Cắt giảm 30% thủ tục, giải cứu doanh nghiệp cần "cách mạng" thể chế

13/03/2025 - 16:22

PNO - Dù đơn hàng có dấu hiệu khởi sắc, các doanh nghiệp tham gia Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2025 phiên thứ nhất với chủ đề “Giải pháp đột phá để đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8%” do báo Người Lao động tổ chức sáng ngày 13/3 vẫn bày tỏ sự lo ngại về những áp lực.

Bán lẻ "thoi thóp", niềm tin tiêu dùng tụt dốc

Theo ông Trần Như Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), 2 tháng đầu năm, doanh nghiệp dệt may có nhiều đơn hàng xuất khẩu hơn cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, ngành này vẫn đối mặt với nhiều thách thức.

Việt Nam hiện là nhà xuất khẩu dệt may lớn thứ hai vào Mỹ (40% tổng kim ngạch xuất khẩu), sau Trung Quốc. Việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu với hàng hóa Trung Quốc, không có nghĩa Việt Nam hưởng lợi, bởi ngành dệt may Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Nếu Mỹ áp thuế đối với hàng hóa Việt Nam do lo ngại về nguồn gốc xuất xứ, đó sẽ là một đòn giáng mạnh vào các nhà xuất khẩu Việt Nam, dù nguy cơ này chưa hiện hữu.

Lĩnh vực bán lẻ vẫn còn gặp nhiều khó khăn - Ảnh: Thanh Hoa
Lĩnh vực bán lẻ vẫn còn gặp nhiều khó khăn - Ảnh: Thanh Hoa

Ngoài ra, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận các gói vay ưu đãi, nhất là các gói vay chuyên biệt hỗ trợ chuyển đổi xanh và chuyển đổi số cho ngành dệt may còn thiếu.

Ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) - cho rằng, ưu tiên hàng đầu hiện nay là khôi phục niềm tin của người tiêu dùng.

Việt Nam từng tự hào là quốc gia có chỉ số niềm tin tiêu dùng cao nhất khu vực, nhưng vị thế này đã thay đổi. Niềm tin của người dân gắn liền với thu nhập, chi tiêu và khả năng đáp ứng các nhu cầu thiết yếu. Mặc dù chợ truyền thống vẫn chiếm lĩnh phần lớn thị phần bán lẻ, nhưng đang đối mặt với tình trạng ảm đạm. Nhiều tiểu thương phải ngừng kinh doanh do ế ẩm, trong khi giá trị sạp hàng cao khiến việc sang nhượng gặp khó khăn. Do đó, việc tái cấu trúc hệ thống bán lẻ truyền thống là vô cùng cấp thiết.

Cần giảm bớt quy định, thủ tục cho doanh nghiệp

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA), nêu thực trạng có doanh nghiệp cần giải quyết một vấn đề, họ phải xin ý kiến từ nhiều sở, ngành, có khi lên đến hơn mười đơn vị, và chờ đợi phản hồi. Sau đó, hồ sơ lại được trình lên UBND TPHCM, nơi tiếp tục phải lấy ý kiến từ nhiều đơn vị khác. Mỗi khâu xử lý mất khoảng một tuần, thậm chí từ 10 đến 15 ngày, khiến quy trình trở nên rườm rà và kéo dài.

Ông Hòa đề xuất rằng cơ quan chủ trì không nên chờ đợi đầy đủ ý kiến từ tất cả các sở, ngành trước khi ra quyết định. Thay vào đó, nếu đến thời hạn quy định mà vẫn chưa nhận được đủ ý kiến, cơ quan chủ trì nên được quyền ra quyết định dựa trên thông tin và phân tích hiện có. Những điều chỉnh này có thể không quá phức tạp, nhưng sẽ mang lại ý nghĩa lớn cho cộng đồng doanh nghiệp.

Các chuyên gia cho rằng cần giảm bớt quy định, thủ tục cho doanh nghiệp - Ảnh: NLĐ
Các chuyên gia cho rằng cần giảm bớt quy định, thủ tục cho doanh nghiệp - Ảnh: NLĐ

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhận định, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên cho năm tới, và hướng đến mức 10% trong tương lai cần có sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy và hành động. Trong đó thể chế đóng vai trò then chốt trong sự thành công của một quốc gia, thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo từ người dân, doanh nghiệp đến bộ máy nhà nước.

Ông chỉ ra rằng, từ năm 2011, thể chế đã trở thành rào cản, một nút thắt cổ chai cho sự phát triển kinh tế. Mặc dù Đại hội XI của Đảng đã xác định thể chế là một trong ba khâu đột phá chiến lược, nhưng trong nhiều năm qua, sự thay đổi thực sự vẫn chưa diễn ra, khiến thể chế trở thành "điểm nghẽn của những điểm nghẽn".

Theo ông Cung, sự phức tạp của các quy định hiện hành đã gây ra gánh nặng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, làm mất đi nhiều cơ hội kinh doanh. Ông đề xuất rằng các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện nên được giảm bớt quy định, chuyển sang cơ chế hậu kiểm. Điều này sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng hoạt động, tăng cường tự do kinh doanh, đồng thời vẫn đảm bảo an toàn.

Ông nhấn mạnh rằng an toàn và tự do là hai yếu tố cốt lõi cho sự phát triển kinh doanh. Thay vì đặt KPI là số lượng luật được ban hành, Quốc hội nên tập trung vào việc loại bỏ các luật không cần thiết. Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung cho rằng các sáng kiến lập pháp như "một luật sửa nhiều luật" hay "nghị quyết đặc thù" chưa mang lại hiệu quả như mong đợi. Ông tin rằng việc giảm bớt luật là con đường cần thiết để tạo ra đột phá trong cải cách thể chế.

Chuyên gia kinh tế - TS Trần Du Lịch đề nghị phải có cuộc cách mạng về thể chế, mỗi thủ tục hành chính cần được cắt giảm ít nhất 30%, thậm chí có thể nhiều hơn. Cần phải định rõ được động lực nào để tăng trưởng 2 con số. Vốn tín dụng rất quan trọng cho nền kinh tế nhưng nếu vốn không đưa vào sản xuất, kinh doanh mà chảy vào chứng khoán, bất động sản thì nguy cơ rơi vào tình trạng tăng trưởng ảo, bong bóng tài chính như năm 2016 là rất lớn. Riêng TPHCM cần ưu tiên tháo gỡ các điểm nghẽn còn tồn đọng. Chính phủ cần mạnh dạn trong cơ chế phân cấp, phân quyền. Nếu chậm trong việc phân cấp, phân quyền thì địa phương sẽ không có đủ dư địa về chính sách để phát triển.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI