Chông chênh ngày tựu trường

06/09/2016 - 09:25

PNO - Ngày khai giảng đã đến. Nhiều gia đình kinh tế khó khăn đang tính chuyện cho con nghỉ học, trong khi chính sách miễn giảm học phí thì đang còn chờ… họp.

Ngày khai giảng đã đến, kéo theo nỗi trăn trở, lo toan hiện rõ trên nét mặt của những người dân có con đi học tại các tỉnh có biển bị ô nhiễm. Từng cuốn vở, tập viết cho đến chiếc cặp sách, bộ quần áo mới cho con trong ngày tựu trường trước đây chỉ cần ký gửi vài chục cân cá, nay mọi thứ đều phải được tính toán kỹ lưỡng. Nhiều gia đình kinh tế khó khăn đang tính chuyện cho con nghỉ học giữa chừng, trong khi chính sách miễn giảm học phí thì đang còn chờ… họp.

Năm học này, gia đình chị Trần Thị Bé ở thôn 5 xã Triệu Lăng (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) có hai con nhỏ đến trường, một cháu học lớp 3, một cháu học lớp 1. Lâu nay, các thành viên trong gia đình sống dựa vào nghề buôn bán cá ở chợ của chị Bé.

Chong chenh ngay tuu truong
Chị Trần Thị Bé xã Triệu Lăng vất vả lo lắng cho các con ngày tựu trường

Từ ngày biển ô nhiễm, không ai ăn cá, chị Bé đành nghỉ bán. Chồng thất nghiệp, năm tháng qua cả nhà chị sống nhờ vào gạo Nhà nước hỗ trợ và vay mượn tiền bạc đắp đổi qua ngày. Lo tiền ăn từng bữa đã khó, nay thêm việc chuẩn bị áo quần, sách vở, dụng cụ học tập, rồi các khoản đóng nộp đầu năm học mới của hai con, chị Bé không biết xoay xở nơi nào.

Chị nói: “Hôm trước có nghe Nhà nước nói hỗ trợ miễn học phí, cũng vui. Mọi năm chỉ cần quơ nhanh vài cân cá, cân mực ra chợ là có thể mua được bộ áo quần mới, năm ni chồng đau liên miên, lại không đi biển được nên thua. Con không có áo mới đến trường, mẹ ứa nước mắt chạnh lòng. Tội con, nhưng đành để cháu mặc áo cũ đi khai giảng đã”.

Không riêng gia đình chị Bé, năm học mới 2016-2017 khiến hàng chục hộ gia đình vùng biển này lo lắng, vì bấy lâu tất cả cuộc sống của họ đều dựa vào biển. “Con xin ba mẹ, đừng bắt con nghỉ học. Con muốn đi học, con muốn đi học…” - cô bé Bùi Thị Khuyên vừa nói vừa lau nước mắt.

Khuyên là con gái thứ ba trong gia đình có bốn người con của vợ chồng anh Bùi Đình Đăng và chị Hồ Thị Tươi (trú thôn 4, xã Gio Hải, Gio Linh, Quảng Trị). Cách đây hơn 10 ngày, Khuyên hớn hở khoe mình thi đậu Đại học Khoa học Huế.

 Nhưng mấy hôm nay em khóc suốt vì nguy cơ bỏ học. “Nhà có bốn đứa con, hai đứa đang là sinh viên, bé Khuyên mới đỗ đại học, thằng út năm nay vào lớp 6. Những năm trước, đi biển ngày kiếm vài trăm ngàn còn gắng gượng lo cho con ăn học. Nay nếu cho Khuyên đi học, tôi sợ nuôi không nổi, rồi ra trường biết có xin được việc hay không”, anh Đăng thở dài.

Sau thảm họa cá chết, ngư dân tại nhiều vùng của tỉnh Thừa Thiên - Huế rơi vào tình cảnh khốn khó. Vợ chồng ông Lê Tân ở xã Hải Dương, thị xã Hương Trà năm nay có hai cậu con trai đang học lớp 1 và lớp 5.

Chong chenh ngay tuu truong
Hai con ông Lê Tân xã Hải Dương chuẩn bị năm học mới

Vợ chồng ông quyết đi biển trở lại để đánh bắt cá, nhưng càng ra khơi càng lỗ vốn, cuối cùng cũng phải neo thuyền gần nửa tháng qua. “Chưa biết năm nay đóng bao nhiêu học phí và các khoản phục vụ ở trường, chứ riêng sắm sửa cho con đã hết tiền triệu rồi. Đầu năm chưa nghe trường đả độ ng gì đến chuyện đóng góp. Nhưng với tình trạng đánh bắt cá khó khăn như ri, không biết mấy đứa con tui liệu có tiếp tục theo học hết cấp không”.

Về đề án miễn giảm học phí cho con em ngư dân vùng biển, trao đổi với phóng viên, TS Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở GT-ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: “Nghị quyết về học phí, trong đó có phần miễn giảm học phí cho con ngư dân đã được thông qua tại cuộc họp HĐND tỉnh. Tuy nhiên vấn đề này phải liên ngành cùng bàn, chứ riêng ngành giáo dục không thể quyết định được. Sắp tới chúng tôi sẽ đề nghị các trường đại học, cao đẳng xem xét miễn giảm học phí cho đối tượng này”.

Trong lúc đó, Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị cũng vừa đề nghị Nhà Hai con ông Lê Tân xã Hải Dương chuẩn bị năm học mới xuất bản Giáo dục hỗ trợ 400 bộ sách từ lớp 1 đến lớp 12 tặng học sinh vùng biển khó khăn.

 Về chính sách không thu học phí năm học 2016-2017 đối với học sinh vùng biển bị ảnh hưởng, vẫn phải chờ cấp có thẩm quyền quyết định. Theo ông Mai Thức, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, vấn đề này đã được đặt ra và có nhiều ý kiến khác nhau nên tỉnh Quảng Trị chưa có quyết định cụ thể.

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI