Chủ tịch tỉnh yêu cầu thanh tra, giám đốc sở xin trả lại máy xét nghiệm

29/04/2020 - 20:43

PNO - Ông Nguyễn Văn Hai – Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam đã bật khóc trong cuộc họp báo vì bản thân chịu quá nhiều áp lực trước dư luận cũng như trách nhiệm trong mùa dịch. Ông Hai cũng xin ý kiến, nếu được, thì xin phép trả lại máy Realtime PCR cho phía công ty.

Tiến hành mọi thủ tục theo đúng quy định

Ngày 29/4, UBND tỉnh Quảng Nam tiến hành buổi họp báo để thông tin những vấn đề liên quan đến việc mua hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR với giá 7,23 tỷ đồng đang gây xôn xao dư luận vừa qua.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu thanh tra vào cuộc, sớm làm rõ mọi việc
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu thanh tra vào cuộc, sớm làm rõ mọi việc

Phát biểu tại buổi họp, ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, kể từ ngày Việt Nam phát hiện ca thứ 17 (6/3), cả nước bước vào giai đoạn 2, cũng là sự thách thức cho tỉnh Quảng Nam vì có lượng khách du lịch lớn. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, số lượng mẫu xét nghiệm cần phải triển khai trong mỗi ngày lớn nên việc phải mua máy xét nghiệm là cần thiết. Trong bối cảnh đó, Sở Y tế phối hợp với Sở Tài chính để tham mưu, báo giá rồi trình để UBND tỉnh xét duyệt kinh phí.

“Khi Sở Tài chính kiểm tra, thẩm định và tham mưu tỉnh ban hành quyết định phân bổ kinh phí, trong tờ trình của sở tài chính có ghi rõ loại máy, số kinh phí… đúng theo thẩm quyền. Sau khi UBND tỉnh bố trí kinh phí thì Sở Y tế mới tiến hành đàm phán với đơn vị cung cấp máy”, ông Thanh cho biết.

Báo cáo tại buổi họp, ông Nguyễn Văn Hai – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam nói, việc mua hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR hoàn toàn đúng theo quy định, không có gì khuất tất. “Tất cả mọi thủ tục đều được tiến hành đúng quy định, căn cứ vào luật đấu thầu, Thông tư 11 về chỉ định thầu, Thông tư 58 của Bộ Tài chính về sử dụng vốn nhà nước, thực hiện quy định của tỉnh về đấu thầu sử dụng nguồn vốn ngân sách để mua sắm… Chúng tôi và Sở Tài chính đã làm đủ thủ tục, công khai đăng tải việc đấu thầu lên cổng quốc gia. Vì thế, không có gì khuất tất ở đây”, ông Hai nói.

Theo ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam, mọi thủ tục đều được tiến hành theo quy định, không có gì khuất tất
Ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam cho rằng, mọi thủ tục đều được tiến hành theo quy định, không có gì khuất tất

Về việc sử dụng chỉ định thầu là bởi tình hình lúc đó rất căng thẳng, cần phải nhanh chóng có được hệ thống xét nghiệm để kịp thời khoanh vùng, cách ly các trường hợp nguy hiểm. “Năng lực chẩn đoán về COVID-19 hạn chế, chưa nói là chúng ta chưa có năng lực, phải nhờ Đà Nẵng và Nha Trang xét nghiệm, mất nhiều ngày để có kết quả, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch, cách ly F1, F2…

Từ ngày 8/3 đến 15/3, phát hiện nhiều ca trên địa bàn tỉnh nên số mẫu xét nghiệm phải gửi vào ở Pasteur Nha Trang càng nhiều. Vì vậy, tình hình rất cấp thiết nên phải chọn hình thức chỉ định thầu để rút ngắn thời gian, kịp thời phục vụ cho việc chống dịch”, ông Hai lý giải.

Đã tham khảo giá ở nhiều đơn vị khác nhau

Ngay từ ban đầu, Ban chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh xác định, kỹ thuật được chọn phải là PCR, đòi hỏi máy phải hiện đại, đồng bộ, chính xác, để sử dụng lâu dài, bảo đảm công suất xét nghiệm (có máy một lần 10 mẫu, có máy 1 lần 96 mẫu). Như máy Realtime PCR ở Quảng Nam có thể 1 lần làm 96 mẫu 1 lúc. Ngày 13/3, sau khi hoàn thành mọi thủ tục, Sở Y tế có tờ trình lên UBND tỉnh xin xét duyệt kinh phí; ngày 16/3, tỉnh có quyết định cho phép chủ trương đầu tư mua máy.

Theo ông Hai, Sở Y tế đã tiến hành tham khảo giá ở 3 đơn vị, trong đó có giá của công ty CP Giải pháp Việt thấp nhất là 7,56 tỷ, còn lại 2 công ty kia đều có giá trên 9 tỷ đồng. “Lúc đó, mình cũng căn cứ giá đấu thầu thành công của các đơn vị trước đó (như Quảng Ninh mua máy 8,3 tỷ, dù họ không đăng tải kết quả đấu thầu). Khi chúng tôi trình giá này thì Hà Nội đã mua trước đó nửa tháng nên thấy giá này là căn cứ được nên chúng tôi lựa chọn giá đó. Trong vòng chưa tới 20 ngày, từ lúc Ban chỉ đạo đặt ra yêu cầu mua máy cho đến ngày 1/4 thì đã triển khai máy vào hoạt động. Từ 2/4 đến 28/4, CDC QN xét nghiệm được 1.958 mẫu”, ông Hai nói thêm.

Hệ thống máy xét nghiệm ở Quảng Nam gồm: máy tách chiết DNA/RNA và máy chia mẫu tự động công suất 96 mẫu cùng lúc; máy Realtime PCR công suất 72 mẫu/lần chạy sử dụng hóa chất mở và các thiết bị phụ trợ. Các thiết bị đồng bộ cùng một hãng sản xuất, đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật hiện đại, khép kín và tự động hoàn toàn của hãng Qiagen (Đức), xuất xứ Thụy Sỹ và Malaysia.

Ông Hai khẳng định dù biết trước sẽ có rất nhiều rủi ro nhưng vẫn phải làm. “Tôi hiểu hơn ai hết tôi là người chịu trách nhiệm, không đổ được cho ai. Nếu có gì thì tôi chịu hết, đặc biệt cái nhạy cảm của chỉ định thầu, cho dù cán bộ tôi làm sai tôi cũng chịu trách nhiệm”, ông Hai nói, rồi bật khóc.

Theo lý giải của Sở Y tế, việc sử dụng chỉ định thầu là do tình thế cấp bách trong chống dịch COVID-19
Theo lý giải của Sở Y tế, việc sử dụng chỉ định thầu là do tình thế cấp bách trong chống dịch COVID-19

Đại diện Sở Tài chính Quảng Nam cho biết, ngày 16/3 Sở nhận được tờ trình của Sở Y tế về thẩm định vốn mua hệ thống máy. Tinh thần là UBND tỉnh thống nhất mua hệ thống xét nghiệm theo hình thức chỉ định thầu. Sau khi tham khảo giá ở các nơi thì có 3 đơn  vị báo giá: công ty Tâm La báo giá hơn 9,2 tỷ đồng, công ty Y tế Việt báo giá 9,7 tỷ đồng và công ty Giải pháp Việt 7,56 tỷ đồng.

“Đây là thiết bị chuyên ngành đặc thù, không có bán đại trà nên đi khảo giá và kiểm định rất khó khăn. Tuy nhiên chúng tôi đã cố gắng hết sức vì mang tính cấp bách. Đây là gói thầu chỉ định thầu rút gọn trong tình hình khẩn cấp. Sở Tài chính cũng đã trao đổi với một đơn vị chuyên cung cấp cho các đơn vị ở Đà Nẵng, Đắk Lắk,  Bình Định… thì họ nói không báo giá được vì chưa có cấu hình như thiết bị Sở Y tế đề nghị. Sau đó Sở Tài chính thống nhất lấy giá thấp nhất mà Sở Y tế đề nghị là 7,56 tỷ để tham mưu UBND tỉnh. Ở đây, không thể nói đắt hay rẻ được mà giá cả xoay theo giá trị cung cầu. Và Sở Tài chính làm đúng theo quy trình. Dự toán còn nguyên, Sở Y tế chưa chi tiền nên chưa xảy ra thất thoát”, đại diện Sở Tài chính thông tin.

Công ty bán máy sẽ giảm tỷ suất lợi nhuận xuống 0%

Bà Lê Thị Tuyến – Giám đốc Công ty CP Giải pháp Việt cho biết, giá gói thầu máy Realtime PCR được bán cho Quảng Nam có giá 7,23 tỷ đồng là giá thiết bị trong báo giá lần đầu của Công ty nhập khẩu thiết bị. Đây là giá mà công ty được chào mua. Công ty cũng không biết được giá nhập khẩu là bao nhiêu bởi vì đó là giá đầu vào của nhà cung cấp.

“Vì không biết được giá đầu vào của nhà cung cấp nên chúng tôi không có căn cứ để xác định giá mua là cao hay thấp, và không có căn cứ thực tế thương thảo về giá với nhà cung cấp. Tại thời điểm đó, chúng tôi chỉ có thể tham khảo giá qua các kênh không chính thức để làm căn cứ thương lượng giá mua đầu vào và làm cơ sở cho giá bán đầu ra”, bà Tuyến nói.

Bà Lê Thị Tuyến, Giám đốc công ty Giải pháp Việt cho biết, sẽ giảm tỷ suất lợi nhuận của công ty trong gói thầu này xuống còn 0%
Bà Lê Thị Tuyến, Giám đốc công ty Giải pháp Việt cho biết, sẽ giảm tỷ suất lợi nhuận của công ty trong gói thầu này xuống còn 0%

Cũng theo bà Tuyến, với gói thầu này, giá đầu vào theo chào hàng lần đầu từ công ty nhập khẩu thiết bị đối với riêng hệ thống máy xét nghiệm là 5,2 tỷ đồng; chi phí hóa chất ước tính là 550 triệu đồng; chi phí kĩ sư, chuyện gia và các chi phí khác ước tính là 50 triệu đồng. Giá thực hiện hợp đồng trọn gói với Sở Y tế Quảng Nam là 7,23 tỷ đồng.

“Lợi nhuận trước thuế của chúng tôi theo hợp đồng là 1,43 tỷ đồng. Sau khi nộp thuế thì còn lại hơn 1 tỷ đồng. Nhưng qua cuộc họp này, công ty chúng tôi xin giảm tỷ suất lợi nhuận xuống còn 0% như một sự đóng góp nhỏ bé để cùng chung tay chống dịch trên địa bàn tỉnh”, bà Tuyến nói.

Kết thúc buổi họp báo, ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói: "UBND tỉnh đã có công văn 2378  giao cho thanh tra thực hiện việc thanh tra, trước mắt là thanh tra gói mua máy Realtime, sau đó là các gói khác. Giao Thanh tra tỉnh đến ngày 20/5 phải có báo cáo kết luận cho UBND tỉnh, cần có kết quả sớm để minh bạch việc này.

Trong công văn 2378 cũng đã yêu cầu rõ, trong thời gian thanh tra yêu cầu Sở Y tế chưa chuyển tiền cho công ty bán máy, thứ hai là nếu có vi phạm thì chuyển hồ sơ sang cơ quan công an. Chúng ta phải thẳng thắn, nếu công tâm thì được khen thưởng, nếu vi phạm phải xử lý nghiêm. Hôm nay chưa thể nói đúng hay sai”.

Chiều ngày 29/4, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế đã nêu quan điểm của Bộ liên quan đến việc mua sắm trang thiết bị y tế, đặc biệt là hệ thống xét nghiệm Realtime PCR trong phòng chống dịch COVID-19.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, Bộ đã có gửi các văn bản gửi các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế và các địa phương để làm rõ vấn đề này. "Đến nay, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế chưa có việc mua sắm nào liên quan đến hệ thống xét nghiệm Realtime PCR trong mùa dịch COVID-19" - Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn khẳng định.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết đã nắm được thông tin một số hệ thống trang thiết bị y tế, đặc biệt hệ thống xét nghiệm Realtime PCR trong thời gian qua có giá thành bất thường ở một số địa phương như công luận đăng tải và đang theo dõi chặt chẽ. Bộ Y tế cũng đã có công văn đề nghị Bộ Công an làm rõ vấn đề này.

"Với những vấn đề liên quan việc mua sắm một cách bất minh, quan điểm của Bộ Y tế là đề nghị xử lý nghiêm khắc, không để hình ảnh vậy ảnh hưởng công cuộc chống dịch của ngành Y tế và của người dân Việt Nam nói chung" - Thứ trưởng nêu quan điểm của Bộ Y tế.

Trước đó, Bộ Y tế đã có công văn gửi tất cả các địa phương, đơn vị, bệnh viện các ngành, bệnh viện tư nhân về việc báo cáo tổng hợp việc mua sắm máy xét nghiệm Realtime PCR trong thời gian 2 năm từ 01/3/2018 đến 29/02/2020, thời hạn gửi về Bộ là ngày 28/4/2020.

Minh Quang

 

Nguyễn Dương – Lê Đình Dũng

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(7)
  • Thuankieu 02-05-2020 21:12:11

    Phải điều tra làm rõ, nếu vi phạm đề nghị truy tố ,ko có chuyện làm sai xin lỗi là xong,dân đen mà vì phạm nhỏ là ăn cho hết.

  • bacthanh 01-05-2020 15:41:50

    sao ông giám đốc sở y tế phải khóc? nếu làm đúng thì cứ báo cáo cụ thể, nếu không đảm đương được chức vụ thì xin nghỉ cho đàng hoàng, Sao phải khóc?

  • thanhminhnguyen 30-04-2020 23:28:14

    Lại đổ thừa cho em Vid 19

  • Trương tuấn 30-04-2020 23:15:59

    Khóc khi bị thanh tra còn khi không bị thanh tra thì nỗi đau mất tiền oan thì bắt dân chịu ak !

  • Phạm Văn Hùng 30-04-2020 22:07:44

    Vì không biết được giá đầu vào của nhà cung cấp nên chúng tôi không có căn cứ để xác định giá mua là cao hay thấp, và không có căn cứ thực tế thương thảo về giá với nhà cung cấp.
    Nói ngu như chó và kẻ ngu như chó mới nghe lời phân bua này.

  • Mai Thế Tính 30-04-2020 20:54:23

    Nếu mình không ăn chia chênh lệch giá, không vu lợi cá nhân thì không phải gì phải lo. Nếu mình để người khác lợi dụng vào tình thế mà mình chưa kiểm duyệt lại thì cũng nên tự kiểm điểm với Đảng, tổ chức, bản thân để hoàn thiện tốt hơn nữa trong công việc. Còn về giá của một sản phẩm thì ở đâu cũng mong muốn vì lợi nhuận cho mình. NÊN KHÔNG LO GÌ NẾU MÀ MÌNH LÀM ĐÚNG.

  • Nguyễn Xuân Đường 30-04-2020 10:01:33

    Thật phức tạp. Theo tôi, bên cạnh có người gian dối nhưng đa phần là họ bị lừa thôi, do không hiểu về máy móc. Việc ai thổi giá chắc công an sẽ điều tra ra thôi, sớm có kết luận. Tuy nhiên, bên cạnh vấn đề giá cả thì vấn đề "lãng phí" cũng nên được đặt ra. Mua máy, mà cán bộ y tế không sử dụng hiệu quả, thậm chí kết luận sai hoặc mua máy nhưng công suất không được phát huy thì thế nào? có những tỉnh năng lực y tế hạn chế nhưng sốt sắng mua máy trong khi có tỉnh năng lực y tế tốt hơn nhiều, nguy cơ cao hơn nhiều sao không mua máy? Nên chăng phải có sự thống nhất cao không để xảy ra tình trạng mạnh ai nấy làm ( Xem xét công suất thực tế, hiệu quả thực tế với lý thuyết cũng cần đặt ra khi mua sắm)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI