Chuyến xe về… hạnh phúc

01/01/2017 - 06:35

PNO - Mấy năm nay, người cha ấy biến em thành nô lệ tình dục hàng đêm, là người mà bất cứ sự chạm mặt nào cũng khiến em giật thót, ngay cả trong chiêm bao.

Đó là chiếc xe của Chi hội Khoa học tâm lý - giáo dục Nhịp Cầu Hạnh Phúc (Q.3, TP.HCM) ngày đêm len lỏi từng hang cùng ngõ hẹp tận Sóc Trăng, Cần Thơ, Bình Phước… để tiếp xúc với gia đình của những em gái bị xâm hại tình dục, đưa các em về nuôi dạy, cách ly môi trường cũ, hỗ trợ tâm lý, cho các em cơ hội học hành, lập nghiệp. Đó là chiếc xe 16 chỗ ngồi giống bao nhiêu chiếc xe khác nhưng nó chứa đầy những thước phim buồn, những câu chuyện đau thương, những nụ hoa nát cánh trong bão dữ.

Những ngày đầu đông, chúng tôi về Đăk Lăk, xe lắc lư, gầm ghè, nặng nhọc vật lộn với những con dốc, như cơn phẫn nộ trước những tội ác; đớn đau, quặn thắt trước những phận đời…

Tự viết đơn tố cáo cha ruột

Giấy học trò, hàng chữ tròn đều tăm tắp, ý tứ gãy gọn, rành mạch, nhưng không phải làm bài tập về nhà, mà Ngọc Trân (*, học lớp 5, ngụ xã Ea Kiết, H.Cư M’gar, Đăk Lăk) viết đơn nộp cho ủy ban xã vì bị xâm hại tình dục. Không có cha mẹ, người thân trợ giúp, chỉ mình Trân đối diện với nỗi sợ hãi và tự vùng vẫy khỏi nó. Mẹ em đã uống thuốc trừ sâu kết liễu cuộc đời vì cơn giận chồng cách đây ba năm, còn ba em, oái oăm thay, lại chính là đối tượng mà em tố cáo.

Mấy năm nay, người cha ấy biến em thành nô lệ tình dục hàng đêm, là người mà bất cứ sự chạm mặt nào cũng khiến em giật thót, ngay cả trong chiêm bao. Khiếp hãi cảnh bị đọa đày thể xác, em ngậm tăm, ôm nỗi đau chạy sang nương nhờ nhà cậu ở xã bên cạnh, người cha vẫn không để yên, cứ tìm kiếm, bắt ép em về “phục vụ”. Em ngập ngụa trong nỗi đau tột cùng mà không có ông bụt, cô tiên nào xé rèm cổ tích ra để đến cứu kịp.

Nhìn dáng Trân nhỏ xinh trong bộ đồng phục học sinh, thắt khăn quàng đỏ, nhẹ nhàng băng lướt qua con đường đất đỏ giữa hai rẫy cà phê xanh mướt, rồi hồn nhiên đùa giỡn với chú chó cưng nằm chờ ở nhà, không ai có thể hình dung nổi hành trình em phải một mình chống chọi với cha và tranh đấu với chính mình. “Con đã quyết định rất đúng khi đưa sự việc ra ánh sáng, con rất can đảm” - cô chuyên viên tâm lý siết tay em mà không kìm được nước mắt dù biết đó là điều tối kỵ khi tiếp xúc với đối tượng cần hỗ trợ.

Bỗng dưng mồ côi vì nghịch cảnh đẩy xô, Ngọc Trân muốn rời xa mảnh đất mà nhìn góc nào cũng có thể thấy vệt máu loang, theo tháng năm, những cơn mưa rừng ào về vẫn không gột sạch. Người cậu, người giám hộ hiện thời của em hứa sẽ đưa em về TP.HCM tham quan ngôi nhà Nhịp Cầu Hạnh Phúc sau khi được cả gia đình thống nhất ý kiến. Hy vọng sẽ được đón em và sum vầy dưới mái nhà chung, nhưng không hẹn mà gặp, những người trong đoàn đều thổn thức, nhớ em. Trước giờ về lại TP.HCM, đoàn đã quay lại gặp Trân lần nữa để được ngồi bên em nhìn rẫy cà phê ngút ngàn, được nắm bàn tay xanh gầy ấy và nói với em những câu chuyện tương lai.

Thắt lòng khi đoàn lần đầu tiên đặt chân đến miền đất Tây Nguyên này, chưa kịp ghi nhớ những địa danh ngồ ngộ, mà tên đất, tên sông đã vội bị gắn với những thảm kịch “yêu râu xanh” nơi xe đi qua: chỗ có bé gái bị cha ruột hãm hiếp đến khi bị hư thai mới được mẹ phát hiện; chỗ em bé lai Phi vất vưởng ở chợ làng, ngày ngủ - đêm thức, mải miết chạy để tránh bàn tay đen của những gã nghiện rượu…

Trong 14 buổi truyền thông giáo dục giới tính, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, phòng chống xâm hại tình dục cho hơn 3.000 học sinh cấp I, II ở tỉnh Đăk Lăk trong khuôn khổ chuyến đi này, các chuyên gia của chi hội được dịp cười lăn với câu trả lời ngây ngô, trong trẻo của các em: “Không nên cho người lạ đặt tay lên vai vì như vậy là bị… yểm bùa rồi”, “Con sẽ ứng phó lại bằng cách nói: dạ thưa chú, chú làm như vậy là không được đâu ạ!”.

Tuy nhiên, khi chạm đến những nạn nhân cụ thể, bằng xương bằng thịt thì những tràng cười kia để lại vị chát vì khoảng cách giữa an toàn và thương tổn đôi khi quá mong manh. Nhất là khi các em không được giáo dục thường xuyên và biến bài học của thầy cô thành kỹ năng của mình, đặc biệt khi “yêu râu xanh” là người sống cùng nhà, ăn cùng mâm.

Bé Kim Khanh (SN 2001, ngụ xã Dân Thắng, TP.Buôn Ma Thuột) bị cha dượng đưa vào nhà nghỉ cưỡng hiếp vào hè năm 2016 nhưng từ hai năm về trước, cha dượng đã rắp tâm cho em coi ảnh nóng, phim sex trên điện thoại. Những hành vi thô thiển, tà dâm của chồng từng bị chị Tú Uyên, mẹ của bé Kim Khanh phát hiện nhưng dễ dàng xí xóa, cho qua bằng một tờ giấy cam kết không tái diễn. Chồng chị là một công an viên, có mối quan hệ xã hội rộng nên mọi sự ồn ào đều có thể tổn hại đến thể diện của vợ chồng.

Bẵng đi thật lâu, tờ cam kết kia đã phai mực, nỗi lo chồng giở trò với con gái riêng của mình đã nhạt nhòa trong tâm trí, một trưa, mẹ con đang ngồi rửa chén, chị Uyên thắt tim khi nghe Khanh thổ lộ chuyện động trời vừa xảy ra hôm qua. “Tại sao con không kể cho mẹ ngay?”. “Con định kể từ hồi sáng nhưng thấy mẹ bận buôn bán, rồi con sợ mẹ bán xong mệt nên…” - Kim Khanh nấc nghẹn.

Thời điểm giám định vẫn còn kịp để đưa kẻ thủ ác ra trước công lý nhưng sự thành công của một người mẹ đòi được công bằng cho con lại là một nhát dao nữa băm vằm lên phần số bẽ bàng của chị Uyên. Đã một lần chị ly hôn chỉ vì người chồng cũ xâm hại chính em gái ruột của chị; đến khi phải duyên với người chồng phong độ, lịch sự, kém nhiều tuổi, chị Uyên ngỡ ông trời bù đắp cho những mất mát đã qua của đời mình. Ngờ đâu…

Trong căn phòng thuê để cắm hoa, bán bánh mì, chị Uyên đẫm nước mắt thuật lại chặng đường bi đát của mình. Chị nói: “Giờ, bốn tháng sau khi xảy ra chuyện, tôi mới dần lấy lại thăng bằng để buôn bán, lo cho ba đứa con: hai đứa con riêng và đứa con chung với chồng mới hơn hai tuổi. Lúc đầu, đủ thứ dập dồn, điều tiếng xã hội cay nghiệt, người ta nói cốt sao cho mình sống không nổi phải bỏ xứ mà đi, tôi bế tắc, cùng quẫn đã thắt cổ, lao vào xe tự tử ba lần nhưng không chết. Sống được rồi thì lại ra vô như người không hồn, chẳng nói được một câu. Tối nào tôi cũng thắp nhang cầu nguyện mẹ phù hộ cho tôi có sức khỏe, nghị lực để đứng vững”.

Tận cùng nỗi đau của chị là cảm giác ân hận đã yếu đuối, chủ quan, không bảo vệ con gái từ nguy cơ nhãn tiền. Kim Khanh ngồi phía sau nép vào vai mẹ, gương mặt thiên thần vẫn lộ rõ vẻ bàng hoàng sau một lần “lạc mẹ”. Đã bao đêm khắc khoải, chị vẫn mong gửi Khanh đến một nơi xa xôi, mới lạ, rời xa tiếng xầm xì độc địa và con lại được đến trường.

Nên khi nghe đại diện chi hội giới thiệu về việc làm của mình, chị đã dợm đứng lên theo xe xuống TP.HCM tìm hiểu về mái ấm cho con. Chợt nhìn thấy thau thịt vừa ướp để sáng hôm sau bán bánh mì, sực nghĩ những giỏ hoa đến hạn giao, rồi đứa con nhỏ không ai chăm, chị đành khất lại.

Về phố thôi, em!

Những bộn bề, những nghi ngại, thờ ơ khiến các em lỡ chuyến xe về… hạnh phúc.

“Chừng nào chị rước em?”. “Mấy giờ chị đến?”. “Em chuẩn bị sẵn hết rồi. Một giỏ đầy. Chừng nào chị rước em?”. H’Ly mượn chiếc điện thoại của người hàng xóm liên tục gọi chị Nguyễn Thị Ngân Hà (quản lý dự án của Chi hội Nhịp Cầu Hạnh Phúc) để nhắc đừng bỏ em, đừng quên em.

Như đã hẹn, chúng tôi trở lại căn nhà ọp ẹp, tối om với vách gỗ trống huênh ở xã Ea Tul, H.Cư M’Gar, chỗ ở của H’Ly. Cơn mưa cuối mùa dầm dề, đường đất trơn trượt không ngăn bước chân H’Ly xăm xăm cõng bé gái trong tấm ni lông trùm kín từ xóm bên về nhà, sẵn sàng lên đường. Hành trình tưởng diễn ra đúng như kế hoạch, chỉ còn chờ mẹ của H’Ly từ rẫy về, trông cháu giúp là đi. Nhưng không.

Sau những tràng đối thoại bằng tiếng Ê Đê của H’Ly với mẹ, vẻ mặt em từ háo hức chuyển dần sang rối rắm và thất vọng, sa sầm. Khi hướng về mẹ, ánh mắt H’Ly phảng phất vẻ sợ hãi cùng những tia nhìn oán hận khó tả. Quay sang bà Nguyễn Yên Thảo (Chi hội trưởng), H’Ly ngại ngùng hỏi: “Con không đi được không cô? Con phụ mẹ hái cà phê xong, con sẽ đi được không cô?”.

Chúng tôi hiểu từ “sẽ” ở đây đồng nghĩa với từ “không thể”. Lỡ chuyến xe cuộc đời này, ắt em phải cột chặt mình lẩn quẩn trong cái vòng hẹp ở buôn làng với vết thương lòng không thôi rỉ máu. Người mẹ Ê Đê với văn hóa mẫu hệ luôn xem người nữ là trụ cột gia đình, sẽ không dễ dàng để em đi.

Ánh mắt khó tả của H’Ly được giải mã ngay khi chúng tôi biết người mẹ Ê Đê này không phải là mẹ ruột, bà đã bỏ ra 2,8 triệu đồng mua H’Ly về để phụ việc nương rẫy khi em độ chín tuổi. Sang tay nhiều chủ, H’Ly không biết ai là ba mẹ ruột và mình là người dân tộc nào. Trong những lần đem cơm cho cha nuôi ở rẫy hoặc những lúc mẹ nuôi đi vắng, H’Ly bị cha nuôi biến thành vật thế thân của mẹ kèm theo lời dỗ ngọt lẫn hăm dọa.

Nhận thấy những thay đổi bất thường trên cơ thể em, cô giáo gặng hỏi thì tá hỏa - cái thai đã đến tháng thứ bảy. Ít hiểu biết, nhà lại cách xa bệnh viện, H’Ly sinh nở tại nhà trong cơn thập tử nhất sinh. Không ai đọc được nỗi đau của mẹ H’Ly, người vợ bị chồng phản bội. Trái lại, có người còn chia vui với bà vì được “cả trâu lẫn nghé” khi đứa bé sinh ra lại là bé gái, càng quý (!).

Vài tháng sau đó, cha nuôi của H’Ly bị bắt giam. Hiện đứa bé đã gần hai tuổi và H’Ly chỉ mới 16. Thấy nhà có đông người đến, đứa bé giương mắt nhìn khắp lượt rồi vạch vú mẹ bú nhây. Ai bế bồng, bé cũng chỉ chịu ngồi yên trong chốc lát rồi vội ào về, rúc vào lòng mẹ. Phải chăng bé biết yêu mẹ trước khi mẹ kịp biết yêu con?

H’Ly không về phố. Chiếc xe chỉ khuyết một chỗ ngồi mà buồn đến lặng. Ánh mắt H’Ly ám ảnh quá! Xe càng khuất xa, ánh mắt lại thêm gần. Chiều nay, cơn mưa rừng vẫn rầm rì những cung bậc xưa cũ, H’Ly vẫn ngồi trong góc tối căn nhà gỗ xác xơ, vạch vú cho con bú. Cuộc đời của người mẹ trẻ con rồi khuất lấp trong những tán lá rừng rợn ngợp.

Và những gì đang rình rập em, con gái của em sau cánh rừng vắng, những gì phải đối mặt ngày cha nuôi trở về? Đâu đó có tiếng sụt sùi của một cô trong đoàn và lời nguyện cầu cho H’Ly cùng những nụ hoa nhỏ chưa có duyên được gặp. Không xa từ chỗ xe lăn bánh, có những ngôi trường thấp thoáng dưới bóng cây kơ nia. Tiếng trống trường giục giã những tà áo trắng - không phải em.

Với bé Đinh Ban (7 tuổi, ngụ xã Ea H’Leo, H.Ea H’Leo), chuyến xe của Nhịp Cầu Hạnh Phúc như vá lành giấc mơ đi học của em sau biến cố kinh hoàng xảy ra vào ngày 20/10/2016. Ba mất, mẹ bị tật chân, lại vướng hai em nhỏ (một cùng cha với Ban và một do mẹ sinh với cha sau) nên Ban thường xuyên phải tự vượt suối băng rừng đến trường.

Và cũng trên đoạn đường đó, Ban bị hại bởi “ân nhân” - chú hàng xóm sẵn tiện rước con, cho Ban quá giang. Chú đưa con về nhà và chở Ban vào rẫy cà phê mặc tình xâm hại bé. Chính vợ của kẻ thủ ác đã phát giác, báo công an khi trông thấy đáy quần đầm đìa máu của Ban cùng lời kể đứt quãng tội nghiệp của con bé.

Chuyen xe ve… hanh phuc
Bé Đinh Ban suy sụp trầm trọng sau biến cố

Nhiều ngày trôi qua, bé đau đớn, đờ đẫn, xanh xao trong căn nhà nhỏ trống hoác, có chiếc cột bằng cây rừng chống đỡ ở giữa như túp lều dã chiến. Người mẹ 9X chết lặng, mắt nhìn xa xăm, vô hồn. Chị biết làm gì hơn là nấu cho con một chén canh gà để tẩm bổ, thứ xa xỉ mà chỉ những ngày giỗ tết con mới được ăn. Không thể ngờ được người dân ở đâu kéo đến đông đúc đến vậy, trong thôn bản heo hút, vắng lặng này.

Người hỏi thăm sức khỏe, người bảo bé thuật lại sự việc chỉ để thỏa trí tò mò, mặc cho mỗi lần em nhớ, mỗi lời em kể là mũi dao nạo khoét tâm hồn non dại. Chúng tôi rùng mình trước viễn cảnh ảm đạm khi Ban tiếp tục sống trong vòng xoáy dư luận. Lẽ khác, Ban và các em còn nhỏ tuổi mà phải tự quản lý bản thân, không có người lớn bảo vệ. Có những lúc cả nhà đi vắng, bé gái út mới ba tuổi bị mẹ nhốt trong nhà, khi đói, tự lấy cơm nguội ăn.

Chi hội trưởng Nguyễn Yên Thảo ôm Ban trong đôi tay mình, nhìn thẳng vào đôi mắt có đuôi dài và lông mi cong vút ấy, nói: “Con đừng lo, đừng sợ nữa! Cô sẽ giúp con, sẽ bảo vệ, chăm sóc con”. Đôi mắt ấy bỗng lóng lánh... Ngày hôm sau, Ban cùng bà ngoại và bà họ theo đoàn về TP.HCM tham quan ngôi nhà đặc biệt ấy trước khi quyết định ở lại và chuyển vào học. Những viên kẹo ngọt mà Ban mê tít nhẹ nhàng đưa cô bé từ núi rừng điệp trùng về với đô thị đông vui.

Nơi đây, vẫn sẽ có những thử thách mới mà bé phải thích nghi nhưng đã có những người bạn đồng cảnh tự chữa lành vết thương cho nhau, có tấm chắn an toàn, có tấm lòng rộng mở, có niềm tin ươm mầm từ những hạt nhỏ tưởng đã phải vứt đi rồi…

Tô Diệu Hiền (*): Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.

Theo ông Nguyễn Tiến Ngọc (Phó phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đăk Lăk), hàng năm, toàn tỉnh có trên 20 vụ xâm hại tình dục. Đó chỉ là số vụ được công an vào cuộc điều tra, còn trên thực tế, con số này lớn hơn rất nhiều. Do nếp nghĩ của người dân cho đây là vấn đề nhạy cảm, riêng tư nên e ngại, giấu kín, không trình báo khi phát giác sự việc, gây hạn chế đối với việc thực thi pháp luật.

Tỉnh có đến 47 dân tộc cùng chung sống, nhận thức của người dân còn hạn chế (nhiều trường hợp xâm hại tình dục trẻ em nhưng nghĩ đã được trẻ đồng ý là không vi phạm); địa bàn rừng núi âm u, dân cư thưa thớt dễ xảy đến những trường hợp xâm hại, thậm chí xâm hại rồi giết chết nạn nhân; công tác tuyên truyền chưa rộng khắp và thực sự hiệu quả đối với trẻ em và phụ huynh; trẻ còn thiếu các kỹ năng tự bảo vệ mình, kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục.

Một thử thách nữa đối với công tác phòng chống xâm hại tình dục trẻ em là mạng internet đã phủ kín, trải đến tận chân núi, người dân dễ dàng tiếp cận nhưng ý thức về sự an toàn khi thiết lập những mối quan hệ trên mạng thì chưa được trang bị đầy đủ, chưa nhận diện được nguy cơ và hoàn toàn rơi vào tình thế bị động khi “yêu râu xanh” giơ nanh vuốt. Đã có một số trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục khi làm quen, kết bạn qua mạng xã hội.

Thanh Thanh (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI