Cảnh sát truy đường đi của bùn đất ở dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM

20/12/2019 - 06:00

PNO - Trước mắt, Cục Cảnh sát môi trường đã yêu cầu Công ty Italian - Thai Development Public Company Limited không được chuyển giao bùn đất khi chưa được sự chấp thuận của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM.

Với tổng kinh phí hơn 11.000 tỷ đồng, dự án Vệ sinh môi trường (VSMT) TP.HCM giai đoạn 2 là một trong những dự án quan trọng ở TP.HCM được Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ vốn nhằm sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng để xử lý nước thải cho lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè và địa bàn Q.2.

Canh sat truy duong di cua bun dat o du an Ve sinh moi truong TP.HCM
Bùn đất phát sinh từ gói thầu XL01 của dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM đổ không đúng quy định, bị Cục Cảnh sát môi trường yêu cầu dừng chuyển giao để điều tra, xử lý

Thế nhưng, không chỉ chậm trễ tiến độ (dự kiến hoàn thành vào năm 2020 nhưng bị dời đến năm 2024), dự án này còn liên tiếp bộc lộ những yếu kém trong công tác quản lý, giám sát. 

Ngoài những vấn đề mà Báo Phụ nữ TP.HCM từng phản ánh (đấu thầu có dấu hiệu không hợp lệ, bị WB dừng tài trợ hơn 350 tỷ đồng, đơn vị trúng thầu thiếu năng lực thi công…), mới đây, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C05, thuộc Bộ Công an) còn phát hiện nhiều dấu hiệu vi phạm trong quá trình thu gom bùn đất thải ra từ công trình thuộc dự án này.

Theo nguồn tin của Báo Phụ Nữ TP.HCM, từ tháng 9-12/2019, C05 đã làm việc với nhiều đơn vị liên quan và làm rõ dần những vi phạm trong quá trình thu gom bùn đất thải ra tại gói thầu XL01 thuộc dự án VSMT giai đoạn 2 (gói thầu thi công tuyến cống bao ở Q.2) do Công ty Italian - Thai Development Public Company Limited (gọi tắt là Italian - Thái) thi công.

Đến nay, C05 đã xác định, trong quá trình thi công, bùn đất phát sinh tại gói thầu XL01 được đưa đi đổ ở nhiều nơi không đúng quy định, chưa được Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM chấp thuận.

Trong buổi làm việc gần đây với C05, đại diện Công ty Italian - Thái cho biết, theo dự toán, tổng lượng bùn đất phát sinh tại gói thầu XL01 là hơn 158.820m3. Hiện công trình đã thi công gần 60% khối lượng, số bùn đất phát sinh trên thực tế từ lúc bắt đầu thi công đến nay khoảng 70.250m3.

Một phần bùn đất được chuyển giao cho Công ty TNHH Nguyễn Đạt (đóng tại tỉnh Đồng Nai) để đưa đi đổ ở một bãi thải ở Q.9, TP.HCM, số còn lại được chuyển giao cho một công ty khác đưa đi đổ ở đâu chưa rõ (chưa được nghiệm thu và thanh toán chi phí vận chuyển).

Theo xác định của C05, lượng bùn đất phát sinh tại gói thầu XL01 được chuyển giao cho Công ty Nguyễn Đạt khoảng gần 3.000m3. Công ty Italian - Thái đã thanh toán cho Công ty Nguyễn Đạt hơn 175 triệu đồng tiền thu gom bùn đất nhưng nhà thầu này lại không xác định được vị trí đổ bùn đất cụ thể.

Nguồn tin của Báo Phụ Nữ TP.HCM cho biết thêm: “Vào khoảng tháng 9/2019, đại diện Công ty Italian - Thái có liên hệ với Công ty Nguyễn Đạt để xác nhận khu đất đổ bùn của gói thầu XL01 nhưng Công ty Nguyễn Đạt cho rằng, khu đất đó đã được xây dựng công trình nên không thể xác định vị trí đã đổ bùn”.

Với diễn biến vụ việc như trên, hiện C05 đã yêu cầu Công ty Italian - Thái không được chuyển giao bùn đất phát sinh tại gói thầu XL01 cho các đơn vị khi chưa được sự chấp thuận của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM. Bên cạnh đó, C05 cũng yêu cầu cung cấp các hồ sơ, tài liệu liên quan đến vụ việc để tiếp tục làm rõ và  xử lý các vi phạm. 

Cần làm rõ chất bentonite trong bùn đất

Trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), bùn đất phát sinh trong quá trình thi công các công trình thuộc dự án VSMT TP.HCM giai đoạn 2 sẽ được đưa về đổ tại khu vực dự kiến xây dựng nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè (thuộc P.Thạnh Mỹ Lợi, Q.2, TP.HCM). Tuy nhiên, trên thực tế, số bùn phát sinh tại gói thầu XL01 lại bị đưa đi đổ ở những nơi khác.

Trao đổi với chúng tôi về tính chất của bùn đất phát sinh tại dự án VSMT TP.HCM, một chuyên gia từng tham gia lập ĐTM một số dự án tương tự như gói thầu XL01 cho biết, do các đơn vị thi công thường sử dụng dung dịch bentonite để khoan cọc nhồi khi đào lắp cống nên trong bùn đất sẽ bị trộn lẫn chất này.

“Trong dung dịch bentonite, có một số thành phần không tốt cho môi trường. Tuy nhiên, do ở Việt Nam, công nghệ khoan cọc nhồi chỉ mới được ứng dụng trong những năm gần đây nên hiện chưa có hướng dẫn về xử lý bùn đất bị trộn lẫn dung dịch này. Dù vậy, trên nguyên tắc, không thể dùng bùn đất bị trộn lẫn bentonite để san lấp mặt bằng được. Muốn san lấp, phải lấy mẫu phân tích và phải xây dựng quy chuẩn, giống như sử dụng các loại xỉ phát sinh từ hoạt động công nghiệp” - vị chuyên gia trên giải thích.

Hoàng Nhiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI