Chiến dịch Giờ Trái Đất 2017: Tắt đèn là bật tương lai

20/03/2017 - 12:12

PNO - Toàn TP.HCM tắt đèn một giờ, tổ chức ra quân vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, phát triển mô hình trường học sinh thái, sửa chữa thiết bị điện hư hỏng cho các hộ nghèo, kêu gọi người dân đi xe buýt và xe đạp...

Đó là những hoạt động thiết thực nhằm hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2017 diễn ra tại TP.HCM. 

Chien dich Gio Trai Dat 2017: Tat den la bat tuong lai
Đông đảo bạn trẻ tham gia chiến dịch Giờ Trái đất 2017

Tắt đèn 1 giờ, tiết kiệm 731 triệu đồng

Giờ Trái đất là sự kiện môi trường có nhiều người tham gia nhất trên thế giới. Đây là sáng kiến của Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF); khởi đầu từ Sydney (Úc) vào năm 2007, tính đến nay, đã có khoảng 7.000 thành phố thuộc 172 quốc gia và vùng lãnh thổ hưởng ứng sự kiện này. Theo thống kê của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, năm 2016, chỉ trong 1 giờ tắt đèn điện, Việt Nam đã tiết kiệm được 451.000 kWh điện, tương đương 731.544.000 đồng. 

Với mục đích nâng cao nhận thức của cộng đồng về biến đổi khí hậu và tiết kiệm năng lượng, chiến dịch Giờ Trái đất năm 2017 được TP.HCM chính thức phát động với chủ đề “Tương lai bắt đầu từ hôm nay”, trong đó điểm nhấn là sự kiện “Chung tay tắt điện toàn cầu Giờ Trái đất năm 2017”, diễn ra từ 16g30 đến 22g ngày 25/3/2017 với sự tham dự của 5.000 người tại Nhà Văn hóa Thanh Niên. Đây là năm thứ chín, Việt Nam tham gia Giờ Trái đất. 

Khác với những năm trước, số lượng tình nguyện viên năm nay được huy động nhiều hơn với khoảng 3.000 người và 200 doanh nghiệp cùng tham gia bằng những hành động thiết thực,  trực tiếp. 

Chẳng hạn, trong dự án Cộng đồng xanh, các tình nguyện viên sẽ trực tiếp đến hộ dân tuyên truyền về tiết kiệm điện và kêu gọi tắt điện ủng hộ Giờ Trái đất, hay vận động người dân tham gia các chương trình kích cầu xanh khi mua sắm; hướng dẫn bà con phân loại rác tại nguồn; vận động gần 200 cửa hàng ăn uống, dịch vụ tặng voucher giảm giá khi khách ký cam kết tắt điện tại cửa hàng.

Kêu gọi tái sử dụng nước mưa để tiết kiệm nước, giảm ngập úng; khuyến khích sử dụng xăng E5; hướng dẫn nhận biết nhãn tiết kiệm năng lượng; đặc biệt là vận động các tòa nhà lớn ở trung tâm thành phố cùng tham gia hoạt động tắt các thiết bị điện không cần thiết vào ngày 25/3. Dự án đang tiến hành lắp đặt thử nghiệm quạt làm mát từ vỏ chai (eco cooler) tại các khu dân cư còn khó khăn để giúp giảm nhiệt độ trong nhà, giảm mức tiêu thụ điện vào mùa nắng nóng.

Chien dich Gio Trai Dat 2017: Tat den la bat tuong lai
Đông đảo bạn trẻ tham gia chiến dịch Giờ Trái đất 2017

Hưởng ứng chương trình, Thành Đoàn TP.HCM cũng phát động 500 thanh niên tham gia các hoạt động xung kích tình nguyện vì an sinh xã hội, như công trình Nguồn sáng an toàn, văn minh tiết kiệm (sửa chữa, cải tạo lại hệ thống điện cho 150 hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, các nơi tập trung, các khu dân cư có nguy cơ về cháy nổ và mất an toàn điện trên địa bàn TP); công trình Chung cư  văn minh, sạch đẹp, an toàn, cải tạo hệ thống điện hành lang, bó gọn dây cáp điện, dây thông tin, thay thế đèn chiếu sáng tại bốn chung cư.

Công trình Tuyến hẻm có hệ thống điện an toàn, mỹ quan, tiết kiệm (cải tạo lại hệ thống lưới điện hạ thế, đảm bảo an toàn và mỹ quan, cải tạo, thi công lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng dân lập, làm sạch, xóa quảng cáo, tư vấn, hướng dẫn đăng ký định mức điện cho công nhân, người thuê trọ, hộ nghèo, hướng dẫn các thủ tục gắn mới đồng hồ điện tại ba tuyến hẻm, tuyên truyền vận động người dân ưu tiên sử dụng phương tiện công cộng và xe đạp khi tham gia giao thông.

Cụ thể hóa bằng hành động thiết thực

Ông Huỳnh Minh Nhựt - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM - cho biết, hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất năm nay, công ty sẽ triển khai hướng dẫn hơn 2.000 hộ gia đình khu vực quận Tân Phú thực hiện phân loại rác tại nguồn và cùng tắt điện hơn một giờ vào ngày 25/3 để góp phần tăng lượng rác tái chế, giảm lượng rác phải xử lý bằng chôn lấp, giúp giảm khí thải ô nhiễm phát sinh gây tổn hại cho môi trường.

Bên cạnh đó, ngày 18/3, công ty tổ chức lễ ra quân dự án Điểm đến xanh tại kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè với hàng trăm sinh viên nước ngoài đến từ các trường đại học có chương trình trao đổi trên địa bàn TP.HCM.

Theo ông Nhựt, mỗi ngày, TP phải tiếp nhận khoảng 7.500-8.000 tấn rác. Lượng rác này hiện cơ bản đã được thu gom và xử lý, nhưng vẫn có một khối lượng rác bị người dân thải bỏ ra ngoài môi trường. Chỉ tính riêng hệ thống kênh rạch mà công ty này phụ trách thu gom, trung bình mỗi ngày, công nhân phải vớt mười tấn rác.

Việc vớt rác trên kênh rạch đòi hỏi công sức, chi phí nhiều và trang thiết bị, vật tư chuyên dụng, do đó, chỉ cần mỗi người dân nâng cao hơn ý thức bảo vệ môi trường bằng cách không xả rác xuống kênh rạch, sẽ giúp TP tiết kiệm rất nhiều chi phí thu gom rác. 

Ông Võ Hoàng Anh - Giám đốc marketing Saigon Co.op, đơn vị tiên phong tự bỏ ra chi phí đưa túi ni lông thân thiện môi trường vào sử dụng - cho biết, bên cạnh việc tuyên truyền tại điểm bán, Saigon Co.op cũng triển khai các chương trình khuyến mãi thiết thực như phối hợp với đối tác giảm giá sản phẩm tiết kiệm năng lượng, tặng phiếu giảm giá, tặng túi “thân thiện môi trường” và đặc biệt, hàng loạt siêu thị Co.opMart, Co.opXtra sẽ vận động khách hàng đối tác cùng tham gia tắt đèn trong 60 phút. 

Theo ông Trịnh Quốc Vũ - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và tiết kiệm năng lượng (Bộ Công thương) - lượng điện tiết kiệm trong một giờ tắt đèn là chỉ số cho thấy sự hưởng ứng của toàn xã hội vào chiến dịch Giờ Trái đất. Tuy nhiên, hoạt động Giờ Trái đất không chỉ dừng lại ở một giờ tắt đèn mà cần diễn ra trong suốt cả năm. “Sau chiến dịch Giờ Trái đất, chúng tôi vẫn mong muốn người dân, doanh nghiệp đồng hành với Bộ Công thương trong việc tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường” - ông Vũ bày tỏ.

Thu Hồng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI