CEO bánh mì Xin Chào và câu chuyện ‘cá hồi đẻ trứng’

02/10/2018 - 09:58

PNO - Cách đây hai năm, Bùi Thanh Tâm từng khiến bao bạn trẻ hâm mộ khi thành công mang bánh mì Việt ra thế giới. Đến nay, chàng trai trẻ lại bất ngờ đưa bánh mì về Việt Nam để thực hiện một dự án táo bạo.

Hẹn gặp Bùi Thanh Tâm vào một buổi sáng giữa tuần. Khá bất ngờ khi chàng trai đất Quảng với thân hình nhỏ nhắn, gương mặt bầu bĩnh lại là một trong những người Việt Nam thành công mang ổ bánh mì Việt đến xứ sở “mặt trời mọc”.

Thanh Tâm không ngại kể cho chúng tôi về những gì đã trải qua khi làm ra những ổ bánh mì đầu tiên tại một quốc gia vốn nổi tiếng khó tính trong ăn uống, đến những dự định nâng tầm giá trị của bánh mì Việt tại chính quê nhà qua câu chuyện về vòng đời của cá hồi.

"Sinh ra và lớn lên, cá hồi đi ra biển lớn. Đến khi sinh sản lại vượt thác quay về nơi mình sinh ra để đẻ trứng. Tôi nghĩ mình cũng giống như vậy", Tâm nói.

CEO banh mi Xin Chao va cau chuyen ‘ca hoi de trung’
Bùi Thanh Tâm, chàng trai 9X mở chuỗi bánh mì Xin Chào nổi tiếng tại Nhật Bản. Ảnh: H.P

Định vị bánh mì Việt Nam trên bản đồ thế giới

Thanh Tâm xuất thân từ một gia đình thuần nông tại Quảng Nam, 7 anh chị em và Tâm là út. Sau khi hoàn thành chương trình phổ thông năm 2011, Tâm được sự hướng dẫn của một người anh đang làm việc tại Nhật Bản để du học tự túc tại Đại học Yokkaichi.

Thời điểm “chân ướt, chân ráo” sang Nhật Bản, 9X này cũng như rất đông du học sinh Việt khác phải tự “cày” kiếm tiền trang trải cho cuộc sống, từ phục vụ đến phụ bếp. Nhờ đó, Tâm phát hiện ra khả năng nếm vị, tài nấu ăn của mình.

Vào năm 2016, sau khi kết thúc luận văn tốt nghiệp với chủ đề “Triển khai mở chuỗi cửa hàng bánh mì - sandwich Việt Nam tại Nhật”, tâm huyết của Thanh Tâm được bình chọn hay nhất khoa và được tờ báo Chunichi (Nhật Bản) nhắc đến trong một bài viết khen ngợi.

Nói về lý do vì sao chọn bánh mì để khởi nghiệp, ánh mắt của chàng trai trẻ như rực sáng lên niềm tự hào về những cống hiến dù nhỏ của mình cho văn hóa ẩm thực Việt Nam.

Thanh Tâm cho biết, cùng với phở hay bún thì bánh mì của Việt Nam không đơn thuần là một món ăn, mà nó còn là tinh hoa, văn hóa của người Việt, từ khi người Pháp mang ổ bánh mì đầu tiên sang Việt Nam vào năm 1858, đến nay từ chiếc bánh mì chỉ toàn lúa mạch của Pháp được cải tiến, thêm bột gạo, rượu,… ăn kết hợp với thịt, chả, pate, rau dưa làm nên nét độc đáo riêng.

Chiếc bánh mì ngày nay được xem là món ăn chứa đựng cả tinh hoa, sự trừu phú, phóng khoáng của người Viêt.

Với số vốn khoảng 2 tỷ đồng vay mượn từ người thân, Thanh Tâm mở tiệm bánh mì Xin chào đầu tiên tại Shinjuku - khu thương mại sầm uất bậc nhất ở Tokyo, trong không gian chỉ vỏn vẹn 22m2.

Vậy mà trung bình mỗi ngày, cửa hàng Xin chào bán ra từ 200 - 300 ổ bánh mì, giá mỗi ổ tính ra tiền Việt là khoảng 100.000 đồng. Tiệm bánh mì của Tâm còn thường xuyên được mời tới các lễ hội ở Nhật Bản trên những chiếc xe bán tải lưu động.

“Chính vì thế, tôi rất mong có thể thành công mở chuỗi nhà hàng bán bánh mì "Made in Vietnam" và nhượng quyền ra khắp thế giới. Nhưng trước tiên sẽ là một chuỗi cửa hàng bánh mì tại Việt Nam”, Thanh Tâm cho biết.

Làm ổ bánh mì Việt "tử tế" phục vụ người Việt

Thành công trong việc mang bánh mì Việt Nam ra thế giới nhưng giờ lại muốn làm điều ngược lại khiến Tâm không ngừng trăn trở.

Tâm chia sẻ, người Việt đang mất dần niềm tin về nguồn gốc và chất lượng thực phẩm. Bánh mì là một trong những món ăn được ưa thích, thế nhưng nhiều người Việt còn khá dè dặt với ổ bánh mì đang cầm trên tay với mức giá 10.000 - 15.000 đồng/ổ.

“Bánh mì được người Việt định vị quá thấp. Người ta luôn nghĩ bánh mì là món ăn đường phố, bình dân rẻ tiền, thậm chí hết tiền người ta mới tìm ăn bánh mì. Trong khi để làm ra một ổ bánh mì, giá trị nguyên liệu và công sức không hề rẻ, đắt hơn cả một tô bún bò. Tôi muốn đưa bánh mì lên vị thế mới, vào trong nhà hàng với sự phục vụ tận tâm và một nguồn gốc đạt chuẩn”, Tâm nói.

Nghĩ là làm, Tâm lên kế hoạch với quyết tâm giúp cho người Việt thưởng thức một ổ bánh mì tiêu chuẩn hơn, với nguyên liệu từ thịt, chả, rau, hành… đều kết nối với nông dân trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ (ogranic).

Bên cạnh đó, ông chủ 9X còn cam kết công khai nguồn nguyên liệu, cũng như cách trồng, cách chế biến ra ổ bánh mì phục vụ người tiêu dùng. Tâm còn đầu tư hẳn mặt bằng hơn 90m, trang bị máy lạnh, ghế ngồi để phục vụ cho khách được thưởng thức hương vị bánh mì trọn vẹn hơn.

CEO banh mi Xin Chao va cau chuyen ‘ca hoi de trung’
Bùi Thanh Tâm, CEO bánh mì Xin chào nổi tiếng tại Nhật Bản

Dự kiến, cửa hàng bánh mì đầu tiên của Tâm sẽ sớm được khai trương tại Quận 10, TP.HCM với thực đơn 7 món bánh mì giá từ 25.000 – 35.000 đồng/ổ, cùng nước ép, cà phê… phục vụ theo yêu cầu của khách. .

“Bánh mì tôi có thể không rẻ nhất, nhưng tôi không nghĩ bánh mì của tôi là đắt và cũng không phải thuộc dạng đắt nhất Sài Gòn. Quan trọng là những giá trị thiết thực cũng như mục đích ban đầu mình muốn mang đến cho khách hàng của mình. Đó là làm ra những ổ bánh mì “tử tế” nhất, sự tử tế trong từng sản phẩm, bởi ở Việt Nam bây giờ thương hiệu và chất lượng an toàn vệ sinh bắt đầu dựa vào niềm tin”, Thanh Tâm tâm sự.

Được biết, Tâm có kế hoạch mở cửa hàng thứ 2 tại Việt Nam sau 6 tháng khi cửa hàng đầu tiên ổn định và cửa hàng thứ 3 sẽ ra đời khi cửa hàng đầu tiên có lãi. Sau khi thành công mô hình bánh mì này tại Việt Nam, Tâm sẽ "bê" nguyên mô hình này quay lại Nhật Bản, sẵn sàng cho các đơn vị khác nhượng quyền nhưng phải đảm bảo được đúng tiêu chí đồng bộ.

"Tất cả quy trình về phong cách phục vụ, cách chế biến, làm bánh mì muốn nhượng quyền bắt buộc phải lấy bành mì của tôi, nếu ở xa thì phải học cách làm bánh mì của tôi”, Tâm kết luận.

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI