Chương trình kích hoạt não giữa cho trẻ: Kinh doanh... sự kỳ vọng?

30/11/2016 - 07:59

PNO - Chỉ cần gõ cụm từ “kích hoạt não giữa”, hàng chục trang web của rất nhiều trung tâm hiện ra với lời quảng cáo hấp dẫn: con bạn sẽ trở thành thiên tài, thần đồng sau khi được kích hoạt.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD-ĐT) khẳng định, bộ này hoàn toàn không cấp phép cho các trung tâm đào tạo chương trình kích hoạt não giữa hay có những tên gọi khác cùng nội dung. Phương pháp này cũng chưa được công nhận tại Việt Nam và có khả năng gây ra những tác động nguy hiểm đến sự phát triển của não bộ.

Ông Nguyễn Bá Minh cho rằng, đây không phải là hình thức giáo dục mà đó là hoạt động tác động sinh học, về lâu dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến não của trẻ. Mặc dù liên quan đến vấn đề giáo dục, nhưng Bộ GD-ĐT cho hay, thực chất đây là hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nên bộ không cấp phép và cũng không thể đưa ra quyết định đình chỉ. Phải chăng, đây là một lỗ hổng khiến các doanh nghiệp lợi dụng, lách luật, đưa các trung tâm ứng dụng giáo dục với các chương trình chưa được công nhận như kích hoạt não vào hoạt động?

“Chỉ cần ghi danh cho con tham gia lớp “kích hoạt não giữa”, sau hai ngày, các phụ huynh đã có thể tự hào con có năng lực “siêu phàm”, trở thành những thiên tài, thần đồng” - thông điệp mạnh mẽ này những ngày qua gây nên một “làn sóng” tranh cãi cũng… mạnh mẽ không kém. Thực hư câu chuyện này ra sao?

Thâm nhập lớp kích hoạt

Chỉ cần gõ cụm từ “kích hoạt não giữa”, hàng chục trang web của rất nhiều trung tâm hiện ra với lời quảng cáo hấp dẫn: con bạn sẽ trở thành thiên tài, thần đồng sau khi được kích hoạt.

Lần theo quảng cáo “Đánh thức bộ não thiên tài” đến địa chỉ Trung tâm huấn luyện thần đồng Trí Tuệ Việt (Q.1, TP.HCM), trong vai những phụ huynh (PH), chúng tôi được chị Dương - tư vấn viên - giới thiệu: “Sau khi được kích hoạt não giữa, trẻ sẽ đạt được những khả năng đặc biệt như: bịt mắt vẫn có thể cảm nhận được màu và con số khi sờ vào thẻ bài; có khả năng nhìn xuyên thấu một món đồ được giấu trong hộp; đọc 300 trang sách trong 10 phút…”.

Theo tư vấn viên này, chương trình kích hoạt não giữa dành cho trẻ trong độ tuổi 6 - 13, bao gồm bốn cấp độ. Với mỗi cấp độ, trẻ sẽ trải qua hai ngày kích hoạt, sau đó thêm ba - bốn tháng tập luyện. Chị Dương “thuyết minh” về quá trình “kích hoạt”: “Chỉ bằng các phương pháp đơn giản như thư giãn, nghe nhạc, chơi trò chơi vận động trí não”. Đến nay, sau hơn một năm mở lớp kích hoạt não giữa, trung tâm này đã có hơn 300 trẻ tham gia.

Chuong trinh kich hoat nao giua cho tre: Kinh doanh... su ky vong?
Trẻ được bịt mắt để “cảm nhận” màu sắc, con số

Cũng với hơn một năm hoạt động, Trung tâm MBM Việt Nam tại TP.HCM đã kích hoạt não giữa cho gần 1.000 học viên. Thực tế, tại một buổi kích hoạt của trung tâm này, chúng tôi chứng kiến, trong màn đêm đặc quánh của lớp học với tiếng nhạc được gọi là “sóng não alpha”, các em được bịt mắt trong khi tay sờ quanh chiếc hộp mà bên trong có chứa một đồ vật.

Các giáo viên nói như “tâm tình” với học sinh: “Em tưởng tượng nhé! Mình sẽ hóa thân thành con kiến bò quanh chiếc hộp này (cô giáo khác thì “em hóa thân thành một người tí hon rồi dùng chiếc khoan khoan vào chiếc hộp), tìm được một chỗ trống, con-kiến-em bò vào…”. Theo các giáo viên, bịt mắt nhằm giúp trẻ tăng cao sự tập trung, kết hợp với sóng nhạc gây kích thích não bộ, trẻ có thể cảm nhận được màu sắc, là sự “cảm nhận” chứ không phải “nhìn thấy”, nhưng đó luôn là cảm nhận chính xác!

Không chỉ ở TP.HCM, chương trình kích hoạt não giữa đã có mặt ở rất nhiều tỉnh thành trong cả nước. Tại một trung tâm ở Q.Cầu Giấy, TP.Hà Nội, chúng tôi không khỏi bất ngờ bởi số lượng tham gia lớp học lên tới khoảng 40 học viên. Trên nền nhạc sôi động, thầy giáo vừa hướng dẫn học viên xoay các ngón tay vừa giải thích: xoay ngón trỏ tăng khả năng tư duy, sáng tạo và tưởng tượng, ngón giữa tăng dẻo dai, ngón áp út tăng khả năng nghe, hiểu biết, hấp thu và khả năng nói… Rồi, thầy giáo hô to: “Ai là thiên tài?”. Ngay lập tức, các em nhỏ đồng thanh: “Tôi là thiên tài! Thiên tài”.

Tiếp đến, lớp chuyển sang nền nhạc mà trung tâm cho hay, mở đúng tần số, sẽ là chìa khóa giúp kích thích não giữa cho trẻ. Cùng với nhạc, trẻ được xem các hình ảnh con vật, màu sắc, hình khối, sau đó nhắm mắt tưởng tượng theo hướng dẫn của giáo viên: “Hãy tưởng tượng lấy ông mặt trời xuống để vào lòng bàn tay. Bây giờ, thêm năng lượng vào mặt trời làm mặt trời sáng bừng lên, di chuyển mặt trời đến cánh tay, vai, sau cổ, sau đầu”…

Với chủ đề giúp phát triển thính giác, trẻ được bịt mắt đưa quân bài lên sát tai, sau đó búng vào quân bài, từ đó đoán xem thẻ màu đen hay đỏ. Tương tự, trẻ sẽ đoán màu bằng cách ngửi hay sờ vào thẻ bài.

Một PH có con trai tham gia lớp học này hào hứng: “Con tôi nói dù bịt mắt nhưng vẫn như nhìn thấy ngay trước mặt”. Tuy nhiên, khi hỏi ngoài thẻ bài, con chị có nhìn thấy màu sắc của đồ vật khác hay không thì chị cho biết, cháu vẫn chưa đạt tới “cấp độ” đó!

Trở thành thiên tài, thần đồng - quá dễ?

Khác với thành tựu “nửa vời”, “thực thực hư hư” của các học viên mà chúng tôi tiếp xúc ngay trong các lớp kích hoạt não giữa, những đứa trẻ biểu diễn khả năng đặc biệt tại các hội thảo được các trung tâm này tổ chức mới quả là “thần đồng”, “thiên tài”!

Từ trang web của Trung tâm MBM Việt Nam tại TP.HCM, chúng tôi đăng ký tham gia một hội thảo dành cho PH và các bé tìm hiểu về chương trình này. Tiếng vỗ tay tán thưởng vang lên không ngớt dù người dẫn chương trình yêu cầu giữ im lặng để người biểu diễn tập trung “phát” “sóng não” tốt hơn.

Giữa hội trường, hai anh em Đình Long (học sinh lớp 7) và Đình Huy (lớp 3) hệt như những nhà ảo thuật điêu luyện. Âm nhạc trỗi lên theo tần số alpha (lời người dẫn chương trình), lần lượt Long, rồi Huy được bịt mắt bằng băng đen, ngồi trên ghế đối diện với khán giả, trổ tài. Để đảm bảo tính trung thực, khách quan, người dẫn chương trình - cũng chính là ba của Long, Huy - mời các bé và PH đến tham dự lên đưa cho Long, Huy những tấm giấy màu, thẻ bài, miếng nhựa.

Cả khán phòng trố mắt, ồ lên khi chẳng những liên tục trả lời chính xác màu sắc của những vật ấy, ngay cả khi không sờ tay vào vật được đặt cạnh bàn chân, sau lưng, Long và Huy cũng nói chính xác màu sắc của chúng. Thậm chí, người xem giả bộ hô lên “nói trật rồi”, Huy, Long vẫn quyết liệt đoan chắc mình đoán đúng.

Không tin tưởng những mẫu vật do ban tổ chức cung cấp và để thử tài hai “siêu nhân”, khán giả tự lấy vật dụng của mình thi nhau đưa lên, Huy rành rọt trả lời đúng các màu sắc, đọc chính xác mệnh giá, số sêri của tờ tiền, cả tin nhắn điện thoại, giải chóng vánh bài toán lớp 5. Sau phần Huy trình diễn xoay rubic sáu mặt chỉ mất khoảng 1 phút 15 giây (vẫn bịt mắt), cả hội trường òa vỡ. Họ tấm tắc khen: “Đúng là… như thần, luyện được thiên lý nhãn rồi”, “tài thật”, “quá siêu phàm”…

Theo người dẫn chương trình, Long và Huy có khả năng đặc biệt này là nhờ đã tham gia lớp kích hoạt não giữa. Dẫu chứng kiến màn biểu diễn của Long, Huy, rất nhiều nghi vấn vẫn được đặt ra: liệu có dễ dàng trở thành những "thiên tài", "thần đồng" chỉ sau khóa kích hoạt não giữa như lời quảng cáo? Trẻ có bị tổn thương não bộ? Kèm với đó là vô số tranh cãi: nếu đã được tạo hó a ban cho thị giác, trẻ cần gì bịt mắt để thấy màu, đọc số hay bước đi mà không va vào vật dụng?

Đặc biệt, với những khả năng “siêu phàm” này, liệu trẻ có ảo tưởng năng lực mà gây ra nhiều hệ lụy? Bộ Giáo dục và Đào tạo lẫn không ít các chuyên gia tâm lý, nhà giáo dục, nhà tâm thần học cũng đã chỉ ra rằng, chưa có bất kỳ công bố nào trên thế giới khẳng định tính an toàn lẫn tác dụng của phương pháp này. Đó cũng là nghi ngờ, bất an của hầu hết bậc sinh thành trước một phương pháp “lạ” đối với con trẻ.

Chị Trần Thị Tươi (Q.Bình Thạnh) phân vân: “Không lẽ đứa trẻ nào trong độ tuổi ấy được kích hoạt não giữa đều thành thần đồng, thiên tài? Kích hoạt não giữa là kích hoạt như thế nào? Có phải tiêm chích gì đó hay dùng loại “sóng lạ” chiếu vào não trẻ? Tôi nghe quảng cáo về chương trình cũng ham, muốn cho con tham gia xem sao nhưng thực sự còn lo lắng vô cùng”.

Theo phó giáo sư, tiến sĩ (PGS-TS) Trần Thị Lệ Thu, Trưởng bộ môn Tâm lý học ứng dụng Trường đại học Sư phạm Hà Nội, PH nên thận trọng khi lựa chọn các khóa học bên ngoài nhà trường cho con. Bởi, bất kể một chương trình giảng dạy, đào tạo nào cho trẻ em đều phải đáp ứng tối thiểu ba yêu cầu: thứ nhất, được các cơ quan chuyên môn (khoa học) của Nhà nước kiểm duyệt, công nhận; nếu là chương trình nước ngoài, cần có cơ sở là những nghiên cứu thực chứng trên thế giới và phải mua bản quyền khi đưa vào Việt Nam, phải thực hiện Việt hóa/ chuẩn hóa bởi các cơ quan /tổ chức chính thống; thứ hai, phải phù hợp tâm sinh lý và mức phát triển tư duy/trí tuệ của trẻ; thứ ba, phải đảm bảo không gây tổn thương (mang lại rủi ro) hay ảnh hưởng xấu tới sức khỏ e thể chất và sức khỏe tâm thần/tâm lý của trẻ.

“Nếu không đáp ứng được những yêu cầu tối thiểu trên thì tất cả các trung tâm đưa chương trình kích hoạt não giữa này vào việt Nam đã vi phạm đạo đức, vi phạm tính khoa học và thiếu nhân văn trong giáo dục trẻ”, PGS-TS Trần Thị Lệ Thu nhấn mạnh.

Cũng theo PGS-TS Lệ Thu, nhiều PH muốn con có cơ hội và điều kiện phát triển tối đa khả năng của bản thân, muốn con học tốt nên không ngần ngại cho con theo học những khóa học được quảng cáo rầm rộ, trong khi lại hoàn toàn mơ hồ về phương pháp và kết quả mang lại. Với những chương trình chưa được thẩm định, rủi ro có thể xảy ra, một số trẻ có thể rơi vào tình trạng rối nhiễu tâm lý, ảnh hưởng trực tiếp tới cảm xúc, nhận thức và hành vi của các em.

Trong khi đó, trả lời phóng viên báo Phụ Nữ TP.HCM, ông Nguyễn Minh Phương, Giám đốc điều hành MBM Việt Nam tại TP.HCM cho biết, việc kích hoạt não giữa hoàn toàn không mang lại mục đích giúp con trẻ có những khả năng đặc biệt (như bịt mắt đoán được màu, con số hay nhìn vào mà uốn cong nhẹ được một cọng thiếc hoặc có thể dùng hai tay vẽ hai hình ảnh khác nhau) mà những khả năng đặc biệt ấy chính là biểu hiện của việc đã được kích hoạt não giữa.

Thường, PH được khuyến khích không nên tham gia thực tế lớp kích hoạt này của con nhằm tránh gây xao nhãng sự tập trung khi các em đang được kích hoạt. Vậy, để “chứng minh” cho PH thấy con đã được kích hoạt ra sao, các em sẽ biểu diễn các “thành tựu” nói trên vào cuối khóa kích hoạt. Nếu không, trung tâm sẽ phải hoàn tiền.

Chuong trinh kich hoat nao giua cho tre: Kinh doanh... su ky vong?
Một trẻ đã được “kích hoạt” biểu diễn cho phụ huynh xem

Còn tác dụng, mục đích, kết quả của việc kích hoạt não giữa, thực chất là giúp trẻ nâng cao sự tập trung, phát huy trí tưởng tượng, óc sáng tạo, tự tin và có khả năng ghi nhớ tốt, qua đó nâng cao kết quả học tập và đạt nhiều thành công khác trong cuộc sống sau này. Mong con có được một năng lực không tưởng hay sở hữu tố chất nào đó vượt trội, giỏi giang hơn người luôn là kỳ vọng, mong mỏi của không ít bậc sinh thành.

Song, với một phương pháp đào tạo trẻ quá mới mẻ, chưa được bất cứ cơ quan chuyên trách nào kiểm chứng thì “việc cho con tham gia các lớp kích hoạt này giống như chúng ta đang thả đứa trẻ vào rừng và bảo chúng bước đi khi chính chúng ta cũng không biết ở đó có gì nguy hiểm đang chờ đợi”, như PGS-TS Lệ Thu khuyến cáo.

Tuyết dân - Diệu Hiền - Huyền Anh

Với những trẻ tạm gọi là “mẫu vật thí nghiệm” của kích hoạt não giữa liệu có trở thành những sản phẩm tốt hay không, nếu không thì vấn đề xảy ra ở chúng là gì? Nhiều cảnh báo rằng có thể sinh ra bất thường tâm thần kinh. Tôi chưa kết luận vội vì tôi chưa từng nghe ai vì luyện não mà phải điều trị tâm thần.

Các phương pháp thường sử dụng giúp con người giảm bớt hoạt động của não, giảm bớt sự căng thẳng như thiền, yoga thì đã rõ. Hay trong điều trị rối loạn tâm thần, bác sĩ cho bệnh nhân nghe nhạc nhẹ nhàng, êm dịu để dễ đi vào giấc ngủ.

Còn kích hoạt não với những bài tập, những bài nhạc các tần số… thì khác hoàn toàn. Phương pháp kích hoạt não chắc chắn có ảnh hưởng. Kích hoạt phù hợp thì não được phát huy, không phù hợp, sẽ sinh ra phản ứng ngược lại. Bởi, với một con người có đầy đủ các giác quan, tại sao không phát huy các giác quan đó lại bịt mắt để dự đoán, để kích hoạt? Các cơ quan trong cơ thể phải được hoạt động, cùng phát triển và phối hợp hài hòa, giờ mình cho nó hoạt động ngược lại quy luật tự nhiên.

Vả lại, tư duy là quá trình chuyển từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, tức là phải phát huy các giác quan đó để nhìn thấy, sờ thấy liên kết thành những quy luật. Phương pháp kích hoạt não e rằng tác động đến sự phát triển tự nhiên của con người.

Các nhà khoa học nên vào cuộc tìm hiểu, nghiên cứu thực nghiệm, đưa ra những kết luận thuyết phục, khách quan, toàn diện và áp dụng đối với người VN, trẻ em VN. Tránh để phụ huynh chạy theo một sự tung hô hoặc nếu các phương pháp kích hoạt não này là tích cực thì phụ huynh an tâm cho con mình rèn luyện, phát triển. Sản phẩm nào nguy hại cũng có thể thu hồi, tiêu hủy, riêng đối với sản phẩm - con người thì không thể, nên phải hết sức thận trọng.

Bác sĩ Nguyễn Văn Ca (Phó chủ nhiệm Khoa Tâm thần kinh, BV Quân y 175)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI