Chồng mong manh lắm, vợ ơi!

10/04/2025 - 08:00

PNO - Ly hôn không phải là điều ai cũng mong muốn nhưng đôi khi đó là sự lựa chọn tốt hơn so với việc tiếp tục một cuộc hôn nhân bạo lực và đầy tổn thương.

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Tôi năm nay 39 tuổi, là nhân viên văn phòng, đã kết hôn 8 năm và có một bé gái 5 tuổi. Bản tính tôi hiền lành, ít nói. Ngày trước, vợ tôi nói thích tính tôi dịu dàng, biết lắng nghe, chia sẻ. Nhưng bây giờ, cô ấy không thích tính cách ấy nữa.

Vợ tôi trái ngược với tôi, tính nóng nảy, hay nói lớn tiếng. Biết điều này nên từ khi cưới nhau, tôi luôn nhường nhịn. Khoảng 2 năm gần đây, chuyện trở nên nghiêm trọng hơn khi vợ tôi không chỉ nói lớn tiếng mà còn đe dọa, thậm chí động chân động tay. Mỗi khi tức giận, cô ấy thường xuyên chửi bới, quăng ném đồ đạc. Nhiều lần vợ đánh vào tay, vào lưng con; thậm chí có lần tôi nói vợ đừng lớn tiếng làm con sợ, vợ đang cầm đồ chơi của con đã ném luôn vào người tôi.

Vì thương con gái, sợ con phải chứng kiến cảnh không hay, tôi thường im lặng chịu đựng hoặc ra ngoài để tránh xung đột. Song, có vẻ như vợ tôi ngày càng lấn tới, chuyện không có gì cũng lớn tiếng, nếu có nói lại trái ý cô ấy là xảy ra chuyện ồn ào nhà cửa. Tôi rất mệt mỏi, buồn phiền nhưng không biết phải làm sao. Vợ chồng tôi ở riêng, chia sẻ với người thân hay tìm đến đồng nghiệp cùng cơ quan thì ngại mọi người đàm tiếu. Bình thường cũng có người chê tôi sợ vợ, nay biết thêm chuyện nhà tôi, người ta càng cười chê chứ chắc cũng không giúp đỡ được gì.

Tôi cảm thấy rất bế tắc, không biết có nên tiếp tục chịu đựng vì con hay tìm cách giải thoát cho bản thân. Tôi mong nhận được lời khuyên để có hướng giải quyết tốt nhất cho gia đình và bản thân.

Nguyễn Văn Tri (TPHCM)

Ảnh minh họa: Internet

Anh Tri thân mến,

Rõ ràng sự nhường nhịn của anh không làm cho vợ anh bình tĩnh hơn mà dường như lại khiến cô ấy ngày càng quá đà. Bạo hành gia đình không chỉ là những tổn thương về thể xác mà còn là sự căng thẳng, dày vò về tinh thần. Điều quan trọng lúc này là anh cần nhìn nhận nghiêm túc về tình trạng của mình và tìm cách bảo vệ bản thân cũng như con gái. Tìm cách né tránh hay im lặng chịu đựng không phải là giải pháp lâu dài.

Anh cần cho vợ biết hành vi của cô ấy là không thể chấp nhận. Khi cô ấy bắt đầu có dấu hiệu mất kiểm soát (lớn tiếng, ném đồ...), anh hãy nói với vợ một cách bình tĩnh nhưng dứt khoát: “Anh sẽ không tiếp tục cuộc trò chuyện nếu em cư xử như vậy” và rời đi. Một vài lần như thế sẽ giúp cô ấy hiểu rằng anh sẽ không im lặng chịu đựng mãi. Con gái anh còn nhỏ, việc chứng kiến những cảnh căng thẳng trong gia đình có thể ảnh hưởng đến tâm lý của bé. Khi có dấu hiệu cãi vã, tốt nhất là đưa con tránh đi. Nếu vợ anh có hành vi bạo lực với con, anh cần can thiệp ngay. Không thể để con sống trong môi trường bị đe dọa hoặc dễ bị tổn thương.

Thư anh không nói rõ nguyên nhân khiến vợ anh thường xuyên căng thẳng, nóng giận. Anh nên tìm hiểu, nói chuyện với một người bạn đáng tin cậy hoặc người thân có thể hiểu và hỗ trợ anh. Nếu ngại, anh có thể tìm đến chuyên gia tâm lý. Cáu giận, dễ nổi nóng cũng có thể là dấu hiệu của một số rối loạn tâm thần như lo âu hoặc trầm cảm. Có thể vợ anh cần điều trị để cải thiện sức khỏe cũng như chất lượng sống.

Nếu mọi nỗ lực thay đổi tình hình đều không hiệu quả, anh có quyền cân nhắc việc tách ra để đảm bảo an toàn và sức khỏe tinh thần cho bản thân và con gái. Ly hôn không phải là điều ai cũng mong muốn nhưng đôi khi đó là sự lựa chọn tốt hơn so với việc tiếp tục một cuộc hôn nhân bạo lực và đầy tổn thương.

Cần nhớ, không ai có quyền làm tổn thương người khác dù là vợ hay chồng. Một gia đình hạnh phúc phải được xây dựng trên sự tôn trọng lẫn nhau chứ không phải trên sự chịu đựng của một phía. Mong anh bình tĩnh cân nhắc kỹ và hành động vì bản thân và con gái.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(4)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI