm sỡ, QRTD ở nơi công cộng nhưng không hướng đến mục đích giao cấu, quan hệ tình dục thì rất khó bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ bị xử phạt hành chính. Mức phạt tiền hiện nay còn nhẹ, hình phạt bổ sung chỉ là xin lỗi công khai nên chưa đủ tính răn đe. Theo tôi, cần điều chỉnh mức phạt theo hướng tăng nặng để có tính ngăn ngừa. Ngoài ra, quy định về truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi này cũng cần chi tiết, rõ ràng để áp dụng dễ dàng hơn” - luật sư Hùng nói. 

Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI