Cần nhân rộng việc thi tuyển lãnh đạo trường học

20/12/2022 - 06:23

PNO - Vừa qua, lần đầu tiên TPHCM thí điểm tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo các trường THPT. Nhiều ý kiến đánh giá đây là điểm sáng trong công tác cán bộ, giúp “mở rộng cửa” cho những cá nhân trẻ, có năng lực.

Nhiều ứng cử viên 8X, 9X

Theo Sở GD-ĐT TPHCM, trong số 12 thí sinh đăng ký thi tuyển kỳ này, có 10 thí sinh thuộc thế hệ 8X, 9X, trong đó người trẻ nhất sinh năm 1993. Đối với 3 ứng viên trúng tuyển vừa được chính thức bổ nhiệm phó hiệu trưởng của 3 trường THPT (thuộc huyện Củ Chi và Cần Giờ), các thầy cô đều ở độ tuổi khá trẻ, trong đó người trẻ nhất sinh năm 1984.

Vừa chính thức nhận nhiệm vụ phó hiệu trưởng chuyên môn của Trường THPT An Nghĩa (huyện Cần Giờ) sau khi trúng tuyển, ông Phạm Hải Dương cho biết, cuộc thi qua 2 vòng lý thuyết và trình bày đề án đều đòi hỏi tính thực tiễn cao. Đối với vòng thi lý thuyết, những câu hỏi đưa ra cho thí sinh rất toàn diện, vừa yêu cầu kiến thức chung đối với cán bộ viên chức, vừa đòi hỏi kiến thức chuyên ngành về giáo dục. Trong đó, các câu hỏi không phải lý thuyết suông mà đưa ra được những tình huống giáo dục, lồng ghép những sự kiện đã xảy ra để yêu cầu thí sinh có phương án giải quyết. 

Thí sinh ứng tuyển chức danh phó hiệu trưởng đang thi vòng trình bày đề án - ẢNH: P.T.
Thí sinh ứng tuyển chức danh phó hiệu trưởng đang thi vòng trình bày đề án - Ảnh: P.T.

Đối với vòng thi trình bày đề án, đòi hỏi ứng viên phải có những đánh giá cụ thể về mặt mạnh, hạn chế, cơ hội, thách thức tại trường mà mình ứng tuyển. Trên cơ sở đó, đưa ra những dự báo và giải pháp không chỉ hay mà quan trọng là phù hợp thực tiễn để phát triển nhà trường. Tại vòng thi này, thí sinh cũng phải giải đáp các thắc mắc, chất vấn của 11 thành viên hội đồng giám khảo để đảm bảo được tính khả thi của đề án mình đưa ra.

Theo ông Dương, việc thi tuyển đã tạo động lực và mở rộng cơ hội cho những người thực sự tâm huyết, muốn phấn đấu để đóng góp cho nhà trường. Như bản thân ông quê ở huyện Cần Giờ và có 15 năm giảng dạy tại đây nên rất am hiểu về thực trạng dạy học cũng như mong muốn cống hiến cho công tác giáo dục của huyện ngoại thành này. Một trong những giải pháp ông Dương đưa ra tại đề án đó là có kế hoạch vận động các mạnh thường quân tài trợ cho các học sinh thực sự khó khăn của trường.

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD-ĐT kiêm Chủ tịch Hội đồng thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý năm 2022 - khẳng định quy trình thi được thực hiện chặt chẽ, từ giới thiệu ở cơ sở, rà soát lý lịch, lấy ý kiến quận, huyện ủy, họp ban thường vụ thống nhất. Các khâu thành lập hội đồng thi tuyển và giám khảo cũng chặt chẽ, ban ra đề được cách ly theo đúng quy định, có giám sát của đơn vị chức năng. Theo ông Hiếu, việc thi tuyển tạo ra sự cạnh tranh công bằng giữa các ứng viên, trong đó có trường tỉ lệ là 1 “chọi” 5. Việc thi tuyển cũng tạo động lực phấn đấu cho các cán bộ quản lý, thầy cô, giảm sức ỳ, tránh tâm lý chủ quan rằng “nước dâng thì thuyền lên”. 

Ngay sau khi thí điểm, Sở GD-ĐT sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm, để tham mưu mở rộng đối tượng và có lộ trình nhân rộng việc thi tuyển chức danh lãnh đạo ngành giáo dục thời gian tới.

Làm thận trọng và thực chất

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - nhìn nhận, việc đề bạt, bổ nhiệm lãnh đạo trường học thời gian qua còn bộc lộ một số hạn chế, như thiếu tính cạnh tranh, chưa tạo được động lực để người trẻ phấn đấu, bởi tư duy “sống lâu lên lão làng”. Do đó, việc thi tuyển là cần thiết, nhằm đảm bảo chọn “đúng người đúng việc”. Thi tuyển công khai cũng nhằm ngăn chặn chuyện chạy chức chạy quyền. Bên cạnh đó, thi tuyển còn có một ý nghĩa nữa là người tham gia dự thi đã tự nguyện, tự cảm thấy mình đủ điều kiện mới tham gia thi tuyển. Tránh tình trạng nhiều trường hợp bổ nhiệm nhưng bản thân người được bổ nhiệm không thực sự tự nguyện, không tâm huyết thì khó làm tốt được.

Tuy vậy, theo ông Chức, trong thi tuyển phải rất chú ý đến xây dựng đề thi có tiêu chí rõ ràng, sát với yêu cầu chức danh cần tuyển. Đối với vị trí hiệu trưởng, hiệu phó, không chỉ yêu cầu về mặt kiến thức chuyên môn mà khả năng quản lý rất quan trọng. Trong tương lai, không chỉ riêng TPHCM mà các nơi khác đều phải hướng đến đưa chuyện thi tuyển lãnh đạo trở thành thông lệ, muốn vào vị trí nào đều phải thi tuyển. Muốn như vậy thì phải xây dựng rất bài bản quy trình thi, nội dung dự thi, tiêu chí người tham gia dự thi, ngay cả ban giám khảo cũng phải có tiêu chí cụ thể. Cần có điểm cộng cho những người đã có kinh nghiệm giảng dạy tại trường ứng tuyển, có kinh nghiệm làm việc hiệu quả ở các vị trí quản lý. Bên cạnh đó, hội đồng thi tuyển cũng như hội đồng giám khảo phải nghiêm túc, làm thật, tránh tình trạng đã nhắm vào “ông A”, “bà B” sẵn rồi…

Trong khi đó, ông Trương Song Đức - nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - cho rằng, việc chọn lựa lãnh đạo dù theo hình thức bổ nhiệm hay thi tuyển thì quan trọng nhất vẫn là “cái tâm, cái tầm” của đội ngũ làm công tác cán bộ. Hình thức thi tuyển cũng chỉ là chọn ra người giỏi nhất trong những người tham gia thi tuyển, chứ không hẳn là người giỏi nhất trong cả tập thể. “Để thi tuyển hiệu quả, cần phải có các giải pháp khuyến khích người có năng lực, tâm huyết chủ động tham gia ứng tuyển. Đồng thời, xây dựng các tiêu chí để việc đánh giá cán bộ không dừng lại trong khuôn khổ một kỳ thi mà phải xem xét được cả quá trình công tác, phấn đấu, sự tín nhiệm của tập thể. Người quản lý không phải chỉ đơn thuần chuyên môn tốt mà còn biết đoàn kết, phát huy sức mạnh tập thể nhà trường. Muốn vậy thì phải làm rất chặt chẽ khâu đánh giá, tuyển chọn ứng cử viên, chọn những người tiêu biểu tham gia thi tuyển, sau đó từ cuộc thi chọn ra người giỏi nhất” - ông Đức góp ý. 

Cán bộ phải “có lên, có xuống”

Vừa qua, liên quan đến sai phạm tài chính tại Trường THPT Vĩnh Lộc (quận Bình Tân), Sở GD-ĐT TPHCM đã ban hành quyết định thi hành kỷ luật hình thức khiển trách đối với bà Nguyễn Thị Nha Trang - hiệu trưởng nhà trường. Bên cạnh đó, khi hết nhiệm kỳ, sở đã không tiến hành bổ nhiệm lại (nhiệm kỳ 2) chức vụ hiệu trưởng nên bà Nguyễn Thị Nha Trang xuống làm giáo viên.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức đánh giá cao cách làm này, bởi cá nhân có lúc phấn đấu tốt thì được bổ nhiệm, khi có khuyết điểm, không còn xứng đáng với chức vụ đó thì “xuống”. Nếu sau đó sửa chữa khuyết điểm, phấn đấu tốt thì vẫn có thể bổ nhiệm vào chức vụ phù hợp. Không nên cứng nhắc “lên rồi thì khó xuống” hoặc “đã xuống thì vĩnh viễn không bao giờ được lên nữa”.

Minh Linh

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI