Cần nhiều hơn một chữ tâm

12/04/2021 - 07:09

PNO - Làm phim cổ trang không dễ, làm phim chuyển thể từ tác phẩm văn học nổi tiếng càng là việc mạo hiểm.

Chuyện phim mở đầu khi Kiều (Trình Mỹ Duyên đóng) bán mình vào thanh lâu để chuộc cha và em trai. Sau đó Kiều gặp Thúc Sinh, nảy sinh tình yêu và cả hai đưa nhau đi trốn, nhưng bị mẹ con Hoạn Thư phát hiện.

Kiều phiên bản điện ảnh mang đến vài cải biên so với Truyện Kiều như thêm nhân vật Thị Liên - nàng kỹ nữ tốt bụng ở lầu xanh, Hiền Bá - quý ông giàu có dùng tiền cưới Kiều, nhưng những sáng tạo này không giúp ích gì cho phim ngoài việc kéo dài thời lượng. Táo bạo nhất phải kể đến sự phá cách nhân vật Đạm Tiên bằng việc biến Đạm Tiên thành linh hồn đeo bám bảo vệ Kiều.

Theo chia sẻ của đạo diễn Mai Thu Huyền, đây là ý tưởng của chị và biên kịch Phi Tiến Sơn, nhằm thể hiện khát vọng tự do của người phụ nữ ngày xưa nói chung và nàng Kiều nói riêng, để phim khi ra mắt không bị “lạc hậu”. Phải thừa nhận đây là một ý tưởng hay, chỉ tiếc rằng ý tưởng đó chưa được hiện thực hóa thành công. 

Trên phim Đạm Tiên hiện ra như một ma nữ với mái tóc bạc phơ, gương mặt trang điểm đậm, mắt đeo kính sát tròng màu. Mỗi khi Kiều gặp nguy, Đạm Tiên lại có mặt với phép thần thông biến hóa, khiến không ai đụng được tới Kiều. Nhân vật này cũng luôn nổi cơn giận dữ mỗi khi thấy Kiều yêu Thúc Sinh mê muội. Tần suất đeo bám, thái độ của Đạm Tiên, cộng thêm kỹ xảo lộ liễu khiến người xem chưng hửng vì sáng tạo lạc quẻ này. Màu sắc fantasy ở tuyến truyện Đạm Tiên làm rối thêm bộ phim vốn đã có nhiều màu khác: cổ trang, kiếm hiệp, ngôn tình. 

Tuy nhiên, nếu bỏ qua phần của Đạm Tiên, phim cũng không vì thế mà khá hơn. Mạch truyện lỏng lẻo, rời rạc bởi diễn tiến tâm lý nhân vật, nhất là tuyến tình yêu giữa Kiều và Thúc Sinh bị đẩy quá nhanh. Cách cắt cảnh, chuyển cảnh đột ngột, ví như người xem mới thấy Thúc Sinh bị đánh rớt xuống vực ở cảnh trước, thì cảnh sau đã thấy chàng xuất hiện đón Kiều vừa đu dây vượt tường trốn khỏi lầu xanh, rồi cả hai cùng nhau ngao du sơn thủy. 

Ghi nhận sự chịu khó của đoàn phim khi không ngại băng rừng lội suối để mang đến cho người xem những khung hình thiên nhiên “nịnh” mắt, chỉ tiếc là cái đẹp của bối cảnh bị thừa thãi. Đơn cử đoạn Hoạn Thư nhìn thấy Thúc Sinh và Thúy Kiều đang vui đùa bên nhau, góc máy bắt trọn cảnh đẹp từ trên cao xuống nơi Hoạn Thư đứng, khiến người xem không hiểu vì sao nhân vật này phải trèo lên một mỏm đá cao hiểm trở như vậy để… rình. Việc lạm dụng nhạc nền quá nhiều, mang đến cảm giác như đang xem một MV ca nhạc. 

Khi đường dây kịch bản chưa đủ thuyết phục người xem, tất yếu sẽ dồn chú ý vào diễn xuất để bù đắp. Tuy nhiên, Trình Mỹ Duyên lần đầu đóng phim lại phải gánh một nhân vật có số phận truân chuyên, nên chân dung nàng Kiều của cô bị nhạt nhòa. Những giọt nước mắt của Kiều dù đau buồn hay hạnh phúc cũng không khiến người xem phải khóc cười theo cô.

Lê Anh Huy (vai Thúc Sinh) có biểu cảm khuôn mặt và ánh mắt căng cứng, kể cả khi đó là phân đoạn cần bùng nổ nhất. Nam nữ chính diễn xuất nhạt nhòa, nên người xem thay vì thương xót Kiều, lại chuyển sang đồng cảm với nhân vật phản diện Hoạn Thư. Diễn xuất của Cao Thái Hà trong màn trả thù làm khán giả thương hơn là giận. 

Làm phim cổ trang không dễ, làm phim chuyển thể từ tác phẩm văn học nổi tiếng càng là việc mạo hiểm. Với phim Kiều, đạo diễn Mai Thu Huyền lại chọn cả hai con đường khó ấy để đi. Không thể phủ nhận sự kỳ công của chị thể hiện trong từng bối cảnh, phục trang, âm nhạc được chăm chút, càng không thể xem nhẹ tâm huyết muốn tri ân đại thi hào Nguyễn Du nhân 200 năm ngày mất của ông. Có điều, để một tác phẩm chạm đến cảm xúc người xem, cần nhiều hơn một chữ tâm. 

Nguyễn Ngọc 

 
 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI