Chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam: Những người đã dựng lên một thế giới

20/11/2016 - 06:30

PNO - Tôi muốn trở lại lớp học bằng ký ức năm tháng còn ngồi trên ghế nhà trường để nghe các thầy cô giảng bài. Tình yêu văn học nói riêng và tình yêu cuộc sống nói chung của tôi lớn lên từ những bài giảng xa xưa ấy.

Bây giờ, người ta nói nhiều về chuyện học sinh không thích học văn. Lỗi không chỉ riêng học sinh và lỗi cũng không chỉ riêng giáo viên. Nếu hỏi tôi ai có lỗi trong chuyện này thì tôi xin trả lời là: Lỗi là chúng ta đang làm cho xã hội mất cảm hứng sống. Khi con người đánh mất cảm hứng sống thì những vẻ đẹp của đời sống trong đó có vẻ đẹp của sáng tạo nghệ thuật cứ lặng lẽ mờ dần và biến mất. Một trong những người rất quan trọng tạo lên cảm hứng sống cho một thế hệ mới là nhà trường, đặc biệt là những giáo viên dạy văn.

Nhiều lúc tôi có mong muốn dự một tiết văn của một trường phổ thông trung học thời nay để xem cảm hứng dạy môn văn của giáo viên như thế nào. Và tôi cũng muốn trở lại lớp học để được trở về bằng ký ức những năm tháng còn ngồi trên ghế nhà trường để nghe các thầy cô giáo môn văn giảng bài. Tình yêu văn học nói riêng và tình yêu cuộc sống nói chung của tôi lớn lên bởi một phần rất quan trọng từ những bài giảng xa xưa ấy.

Chuc mung ngay Nha giao Viet Nam: Nhung nguoi da dung len mot the gioi
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều mong một lần được trở lại mái trường xưa bằng kí ức

Ngày tôi còn là học sinh, một thứ mà tôi coi như báu vật đó là những cuốn sách. Ngày đó sách rất ít và những học sinh ở nông thôn vô cùng ít cơ hội được đọc sách. Tôi phải cám ơn những người Hà Nội sơ tán về làng tôi vì họ mang theo những cuốn sách. Buổi tối, khi những người sơ tán đi ngủ, tôi “ăn cắp” những cuốn sách của họ và đọc suốt đêm cho xong mới thôi. Chính vậy mà những tiết học văn ở trường đối với tôi là những khoảnh thời gian kỳ diệu. Nó thực sự đưa tôi đến một thế giới khác. Nó mở ra những ô cửa trong tâm hồn tôi. Ngày ấy, chúng tôi học như một sự tự nguyện với một hứng khởi lạ lùng. Và các thầy cô cũng giảng bài với một niềm say mê kỳ lạ cho dù đó là những năm tháng thiếu thốn và chiến tranh.

Cho đến bây giờ, trong ký ức tôi và trong suy nghĩ tôi thì thầy Hưởng và cô Thái là những người dạy văn hay nhất trên đời. Tôi không bao giờ quên được những tiết văn của hai thầy cô ấy. Mỗi người một phong cách dạy nhưng cả hai cùng một niềm say đắm. Khi thầy Hưởng hay cô Thái bước lên bục giảng và bắt đầu cất lời, tôi thấy mọi điều quanh tôi mang một màu sắc khác, một âm thanh khác. Tất cả thật lớn lao và quyến rũ. Cho đến bây giờ, tuy đã gần 60 mươi tuổi, nhưng lòng tôi vẫn rung động khi nhớ về những giờ học đó.

Chuc mung ngay Nha giao Viet Nam: Nhung nguoi da dung len mot the gioi
Ảnh minh họa

Tôi có một người anh con bác bên ngoại là giáo viên dạy Sử. Anh làm hiệu trưởng trường cao đẳng sư phạm Đồng Nai trước khi nghỉ hưu. Anh tên là Ngô Đức Đàm. Tôi không phải học trò của anh. Nhưng tôi đã nghe nhiều lần anh nói về lịch sử. Tôi đã viết một bài báo về anh và nói rằng: anh không có kiến thức sâu rộng về lịch sử như các giáo sư Sử học tên tuổi nhưng tôi chưa nghe ai nói về lịch sử lại quyến rũ như vậy. Những ngày nghỉ hè trước kia, buổi tối tôi thường vào nhà bà ngoại tôi. Chúng tôi ngồi trên hiên nhà hóng gió và nghe anh Đàm nói chuyện. Tất cả những câu chuyện anh nói hầu hết là lịch sử. Nhưng không bao giờ tôi muốn đi ngủ trong những đêm như thế. Sau này, tôi cứ tự hỏi tại sao những thầy Hưởng, cô Thái, anh Đàm của tôi lại luôn luôn dựng lên một thế giới kỳ diệu trong những câu chuyện hay bài giảng của mình như thế. Và vì vậy mà tôi biết rằng các thầy cô như họ có một sứ mệnh quan trọng như thế nào trong việc tạo dựng cảm hứng và trí tưởng tượng của những đứa trẻ như tôi thuở ấy về thế giới này. Tất cả những gì họ cất lời không bao giờ phai nhạt trong tâm hồn và ký ức tôi. Và họ chính là những người dẫn đường đầu tiên cho tôi đến với thế giới của trí tưởng tượng và lòng đắm mê đời sống này.

Năm 2003, tôi đã dự một số tiết học của các học sinh tiểu học ở trường Dedham ở Boston, Hoa Kỳ. Và tôi thật ngạc nhiên và xúc động khi thấy quanh lớp học có treo rất nhiều những cuốn vở. Ngoài bìa những cuốn vở đó đều ghi tên học sinh và dòng chữ My poetry book (vở làm thơ của tôi). Đấy là nước Mỹ ở thế kỷ 21 và là một đất nước hiện đại bậc nhất thế giới. Nhưng văn học nói riêng và nghệ thuật nói chung đối với những người có trách nhiệm dạy dỗ và đào tạo các công dân tương lai của họ là một môn học quan trọng để làm người. Và trong lớp học đó, tôi đã nghe một giáo viên giảng một tiết văn. Giáo viên đó nói ngôn ngữ khác, giảng về một nội dung khác nhưng niềm cảm hứng và vẻ đẹp ngôn từ cũng giống như những gì thầy Hưởng, cô Thái và anh Đàm đã dạy và nói cho tôi nghe. Anh Đàm của tôi đã mất mấy năm nay, thầy Hưởng và cô Thái của tôi đã nghỉ hưu. Nhưng thế giới mà họ mang lại cho tôi vẫn lộng lẫy như chưa bao giờ biến mất.

Nguyễn Quang Thiều

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI