Chuyện về “nàng tiên cá nam phi”

19/03/2023 - 14:00

PNO - Có người phụ nữ sinh ra ở một thị trấn tại Nam Phi không giáp biển, phải đến năm 12 tuổi, cô mới lần đầu được nhìn thấy đại dương bao la. Người phụ nữ ấy đang thực hiện sứ mệnh kể những câu chuyện về đại dương và truyền cảm hứng cho những người trẻ về tình yêu với biển cả. Cô gái đó là Zandile Ndhlovu.

Zandile Ndhlovu - nữ huấn luyện viên lặn tự do da đen đầu tiên của Nam Phi - cho biết đại dương là nơi duy nhất cô cảm thấy mình thuộc về - ẢNH: POSITIVE NEWS
Zandile Ndhlovu - nữ huấn luyện viên lặn tự do da đen đầu tiên của Nam Phi - cho biết đại dương là nơi duy nhất cô cảm thấy mình thuộc về - ẢNH: POSITIVE NEWS

Ngoài điều hành The Black Mermaid, Ndhlovu còn tham gia các hoạt động bảo tồn đại dương, du lịch và làm phim.

Ndhlovu tin tưởng rằng thế hệ trẻ là những nhà hoạt động có khả năng giải quyết hiệu quả vấn đề biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường biển. Cô thường xuyên đến thăm các trường học để nói chuyện với những người trẻ về bảo tồn nguồn nước. Cô được khuyến khích bởi sự hiện diện của các nhà hoạt động châu Phi tại các hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu toàn cầu như COP26.

Bộ phim ngắn gần đây của Ndhlovu - A World Imagined, được xem như cuốn hồi ký viết về hành trình cô trở thành thợ lặn tự do - đã giành được giải thưởng Nhà làm phim triển vọng tại Liên hoan phim Banff Mountain 2021. “Tôi rất vui khi được kể thêm nhiều câu chuyện về đại dương và các cộng đồng da màu cũng như mối liên hệ của họ với đại dương” - cô nói.

Theo tờ The Guardian, đuối nước là một nguy cơ sức khỏe cộng đồng thường ít được quan tâm ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, đặc biệt trên khắp châu Phi - nơi có tỉ lệ đuối nước cao, cơ hội học bơi hạn chế và vẫn lưu truyền nhiều câu chuyện dân gian về sự nguy hiểm của những con sóng. Trên toàn thế giới, sự chênh lệch chủng tộc trong bơi lội khá phổ biến; chẳng hạn ở Mỹ, 64% trẻ em Mỹ gốc Phi không biết bơi so với 40% trẻ em da trắng.

Tháng 10/2021, Ndhlovu giành được giải thưởng Người cầm đuốc của PADI - giải thưởng công nhận những nỗ lực mang lại sự cân bằng giữa nhân loại và đại dương cho các thành viên của PADI.

Ndhlovu đã thành lập The Black Mermaid Foundation để khuyến khích nhiều người tìm đến biển ẢNH: POSITIVE NEWS
Ndhlovu đã thành lập The Black Mermaid Foundation để khuyến khích nhiều người tìm đến biển ẢNH: POSITIVE NEWS

Zandile Ndhlovu sinh ra ở Soweto, Johannesburg, Nam Phi - một khu vực cách xa bờ biển. Giống như nhiều trẻ em Nam Phi, cô lớn lên trong những câu chuyện bất tận về lý do tại sao không nên ra biển và được dạy rằng biển là “không gian của người da trắng”.

12 tuổi, lần đầu cô nhìn thấy biển. “Gia đình mẹ tôi ở Eastern Cape (Nam Phi). Cả nhà đã dành dụm tiền để chuyển đến Đông London, nơi lần đầu tôi nhìn thấy đại dương” - Zandile kể.

Năm 2016, Zandile đã thử lặn với ống thở khi đến thăm Bali (Indonesia) và bắt đầu yêu thích môn lặn biển. Đây cũng là lần đầu cô nhìn thấy khung cảnh dưới đáy đại dương. “Đó là thế giới đẹp nhất tôi từng thấy trong đời” - cô nói. Zandile cảm giác như mình đang ở nhà.

3 năm sau, bộ môn lặn tự do đã chiếm được trái tim cô. “Đó là nơi tôi tìm thấy tự do và cũng là nơi tôi thấy mình thuộc về” - cô nói.

Năm 2020, cô đủ điều kiện trở thành huấn luyện viên lặn tự do da đen đầu tiên được chứng nhận của Nam Phi thông qua Hiệp hội Huấn luyện viên lặn biển chuyên nghiệp (PADI). Đến nay, kỷ lục lặn tự do của Ndhlovu là ở độ sâu 35m.

Nỗi sợ đại dương qua nhiều thế hệ 

Khi còn nhỏ, Ndhlovu không thích ngâm mình trong nước quá đầu gối. Ndhlovu cho biết nỗi sợ đại dương trong cô đã di truyền qua nhiều thế hệ, bắt nguồn từ tác động của nạn buôn bán nô lệ.  “Đại dương được coi là một không gian đáng sợ trong các cộng đồng da màu. Thứ nhất, vì cha mẹ chúng tôi đều không biết bơi nên họ không cảm thấy thoải mái khi con mình ở trong không gian họ cho là không an toàn. Thứ hai, tác động lâu dài của việc buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương ngoài khơi bờ biển Nam Phi” - cô cho biết.

Kevin Dawson - giáo sư lịch sử tại Đại học California, Merced (Mỹ) - nói rằng việc buôn bán nô lệ quá đau thương đến mức nó gây ra loại chấn thương tâm lý mang tính thế hệ khiến việc bơi lội không được khuyến khích. Theo giáo sư, khi những người theo đạo Cơ Đốc lần đầu đến châu Phi, họ kỳ thị bơi lội do tính chất bán khỏa thân của nó. Điều này càng được củng cố khi các cường quốc thuộc địa không khuyến khích mọi hình thức giải trí vào những năm 1800.

Dù vậy, trong lịch sử, người châu Phi từng được xem là những vận động viên bơi lội và thợ lặn khỏe nhất trong giai đoạn từ năm 1400 đến 1800.

Zandile Ndhlovu đang hướng dẫn trẻ em về cách lặn với ống thở - ẢNH: JULIA EVANS
Zandile Ndhlovu đang hướng dẫn trẻ em về cách lặn với ống thở - ẢNH: JULIA EVANS

Thúc đẩy sự đa dạng và hòa nhập

Sau khi trở thành nữ huấn luyện viên lặn biển tự do da đen đầu tiên của Nam Phi, Ndhlovu nói rằng cô cảm thấy có trách nhiệm biến đại dương trở thành một nơi hòa nhập hơn.

Ndhlovu đã thành lập The Black Mermaid Foundation (quỹ Nàng tiên cá đen) năm 2020 với mục đích thu hút nhiều người da màu hơn đến với biển, cố gắng thúc đẩy sự đa dạng và hòa nhập hơn trong không gian đại dương. 

“Cái tên đó bắt nguồn từ việc tôi nhận ra rằng không có “nàng tiên cá da màu” nào yêu thích khám phá dưới nước như tôi. Vì thế, tôi muốn tạo ra một nơi để tập hợp những người có chung sở thích. Chúng tôi giúp mọi người vượt qua các rào cản, những nghi ngờ và tiến một bước dài để hoàn thành mục tiêu của họ” - cô chia sẻ. 

Ndhlovu với mái tóc thắt bím màu xanh  đặc trưng - ẢNH: JACKI BRUNIQUEL
Ndhlovu với mái tóc thắt bím màu xanh đặc trưng - ẢNH: JACKI BRUNIQUEL
 

Sự suy thoái môi trường ở đại dương là điều khiến Ndhlovu vô cùng lo lắng. Cô tin rằng việc kết nối trẻ em với thế giới dưới nước sẽ giúp nâng cao nhận thức của chúng.

Thông qua The Black Mermaid, Ndhlovu tổ chức các chương trình khám phá đại dương dành cho trẻ em da màu trên khắp đất nước, trong đó có nhiều trẻ chưa bao giờ nhìn thấy biển.

Vào những ngày cuối tuần, Ndhlovu thường đưa các nhóm trẻ em da màu đến bãi biển Cối xay gió ở Cape Town để học bơi, xem chim cánh cụt chơi đùa và khám phá khu rừng tảo bẹ - một hệ sinh thái dưới nước rộng lớn. Cô còn dạy bọn trẻ về bảo tồn, ô nhiễm biển và ven biển, cách tái chế rác thải trên biển và tổ chức ngày hội nghề nghiệp. “Tôi muốn những đứa trẻ nhận ra rằng đại dương cũng thuộc về chúng và chúng nên tìm hiểu những môn thể thao biển. Nếu trẻ em cảm thấy đại dương thuộc về chúng, chúng sẽ trở thành người bảo vệ đại dương” - cô nói.

Ndhlovu hiện đang tập trung vào vùng biển của Nam Phi. Tuy nhiên, cô vẫn hy vọng sắp tới sẽ được nhìn thấy những không gian đại dương đa dạng và rộng lớn hơn.

“Tôi thích nói về việc bảo vệ hành tinh của chúng ta. Tôi thuộc về đại dương nên tôi luôn mang trong mình hơi thở của đại dương. Chúng ta đang đối mặt với biến đổi khí hậu và đại dương của chúng ta đang thay đổi. Ở châu Phi, chúng ta sẽ cảm nhận được điều đó rõ nhất” - Ndhlovu chia sẻ.

Thụy Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI