Chợ ế, tiểu thương livestream, ship tận nơi cho khách

27/05/2020 - 07:26

PNO - Kinh doanh ế ẩm, tiểu thương nhiều chợ tại TP.HCM đành phải nghĩ ra đủ cách để xoay xở, duy trì buôn bán.

Từ tiếp cận khách hàng qua mạng đến giảm giá 10-15%

Những ngôi chợ truyền thống như Bà Chiểu, Bến Thành, An Đông, Gò Vấp... một thời sầm uất, đông đúc là thế, giờ rơi vào cảnh ế ẩm, đìu hiu. Ngoại trừ những sạp hàng thực phẩm dần ổn định trở lại sau thời gian giãn cách, còn lại các ngành hàng quần áo, giày dép, túi xách, vải vóc, thủ công mỹ nghệ... gần như không có khách.

Ngành hàng túi xách có khi bốn ngày không bán được món nào
Ngành hàng túi xách có khi bốn ngày không bán được món nào

Theo tiểu thương, tình trạng này kéo dài từ nhiều tuần nay. Hầu hết tiểu thương đều than thở khi được hỏi về tình hình kinh doanh. Tuy nhiên, cũng không ít người hào hứng chia sẻ cách để họ làm mới lối buôn bán truyền thống.

Thời trang, thủ công mỹ nghệ tại chợ Bến Thành (Q.1) xưa nay chủ yếu dựa vào khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài. Theo một số tiểu thương, giờ khách vắng bóng nếu thụ động ngồi chờ thì... đóng cửa sớm. Chủ sạp Kim Ngân (chuyên doanh đồ mỹ nghệ) cho biết, chị và một số hộ đã bắt đầu chụp hình sản phẩm đăng lên Zalo, Facebook để bán hàng, giá được báo công khai. Cách bán này dần bỏ được định kiến “chợ toàn nói thách” nên nhiều sạp cũng dần có khách mua. 

Không chỉ đẩy mạnh giới thiệu hàng qua Zalo, Facebook, chị Trang - chủ sạp vải chợ Tân Định (Q.1) nhận may thêm drap giường, bao gối, mền cho khách để bán được vải, khách trả thêm tiền công. Với cách này, chị Trang bán được nhiều hàng hơn và khách cũng hài lòng vì chọn vải đẹp may drap theo ý thích thay vì mua drap may sẵn. 

Theo chị Trang, chợ vắng khách hơn trước nhưng vì có nguồn khách quen, có mẫu vải mới, chị chụp hình gửi Zalo giới thiệu cho khách. Thế là có khách đặt may liền một lúc hai bộ drap, mền giá 1,3 triệu đồng/bộ khổ 1,2-2m. Để giữ khách, chị phải đảm bảo “bao hàng” cho khách từ đường may mũi chỉ tới nguyên liệu vải, bông gòn nhồi mền, giá cạnh tranh... 

Cũng theo tiêu chí giá cạnh tranh, một số tiểu thương chợ An Đông (Q.5) đã áp dụng giảm giá cho khách từ 10-15%. Thậm chí, nếu sức mua vẫn yếu, tiểu thương chấp nhận bán hàng không lãi tới tháng 9/2020.

Nóng lòng chờ hỗ trợ giảm thuế

Tuy nhiên, không phải tiểu thương nào cũng có thể áp dụng công nghệ để bán hàng, nhất là một số chợ như chợ Bà Chiểu, nơi mà phần lớn tiểu thương đều lớn tuổi. Bà Hạnh - chủ sạp vải 1157 cho rằng, mỗi mặt hàng có đặc trưng riêng, như vải vóc có hàng trăm loại, mẫu khác nhau; khách phải xem trực tiếp mới chọn được, chụp hình giới thiệu… không ăn thua. Thay vào đó, những tiểu thương như bà Hạnh chọn cách giảm lợi nhuận, bán 1m vải chỉ kiếm được 5.000-10.000 đồng, miễn có khách mua. Chiều lòng khách hơn, mua, đổi đồ thoải mái; thậm chí giao hàng tận nơi khi khách có nhu cầu.

Mở cửa buôn bán trở lại nhưng hầu hết ngành hàng tại các chợ đều ế ẩm
Mở cửa buôn bán trở lại nhưng hầu hết ngành hàng tại các chợ đều ế ẩm

Tại chợ Căn cứ 26A (Q.Gò Vấp), một số tiểu thương chọn cách cho thuê bớt một phần mặt bằng, chia sẻ mặt bằng người bán ngày, người bán tối hoặc bán thêm mặt hàng mới... Nhiều người vừa bán quần áo, vừa dành một diện tích nhỏ cho thuê bán rau, thu 1,5-2 triệu đồng/tháng. Hay, sạp nhựa gia dụng bày bán thêm trái cây phía trước, có thêm doanh thu 500.000-700.000 đồng/ngày... Thậm chí, có sạp nghỉ bán quần áo, chuyển sang bán rau củ…

Theo ông Trần Thanh Nguyên, Phó ban quản lý chợ Bà Chiểu, nhiều tiểu thương đã điều chỉnh kinh doanh để thích nghi khi chợ vắng khách hơn trước. Bên cạnh chiều chuộng khách hơn, giao hàng tận nơi, một số sạp đã cơ cấu lại hàng hóa để đỡ chôn vốn. Như quầy hàng tôm khô, mực khô cao cấp thường bán cho khách du lịch, Việt kiều, làm quà biếu... giá trên 1 triệu đồng/kg; nay vắng đối tượng khách này, tiểu thương chuyển sang bán tôm, mực khô giá khoảng 300.000-600.000 đồng/kg cho khách dễ mua về dùng. 

Tuy nhiên, theo tiểu thương các chợ, mong muốn của họ lúc này là được hỗ trợ giảm thuế, miễn tiền hoa chi trong tháng nghỉ giãn cách... để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn.

Mới đây chợ An Đông đã áp dụng không thu giá dịch vụ sử dụng diện tích mặt bằng bán hàng trong hai tháng 4, 5/2020 để hỗ trợ tiểu thương vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19. Tuy nhiên, tiểu thương chợ Bà Chiểu và một số chợ khác cho biết họ vẫn chưa được hỗ trợ gì, vẫn phải đóng thuế, hoa chi, tiền điện... Một số ban quản lý chợ cho hay, họ đã đề xuất với quận hỗ trợ giảm, miễn thuế cho tiểu thương trong tháng 3, 4/2020 và đang chờ quận ra quyết định. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI