Cần đảm bảo yếu tố pháp lý F0, F1 trong nhà trường

25/02/2022 - 18:08

PNO - Tại cuộc họp giao ban COVID-19 chiều 25/2, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Dương Trí Dũng nhấn mạnh yếu tố pháp lý đối với các ca F0, F1 trong nhà trường.

Cụ thể, ông Dương Trí Dũng nhấn mạnh, việc khẳng định các ca F0, F1 trong nhà trường cần phải được nhà trường, y tế trường phối hợp. Trong đó, nhà trường có vai trò phát hiện ca nghi nhiễm (F0); xác định, lên danh sách các ca tiếp xúc gần (F1). Vai trò của ngành y tế là khẳng định tính pháp lý của các ca F0, F1 này. 

Lãnh đạo Sở GD-ĐT nhận định, điều này có thể sẽ khó thực hiện trong bối cảnh hiện nay khi tình hình dịch đang có thêm nhiều diễn biến. Tuy nhiên, dù khó vẫn buộc ngành giáo dục phải thực hiện đúng, nghiêm. 

“Thông tin học sinh F0, F1 phải có pháp lý, giấy tờ, không thể chỉ dừng ở việc liên lạc bằng điện thoại với y tế. Nếu không có tính pháp lý, việc nhà trường chuyển thông tin các em về địa phương sẽ rất khó. Y tế địa phương cũng sẽ rất khó để theo dõi, xét nghiệm định kỳ cũng như chăm sóc các em, nhất là khi có các dấu hiệu bất thường. Do vậy, các nhà trường phải đeo bám với y tế địa phương để đảm bảo đầy đủ yếu tố pháp lý, đảm bảo quyền lợi cho học sinh là F0, F1”, ông Dương Trí Dũng phân tích.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng nhấn mạnh các nhà trường về yếu tố pháp lý các ca F0, F1
Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Dương Trí Dũng nhấn mạnh các nhà trường về yếu tố pháp lý các ca F0, F1

Đối với khó khăn của các nhà trường về kit xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARC-CoV-2 để thực hiện tầm soát học sinh trong lớp và F1 khi xuất hiện F0, Phó giám đốc Dương Trí Dũng thông tin, UBND TP đã thống nhất về việc y tế địa phương là đơn vị hỗ trợ kit test cho các nhà trường, đồng thời hỗ trợ nhà trường, y tế trường thực hiện xét nghiệm tầm soát khi phát sinh ca nhiễm. 

Nhà trường chỉ chuẩn bị que test dự phòng để thực hiện tầm soát xét nghiệm F0 là các ca nghi ngờ, nghi nhiễm. Còn xét nghiệm, tầm soát các ca liên quan đến F0 bao gồm học sinh tiếp xúc gần (F1) và học sinh trong lớp thì sẽ do y tế địa phương hỗ trợ thực hiện.

Dù vậy, ông cho rằng từ phía nhà trường “không nên ngồi chờ” mà phải chủ động sử dụng chính nguồn lực, lực lượng của trường mình để linh động giải quyết.

“Y tế nhà trường có thể chủ động xét nghiệm tầm soát các ca F1, học sinh trong lớp, dưới sự giám sát trực tuyến của y tế địa phương. Y tế sẽ thực hiện khâu thẩm định, khẳng định các ca F0, F1”, ông Dũng nói.

Hướng dẫn thêm về việc thực hiện hướng dẫn của UBND TP về kiểm soát dịch COVID-19 trong các cơ sở giáo dục, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP chỉ rõ, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch của trường sẽ quyết định phương án học của lớp; Ban chỉ đạo phòng chống dịch quận, huyện sẽ quyết định hình thức học của trường. 

Tuy nhiên, Ban chỉ đạo phòng chống dịch của trường sẽ nắm rõ nhất về tình hình của trường, đánh giá được nguy cơ để tham mưu cho Ban chỉ đạo quận, huyện quyết định phương án học tập của trường một cách phù hợp nhất. 

“Khi thẩm định, đánh giá cần phải hết sức lưu ý, làm sao xác định đúng đối tượng nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi cho học sinh và đưa ra kịch bản phù hợp nhất. Phương án tổ chức dạy và học trong nhà trường phải được xây dựng linh hoạt, kết hợp cả 2 hình thức online và trực tiếp, đảm bảo an toàn và đảm bảo quyền lợi cho học sinh”, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Dương Trí Dũng lưu ý.

Tấn Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI