Góp ý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi):

Cần cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền

01/06/2022 - 15:13

PNO - Tại khoản 1, điều 4, dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) (sửa đổi) đã bổ sung 16 nội dung hành vi BLGĐ (tăng bảy nội dung hành vi so với Luật Phòng, chống BLGĐ hiện hành, ban hành năm 2007). Đây là một bước chuyển khá tốt.

Nhưng theo tôi, luật cần cụ thể hơn về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong phòng, chống BLGĐ, nhất là với công an và chính quyền cơ sở nơi xảy ra vụ việc. 

Tổng đài 1900 96 9680, phòng Tham vấn và nhà tạm lánh mang tên Ngôi nhà Bình yên, thuộc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển - Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam được thành lập nhằm cung cấp các dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp và toàn diện cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực gia đình, xâm hại tình dục và mua bán.
(Nguồn: Hội LHPN TPHCM)

Trong đó, cần quy định về công tác báo tin, trách nhiệm xác minh, phân loại, xử lý các vụ việc. Luật cần quy định rõ: Người gây ra BLGĐ phải đến trụ sở công an cấp xã giải trình, buộc chấm dứt hành vi bạo lực và quy định thêm về các nguyên tắc thực hiện trong thời gian cấm tiếp xúc, đảm bảo an toàn và thực hiện các quy định về tư vấn pháp lý, tâm lý cho người bị BLGĐ, bị xâm hại tình dục. 

Luật cũng cần có thêm những điều khoản quy định bảo vệ người bị BLGĐ trong quá trình xét xử tại tòa án; bảo vệ trực tiếp người tham gia phòng, chống BLGĐ và người báo tin, tố giác các vụ việc, hành vi BLGĐ.

Về phân cấp trách nhiệm, dự thảo luật đang thiếu quy định về sự phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống BLGĐ; tổ chức, hỗ trợ việc bồi dưỡng cán bộ làm công tác phòng, chống BLGĐ. Người trực tiếp tham gia phòng, chống BLGĐ mà có thành tích thì được khen thưởng, nếu bị thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và tài sản thì được hưởng chế độ theo quy định của pháp luật. 

Trên thực tế, để tăng cường sự phối hợp trong phát hiện và giải quyết các vấn đề về bạo lực cho nạn nhân bị bạo lực có khó khăn về tài chính, cần có sự vào cuộc của nhiều cơ quan, tổ chức có liên quan để việc bảo vệ, hỗ trợ được kịp thời, đầy đủ theo nhiều phương diện như về tâm lý, y tế, nơi ở, tư vấn pháp lý và trong quá trình xét xử vụ việc… Tuy nhiên, một trong những khó khăn hiện nay là làm sao để các nạn nhân bị bạo lực tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ nêu trên một cách thuận lợi. Do đó, rất cần có quy định về sự phối hợp giữa các cơ sở trợ giúp phòng, chống BLGĐ, trợ giúp pháp lý trong việc phát hiện, giới thiệu, thông tin nạn nhân bị BLGĐ nhằm bảo vệ và hỗ trợ kịp thời cho nạn nhân.

Bên cạnh đó, cũng có thể quy định trong luật về đường dây quốc gia tiếp nhận thông tin về phòng, chống BLGĐ (đây cũng là một cách truyền thông về BLGĐ) và đường dây này có sự liên thông, kết nối với các cơ quan, tổ chức hỗ trợ các dịch vụ cho nạn nhân.

Luật cũng cần bổ sung quy định về nguyên tắc bảo đảm bí mật đời tư trong công tác truyền thông; xây dựng mô hình tổng hợp trợ giúp nạn nhân BLGĐ; quy định các chính sách nhằm tăng cường việc khuyến khích các tổ chức xã hội, cá nhân tham gia phòng, chống BLGĐ... Đặc biệt chú ý đến hiệu quả của hoạt động tư vấn chuyên nghiệp về phòng, chống BLGĐ ở cộng đồng, tại các trung tâm trợ giúp pháp lý…

Và hơn hết, cần quy định rõ hình thức răn đe, xử lý người gây bạo lực gắn với các quy định trong Bộ luật Hình sự, thay vì quy định chung chung rằng: “Công an xã có trách nhiệm thực hiện các biện pháp ngăn chặn hành vi BLGĐ”.

Ngoài ra, cũng cần đưa thêm vào luật quy định: “Ở cấp phường xã, thị trấn có ít nhất một cán bộ chuyên trách về gia đình, trẻ em, bình đẳng giới” - là người được đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật thường xuyên, mang tính ổn định lâu dài. 

Trần Ngọc Ánh 
(TPHCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI