Chấm dứt kỷ nguyên nhạc số?

06/10/2017 - 14:08

PNO - Ngày 3/10, website nghe nhạc trực tuyến nhacso.net (nhacSo) chính thức ngừng cung cấp dịch vụ “để thay đổi mô hình hoạt động, chuẩn bị cho những hướng đi mới trong tương lai”.

Ngày 3/10, website nghe nhạc trực tuyến nhacso.net (nhacSo) chính thức ngừng cung cấp dịch vụ “để thay đổi mô hình hoạt động, chuẩn bị cho những hướng đi mới trong tương lai”. Đây không phải là tin bất ngờ đối với bạn yêu nhạc, bởi việc đóng cửa nhacSo đã được nhà mạng FPT Telecom thông báo từ cuối tháng Tám, khẳng định sẽ ngừng dịch vụ nghe nhạc trực truyến này “trong thời gian sớm nhất”.

Như vậy, sau một thập niên, website nghe nhạc online đầu tiên (và hiện là một trong ba trang nhạc số lớn nhất) của Việt Nam đã phải nói lời chia tay, để lại nhiều hụt hẫng, tiếc nuối trong lòng công chúng.

Cham dut ky nguyen nhac so?
Với hơn 50 triệu lượt view sau một tháng phát hành, MV "Em gái mưa" của Hương Tràm được xếp trên sản phẩm của nhiều đàn chị


Kỷ nguyên nhạc online tại Việt Nam bắt đầu cách đây một thập niên khi các đơn vị như VNG, Nhạc của tui, Viettel… triển khai các mô hình nghe nhạc trực truyến theo kiểu livestream, mang đến cho công chúng kho dữ liệu âm nhạc khổng lồ, được cập nhật liên tục và nhanh hơn cả các kênh tiếp cận truyền thống.

Tuy nhiên, như lý giải từ đơn vị chủ quản, người dùng mạng hôm nay đã dịch chuyển sang hình thức thưởng thức âm nhạc khác, không còn nghe nhạc theo kiểu nhacso.net cung cấp.

Cách lý giải này khó thuyết phục được cả giới công nghệ lẫn khán thính giả, bởi cho đến hôm nay, mô hình nghe nhạc trực tuyến vẫn được áp dụng trên cả những trang nhạc lớn hơn nhacSo nhiều lần cả về quy mô lẫn lượng người sử dụng.

Mô hình cho phép nghe nhạc miễn phí (và thu tiền từ nhà quảng cáo) hiện vẫn áp dụng trên nhiều mạng âm nhạc nước ngoài của Nhật, Mỹ, Hàn Quốc… Cái chết của nhacSo được công chúng giải thích theo cách khác: mạng âm nhạc này đã không cạnh tranh nổi trước những đối thủ linh hoạt hơn và giỏi kinh doanh hơn.

Trên hết, gã khổng lồ mang tên YouTube đang từng giờ từng phút nghiền nát các trang nhạc Việt.

Lùi lại thời điểm vài năm trước, một nghệ sĩ phát hành album sẽ mong mỏi sản phẩm của mình được giới thiệu trên truyền hình, đưa lên các trang mạng âm nhạc chính thức. Nhiều người sẵn sàng hợp tác với nhà mạng, thậm chí chi tiền mua lượt nghe để đẩy sản phẩm của mình lên hàng top - xuất hiện trên trang chủ của mạng âm nhạc hoặc trụ lại trên bảng xếp hạng.

Ngày ấy, việc lọt vào mắt xanh của các đơn vị như Nhaccuatui, ZingMP3, nhacSo là thành công của nghệ sĩ, dự báo khả năng được “đẩy” lên tầm vóc khác trong sự nghiệp. Rất nhiều ca sĩ trẻ đã từ bước đệm này mà chinh phục công chúng như Bảo Thy, Đông Nhi, Noo Phước Thịnh…

Quyền lực của các trang nhạc số ở thời hoàng kim ấy còn cho phép họ được yêu cầu là đơn vị phát hành độc quyền sản phẩm của nghệ sĩ để có ưu thế tốt hơn trong cuộc cạnh tranh với đối thủ.

Ngày vui ngắn chẳng tày gang. Thời kinh doanh nhạc chuông, nhạc chờ nhanh chóng trôi qua. So với việc chỉ thu được tiền bản quyền từ hợp đồng của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đối với các trang nhạc số, nghệ sĩ hôm nay được Google chia sẻ thêm nguồn tiền từ quảng cáo trên sản phẩm của mình - cái trước đây vẫn lọt vào túi chủ các trang nhạc số.

Không ngạc nhiên vì sao kênh ưu tiên phát hành sản phẩm của nghệ sĩ ngày nay là YouTube chứ không còn là nhacSo hay các trang tương tự. Đánh giá thành công của một sản phẩm, công chúng giờ đây cũng đếm lượt view, lượt like trên YouTube.

Như MV Em gái mưa của Hương Tràm, đạt 50 triệu lượt xem sau một tháng phát hành được xếp trên MV Cả một trời thương nhớ của đàn chị Hồ Ngọc Hà (12 triệu lượt xem sau hơn hai tháng xuất hiện), trên cả MV Đâu chỉ riêng em của Mỹ Tâm (35 triệu lượt xem). Tính “mở” - cho phép mọi kiểu clip, nhạc của YouTube còn hút về trang này những MV của các nghệ sĩ underground (kể cả các MV nhảm) - thứ mà các trang nhạc Việt Nam chính quy phải lọc bỏ.

Người dùng mạng hôm nay đúng là đã nghe nhạc theo một cách khác, nhưng không phải khác quá nhiều đến mức nhacSo phải bị khai tử. Cái chết của nhacso.net cũng không chấm dứt kỷ nguyên nhạc số mà chỉ là một cuộc chuyển hóa theo nhu cầu, thói quen thưởng thức của khán giả cũng như khả năng đáp ứng của nhà cung cấp dịch vụ.

Quan trọng là: trong cuộc chơi đã mang bóng dáng toàn cầu ấy, các trang mạng Việt Nam sẽ làm gì để giữ chân khán giả, cạnh tranh với những gã khổng lồ công nghệ? Nếu biết rằng trong danh sách 50 website được truy cập nhiều nhất Việt Nam, trang Nhaccuatui đang giữ vị trí thứ 19 thì cơ hội kinh doanh của ta không phải không có, chỉ là “như thế nào”. 

Tháng 6/2005, sự xuất hiện của nhacso.net được xem cột mốc đánh dấu bước tiến mới của thị trường nhạc Việt lẫn công nghệ mạng. Sau nhiều năm phải nghe nhạc bằng cách tải file về máy tính hoặc qua băng đĩa thông thường, bạn yêu nhạc đã có thể nghe trực tiếp các ca khúc mình yêu thích. Ngoài chuyện nghe nhạc, nhacso.net còn cũng cấp thông tin về album, ca sĩ, tác giả và cả các tin tức âm nhạc.

Sự xuất hiện của YouTube đã định hình lại cách thưởng thức âm nhạc của công chúng lẫn cách thức phát hành sản phẩm của nghệ sĩ. Từ Mỹ Tâm đến 365, từ Hoàng Đỉnh đến Đông Tây Promotion - nghệ sĩ, hãng đĩa, nhà sản xuất chương trình… đều lần lượt tạo kênh riêng trên YouTube để phát hành sản phẩm và thu lợi nhuận (từ nguồn quảng cáo mà YouTube nhận được).

Phạm Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI