Châu Phi cũng là 'thiên đường' cho lao động bất hợp pháp

31/10/2019 - 07:00

PNO - Chia sẻ dưới đây của một người lao động bất hợp pháp tại Angola cho thấy, người lao động không chỉ bất chấp tính mạng để tìm kiếm cơ hội đổi đời ở những nước phát triển.

Nhiều năm ở Angola, tôi không thể nhớ nổi có bao nhiêu cái chết của người Việt. Họ chết vì bệnh tật, tai nạn lao động, nhưng nhiều hơn cả là những cái chết do bị cướp của, giết người. Nếu cộng lại có thể lớn hơn rất nhiều số nạn nhân chết trong container khi vào Anh quốc mới đây.

“Nhảy dù tới Angola”

Tôi và nhiều người nhập cảnh vào Angola hơn 10 năm trước đã ví chuyến đi của mình đến lục địa đen như vậy.

Những năm 2005-2007, phong trào xuất khẩu lao động rầm rộ ở các địa phương miền Bắc.

Ở làng khi ấy, cái nhà nào to nhất, hoành tráng nhất thường là của những hộ có người đi lao động nước ngoài. Điều này càng khiến những thằng mới lớn như tôi thêm động lực.

Tuy nhiên, với những thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, muốn đi, phải tốn chi phí khá lớn, vượt khả năng lo liệu của gia đình. Dù chi phí thực sự rất ít, nhưng các đơn vị được cấp phép xuất khẩu lao động nâng lên gấp hai, ba lần bởi phải qua quá nhiều trung gian.

Vào các nước châu Âu càng khó khăn hơn khi chi phí gần cả tỷ đồng, lại rất ít đợt tuyển dụng. Châu Phi được nhiều người như chúng tôi lúc ấy cho là rẻ nhất. Để sang các nước Congo, Mozambique, Angola... gần như chỉ mất tiền vé máy bay.

Có người anh trai đang kinh doanh vải và quần áo bên Angola nên sau khi tốt nghiệp phổ thông, tôi quyết định tìm cơ hội kiếm tiền ở đó. Angola chưa từng có chính sách nhập khẩu lao động.

Người Việt sang đó phần lớn bằng visa du lịch, hạn visa du lịch thường là một tháng, hết hạn sẽ được phép gia hạn thêm hai lần, tức là ba tháng. Chẳng ai sang đó để du lịch hết. Ngay sau khi có người quen đón ở sân bay về là bắt tay vào việc. Sang đó, có thể đi bán hàng thuê, hoặc tự mở tiệm.

Sự chuẩn bị của tôi cùng rất nhiều người khác khi đến Angola có lẽ chỉ là những mũi chích (tiêm) ngừa một số loại bệnh như sốt rét, vàng da, thương hàn, ruồi vàng. Bên đó có những đợt dịch như sốt rét, thương hàn cũng khiến lượng người chết làm thưa cả một cộng đồng rộng lớn.

Ở xứ này, có những căn bệnh kỳ quái, chẳng hạn nếu bị loại ruồi vàng (một loại ruồi có thân vàng óng) chích thì nạn nhân sẽ sốt cao, nằm ngủ li bì và có thể tử vong. Hay những thứ bệnh ma quái như dịch “ma búc” - loại bệnh dường như là sự kết hợp của sốt rét và thương hàn, rất giống dịch bệnh Ebola bùng phát khắp châu Phi…

Mất hai ngày bay từ Việt Nam, quá cảnh tại Singapore hoặc Hồng Kông rồi Nam Phi, chúng tôi mới đến được Luanda - thủ đô Angola.

Hầu hết người Việt đến đây đều chọn Luanda làm bàn đạp ở đất nước này, sau đó quen thổ địa, biết ngôn ngữ, họ sẽ đi khắp nơi miễn là có thể kiếm được tiền.

Nơi thân thuộc duy nhất với tôi khi đặt chân đến đất nước này khi đó có lẽ là con đường đẹp nhất thủ đô, được đặt tên Hồ Chí Minh và được coi là công trình để họ ca ngợi tình bạn giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với cựu lãnh tụ Leto của họ.

Nhập cảnh vào Angola hợp pháp nhưng phần lớn người Việt cư trú ở đây bất hợp pháp. 

Chau Phi cung la 'thien duong' cho lao dong bat hop phap
Một cơ sở làm móng của người Việt ở Angola. Ảnh: FP Cộng đồng người Việt ở Angola

Những người Việt sang đây sẽ tự đặt cho mình một cái tên theo người bản xứ để dễ dàng giao tiếp. Người Angola nói tiếng Bồ Đào Nha nên chúng tôi lựa những cái tên dễ gọi, con trai là David, Victo, còn con gái là Anna, Sophine…

Khu vực người lao động Việt Nam sang thường là những khu ổ chuột quanh chợ vải Sao Paolo, địa điểm mà phần lớn chủ sạp là người Việt, bên cạnh người Trung Quốc, Ấn Độ kinh doanh vải vóc, quần áo. Khu chợ này cũng được người Việt đặt tên là Đồng Xuân. 

Hơn 10 năm trước, khi điện thoại thông minh chưa phổ cập như bây giờ, hai thứ nghề được người Việt và người Trung Quốc “hái ra tiền” tại đất nước này chính là mở tiệm chụp ảnh kết hợp với photocopy, hoặc mở tiệm bán vải vóc, quần áo, bán hàng ăn, làm nail… Những năm gần đây, nhiều người chuyển qua làm xây dựng, garage ô tô. 

Theo lời kể của những người qua Angola lâu năm, những người đầu tiên đến đất nước này và một số nước ở châu Phi là các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, y tế, giáo dục. 

Lực lượng này hiện vẫn có khá nhiều người ở lại và rất được người dân bản địa coi trọng. Tuy nhiên, họ không phải chiếm đa số. 

Có hàng ngàn người Việt đến đây tìm kiếm cơ hội làm ăn. Vào Angola không khó, không mạo hiểm, nhưng để sinh tồn ở đất nước này mới thực sự là thử thách sinh tử.

Súng đạn và cướp bóc

Tôi nhớ rõ buổi sáng hôm ấy, hai ngày sau khi tôi đến Angola. Anh trai tôi vừa rời khỏi nhà trọ chừng vài phút đi bộ tới loja (gian hàng) trong chợ, bỗng đạp cửa vào nhà rồi chốt nhanh cửa, đầu tóc bê bết máu. 

Anh vừa bị một nhóm cướp tấn công, chúng dùng báng súng đập vào đầu khiến anh choáng váng. Chúng lục lọi khắp người và lấy đi chiếc điện thoại - thứ có giá trị nhất trên người. Anh không quá hốt hoảng và khuyên tôi nên quen dần với chuyện này, vì có thể nó sẽ đến như cơm bữa…

Tôi cũng dần quen với những tiếng nổ, là tiếng súng từ các vụ cướp, hay các băng đảng thanh toán nhau. Ở thủ đô Luanda, bình quân mỗi ngày có hơn 100 vụ bắt cóc, cướp của, giết người, hiếp dâm. 

Những người sang đây một thời gian sẽ chẳng bao giờ ra đường buổi tối mà mang theo tiền hay những tài sản có giá trị vì điều đó chẳng khác gì chuốc họa. Kinh nghiệm học được là giấu tiền hàng sau mỗi buổi chợ trong lớp vớ (tất) chân trước khi xỏ vào giày, và nếu gặp cướp thì không nên chống trả, bởi chỉ thiệt thân. 

Các nhóm cướp hầu như đều có súng, đối tượng chúng nhắm đến hầu hết là tiểu thương người Việt và Trung Quốc, bởi chúng nắm rõ ai ra khỏi chợ vào cuối ngày cũng sẽ có tiền bán hàng. 

Dù đề phòng cẩn thận, tôi cũng không ít lần đụng phải cướp. Lần đầu tiên đụng cướp là hôm gom góp được hơn 1.000 USD định bụng sẽ gửi về Việt Nam. Vậy mà khi đứng trước cửa nhà đợi người ra mở cửa, tôi bị nhóm cướp đánh phủ đầu rồi xé quần áo rách bươm và mất hết tiền.

Cướp còn đột nhập vào nhà trọ của người Việt khống chế, tra tấn, uy hiếp nạn nhân, bắt khai chỗ cất giấu tiền bạc. Chúng luôn dùng báng súng đánh vào đầu nạn nhân, hoặc áp súng vào mang tai rồi bóp cò để thị uy. 

Nhiều người tiếc tài sản, lại gặp nhóm cướp ít người nên tìm cách chống lại, nhưng phải thoát thân thật nhanh, bởi hầu hết bọn cướp đều rất nhanh và khỏe. 

Nguy hiểm là vậy nhưng đó là phần không thể thiếu với những người lao động bất hợp pháp như chúng tôi. Có báo cảnh sát cũng không mong gì đòi được công bằng, thậm chí còn bị đưa vào trại tị nạn vì nhập cảnh bất hợp pháp. 

Vậy nên, chúng tôi cứ tìm cách tránh né và trông chờ vào vận may không đụng phải cướp. Những người kiếm được nhiều tiền hơn thì có thể thuê người bản địa có súng đến bảo vệ cửa hàng.

Chúng tôi sợ cướp lẫn cảnh sát và lực lượng quản lý lao động bất hợp pháp (chúng tôi gọi lực lượng này là đề pha). 

Những năm trước, việc đối phó với cảnh sát địa phương không khó vì rất dễ làm giấy tờ giả bằng những chiếc máy photocopy màu. Nhưng loại giấy tờ này chỉ dùng để đối phó với lực lượng giống như cảnh sát khu vực. Còn đối với lực lượng đề pha thì gần như không thể. 

Vậy nên, khu chợ Sao Paolo không hiếm cảnh người Việt vừa buôn bán, vừa hò nhau chạy trốn vì thấy “đề pha” vào đến cổng chợ. 

Về mặt pháp luật, hiện vẫn chưa có bất cứ doanh nghiệp hay tổ chức nào tại Việt Nam được cấp phép đưa lao động sang Angola. Chỉ là cá nhân tự đi, những đầu mối đưa người sang để hưởng phí dịch vụ (vé máy bay, visa…).

 Nhiều năm ở Angola, tôi không thể nhớ nổi có bao nhiêu cái chết của người Việt. Họ chết vì bệnh tật, tai nạn lao động nhưng nhiều hơn cả là những cái chết do bị cướp của, giết người. 

Nếu cộng lại có thể lớn hơn rất nhiều số nạn nhân chết trong container khi vào Anh quốc mới đây. 

Mỗi khi có người chết, cộng đồng người Việt tại đây lại kêu gọi quyên góp để lo chi phí đưa thi thể về Việt Nam. Chi phí không hề rẻ nên có khi phải hỏa táng rồi gửi tro cốt về. Có người nằm lại đó vĩnh viễn. Nhiều người luôn thấy mình may mắn khi trở về Việt Nam.

Angola giờ đây không còn là nơi nhiều người Việt muốn qua. 

Hơn 10 năm trước, khi mới sang, khoảng 8.000 kwanza đổi được 100 USD, nhưng những năm gần đây, có khi chúng tôi phải bỏ ra tới hơn 300.000 kwanza để đổi được 100 USD. 

Ấy vậy mà đôi lúc, thị trường chợ đen cũng không có nổi đồng USD để đổi, vậy là nhiều người bỏ cả cửa hàng cửa hiệu, gom đủ tiền mua vé máy bay về Việt Nam. 

Nhiều người vay mượn để sang được đến Angola, giờ lại lo tìm cách kiếm tiền để trả nợ. Rất nhiều người tôi quen biết khi ở châu Phi, bẵng đi ít năm, nghe nói họ đã sang Nga, Anh, Pháp… bằng nhiều con đường khác nhau. Có người còn, người mất… 

Hoàng Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI