Chới với vì ngân hàng duyệt vay mua nhà nhưng không giải ngân

09/09/2022 - 09:41

PNO - Được ngân hàng ký hợp đồng, duyệt vay, nhiều người quyết định mua căn hộ nhưng khi đến hạn thanh toán, phía ngân hàng lại không thể giải ngân

Quá hạn nhận căn hộ, vẫn phải ở nhà thuê

Sáng 8/9, hơn 50 người đại diện cho hàng trăm khách hàng đang sở hữu căn hộ trong dự án G. P. Thủ Đức (Q.9 cũ, TPHCM) tìm đến sàn giao dịch bất động sản của đơn vị này phản ánh việc ngân hàng không thể giải ngân khoản vay do hết hạn mức tín dụng (room), dẫn đến việc chủ đầu tư không bàn giao nhà cho họ. 

Hơn 50 người mua căn hộ đã làm việc, phản ánh bức xúc với đại diện chủ đầu tư dự án The Origami Vinhomes Grand Park ngày 8/9 - ẢNH: T.H
Hơn 50 người mua căn hộ đã làm việc, phản ánh bức xúc với đại diện chủ đầu tư dự án G. P. ngày 8/9 - Ảnh: T.H

Ông N.Đ.H. (tỉnh Bình Dương) cho biết năm 2020, ông mua căn hộ trong dự án trên với giá 4,1 tỷ đồng. Theo hợp đồng mua bán, ông sẽ được Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Quân Đội (MBBank) hỗ trợ cho vay 80% giá căn nhà bằng cách giải ngân trực tiếp cho chủ đầu tư dự án, được ân hạn lãi suất trong 24 tháng, thời gian nhận căn hộ là đầu tháng 2/2022. Tuy nhiên, do MBBank hết hạn mức tín dụng, giải ngân khoản vay chậm hơn dự kiến nên tới đầu tháng 7/2022, ông mới nhận được nhà.

Ông H. kể: “Lúc mua nhà, tôi được biết chủ dự án sẽ hỗ trợ ân hạn lãi suất trong 24 tháng; từ lúc nhận nhà đến một năm sau, người mua nhà mới bắt đầu trả nợ gốc và lãi cho ngân hàng. Vì vậy, tôi đã chuẩn bị phương án tài chính theo kế hoạch này. Nhưng vừa dọn vào ở được hai tháng, ngân hàng đã thông báo ngày 20/9 tới đây sẽ đến hạn thanh toán gốc và lãi 30 triệu đồng/tháng của khoản nợ 3 tỷ đồng. Do nhận nhà trễ nên tôi phải ở nhà thuê năm tháng trời, tiền thuê nhà 10 triệu đồng/tháng. Ai sẽ chia sẻ những khoản thiệt hại này?”. 

Tình cảnh của hàng trăm khách hàng khác cũng tương tự ông H., tức là vừa dọn vào ở trong căn hộ mới thì phải lo trả tiền lãi và gốc cho ngân hàng. Không ít khách hàng chưa nhận được nhà nhưng vẫn phải trả nợ ngân hàng. 

Chị T.Q.T. (Q.Gò Vấp, TPHCM) cho biết, chị mua căn hộ trong chung cư T. O. với giá 3,1 tỷ đồng. Số tiền sẵn có của vợ chồng chị chỉ khoảng hơn 900 triệu đồng, phần còn lại phải vay của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và ngân hàng này đã giải ngân lần đầu 1,3 tỷ đồng qua chủ đầu tư dự án. Thời hạn bàn giao nhà là vào tháng 2/2022 nhưng đến nay, chị T. vẫn chưa nhận được nhà do Techcombank đã hết hạn mức tín dụng, không thể giải ngân khoản vay gần 1 tỷ đồng còn lại của chị. 

“Tôi chưa thấy mặt căn nhà nhưng ban quản lý tòa nhà liên tục gửi email hối thúc phải đóng phí quản lý 600.000 đồng/tháng, thuế giá trị gia tăng (VAT) 5 triệu đồng, phí bảo trì tiện ích chung của tòa nhà và dự án 55 triệu đồng, đồng thời hối thúc phải thanh toán khoản nợ còn lại để nhận nhà. Trong khi đó, tới ngày 20/9, tôi phải thanh toán khoản tiền gốc và lãi cho số nợ mà ngân hàng đã giải ngân” - chị T. nói. 

Một nữ khách hàng mang theo hợp đồng vay vốn với ngân hàng. Ảnh: T.H
Một nữ khách hàng mang theo hợp đồng vay vốn với ngân hàng. Ảnh: T.H

Tương tự, chị N.N. (H.Hóc Môn, TPHCM) mua căn hộ chung cư T. O. với giá 2,581 tỷ đồng. Chị đã hoàn thành nghĩa vụ thanh toán 25% trị giá căn hộ, thanh toán phí bảo trì, phí VAT; phần còn lại thì MBBank cho vay. Ngân hàng này đã giải ngân đợt đầu được 25% trị giá căn hộ, đến đợt giải ngân 45% còn lại để khách nhận nhà thì nhân viên ngân hàng thông báo hết hạn mức tín dụng, phải chờ. Ngày dự kiến nhận nhà là 28/2 nhưng đến nay, cả chủ đầu tư và ngân hàng đều im lặng và chị N. vẫn phải ở nhà thuê.

Chủ đầu tư cần chia sẻ rủi ro với khách hàng

Trong cuộc gặp với đại diện bộ phận chăm sóc khách hàng, bà D.H.Q. - người đại diện cho hơn 200 khách hàng đang mua căn hộ trong dự án này - nêu ba câu hỏi: Việc giao nhà trễ là lỗi của chủ đầu tư hay của ngân hàng? Tại sao chủ đầu tư tự ý quyết định kỳ hạn vay để tính lãi suất ưu đãi? Tại sao các đại lý phân phối nhà cam kết ân hạn lãi suất trong 24 tháng, khách bắt đầu đóng lãi và gốc cho ngân hàng sau một năm nhận nhà mà nay chưa được nhận nhà, đã phải đóng? “Chúng tôi mong muốn đại diện ngân hàng, chủ đầu tư cùng ngồi làm việc để làm rõ những khúc mắc của cư dân” -  bà Q. nói.

Trước câu hỏi của khách hàng, vị đại diện dự án G. P. cho biết, chỉ có thể ghi nhận các thắc mắc, kiến nghị của cư dân và hứa sẽ tổ chức buổi làm việc ba bên gồm đại diện chủ dự án, ngân hàng và cư dân để cùng giải quyết. 

Luật sư Nguyễn Duy Anh (Công ty Luật quốc tế An Phú, Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, việc hết hạn mức tín dụng thuộc nghiệp vụ của ngân hàng và các ngân hàng này chỉ làm theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Chủ đầu tư nên làm việc với ngân hàng để giải quyết, và cùng gánh vác, chia sẻ rủi ro với khách hàng. Chủ đầu tư nên mời đại diện ngân hàng gặp gỡ khách hàng để giải quyết sự việc, bởi ba bên đều có lý lẽ của mình” - luật sư Nguyễn Duy Anh đề nghị. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI