Vùng xanh… tâm trí

Chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy: Căng thẳng gia tăng khi chúng ta đắm chìm vào mạng xã hội

26/09/2021 - 14:50

PNO - Đại dịch là một thảm họa ngoài sức tưởng tượng của con người. Trước sự tàn phá của nó, hầu hết chúng ta sẽ trải qua tình trạng căng thẳng (stress) và gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong các phương án đối phó.

Cùng trò chuyện với chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy - Giám đốc Công ty Tâm lý chuyên nghiệp WE Link, Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục TPHCM - để có thêm một vài gợi ý.

Phóng viên: Giữa những ngày dịch bệnh kéo dài thế này, chắc chắn sẽ có thêm nhiều bệnh lý về tinh thần. Theo anh, đó là những kiểu bệnh lý nào?

Chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy: Trên nền tảng của những căng thẳng về tinh thần có thể nảy sinh một số vấn đề về sức khỏe tâm thần như: cảm thấy lo lắng quá mức về tương lai hay những dự định khác cho cuộc sống; một số người có thể trở nên đau buồn và tuyệt vọng, rơi vào trầm cảm; số khác có thể gặp các chấn động mạnh và hậu quả là sau vài tháng có thể cảm nhận những cơn ác mộng về người chết hoặc đau đớn liên quan đến dịch bệnh.

Nhìn chung, đại dịch COVID-19 để lại cho loài người nguy cơ rất cao về các vấn đề sức khỏe tâm thần. 

* Làm thế nào để nhận biết những triệu chứng, dấu hiệu cảnh báo, sự ảnh hưởng của chúng?

- Không đơn giản để nêu ra những dấu hiệu nhận biết như các tiêu chí chẩn đoán, hơn nữa đó là công việc của các bác sĩ tâm thần hoặc các nhà tâm lý lâm sàng, tuy nhiên những dấu hiệu sau có thể chú ý: 

. Căng thẳng đầu óc, mất tập trung.

. Khó khăn trong giấc ngủ, gặp ác mộng.

. Ăn uống không còn thấy ngon.

. Căng cơ, tim đập nhanh.

. Bất kỳ dấu hiệu bất thường nào khác của cơ thể.

Những người gặp các dấu hiệu này có thể tìm sự trợ giúp từ các nhà chuyên môn. Hiện Hội Tâm lý Trị liệu Việt Nam (VnPA) đang có một chương trình hỗ trợ tâm lý xã hội khẩn cấp cho những ai gặp khó khăn. Hãy gọi cho chúng tôi: 1900.636.446.

* Không thể tách rời mạng xã hội nhưng cũng không thể mãi chìm đắm trong đó. Làm sao để chúng ta biết mình có quá sa đà vào mạng xã hội? 

- Một trong những lý do gây căng thẳng gia tăng là việc đắm chìm vào các thông tin trên mạng xã hội, không nhất thiết là thông tin tiêu cực. Các tin tức thường xuyên cập nhật có thể làm chúng ta cảm thấy tình hình như không thể kiểm soát được, bất chấp thực tế chúng ta có những tiến triển trong việc kiểm soát hệ quả của dịch bệnh. Các trang tin chính thống như CDC hay WHO đều khuyến cáo việc dành quá nhiều thời gian cho tin tức, nhất là từ những nguồn không chính thống, là điều không tốt. Tôi ước chừng một ngày dành hơn một giờ đồng hồ đọc tin tức hay cứ thỉnh thoảng lại đọc tin tức là nhiều rồi. 

* Một câu hỏi được rất nhiều người quan tâm trong những ngày này: “Làm thế nào để suy nghĩ tích cực và không bị nhấn chìm bởi quá nhiều tin tiêu cực về dịch bệnh?”.

- Có nhiều cách để chúng ta tách mình khỏi không gian đầy rẫy những điều tối tăm, chẳng hạn:

. Chọn một khung giờ để cập nhật tin tức mỗi ngày, quy định dưới 60 phút.

. Chọn lựa trang thông tin, ví dụ như HCDC (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM), WHO, Bộ Y tế…

. Chọn lựa và thực hành các hoạt động thư giãn mỗi ngày theo khung giờ cụ thể. Có rất nhiều hoạt động có thể thay thế như: thể dục, đọc sách, xem phim, nói chuyện với người thân/bạn bè, chơi đùa cùng con cái hoặc các thành viên khác trong gia đình, nấu ăn…

* Cảm ơn anh đã chia sẻ. 

Khánh Tâm

 

 

 

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgocnhinvi /strCate=gocnhin

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEdungquenhovi /strCate=dungquenho
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthoisuvi /strCate=thoisu