Cao tốc Bắc - Nam phía đông bao giờ về đích?

10/01/2022 - 12:19

PNO - 12 dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 có kinh phí khoảng 146.990 tỷ đồng được đầu tư bằng ngân sách nhà nước đang đối mặt với nhiều khó khăn về giải phóng mặt bằng, giá vật liệu xây dựng, xử lý đất nền… Những vấn đề này đã được nêu ra trong buổi thảo luận tại tổ, kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Nỗi lo thiếu vật liệu san lấp

Theo các đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH), một trong những nguyên nhân có thể dẫn tới chậm tiến độ là thiếu nguồn vật liệu để san lấp. Do đó, Chính phủ phải có chính sách rất rõ ràng về khai thác cát phục vụ cho tuyến đường huyết mạch này. Thực tế, thời gian qua, nhiều công trình dự án trọng điểm, nhất là đầu tư công, triển khai chậm là do không có nguồn cát san lấp

Theo ĐBQH Đinh Ngọc Minh (tỉnh Cà Mau), vừa qua, có tới 9/11 dự án gặp vướng mắc về vật liệu xây dựng. Nhiều chủ đầu tư muốn khai thác mỏ vật liệu nhưng vướng thủ tục. Do đó, cần trả lời được câu hỏi, dùng nguồn nào để bù đắp hàng triệu m3 vật liệu. Tương tự, ĐBQH Nguyễn Phú Cường (tỉnh Đồng Nai) phân tích, cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025, có những đoạn có địa hình đặc biệt, như đoạn TP.Cần Thơ - tỉnh Cà Mau rất khan hiếm đất san lấp làm nền: “Có hiện tượng một số tỉnh miền Tây phải đi lên các tỉnh miền Đông mua đất phún, nhưng cũng không có. Đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phải tính toán trước, đừng để duyệt dự án rồi mới đi tìm đất san lấp vì như vậy sẽ bị trễ”.

Theo kết quả nghiên cứu tiền khả thi dự án của Bộ GTVT, nhu cầu về vật liệu đắp đối với dự án khoảng 32 triệu m3 (không bao gồm đất đào tại chỗ). Trong đó, các dự án thành phần đoạn qua khu vực miền Trung (đoạn Bãi Vọt - Cam Lộ và đoạn Quảng Ngãi - Nha Trang) cơ bản có thể đáp ứng, riêng đoạn Cần Thơ - Cà Mau, nguồn cung về đất đắp rất khan hiếm nên phải đắp nền bằng cát.

Dự án đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông đoạn Cam Lộ - La Sơn qua tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế ẢNH: THUẬN HÓA
Dự án đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông đoạn Cam Lộ - La Sơn qua tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế - Ảnh: Thuận Hóa

Thực tế, các dự án thành phần giai đoạn 2017-2021 đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về nguồn cung ứng vật liệu xây dựng như đất, cát, đá (thiếu khoảng 22,5/52 triệu m3) do việc triển khai đồng loạt nhiều dự án trong cùng khu vực, nhu cầu vật liệu tăng đột biến dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn cung. Trong khi đó, thủ tục thành lập mỏ mới, gia hạn và nâng công suất các mỏ đang khai thác rất phức tạp, cần nhiều thời gian.

Ông Trần Đình Ngân - Chỉ huy trưởng công trường thi công gói 11-XL của Tổng Công ty 319 (Bộ Quốc phòng), đơn vị thi công gói thầu của đoạn cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 - cho biết, trước đây, giá đất đắp nền từ 20.000 - 22.000 đồng/m3 nhưng nay đã lên 35.000 - 37.000 đồng/m3. Giá tăng gần gấp đôi mà vẫn không đủ vật liệu để mua. Để có thể thi công, nhà thầu loay hoay tìm, khảo sát mỏ khác nằm trong quy hoạch và được địa phương cấp phép. Hiện tại, giá mua vật liệu của mỏ bên ngoài khá cao và khoảng cách đến công trường xa (17 - 20km) nên các nhà thầu đứng trước nguy cơ phải bù lỗ hàng trăm tỷ đồng, ảnh hưởng đến tiến độ của công trình.

Đảm nhiệm nhà thầu liên danh thi công ba gói thầu lớn nhất của ba dự án cao tốc Bắc - Nam, đại diện Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VINACONEX) cho rằng, trước tình trạng giá thép tăng hiện nay (giá vật liệu thép trung bình tại cao tốc này khoảng 11.650 đồng/kg nhưng thực tế mua vào là khoảng 18.600 đồng/kg), VINACONEX ước tính giá trị bù lỗ của các nhà thầu tại ba gói thầu này khoảng hơn 337 tỷ đồng.

Theo ông Lương Văn Long - Giám đốc điều hành dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 (Ban Quản lý dự án Thăng Long) - tất cả thông số dữ liệu đầu vào là giả định trên cơ sở khoan địa chất. Quan trắc lún là yêu cầu khắt khe với nhà thầu; nếu không cẩn trọng, sẽ ảnh hưởng tới kết quả. Các đơn vị thi công phải liên tục đo đạc, theo dõi để đưa ra quyết định thi công, nếu lún hay nghiêng thì phải dừng lại để đánh giá. Do đó, chủ đầu tư liên tục có cảnh báo các nhà thầu để đảm bảo chất lượng dự án.

 

Nguồn vật liệu đất đắp nền đường cho các dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông
Nguồn vật liệu đất đắp nền đường cho các dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông

Ông Lương Văn Long cũng chỉ ra một thách thức lớn mà ngay chính Bộ trưởng Bộ GTVT phải thừa nhận và đặt ra với 12 dự án cao tốc giai đoạn 2021-2025, đó là năng lực của nhà thầu thi công. Theo ông, các nhà thầu thi công đang triển khai 627km cao tốc giai đoạn 2017-2020 nên nếu triển khai tiếp 729km thì số lượng không còn nhiều. Nếu giao thêm thì năng lực nhà thầu sẽ yếu, nên cần phải xem xét. Thay vì đấu thầu, có thể chỉ định thầu các doanh nghiệp phải có năng lực về tài chính, máy móc, nhân lực và kinh nghiệm triển khai các dự án tương tự.

Khó hoàn thành đúng tiến độ

Trong báo cáo thẩm tra về tiến độ thực hiện, Ủy ban Kinh tế của QH cho rằng, dự án cần khoảng ba năm để khởi công và khoảng 2-3 năm để thi công, khả năng đến năm 2026 mới hoàn thành toàn tuyến. Trong khi đó, theo tờ trình của Chính phủ, dự án này sẽ kết thúc trong năm 2025. Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ xem xét, điều chỉnh lại tiến độ hoàn thành của dự án. 

Báo cáo thẩm tra nêu rõ: “Kết quả giám sát dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 cho thấy những khó khăn, vướng mắc về thiếu nguyên vật liệu, giá nguyên vật liệu tăng cao, bãi đổ thải… Vì vậy, đề nghị Chính phủ có các giải pháp và chỉ đạo quyết liệt để xử lý những vấn đề nêu trên, tránh ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng dự án”. 

ĐBQH Tạ Thị Yên (tỉnh Điện Biên) phân tích, nếu để cột mốc tới năm 2025 thì khó thực hiện được do việc chuẩn bị, hoàn thiện thiết kế, thủ tục… đã mất khoảng ba năm. Bên cạnh đó, cũng cần tính đến khả năng thiên tai, dịch bệnh tác động. Do đó, bà đề xuất xem xét, điều chỉnh tiến độ của dự án.

ĐBQH Nguyễn Trường Giang (tỉnh Đắk Nông) cũng phân tích, nếu chuẩn bị tốt nhất thì cũng phải hết năm 2023, sang 2024 mới có thể khởi công được dự án, như vậy là vừa không thể đảm bảo tiến độ, vừa không đạt được mục tiêu dòng vốn của chương trình phục hồi, phát triển kinh tế mà QH đang thảo luận và sẽ xem xét, quyết định.

Ngoài ra, kể từ khi khởi công đến khi thực hiện dự án, tối thiểu cũng mất hai năm nữa, như vậy sẽ vượt qua cả giai đoạn đầu tư công 2021-2025. Để giải quyết “điểm nghẽn” này, ông đề nghị phân cấp, để Bộ GTVT quyết định đầu tư, từ đó giảm được một trình tự thủ tục. Cũng liên quan tới tiến độ của dự án, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, phải làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư. Theo ông, ở nhiều nước, công tác chuẩn bị đầu tư cho dự án từ 3-5 năm. Còn ở Việt Nam, do công tác quy hoạch, quản lý, kế hoạch trung hạn, dài hạn và nhiều vấn đề khác nên công tác chuẩn bị đầu tư gấp gáp, dẫn tới quá trình thi công gặp trở ngại, kéo dài thời gian. 

Chủ tịch nước cho rằng, khi triển khai dự án, quan trọng nhất là khâu giải phóng mặt bằng. Với dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông, nên giao cho chính quyền địa phương đảm nhận khâu giải phóng mặt bằng. Chủ tịch nước đề nghị, cần đặc biệt lưu ý tới quyền lợi chính đáng của người dân. Cần làm tốt vấn đề tái định cư cho người dân bị thu hồi đất để người dân đến nơi ở mới có điều kiện bằng hoặc tốt hơn nơi cũ. 

Giám sát chặt chẽ để đảm bảo chất lượng

Trong nhiều cuộc họp và các buổi thị sát công trình, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể luôn nhắc nhở và yêu cầu các ban quản lý dự án, nhà thầu thi công phải đặc biệt quan tâm đến chất lượng dự án. Đề cập đến việc xử lý đất yếu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, các đơn vị phải nghiên cứu chuyên sâu giải pháp gia cố, yêu cầu bàn giao mặt bằng đoạn đó trước để có thời gian gia tải 8-10 tháng và được giám sát chặt chẽ, không được lọt bất cứ khâu nào về chất lượng.

 

Cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 đang được các nhà thầu đốc thúc tiến độ để hoàn thành theo đúng kế hoạch
Cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 đang được các nhà thầu đốc thúc tiến độ để hoàn thành theo đúng kế hoạch

“Với đất yếu, không phải lấy đất nào đắp cũng được mà phải có các tiêu chí lựa chọn, nghiên cứu mở nhiều mỏ để chọn mỏ tốt nhất đưa vào dự án. Hiện, không có đơn vị nào dám làm ẩu, bởi nếu làm ẩu thì không ngủ được vì mỗi dự án phải 5-10 năm mới hết trách nhiệm, trừ khi chui xuống đất” - ông Nguyễn Văn Thể khẳng định. Ông quả quyết, Bộ GTVT không xuề xòa, không thi công đốt cháy giai đoạn, không đánh đổi chất lượng với thời gian: “Tôi luôn nhắc nhở, mỗi dự án luôn có sự giám sát của nhân dân”.

Về nguy cơ thiếu vật liệu cho dự án, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thông tin, rút kinh nghiệm quá trình triển khai các dự án giai đoạn vừa qua, ngay trong bước nghiên cứu khả thi, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ GTVT tính toán xác định cụ thể nhu cầu vật liệu đối với từng dự án, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương đánh giá kỹ tình trạng các mỏ đang khai thác, kịp thời triển khai các thủ tục điều chỉnh quy hoạch mỏ, quy hoạch sử dụng vật liệu và cấp phép các mỏ mới theo đúng quy định. Ngoài ra, Chính phủ sẽ có cơ chế, giải pháp quản lý chặt chẽ về giá vật liệu xây dựng, xử lý nghiêm tình trạng đầu cơ, nâng giá, gây khó khăn trong triển khai đầu tư các dự án, bảo đảm không xảy ra tình trạng khan hiếm vật liệu, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án.

Ông cũng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng phương án thu phí, bao gồm mức thu phí, nhượng quyền thu phí đối với các tuyến đường cao tốc đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước để thu hồi vốn đầu tư, đồng thời áp dụng hình thức thu phí điện tử tự động không dừng, bảo đảm thuận tiện nhất cho phương tiện giao thông. 

Lo mất an toàn khi không có đường lánh

Toàn bộ tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 được thiết kế với bốn làn xe, không có làn đường lánh, khiến nhiều ĐBQH băn khoăn về vấn đề an toàn khi lưu thông.

Theo tờ trình của Chính phủ, ban đầu, trong quy hoạch, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông có quy mô sáu làn xe, khu vực cửa ngõ các trung tâm lớn về kinh tế, chính trị có quy mô 8-10 làn xe, đoạn Cần Thơ - Cà Mau có quy mô bốn làn xe. Tuy nhiên, căn cứ kết quả dự báo nhu cầu vận tải, Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu nhiều phương án về quy mô. Trên cơ sở phân tích, đánh giá ưu, nhược điểm của từng phương án, căn cứ khả năng cân đối nguồn vốn, Chính phủ kiến nghị đầu tư phân kỳ theo quy mô bốn làn xe, bề rộng nền đường 17m, toàn bộ các yếu tố kỹ thuật khác đáp ứng tốc độ 100 - 120km/h. 

ĐBQH Nguyễn Phú Cường đặt vấn đề, thiết kế xây dựng chỉ có bốn làn xe, không có làn dừng khẩn cấp, nếu có một phương tiện bị hư hỏng, không có điểm dừng thì với tốc độ trên đường cao tốc, các xe sau có thể khó kiểm soát, từ đó xảy ra tai nạn liên hoàn. Ông lấy ví dụ về vụ tai nạn liên hoàn từng xảy ra trên cầu Nhật Tân năm 2020 khiến 12 xe gặp nạn. Đồng tình với quan điểm này, ĐBQH Trịnh Xuân An (tỉnh Đồng Nai) cũng phân tích: “Đường cao tốc mà không có đường lánh nạn thì rất không đảm bảo an toàn”. 

ĐBQH Leo Thị Lịch (tỉnh Bắc Giang) cũng lưu ý, trong thiết kế chi tiết, cần có cầu dân sinh, đường gom… để tránh bất tiện cho sinh hoạt của người dân ở hai bên đường. Nếu trong thiết kế không có các hạng mục này thì sẽ phát sinh việc đầu tư bổ sung hạ tầng. Như tuyến Hà Nội - Bắc Giang, do đầu tư bổ sung nên tới nay vẫn chưa làm xong, gây ngập úng, ảnh hưởng nhiều tới đời sống dân sinh.

Minh Quang - Nam Việt

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI